Từ cách ăn uống có thể nhìn ra nhân cách con người
Bàn về chuyện ẩm thực, Khổng Tử từng nói: “Người quân tử rời xa nhân đức, sao xứng với danh của người quân tử? Người quân tử ngay khi ăn một bữa cơm cũng không vi phạm nhân đức, lúc khẩn cấp nhất định cũng như vậy, khi lưu lạc nổi trôi cũng nhất định là như vậy”. Vậy nên mới nói từ cách ăn uống cũng có thể nhìn ra nhân cách của một con người.
Thời xưa, việc ăn uống cũng có rất nhiều quy củ. Trong “Luận Ngữ” chữ “Thực” xuất hiện 41 lần, trong đó 30 lần dùng để giải thích việc “ăn uống”. Nhưng đa phần đều nói về việc “không ăn”.
“Hương Đảng – Luận Ngữ” còn nhắc đi nhắc lại hơn chục lần chữ “không ăn”: “Cơm thiu có mùi, cá ươn thịt thối, không ăn. Màu xấu, không ăn. Mùi hôi, không ăn. Không nấu, không ăn. Không đúng giờ, không ăn. Cắt không đúng kích thước, không ăn. Nấu không vừa (chưa chín hoặc chín quá) không ăn. Thịt tuy nhiều, nhưng không được ăn quá mức. Chỉ có rượu không giới hạn, không say là được. Rượu thịt bán trên phố không sạch sẽ, không ăn. Không có gừng, không ăn nhiều. Tế thần không ăn thịt. Thịt cúng không quá ba ngày, nếu quá ba ngày, không ăn. Ăn thì không nói, ngủ cũng không nói.”
Nho gia không chỉ bàn về hình thức và nguyên tắc vệ sinh trong ăn uống, mà còn bàn rất nhiều về mối quan hệ giữa phẩm cách và thói quen ăn uống của một người. Chẳng hạn đối với đệ tử Nhan Hồi gia cảnh bần hàn, ăn uống đơn giản, nhà ở thô sơ, hiếu học không mệt mỏi, Khổng Tử hết lời khen ngợi: “Hiền thay trò Hồi! Một giỏ thức ăn, một bầu nước uống, ở trong ngõ sâu, người ta không chịu nổi ưu phiền, còn Hồi thì không thay đổi niềm vui của mình.”
Trên đường Khổng Tử chu du các nước, khi qua nước Trần, ông gặp phải cảnh khốn cùng, thầy trò phải chịu đói bảy ngày. Sử Ký chép rằng những người đi theo ông đều chán nản. Tử Lộ tủi phận mà rằng: “Người quân tử cũng có lúc thế này ư?” Khổng Tử nói rằng: “Quân tử khốn khó mà an phận, tiểu nhân khốn khó thì làm bừa”. Khổng Tử vẫn vui vẻ đàn hát, tâm tình của bậc thánh nhân cao xa như vậy!
“Luận Ngữ” chép: “Thực bất yếm tinh, khoái bất yếm tế”, nghĩa là trong việc ăn uống cần tinh tế, cơm gạo cần xử lý kỹ, thịt cần cắt mỏng. Yêu cầu sự tinh tuý và tỷ mỷ đối với việc nấu nướng cũng là tinh thần nhất quán khi thực hành sự đơn giản của Nho gia.
Chu Bá Lư thời nhà Thanh trong cuốn “Chu Tử trị gia cách ngôn” có bàn luận về ăn uống như sau: “Từ miếng cháo hạt cơm có được đều không dễ dàng” và “Đồ đựng thức ăn chỉ cần đơn giản, sạch sẽ, bát sành, đĩa sứ cũng hơn ly vàng chén ngọc. Cơm canh chỉ cần đơn giản, rau dưa đậu phụ còn ngon hơn vi cá, tổ yến.” Ý rằng chỉ cần đơn giản, tinh tế, không cần xa hoa, lãng phí, kỳ thực sự thanh tao trong ẩm thực vẫn luôn được truyền thừa suốt mấy nghìn năm.
Văn hóa truyền thống phản đối việc yến ẩm quá độ và xa hoa lãng phí. Trụ Vương ăn uống rượu thịt như rừng như bể, nên nước mất thân tàn. Vương Khải thời Tấn dùng nước đường rửa nồi, Thạc Sùng lệnh cho nhà bếp dùng nến làm củi đốt, hai người đều có kết cục bi thảm. Tề Hoàn Công thời Xuân Thu Ngũ Bá nếm hết thảy mọi cao lương mỹ vị trên thế gian, nhưng cuối cùng cũng chết dưới tay Dịch Nha. Vậy nên Âu Dương Tu thời Tống đã tổng kết khá hay rằng: “Biết lo lắng, chăm chỉ thì có thể hưng quốc; lười biếng, ham vui ắt sẽ vong thân”. Phú quý mà không tham luyến mới là bậc đại trượng phu.
Đứng trước mỹ thực, mỹ tửu trong ly, mỹ nhân kề bên, cám dỗ trước mắt, đã mấy ai có thể cự tuyệt sự cám dỗ đầy dục vọng đó? Truy cầu dục vọng, chính là phàm nhân, cự tuyệt dục vọng, chính là quân tử.
Cho nên, Khổng Tử thường dạy các đệ tử rằng không được theo đuổi cuộc sống cả ngày ăn no, nhàn rỗi, mà cần nhìn nhận rằng việc ăn uống nên đơn giản, bình thường. Một học trò của Khổng Tử là Tể Dư ngủ ngày, ông liền nói: “Cây mục thì không chạm trổ được, tường đất lở thì không trát lại được vậy”. Sau này quả nhiên Tể Dư không theo chính đạo, làm loạn bị diệt tộc. Khổng Tử xem việc không thể dạy dỗ Tể Dư làm điều xấu hổ trong lòng.
Khổng Tử dặn các trò của mình rằng: “Ăn cơm rau, uống nước mà kê tay gối cao đầu mà ngủ, niềm vui ở trong đó. Phú quý mà bất nghĩa, ta coi như phù vân”. “Quân tử ăn không cầu no, ở không cầu an, hành sự nhanh nhạy, phát ngôn cẩn trọng”, cần tập trung tinh lực, không mệt mỏi theo đuổi đại đạo nhân sinh, từ đó dưỡng thành phẩm cách như bậc thánh hiền.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News