Vì sao chúng ta thường “ảo tưởng sức mạnh”?
Thời gian gần đây, cụm từ “Ảo tưởng sức mạnh” là một câu nói vui được nhiều người, đặc biệt là giới trẻ sử dụng khá nhiều để ám chỉ những người tự tin một cách thái quá vào bản thân mình.
Trong một diễn đàn về khởi nghiệp, một chuyên gia có tiếng trong cộng đồng startup từng nhận xét rằng: “Startup Việt Nam thiếu kiến thức, lười, và quá ảo tưởng”.
Trong xã hội, chúng ta cũng hay gặp những người chẳng có chuyên môn nhưng lại phát biểu rất đao to búa lớn về lĩnh vực nào đó. Tâm lý “Ảo tưởng sức mạnh” càng được củng cố khi mạng xã hội ra đời, nơi người tham gia có thể tự do thể hiện quan điểm cá nhân với cả thế giới, mà không gặp phải bất cứ rào cản thời gian, địa lý hay hệ tư tưởng nữa,
Vậy, cái gọi là “Ảo tưởng sức mạnh” đó có thật sự tồn tại trong mỗi cá nhân hay không, và làm thế nào để biết được rằng “Tôi đang ảo tưởng sức mạnh”?
Thực ra, đây là một hiệu ứng tâm lý hoàn toàn có thật được có tên gọi là Dunning – Kruger.
Dunning – Kruger là tên hai thầy trò giáo sư tâm lý học David Dunning và Justin Kruger, những người đã đưa ra báo cáo chính thức về hiệu ứng này vào năm 1999. Theo đó, định nghĩa về hiệu ứng này như sau:
“Hiệu ứng Dunning – Kruger là một sự lệch lạc nhận thức trong đó những người kỹ năng kém đưa ra những quyết định tồi và những kết luận sai lầm, nhưng việc thiếu năng lực lại ngăn cản nhận thức về chính những sai lầm đó.”
Với một kỹ năng bất kì, những người chưa được rèn luyện về kỹ năng này sẽ:
– Không nhận ra được việc thiếu kỹ năng của mình.
– Không nhận ra được kỹ năng đích thực ở những người khác.
– Không nhận ra được mức độ nghiêm trọng của sự thiếu kỹ năng của mình.
– Nhận ra và thừa nhận sự thiếu kỹ năng của mình, nếu họ được huấn luyện về kỹ năng đó.
Nói một cách dễ hiểu, nếu một người chưa từng làm một việc nào đó, ví dụ như nấu ăn hay startup, thì họ sẽ thường có đánh giá chủ quan một cách sai lầm rằng: “Việc này cũng đơn giản thôi, mình cũng có thể làm được”.
Lúc này, họ “tự tin” sẽ làm được tốt khoảng 50%, nhưng thực tế nếu họ làm thật thì chỉ được 0 – 10% mà thôi.
Mức độ tự tin của người không có kỹ năng cao hơn hẳn chuyên gia và những người có kinh nghiệm.
Theo định nghĩa này, thông thường một người chưa từng trải nghiệm trong một lĩnh vực nào đó sẽ không nhận ra được việc mình bị thiếu kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực đó. Ví dụ như, một người lần đầu khởi nghiệp sẽ đánh giá hơi quá cao khả năng làm startup của mình. Đây có lẽ là một trong những lý do chính khiến những người lần đầu startup thường hay thất bại.
Theo hiệu ứng Dunning – Kruger, điều này bắt nguồn từ việc họ chưa có đủ kỹ năng xây dựng một startup. Và họ sẽ chỉ nhận ra điều này sau khi bị vấp ngã, được đào tạo và có bước tiến triển về kỹ năng đó.
Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều trường hợp “không chịu nhận ra” sự kém cỏi của bản thân. Mặc cho việc thi trượt, tắc trách trong công việc và làm hỏng mọi thứ, rốt cuộc người bất tài vẫn không tin là họ bất tài!
Vậy làm thế nào để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này?
Theo các chuyên gia, điều đầu tiên là phải tránh khỏi “bẫy” tâm lý: “Tôi đủ thông minh để không lọt vào hiệu ứng Dunning – Kruger”. Bản thân ý nghĩ này có thể chính là hiệu ứng Dunning – Kruger, hay nói cách khác cũng là một dạng của việc “Ảo tưởng sức mạnh”.
Điều quan trọng nhất, là cần ý thức học hỏi thêm về lĩnh vực mình quan tâm, có thể một lúc nào đó chúng ta sẽ “ngộ” ra rằng: “À, mình đã sai rồi”.
Sau khi khám phá ra hiện tượng thú vị này, David Dunning và Justin Kruger mô tả ngắn gọn hiện tượng này bằng cách trích dẫn một câu danh ngôn nổi tiếng của Bertrand Russell:
“Một trong những điều đau khổ của thời đại chúng ta là những ai cảm thấy chắc chắc lại là những kẻ ngu ngốc, còn người giàu tưởng tượng và tri thức lại lấp đầy bởi sự hoài nghi và lưỡng lự”.
Có lẽ, chúng ta nên dừng lại một phút để tự hỏi bản thân rằng: “Tôi có đang ảo tưởng sức mạnh”?
Nguồn: cafebiz, Thái Nam, Theo Trí Thức Trẻ