Bàn về nhu cầu và cơ cấu nguồn điện quốc gia trong vài thập kỷ tới
Nhu cầu điện và cơ cấu phát triển hợp lý các nguồn điện được chú ý ở tất cả các quốc gia. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và nhiều nguồn năng lượng truyền thống trên đà cạn kiệt. Các nước đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng bền vững và ngày càng đảm bảo công bằng xã hội. Nội dung tính toán, xác định nhu cầu và cơ cấu sử dụng tối ưu, hợp lý các nguồn điện cho quốc gia để phát triển bền vững đối với Việt Nam là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
PGS, TS. BÙI HUY PHÙNG – HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Một vài nét về Chiến lược và Quy hoạch điện lực quốc gia
Trong cả quá trình phát triển điện lực của Việt Nam cho tới nay (năm 2020), chúng ta đã xây dựng hai Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia (vào 2007 và 2020); 7 Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (QHĐ); cạnh đó còn có 5 Quy hoạch phát triển ngành than (QHT); 3 Quy hoạch phát triển dầu-khí (QHDK); một Quy hoạch năng luợng tái tạo (NLTT).
Nhìn chung các chiến lược, quy hoạch này đã định hướng và vạch những nội dung quan trọng cho quá trình phát triển ngành năng lượng nước nhà. Tuy nhiên, cũng còn thể hiện những bất cập về phương pháp, thiếu tính hệ thống, thiếu số liệu tính toán, cho đến thủ tục xây dựng, thẩm định và triển khai thực hiện, thường chỉ thực hiện vài năm là phải điều chỉnh!
Dưới đây xin trình bày đôi nét bất cập trong QHĐ và Chiến lược năng lượng mới đây, có thể xem chi tiết hơn [1, 2].
Về Quy hoạch điện lực với mấy chỉ tiêu chính:
2015 | 2020 | 2025 | 2030 | |
Nhu cầu điện (tỷ kWh) | ||||
QHĐ VII | 194-210 | 330-362 | 695-834 | |
QHĐVII (ĐC) | 165 | 265 | 400 | 575 |
Tổng CS nguồn điện (MW) | ||||
QHĐ VII | 43.100 | ~2.000 | 97.000 | 146.000 |
Điện than | 12.200 | ~2.000 | 45.000 | 77.000 |
Điện tái tạo | ~ 2.000 | 3.500 | 89.074 | 9.600 |
QHĐVII ĐC | 39.725 | 59.779 | 89.074 | 117.436 |
Điện than | 12.827 | 26.712 | 45.265 | 59.375 |
Điện tái tạo | ~2.000 | 4.000 | 7.050 | 11.800 |
Tuy QHĐ được tính toán khá công phu, nhưng vẫn thể hiện những bất cập; nhu cầu điện trình bày trên cho thấy còn cao, chưa hợp lý, đồng thời còn cho thấy những chỉ tiêu tổng quát không hợp lý:
Thứ nhất: Cường độ điện đối với GDP (kWh/USD) hiện nay ở nhiều nước đều ở mức 0,3-0,6 kWh/USD, Việt Nam cao xấp xỉ 1.
Thứ hai: Hệ số đàn hồi điện, những năm qua Việt Nam khoảng 1,5-1,6, theo yêu cầu đến năm 2020 giảm xuống 1, với kết quả dự báo và thực tế là không thể giảm được.
Thứ ba: Về nguồn, lưới điện phải xây dựng dồn dập, khó thực hiện, tới nay nhiều công trình không đạt tiến độ. Từ số liệu của báo cáo mới đây [9] cho thấy, các nhà máy điện theo kế hoạch vận hành vào năm 2020, nhưng chậm tiến độ 1-2 năm có tổng công suất trên 8.000 MW (từ tất cả loại hình đầu tư, mà chậm nhiều nhất là từ các dự án của PVN với 3.900 MW). Mặc dù vậy, báo cáo vẫn nhận định: Cung ứng điện năm 2020 của toàn hệ thống điện quốc gia cơ bản được đảm bảo.
Thứ tư: Nhu cầu than cho sản xất điện rất lớn, 78 triệu tấn vào 2020; 190 triệu tấn vào 2030 mà chưa rõ nguồn cung cấp, thiếu luận chứng; yêu cầu nhập LNG khối lượng lớn, giá cao, cơ sở hạ tầng cho nhập khẩu cũng thiếu luận chứng.
Thứ năm: Yêu cầu vốn đầu tư nguồn và lưới rất lớn:
Giai đoạn 2011-2020: Tổng đầu tư 48,8 tỷ USD, trong đó lưới 33% (5 tỷ $/năm).
Giai đoạn 2021-2030: Tổng đầu tư 75 tỷ USD, trong đó lưới 34% (7.5 tỷ $/năm).
Trong 20 năm, yêu cầu 120 tỷ USD, bình quân 6 tỷ USD/năm, rất khó đảm bảo; đồng thời nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư lưới chỉ 1/3 tổng đầu tư toàn ngành điện lực là chưa hợp lý. Điều này đã thể hiện bất cập về truyền tải trong những năm gần đây.
Những nghiên cứu bổ sung và chuẩn bị
Với một số điều chỉnh nói trên, nhận thấy vẫn chưa ổn tạo được sự tin tưởng. Thời gian qua Bô Công Thương đã tiến hành một số nghiên cứu sau:
Một là: Năm 2017, Bộ Công Thương đã yêu cầu xây dựng Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2016 – 2025, định hướng đền 2035 [3]. Báo cáo dự thảo được Viện Năng lượng – Bộ Công Thương chuẩn bị từ tháng 6/2017, tuy còn một số nội dung về phương pháp, tính cập nhật của số liệu cần được thảo luận, nhưng báo cáo đã được chuẩn bị khá công phu, theo đó, Quy hoạnh điện lực quốc gia được xét trong mối quan hệ năng lượng chung. Đáng tiếc, sau đó không thấy được tiếp tục, nghiên cứu chỉ có tính chuẩn bị cho xây dựng Quy hoạch điện VIII.
Hai là: Trong khuôn khổ dự án “Tích hợp các mục tiêu NLTT vào hệ thống điện Việt Nam” do World Bank giúp Bộ Công Thương thực hiện [4], báo cáo kết quả sơ bộ tại hội thảo ngày 30/5/2018 tại Hà Nội cho thấy: Các chuyên gia quốc tế đã có tính toán bước đầu tích hợp NLTT với hệ thống điện Việt Nam, trên cơ sở QHĐVII (điều chỉnh), nếu giảm 25% CO2, than 10%, phải đầu tư thêm 45 tỷ USD cho NLTT, để ổn định hệ thống điện cần đầu tư thêm 12 tỷ USD cho công suất dự trữ, cho đến 2035. Kết quả tính toán còn cần thảo luận cả về phương pháp và cơ sở dữ liệu. Chính các chuyên gia quốc tế thực hiện cũng thừa nhận ngay tại hội thảo, đây mới chỉ là “bài tập”, chỉ là “lời nhắn”, góp phần tiếp tục xây dựng QHĐ VIII tới đây.
Ba là: Dự án hợp tác của Bộ Công Thương và Đan Mạch: Triển vọng năng Việt Nam 2019-EOR19 [5], kết quả được thông báo trong hội thảo ngày 4/11/2019 tại Hà Nội, là công trình được nghiên cứu khá bài bản, với những tính toán khoa học trên cơ sở phối hợp ba mô hình, báo cáo đã trình bày 5 kịch bản phát triển điện và năng lượng, khuyến nghị một số chính sách cho Việt Nam. Tuy nhiên, một số giả thiết và số liệu tính toán chưa thật hợp lý, những đề nghị về nguồn năng lượng, tỷ trọng NLTT, ổn định hệ thống,… chắc còn cần tính toán và thảo luận cụ thể hơn.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang chỉ đạo triển khai xây dựng QHĐ VIII, Viện Năng lượng – tư vấn xây dựng quy hoạch, đã nghiên cứu chuẩn bị nghiêm túc, những kết quả ban đầu được thông báo tại hội thảo lần 1, ngày 8/7/2020. Với phương pháp, tư liệu, số liệu và 11 kịch bản phát triển điện lực quốc gia cho giai đoạn quy hoạch. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu trong hội thảo, đây là quy hoạch mang tính “mềm”. Theo chúng tôi, cần làm rõ hơn khái niệm “mềm”. Mặt khác, hiện đang có khá nhiều ý kiến nhận xét, cần tiếp thu, kể cả những “lời nhắn” của 3 “dự án bài tập” vừa qua và chỉnh sửa. QHĐ VIII còn có nhiệm vụ quan trọng là cụ thể hóa NQ55.
Theo chúng tôi, tính toán quy hoạch nên xây dựng 6 kịch bản chính:
1/ KB1 là KB cơ sở, phát triển bình thường, không hạn chế.
2/ KB2 với NLTT theo một số mục tiêu.
3/ KB3, hạn chế phát triển nhiệt điện than.
4/ KB 4 với một số chỉ tiêu hiệu quả và tiết kiệm năng lượng.
5/ KB5, giảm phát thải KNK theo một số mức.
6/ KB 6, Phát triển điện hạt nhân với một số giả thiết.
Mỗi kịch bản chính này sẽ gồm một nhóm các KB dẫn xuất (KB dẫn xuất được hiểu là KB được tính toán theo khung KB chính, nhưng có những thay đổi bổ sung). Tất cả các KB này sẽ được đánh giá, có thể theo phương pháp chuyên gia, cho điểm, hoặc phối hợp tính toán đánh giá theo lý thuyết tập mờ… Theo đó, lựa chọn danh sách ngắn các kịch bản có điểm nổi trội, làm cơ sở kiến nghị những kịch bản hợp lý. Nội dung, phương pháp, công cụ tính toán và cả kinh nghiệm xây dựng quy hoạch có thể tham khảo ở nhiều tài liệu trong và ngoài nước. Ví dụ [5, 6, 10, 11, 12…].
Về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam
NQ 55-NQ/TW về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam (CLPTNLVN) đến 2030, tầm nhìn đến 2045 [8] đã xác định mục tiêu tổng quát và những mục tiêu cụ thể rất quan trọng, có tính chỉ dẫn ngành NLVN trong thời gian tới.
Mục tiêu tổng quát:
Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.
Một số chỉ tiêu cụ thể:
2030 | 2045 | |
Tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp (tr.TOE) | 175-195 | 320-350 |
Tổng tiêu thụ NLCC (tr. TOE) | 105-115 | 160-190 |
Tổng công suất nguồn điện (1.000 MW) | 125-130 | |
Tổng sản lượng điện (tỷ kWh) | 550-600 | |
Cường độ NL sơ cấp (kgOE/1.000 USD) | 420-460 | 375-410 |
Tỷ lệ NLTT trong NLSC (%) | 15-20 | 25-30 |
Tỷ lệ TKNL trong tổng TT NLCC (%) | 7 | 14 |
Giảm phát thải KNK so với KBBT (%) | 15 | 20 |
Và một số tiêu chí tổng hợp khác:
1/ Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc tốp bốn nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc tốp ba nước dẫn đầu ASEAN.
2/ Các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước; đảm bảo mức dự trữ chiến lược xăng dầu đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng, đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỷ m3 vào năm 2045.
Tài liệu tham khảo về Định hướng CLPTLNVN đến 2030, tầm nhìn 2045 – Ban KTTW, NXB-ĐHKTQD, 2020 [9], tài liệu này, được một tập thể đông đảo cán bộ quản lý và khoa học chuẩn bị khá công phu, với gần 300 trang, biên tập thành 5 chương, 11 phụ lục, tuy phổ biến sau NQ55, nhưng có thể hiểu tài liệu này là những tư liệu làm cơ sở cho NQ55. Nghị quyết, dĩ nhiên cần trình bày súc tích ngắn gọn, còn tài liệu cơ sở tham khảo cần được trình bày những luận cứ, thậm chí cả những tính toán tổng hợp, khoa học; bởi vậy một số nội dung người đọc chưa thật yên tâm, cụ thể:
Thứ nhất: Chưa được tham khảo cơ sở những dự báo về nhu cầu NLSC, NLCC, điện năng… vào 2030 và 2045.
Thứ hai: Tương tự, tổng công suất nguồn điện đến 2030 dự kiến 130.000 MW, so với 2020 tăng khoảng 80.000 MW, bình quân mỗi năm phải tăng 8.000 MW, đầu tư khoảng 9 -10 tỷ USD, kể cả lưới điện khoảng 13-14 tỷ USD, liệu hệ thống điện và tài chính quốc gia có thể gánh nổi? Lưu ý rằng, sau nửa thế kỷ, nay chúng ta mới có trên 50.000 MW nguồn điện!
Thứ ba: Cũng tương tự, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng, 7 và 14%; mức độ giảm phát thải KNK 15 và 20%, tương ứng vào 2030 và 2045, chưa thấy luận chứng và giải thích, sau những chi tiêu này đều yêu cầu nhân tài vật lực rất lớn!
Về nhu cầu, cơ cấu nguồn năng lượng nói chung và nguồn điện quốc gia nói riêng trong vài thập niên tới là rất hệ trọng, cần được nghiên cứu tính toán một cách hệ thống, kỹ lưỡng. Để tính toán xác định nội dung này, theo Luật Quy hoạch, chúng ta cần căn cứ kết quả xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển KTXH quốc gia dài hạn đến 2040 – 2045 (được biết đã khởi thảo xây dựng cách đây hai năm, nhưng chưa thấy công bố); từ đó xây dựng các kịch bản phát triển năng lượng với nhiều giả thiết khác nhau, nhưng hiện nay Chiến lược, Quy hoạch KTXH chưa được công bố, đây là một khó khăn lớn.
Kết luận và kiến nghị
Để giảm những bất cập, tiến gần với thực tiễn phát triễn khách quan của ngành năng lượng nước nhà, xin kiến nghị mấy nội dung sau:
1/ Về phương pháp: Ngành năng lượng có tính hệ thống cao, theo phân cấp hệ thống (Hierarchi), trước hết cần tính toán, xây dựng Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia, tiếp theo từ những kết quả nhận được sẽ tính toán cho các quy hoạch phân ngành (điện, than, dầu-khí, hạt nhân, NLTT). Quá trình tính toán được thực hiện cho tới khi đạt tối ưu tổng thể và cả các phân ngành; xây dụng nhiều kịch bản rồi đánh giá chọn một số KB tối ưu, hợp lý, như phần trên đã đề cập.
2/ Tư liệu, số liệu phục vụ tính toán quy hoạch, chiến lược hết sức quan trọng, trong tính toán chỉ cần một số liệu thay đổi là kết quả khác ngay. Bởi vậy, cần được chuẩn bị theo yêu cầu của Luật Điện lực và Luật Quy hoạch để thống nhất, đủ tin cậy, có thẩm định và chịu trách nhiệm rõ ràng, cụ thể từ tiềm năng năng lượng, chỉ tiêu tài chính, chi phí đầu tư, chỉ tiêu các loại công nghệ, môi trường, giá cả của các loại nhiên liệu – năng lượng… chúng là đầu vào – đầu ra của nhau trong tính toán thì kết quả tính toán mới chính xác, ít sai lệch.
3/ Nội dung đánh giá môi trường chiến lược cần được chú ý đúng mức, thể hiện rõ phương pháp, có những tính toán cần thiết, thực hiện tốt tham vấn cộng đồng.
4/ Công tác tư vấn, thẩm định cần được đổi mới, mỗi phân ngành không nên chỉ định một tư vấn duy nhất, cần thực hiện đấu thầu, hợp tác; việc thẩm định cũng cần nghiêm túc theo luật, ràng buộc tránh nhiêm; kết quả quy hoạch được công bố lấy ý kiến tham vấn cộng đồng./.
Tháng 7/2020
Tài liệu tham khảo:
[1] QHĐ VII- 2011& QHĐ VII ĐC (3-2016)
[2] Bất cập của QHĐ VII và kiến nghị khắc phục, Tạp chí năng lượng Việt Nam (5-2018)
[3] Báo cáo Dự thảo QH NLTT – Viện NL- Bộ CT (7-2017)
[4] Tài liệu hội thảo Bộ CT và WB (Hà Nội 2018)
[5] BC Triển vọng NLVN-EOR19 (Hà Nội, 11-2019)
[6] RE for Vietnam, Institute Sustainable Futures, Autralia (2019)
[7] Định hướng CLPTNLQGVN đến 2030, tầm nhìn 2045, Ban KTTW, NXB Đại học KTQD (HN 2020)
[8] NQ55-NQ/TW về ĐHCLNLQGVN đến 2030, tầm nhình 2045
[9] Báo cáo về tình hình thực hiện các dự án điện trong QHDDVII đ/c, Bộ CT số 32/BC-BCT (HN25-5-2020)
[10] Methodological Guide-EFOM-ENV, United Nations (1992)
[11] Model for Energy Supply Strategy Alternatives and their General Environmental Impacts-MESSAGE, IAEA (2003)
[12] Bùi Huy Phùng, Phương pháp tính toán TƯ phát triển bền vững HTNL, NXB KH&KT (Hà Nội 2011)
[13] Bùi Huy Phùng, QHNLTTQG là cơ sở khoa học và pháp lí của các QH phân ngành năng lượng, Tạp chí năng lượng Việt Nam (số 8, 9) năm 2012
[14] Bui Huy Phùng, Tính hệ thống của sử dụng hiệu quả năng lượng, Tạp chí năng lượng Việt Nam (2-2020)
[15] Bùi Huy Phùng, Điện Tái tạo và Điện hạt nhân: Hai nguồn chiến lược của Việt Nam, Tạp chí năng lượng Việt Nam (5-2020)
Thegioibantin.com | VinaAspire News
Nguồn: NangluongVietnam