Chỉ Mỹ cứu được giá dầu: Vì sao họ không hành động?

0

Theo PGS,TS. Bùi Xuân Hồi, Mỹ có khả năng thực hiện cắt giảm sản lượng dầu mỏ nhưng liệu Mỹ có hành động hay không thì vẫn còn tranh cãi.

Recuperation de petrole a la raffinerie d'Al Mansoura, controlee par les djihadistes de l'Etat Islamique

Vì sao là người Mỹ?

PGS.TS Bùi Xuân Hồi, giảng viên Bộ môn Kinh tế Công nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội không quá ngạc nhiên khi chuyên gia Citigroup cho rằng, Mỹ là nước duy nhất có thể thay đổi tình hình giá dầu vào lúc này. Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh, đây chỉ là giả thuyết Mỹ có thể can thiệp vào thị trường dầu vào thời điểm hiện tại.

Lý giải điều này, vị chuyên gia cho rằng, sau một chu kỳ giá dầu tăng cao kéo dài, tạo động lực cho các nghiên cứu trong lĩnh vực khai thác dầu mỏ phát triển và đã làm cho lượng cung về dầu mỏ gia tăng mạnh mẽ. Một trong những thành tựu lớn nhất từ phía cung là Mỹ đã thành công với công nghệ khai thác dầu đá phiến, giúp Mỹ từ một quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc không nhỏ vào dầu thô nhập khẩu trở thành nhà sản xuất dầu mỏ số 1 thế giới vào năm 2014. So với OPEC, có thể sản lượng của Mỹ không bằng cả khối này, nhưng nếu so với quy mô một nước thì Mỹ đang là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, thậm chí năm 2014 Mỹ còn vượt cả Saudi Arabia.

“Trong tình trạng dư cung dầu mỏ như hiện nay, chuyên gia Citigroup đưa ra nhận định như trên là vì khi dư thừa dầu, để giá không xuống quá thấp, cách duy nhất là phải cắt giảm sản lượng. Vậy ai là người sẵn sàng cắt giảm và có thể làm được việc đó?

Hiện nay có 3 chủ thể thâu tóm thị trường dầu mỏ (như những nhà độc quyền nhóm – PV), đó là OPEC, Nga và Mỹ. Về mặt chiến lược, các chủ thể độc quyền nhóm sẽ không cắt giảm sản lượng dầu mỏ.

Trước hết là OPEC, đầu tháng 12/2015, với sự quyết đoán của Saudi Arabia, các nước thuộc tổ chức này đã đồng thuận áp dụng chiến lược mà họ đã đưa ra cách đây 1 năm, tức là tiếp tục duy trì thị phần của OPEC trước các đối thủ là Nga và Mỹ. Lựa chọn này gây ra tổn thất không nhỏ cho OPEC, đặc biệt là các thành viên yếu hơn như Venezuela, Algeria hay Nigeria, tuy nhiên nó vẫn là sự lựa chọn vượt trội. Đó là vì không ở đâu có chi phí khai thác dầu mỏ rẻ như ở OPEC, ngay cả khi giá dầu xuống 20 USD/thùng thì việc cung ứng dầu của OPEC vẫn sinh lời, thậm chí đối với Saudi Arabia, giá dầu có về mức 15 USD/thùng thì họ vẫn có lãi. Với sự phụ thuộc lớn vào dầu thô và chi phí khai thác thấp như thế, không lý do gì OPEC phải cắt giảm sản lượng, đặc biệt trong bối cảnh như hiện nay.

Mặt khác, việc OPEC duy trì chiến lược giá thấp bằng cách không cắt giảm sản lượng dầu sẽ tạo áp lực lớn cho đối thủ của họ – những nhà sản xuất dầu có chi phí cao. Giá dầu thấp trong thời gian ngắn thì không sao nhưng giá thấp trong thời gian dài sẽ khiến các nhà sản xuất có chi phí cao gặp vô vàn khó khăn và thậm chí là ngừng cung ứng. Khi loại bỏ được các nhà cạnh tranh khác có chi phí cao hơn ra khỏi thị trường, thị phần của OPEC ngày càng lớn lên, vai trò của tổ chức này ngày càng được củng cố. Hành vi này của OPEC không có gì mới mẻ.

Thứ hai, về phía Nga, dù muốn hay không nguồn thu ngân sách của Nga vẫn phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu dầu mỏ và Nga là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba trên thế giới sau Mỹ, Saudi Arabia. Nga cũng không có chủ trương cắt giảm sản lượng dầu mỏ, nếu không muốn nói rằng những cơ hội kinh tế khác từ Nga kém xa so với Mỹ hay các nước khác.

Nga và OPEC rất khó tìm được tiếng nói hợp tác trong việc trong cắt giảm sản lượng khi OPEC đã chính thức lên tiếng với chiến lược bảo đảm thị phần của họ. Và nếu Nga và OPEC có thỏa thuận được với nhau để cắt giảm sản lượng thì điều đó thậm chí có lợi cho các nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ vì với tình trạng dư thừa như hiện nay, OPEC và Nga có hợp tác và cắt giảm sản lượng thì vô hình dung họ sẽ mất thị phần vào tay Mỹ.

Còn giữa Nga và Mỹ hố sâu ngăn cách, các lệnh cấm vận, trừng phạt ngày càng nặng nề nói gì tới sự hợp tác về dầu mỏ. Nga vẫn phải bảo đảm một tỷ trọng ngân sách từ dầu mỏ nhất định và ứng phó các chiến lược từ OPEC và Mỹ, chính vì thế không có lý do gì Nga phải cắt giảm sản lượng. Trong điều kiện hiện nay, nếu Nga càng cắt giảm bao nhiêu thì người thiệt hại là Nga vì Nga cắt giảm một thì OPEC sẽ đẩy ngay sản lượng của họ vào vị trí Nga cắt giảm.

Vai trò quyết định của Mỹ trong chiến dịch giải cứu giá dầu

Những ngày qua, dù giá dầu đã phục hồi một chút nhưng mức giá quanh ngưỡng 30 USD/thùng vẫn thấp hơn 70% so với thời điểm tháng 6/2014. Trong khi nguồn cung dầu vẫn thừa quá nhiều thì chuyên gia của Citigroup nhận định, Mỹ là nước duy nhất có thể thay đổi bối cảnh hiện tại.

Đồng tình với nhận định này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng điều này có liên quan đến vai trò của Mỹ đối với kinh tế thế giới nói chung và sự tăng, giảm của giá dầu lửa.

Theo đó, từ những năm 1940, kinh tế thế giới bắt đầu lấy đồng USD làm đồng tiền chung trong giao thương quốc tế và đồng tiền của các nước khác đều cố định vào USD với biên độ dao động trên dưới 1%, còn đồng USD cố định vào vàng. Thế giới coi đồng USD như vàng, thậm chí tốt hơn vàng vì vận chuyển đơn giản, nhẹ nhàng hơn, có thể đổi sang vàng bất cứ lúc nào. Đồng USD trở thành đồng tiền thông dụng của thế giới.

Trong khi đó, Mỹ là quốc gia có nền công nghiệp phát triển, tiêu thụ dầu lửa nhiều nhất thế giới, đặc biệt trong thời gian trước đây khi kinh tế thế giới chưa thực sự phát triển, Mỹ mua phần lớn dầu lửa của thế giới. Vì thế dầu Brent Biển Bắc hay các chuẩn dầu khác của thế giới chỉ dùng USD để đo đếm. Đây là một lợi thế của Mỹ, ngay cả khi OPEC thành lập cũng lấy USD làm đồng tiền chuẩn, từ đó nó trở thành thói quen trên thị trường quốc tế và không có bất cứ đồng tiền nào có thể chen chân được. Rất nhiều nước có tiềm năng về dầu mỏ muốn dùng đồng tiền khác để thay thế USD đo đạc giá dầu nhưng không thành công. Ngay cả từ những năm 1971-1972 trở đi, USD không được các tổ chức chính thức trên thế giới coi là đồng tiền chung nhưng trong giao thương quốc tế USD vẫn là đồng tiền chủ chốt.

Bởi vậy, đến nay USD vẫn là đồng tiền mạnh quyết định, không phải chỉ trong lĩnh vực dầu mỏ mà trong tất cả các giao thương quốc tế. Mỹ cũng được các nhà đầu tư đánh giá là thị trường năng động, chủ chốt của thế giới, người ta thường sử dụng các thông tin trên thị trường Mỹ để tham chiếu khi ra các quyết định về giá cả, đầu tư. Cho nên, nước Mỹ có lợi thế, đó là sự lên xuống của USD cũng như thị trường Mỹ sẽ ảnh hưởng đến sự lên xuống của các đồng tiền khác và các thị trường khác.

Chẳng hạn, đối với thị trường dầu, khi Chính phủ Mỹ quyết định nâng giá đồng USD hay sản xuất của Mỹ bị trì trệ thì lập tức giá dầu giảm xuống, hay khi họ tuyên bố tăng lượng dầu mỏ dự trữ giá dầu sẽ tăng lên…

“Mỹ được lợi nhiều hơn mất khi giá dầu giảm vì Mỹ tiêu thụ năng lượng nhiều nhất của thế giới, lượng dầu sản xuất ra của Mỹ từ trước đến nay luôn thiếu hụt so với nhu cầu nội địa, chưa nói đến việc lãnh đạo Mỹ không muốn khai thác ồ ạt các mỏ dầu mà coi đó là của để dành.

Dĩ nhiên khi giá dầu thấp kéo dài sẽ tác động đến ngành khai thác dầu mỏ của Mỹ nói riêng và thế giới nói chung, đặc biệt một khi thị trường ấy bị trì trệ, khủng hoảng thì khả năng phục hồi rất lâu và tốn kém. Sự trì trệ của ngành dầu mỏ cũng sẽ tác động đến các ngành sản xuất khác, làm cầu tiêu dùng của thế giới giảm, sản xuất tiêu dùng co lại và tự nó kéo kinh tế thế giới đi chậm lại, ngay cả đầu tàu kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, nước Mỹ là người đi đầu và tự coi mình là lãnh đạo của thế giới nên phải có trách nhiệm với kinh tế thế giới. Bởi vậy, Mỹ sẽ phải cân đối để dầu mỏ giảm ở mức độ vừa phải, nếu cứ giảm mãi ngay cả Mỹ cũng có thể lâm vào khủng hoảng vì nó sẽ gây ra tác động dây chuyền”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Thiệt hại của doanh nghiệp dầu lửa Mỹ

Một trong những lý do có thể thúc đẩy Mỹ ra tay cứu giá dầu, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đó là thiệt hại của các công ty dầu lửa Mỹ.

Cho đến nay trên thế giới vẫn tranh cãi về chi phí khai thác dầu đá phiến. Có người nói chi phí khai thác dầu đá phiến phải 40 USD/thùng vì đây là phương pháp khai thác mới, quy trình khá phức tạp, chưa kể chi phí phục hồi các mỏ và đảm bảo môi trường…

Ý kiến khác lại cho rằng chi phí khai thác chỉ khoảng 20 USD/thùng nhưng đó là tùy từng địa điểm khai thác. Nhưng với thực tế giá dầu giảm sâu như hiện nay, nhiều doanh nghiệp dầu đá phiến của Mỹ đã phải đóng cửa thì có nghĩa chi phí khai thác không hề rẻ.

Nếu Mỹ có ý định dìm Nga bằng giá dầu thì đến thời điểm này đã không thành công, Moscow không chết, thậm chí còn mạnh lên.

“Như vậy, nhiều nơi có thể có chi phí khai thác rẻ hơn nhưng mặt bằng chung của thế giới, chi phí sản xuất dầu nằm ở mức 40-50 USD/thùng. Chính vì giá bán không thể thấp hơn mức chi phí khai thác nên sớm muộn giá dầu sẽ phải quay lại giá trị thực của nó. Điều này tạo ra sức ép với các nhà quản lý, không chỉ của Mỹ mà đối với nhiều nước trên thế giới. Khi một ngành sản xuất vỡ nợ sẽ phương hại đến nền kinh tế và nhiệm vụ của các nhà quản lý kinh tế là phải làm cho tất cả các ngành nghề phù hợp với nhau, đáp ứng mục tiêu nền kinh tế vận hành trơn tru. Do đó, họ sẽ phải tìm cách phục hồi giá dầu”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Bản thân các nhà sản xuất dầu đá phiến phải hành động đầu tiên, vị chuyên gia khẳng định. Theo đó, công nghệ khai thác dầu đá phiến là công nghệ mới nên việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, các chi phí liên quan đến việc khai thác tương đối lớn. Để trả tiền cho công nghệ này, các nhà sản xuất dầu đá phiến có thể sử dụng một phần vốn của họ, một phần phải đi vay. Nếu khai thác thì dần dần được khấu trừ nhưng với tình cảnh giá dầu hiện nay, không ít doanh nghiệp dầu đá phiến Mỹ đã phải ngưng khai thác – đó là các doanh nghiệp có chi phí khai thác lớn hơn giá thành.

Nhưng nếu cứ kéo dài tình trạng này, nhiều doanh nghiệp phải phá sản, không chỉ chi phí mà số nợ của doanh nghiệp cũng sẽ rất lớn, trở thành nợ xấu, từ đó tác động đến hệ thống tài chính, ngân hàng Mỹ – những người đã bỏ tiền cho các doanh nghiệp này đầu tư vào công nghệ mới. Đó là chưa kể đến lượng công nhân thất nghiệp, chi phí bảo dưỡng máy móc thiết bị trong quá trình tạm ngưng sản xuất…

Vì thế, các doanh nghiệp dầu đá phiến nói riêng và ngành khai thác dầu Mỹ sẽ có tiếng nói mạnh mẽ đến các cơ quan thiết lập chính sách để điều chỉnh giá dầu.

Toan tính với Nga không thành công

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trước đây, Mỹ từng sử dụng thành công chiêu bài giá dầu đối với Liên Xô.

Cụ thể, vào những năm 1980, thị trường dầu lửa thế giới rơi vào tình trạng dư cung. Liên Xô là quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới và ngân sách phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu từ dầu để trả tiền nhập hàng hóa từ phương Tây cũng như có kinh phí hỗ trợ các nền kinh tế vệ tinh ở Đông Âu. Sự bắt tay của Mỹ và Saudi Arabia đã gây ra “cú sốc giá dầu ngược”, đánh sụp chỗ dựa của kinh tế Liên Xô. Đi kèm đó, Mỹ phá giá mạnh đồng USD khiến thặng dư thương mại của Liên Xô giảm mạnh.

Theo các nghiên cứu, cú sốc giá dầu thập niên khiến Liên Xô thiệt hại 20 tỷ USD/năm, đẩy nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Trong vòng 5 năm, Liên Xô rơi vào cảnh vỡ nợ và tan rã. Dĩ nhiên đằng sau sự tan rã của Liên Xô còn nhiều lý do khác và đòn giá dầu của Mỹ chỉ là giọt nước làm tràn ly.

Còn ở thời điểm này, vị chuyên gia cho rằng, nếu có chăng ý đồ chính trị của Mỹ đối với Nga thì nó đã không thành công.

“Nhiều ý kiến cho rằng Nga đang gặp rất nhiều khó khăn và có thể sụp đổ. Nhưng thực tế giá dầu thấp đã 1-2 năm Nga vẫn chưa chết. Giống như Mỹ trước đây trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ nhất vào những năm 1973-1974, giá dầu tăng gấp 4 lần khiến các nhà nhập khẩu dầu không có tiền để nhập và nền sản xuất thế giới bị đình trệ vì không có dầu. Nhưng từ đó nó cũng thúc đẩy các nhà sản xuất kinh doanh tiết kiệm dầu, tiến hành tích trữ và tìm các nguồn năng lượng khác thay thế dầu mỏ, kinh tế thế giới dần thích ứng với điều kiện không có dầu. Chính vì thế, đến cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ hai vào những năm 1980 bài học kinh nghiệm đã khác. Nếu ở lần thứ nhất, cả thế giới nháo nhác, sản xuất của thế giới trì trệ thì đến những năm 1980 sự thích ứng đã dễ dàng hơn.

Chính vì thế, sự bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây cùng chiêu bài giá dầu thấp đã kéo dài đến năm thứ hai và trong thời gian đó kinh tế Nga đã tự thích ứng được, thậm chí họ đã để ý đến việc đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp khác, từ công nghiệp sản xuất máy móc thiết bị, sản xuất máy bay, vũ khí đến các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng… Ngoài ra với nông nghiệp, từ đất nước chỉ có một mùa trong năm, người Nga đã tiến tới tự sản xuất, đồng thời dựa vào Trung Quốc để phát triển nông nghiệp. Một phần nó đảm bảo cung cấp hàng hóa tức thời, mặt khác nó cũng tạo ra sự trao đổi về khoa học công nghệ, phương thức canh tác và các điều kiện khác làm thay đôi bộ mặt nông nghiệp Nga trước nay vốn rất trì trệ.

Nói cách khác, sự bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây, việc giá dầu sụt giảm chính là cơ hội để Nga tái cơ cấu nền kinh tế.

Ví dụ, trong công nghiệp sản xuất động cơ máy bay, tên lửa, trước nay không phải người Nga không làm được mà cho rằng nếu như để Ukraine và một số nước khác thuộc Liên Xô cũ làm thì họ đi mua sẽ rẻ hơn là xây một nhà máy, đào tạo công nhân… Còn bây giờ, khi bị bao vây cấm vận Nga buộc phải để ý đến điều này, buộc phải đầu tư để tự cung cấp và Nga hoàn toàn làm được bởi họ có công nghệ.

Rõ ràng, nếu như có mục đích chính trị trong việc sử dụng giá dầu thấp thì Mỹ đã không thành công, nước Nga không chết ,thậm chí còn mạnh lên. Nó giúp Nga phát triển không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, vũ khí mà các ngành công nghiệp phục vụ sản xuất tiêu dùng cũng được đổi mới, làm kinh tế Nga phát triển toàn diện hơn. Trong khi đó ở chiều ngược lại, nếu việc cấm vận khiến Nga mất 10 thì các nước EU, Mỹ cũng thiệt hại 7-8″, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Đặt câu hỏi, liệu giá dầu có thể đi lên khi Mỹ ra tay giải cứu khi còn quá nhiều yếu tố kéo giá dầu đi xuống (sự trở lại của Iran trên thị trường xuất khẩu dầu, thông tin kinh tế xấu từ Trung Quốc…)? Vị chuyên gia khẳng định: Vai trò của Mỹ vẫn là quyết định vì Mỹ có thể làm đồng USD lên xuống, kinh tế Mỹ vẫn là đầu tàu thế giới, tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới, chưa nói đến trong quan hệ chính trị – xã hội Mỹ có thể tác động tới Saudi Arabia và nhiều quốc gia khác.

Ngoài ra, về mặt kinh tế thị trường, không doanh nghiệp nào có thể chịu ôm lỗ mãi vì giá thấp, họ sẽ buộc phải cắt giảm sản lượng. Thời gian này trong đà giảm chung của thế giới, giá dầu còn đi xuống nhưng sau đó sẽ tăng trở lại. Có thể cuối năm 2016 đầu năm 2017 giá dầu sẽ trở lại đúng giá trị của nó, ít ra là trên mức trung bình của giá thành khai thác.

Thegioibantin.com

Nguồn: Nangluongvietnam online, THÀNH LUÂN/ ĐẤT VIỆT

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ