Để PVN tiếp tục phát triển và vẫn là trụ cột của nền kinh tế
Trong giai đoạn hiện nay được cho là đặc biệt khó khăn đối với ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu. Nhiều quốc gia trong và ngoài OPEC đã, đang nỗ lực phối hợp cắt giảm sản lượng, sẵn sàng chấp nhận hy sinh lợi ích cục bộ để chung sức đẩy giá dầu lên, tái cân bằng thị trường. Là một quốc gia có sản lượng dầu thô xuất khẩu không lớn, nhưng Việt Nam cũng bị tác động không nhỏ từ “cơn sóng gió” này… Vậy, đâu là giải pháp để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển bền vững, đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc dân và hội nhập thành công? Về vấn đề này, ông Hồ Tế (nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính, kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu mỏ – Khí đốt Việt Nam) và ông Trần Ngọc Cảnh (nguyên Tổng giám đốc – PVN) đã có những chia sẻ tâm huyết dưới đây…
Ông Hồ Tế (bên phải) và ông Trần Ngọc Cảnh tại buổi trả lời phỏng vấn. Ảnh: Hiền Anh
Thưa ông Hồ Tế, thưa ông Trần Ngọc Cảnh – hai ông từng giữ những cương vị lãnh đạo, quản lý cao nhất của ngành Dầu khí Việt Nam, xin cho biết một vài nhận định tổng quát về quan điểm và tư duy phát triển lĩnh vực công nghiệp dầu khí của Việt Nam?
Ông Hồ Tế: Dầu khí là ngành quan trọng đối với chính trị, kinh tế (đặc biệt là kinh tế biển) và an ninh, quốc phòng của đất nước; một ngành kinh tế tổng hợp có quan hệ từ Trung ương đến địa phương, hợp tác quốc tế rộng rãi, vừa có tính chất công nghiệp, tài chính – thương mại, sản xuất với khoa học công nghệ cao lại vừa mang tính dịch vụ.
Có thể nói, ngay từ sau khi đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt, nhất quán, từ định hướng đường lối đến chính sách ưu đãi đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi và chỉ đạo sát sao mọi hoạt động của ngành Dầu khí Việt Nam. Trong hơn 40 năm qua, PVN được Nhà nước giao quyền thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí trên toàn bộ lãnh thổ, vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và ký kết hợp đồng dầu khí với các tổ chức tiến hành các hoạt động dầu khí ở Việt Nam theo quy định của Luật Dầu khí và các quy định khác của pháp luật.
Ông Trần Ngọc Cảnh: Đã hơn 2 năm kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23-7-2015 về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 với trọng tâm là: tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Trong đó, tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi được quan tâm chú trọng đầu tư nhằm phát hiện, xác minh nguồn trữ lượng dầu khí, bảo đảm giữ vững an ninh năng lượng quốc gia, phát triển ổn định, bền vững ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam.
Nghị quyết đã mở ra một vận hội mới cho sự phát triển của PVN và là động lực lớn lao đối với niềm tin, khát vọng của những người làm công tác dầu khí.
Ngày 16-10-2015, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 95/2015/NĐ-CP, tạo ra một khung khổ pháp lý hoàn chỉnh quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí, cũng như quy định đầy đủ chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Công Thương và PVN trong các hoạt động dầu khí.
Nghị quyết 41 và Chiến lược phát triển ngành Dầu khí được Chính phủ phê duyệt đều chỉ rõ mục tiêu phải xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát triển bền vững, đồng bộ, mạnh về nhân lực, tài chính và khoa học – công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động hội nhập quốc tế, là trụ cột, đầu tàu dẫn dắt các lĩnh vực kinh tế khác phát triển, có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, phải phát triển theo nguyên tắc kinh tế thị trường với hiệu quả kinh tế cao, có trọng tâm, trọng điểm theo từng thời kỳ; phát huy tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; mở rộng, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái.
Ba năm trở lại đây, công nghiệp dầu khí thế giới rơi vào khó khăn khi giá dầu suy giảm sâu và kéo dài, tác động xấu đến hoạt động của ngành Dầu khí Việt Nam, bên cạnh đó, một số vụ việc tiêu cực trong ngành bị phanh phui, ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín và thương hiệu của PVN, xin cho biết đánh giá về vấn đề này?
Ông Hồ Tế: Con đường phát triển phía trước của PVN sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng không nên quá bi quan. Thử thách của lĩnh vực này chính là luôn đầy chông gai và rủi ro cao. Có lúc giá dầu chưa đến 10 USD/thùng, chúng ta vẫn trụ được. Vừa qua, thật đáng tiếc là trong ngành đã xảy ra một số sự việc, sự cố không mong muốn do một số cá nhân cán bộ mắc sai lầm trong công tác quản lý. Tuy vậy, ngành Dầu khí Việt Nam vốn đã trải qua nhiều giai đoạn gian khổ và chưa từng lùi bước, vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao. Đó cũng chính là bản lĩnh, là niềm tự hào truyền thống của PVN.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; sự chia sẻ, đồng hành, vào cuộc trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, tôi tin rằng, bằng sự nỗ lực, quyết tâm của mình, PVN hoàn toàn có cơ sở để vượt qua mọi thách thức.
Ông Trần Ngọc Cảnh: Bên cạnh yếu tố giá dầu suy giảm và giữ ở mức thấp kéo dài như hiện nay, gây nên nhiều khó khăn cho lĩnh vực cốt lõi của ngành là tìm kiếm – thăm dò – khai thác dầu khí và các lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị dầu khí, thì các vụ việc liên quan đến các dự án kéo dài, chậm tiến độ, chưa hiệu quả, cũng như sai phạm của một số cá nhân trong PVN… đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt hoạt động của Tập đoàn và tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, người lao động Dầu khí.
Tuy vậy, trong những khó khăn đó, thực tế là PVN vẫn đứng vững, hoàn thành tốt và vượt mức các nhiệm vụ kế hoạch được Chính phủ giao, luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, là doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Chúng tôi, những người làm công tác Dầu khí đã nghỉ hưu, trân trọng, đánh giá cao sự cố gắng vượt bậc và các đóng góp của lãnh đạo và người lao động của PVN đối với ngành và đất nước.
Tôi cho rằng, các vụ việc tiêu cực đã xảy ra chỉ là cá biệt và tập trung trong một giai đoạn nhất định so với cả chặng đường lịch sử 56 năm xây dựng và phát triển của ngành này. Đây là bài học đau đớn đối với PVN. Với thời gian, các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ xem xét xử lý công khai, minh bạch trách nhiệm của những người có liên quan, còn ngành Dầu khí Việt Nam với đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động và các cơ sở công nghiệp hiện đại trị giá hàng chục tỷ đô la đã được Đảng, Nhà nước và các đối tác trong, ngoài nước đầu tư suốt mấy chục năm qua sẽ vẫn phải tồn tại, phát triển.
Chúng ta phải làm gì để thực hiện thành công Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Bộ Chính trị phê duyệt tại Nghị quyết số 41- NQ/TW ngày 23-7-2015? Đó mới là những điều mà chúng ta – những người làm công tác Dầu khí phải cùng nhau chuẩn bị, phải có các giải pháp kiến nghị Đảng, Chính phủ, Quốc hội tạo điều kiện cho chúng ta thực hiện. Đó cũng là cách tư duy tích cực và nhìn nhận đúng những khó khăn chủ quan và khách quan trong giai đoạn hiện nay.
Trong khi nhiều khoản đầu tư cho ngành Dầu khí đang bị thu hẹp thì gần đây nhiều ý kiến cho rằng, cần phải siết chặt quản lý với PVN, thậm chí hạn chế quyền chủ động quyết định các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước cho PVN. Vậy tư duy theo hướng nào sẽ được coi là tích cực, thưa hai ông?
Ông Hồ Tế: Những năm qua, song hành với các nghĩa vụ đối với Nhà nước, PVN cũng được giao quyền chủ động quyết định đối với nhiều công trình, dự án trọng điểm về Dầu khí sau khi được Bộ Công Thương và Chính phủ phê duyệt; quyết định các dự án đầu tư, hợp đồng vay, cho vay, mua, bán tài sản có giá trị đến dưới 30% vốn điều lệ của PVN theo quy định của pháp luật. Trong đó, nguồn kinh phí được Nhà nước phê duyệt chủ trương đầu tư trở lại cho PVN đã có thời kỳ lên đến 50% tổng tiền lãi dầu khí nước chủ nhà (thu được từ hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, lợi nhuận được chia từ Liên doanh dầu khí Vietsovpetro và tiền phí đọc tài liệu dầu khí) mỗi năm.
Mặc dù trên thực tế, do khó khăn, ngân sách phải điều tiết, cân đối chung, khoản kinh phí này chưa bao giờ được cấp đủ và kịp thời cho PVN, thậm chí mấy năm gần đây chỉ còn chưa tới phân nửa. Tuy vậy, cũng chính nhờ có sự “đầu tư cho tương lai” ấy, ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và đồng bộ trong 10 năm qua, bảo đảm an ninh năng lượng, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách Nhà nước, đồng thời cũng nâng cao vị thế của PVN trên trường quốc tế.
Tôi cho rằng, mọi chính sách về nguồn lực tài chính, về kiểm soát đối với PVN cần phải được phản biện, trao đổi và cân nhắc hết sức thận trọng, bởi nó mang tính kiến tạo cho sự phát triển và để PVN có thể ứng phó kịp thời với những đặc thù của hoạt động dầu khí; đồng thời cũng có những tác động rất to lớn với nền kinh tế. Các bộ, ngành cần xem xét toàn diện các khía cạnh pháp lý, kinh tế, ngoại giao trước khi trình Chính phủ quyết định thay đổi hay điều chỉnh các vấn đề về tổ chức, hoạt động cũng như các cơ chế tài chính, đầu tư đối với PVN.
Ông Trần Ngọc Cảnh: Theo tinh thần của Nghị quyết 41, Chính phủ sẽ quyết định tỷ lệ lãi dầu khí nước chủ nhà để lại cho PVN theo từng thời kỳ phù hợp với pháp luật về dầu khí và với tình hình thực tế của đất nước. PVN chủ động xây dựng, điều chỉnh các kế hoạch phát triển phù hợp với tỷ lệ để lại; có phương án tăng cường huy động nguồn vốn từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét, cân đối nguồn lực cho PVN từ các nguồn vốn hợp pháp khác… trong trường hợp cần thiết để bảo đảm yêu cầu đầu tư phát triển của Tập đoàn. Chính phủ xây dựng quy định cụ thể về việc sử dụng và cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn lực tài chính của PVN đúng mục đích và có hiệu quả.
Tôi cho rằng, tư duy tích cực là phải tin tưởng và bám sát những định hướng phát triển PVN mà Bộ Chính trị đã xác định. PVN là một doanh nghiệp tầm quốc gia, có quan hệ hợp tác quốc tế rộng rãi, cần có các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, quản trị doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế, với xu hướng hội nhập hiện nay để thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển chứ không nên xử lý theo kiểu “không quản được thì cấm” hay “siết chặt” một cách cứng nhắc.
Đối với các dự án còn dang dở, biện pháp tích cực là khắc phục kịp thời, không né tránh, mạnh dạn chuẩn bị và báo cáo với Đảng, Chính phủ và Quốc hội về các giải pháp kinh tế – kỹ thuật, tài chính – thương mại, tổ chức – nhân sự… nhằm kịp thời xử lý các bế tắc và sớm đưa các công trình, dự án này vào sản xuất.
Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội cần cho PVN cơ hội để báo cáo toàn diện và đầy đủ các giải pháp, kể cả về tài chính sao cho trên dưới đồng lòng, xử lý dứt điểm các vướng mắc để sớm hoàn thành các dự án, bởi vì đối với các dự án loại này, mỗi ngày trôi qua là một ngày giảm hiệu quả đầu tư và lãng phí.
Việc phòng ngừa bằng cách hạn chế đầu tư cho PVN sẽ là một bước lùi về quản lý, không chỉ ảnh hưởng đến khâu tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác như công nghiệp khí, điện khí, lọc – hóa dầu khí, sản xuất phân đạm, dịch vụ dầu khí… và hệ quả là sẽ làm giảm đóng góp của ngành Dầu khí Việt Nam vào ngân sách Nhà nước.
Để đảm bảo nguồn thu lâu dài cho Nhà nước và sự phát triển bền vững cho PVN, trong giai đoạn khi các quyết sách của Chính phủ đối với công tác tái cơ cấu, thoái vốn, cổ phần hóa… các đơn vị trong Tập đoàn chưa mang lại hiệu quả mong muốn, thì bên cạnh các biện pháp tăng cường công tác thẩm định, xem xét phê duyệt và thắt chặt kiểm tra giám sát đối với các hoạt động đầu tư của PVN, Nhà nước vẫn cần để lại một tỷ lệ thích đáng từ nguồn thu của PVN để tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực cốt lõi của ngành như đẩy mạnh công tác tìm kiếm – thăm dò – gia tăng trữ lượng dầu khí, khai thác, công nghiệp khí, lọc hóa dầu khí… Đây về thực chất là các biện pháp căn cơ để nuôi nguồn thu lâu dài cho quốc gia.
Với quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ cũng đã đề ra nhiều định hướng và giải pháp quan trọng nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tạo mọi thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh… Tôi tin rằng, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã và sẽ tiếp tục tin tưởng, tạo điều kiện để PVN ngày càng phát triển và tiếp tục giữ vai trò trụ cột của nền kinh tế quốc dân.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM