Sức bật PV Trans trên thị trường vận tải biển
Trong 15 năm hình thành và phát triển, Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans) đã trải qua không ít thăng trầm. Nhất là giai đoạn 2009 – 2010, thị trường vận tải biển chứng kiến sự tụt dốc không phanh của các ông lớn trong ngành và PV Trans không là ngoại lệ. Nhưng, với bản lĩnh và ý chí mạnh mẽ, sự kiên định và quyết liệt trong công tác tái cấu trúc, cùng truyền thống của “những người đi tìm lửa” đã giúp PV Trans dần hồi sinh, đồng thời tạo nên sức bật lớn trên thị trường vận tải biển trong nước và quốc tế.
Còn nhớ giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 dẫn đến hàng loạt công ty tài chính và ngân hàng lớn trên thế giới phá sản. Đây cũng là giai đoạn ngành vận tải biển thế giới rơi vào đợt suy thoái sâu, hàng loạt công ty vận tải biển lớn trên thế giới thua lỗ triền miên dẫn tới bị phá sản. Hiệu ứng domino, nhiều công ty vận tải biển trong nước khó khăn ngày càng chồng chất, rồi sự sụp đổ của Vinashin, Vinalines và một số doanh nghiệp vận tải biển có tên tuổi khác đã khiến bức tranh ngành vận tải biển Việt Nam vô cùng bi đát.
Khi PV Trans cổ phần hóa cũng là lúc ngành vận tải biển rơi vào suy thoái và chạm đáy vào thời điểm 2010 – 2011, khi giá cước giảm tới 80% và giá tàu giảm đến 70% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2005 – 2006. Không nằm ngoài vòng xoáy nghiệt ngã này, PV Trans có đến 80% công ty con thua lỗ, đọng vốn trong các dự án đầu tư kéo dài, công ty mẹ và các công ty con không có khả năng trả nợ ngân hàng. Có thời điểm khó khăn nhất, PV Trans còn đứng trước phương án chia tách và sáp nhập công ty mẹ về các công ty khác đang hoạt động hiệu quả hơn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Để vượt qua khủng hoảng và trụ vững, từ năm 2010, PV Trans tiến hành tái cấu trúc toàn diện và triệt để. Việc tái cấu trúc được thực hiện quyết liệt và đồng bộ trên tất cả các phương diện. Về tài sản, PV Trans thanh lý các tàu cũ với chất lượng không đảm bảo. Về tài chính, PV Trans đàm phán giãn nợ với các ngân hàng, xử lý toàn bộ chênh lệch tỉ giá của những năm trước. Về đầu tư, PV Trans xử lý các dự án tồn đọng và không thực hiện đầu tư mới. Về thị trường, từ phần lớn phụ thuộc vào thị trường Đông Nam Á, PV Trans chuyển hướng mở rộng hoạt động ra thị trường thế giới. Về mô hình quản trị, PV Trans thay đổi toàn diện theo hướng chuyên nghiệp hóa, phân công trách nhiệm rõ ràng giữa công ty mẹ và các công ty thành viên, tạo tính chủ động cho đơn vị…
Bên cạnh đó, PV Trans đã thành lập đơn vị tự quản lý kỹ thuật tàu thay vì đi thuê các công ty nước ngoài. Và từ chỗ phải đi thuê thuyền viên nước ngoài vận hành đội tàu, đến nay, PV Trans không những đã thay thế toàn bộ thuyền viên nước ngoài bằng thuyền viên nội địa mà còn thực hiện xuất khẩu thuyền viên đi quốc tế.
Bên cạnh sự quyết liệt trong công tác tái cấu trúc, việc ứng dụng các sáng kiến trong hoạt động cũng được vận dụng hiệu quả. Theo đó, các giải pháp về hợp lý hóa quy trình vận hành khai thác tàu, rà soát siết chặt định mức tiêu hao nhiên liệu tàu, thực hiện chương trình kaizen phát huy các sáng kiến tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả khai thác, thực hành tiết kiệm giúp giảm chi phí đáng kể và nâng cao hiệu quả kinh doanh của đơn vị.
Với hàng loạt biện pháp tái cơ cấu vô cùng quyết liệt, cùng với sự hỗ trợ rất lớn của PVN, từ năm 2011, PV Trans có nguồn thu ổn định, hoạt động có lãi, vượt qua khủng hoảng, tạo đà tăng trưởng bền vững liên tục cho những năm sau.
Sức bật trên thị trường vận tải biển
Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, từ khi chỉ có duy nhất 1 con tàu vận tải dầu thô với khoảng 100 người lao động, đến nay, PV Trans phát triển đội tàu vận tải dầu khí hiện đại lên 19 tàu, với tổng trọng tải gần 700.000 DWT. PV Trans vươn mình trở thành tổng công ty vận tải biển với 11 đơn vị thành viên, gần 2.000 người lao động và hiện trở thành doanh nghiệp có năng lực vận tải hàng lỏng lớn nhất Việt Nam.
Sau 15 năm phát triển, mặc dù từng qua những giai đoạn khó khăn khốc liệt nhất của thị trường vận tải biển, nhưng PV Trans đã có sự tăng trưởng ấn tượng. Tăng tưởng hằng năm trung bình đạt 15-20%, đặc biệt giai đoạn từ lúc PV Trans cổ phần hóa và chuyển thành tổng công ty cách đây 10 năm (năm 2007), doanh thu cao gấp 13 lần, lợi nhuận tăng hơn 24 lần. Riêng năm 2016, doanh thu dịch vụ vận tải đạt 2.869 tỷ đồng (tăng 3% so với năm 2015); doanh thu cho thuê và quản lý kho nổi – FSO/FPSO đạt 663 tỷ đồng (tăng 35% so với năm 2015); đặc biệt, dịch vụ hàng hải và logistic đạt 3.201 tỷ đồng (tăng 28% so với năm 2015).
Yếu tố tiên quyết để có được những thành quả này chính là nhờ PV Trans luôn theo đuổi triết lý xuyên suốt: “Chuyên nghiệp – Sáng tạo – Đoàn kết – Nhân ái”. Đặc biệt, PV Trans luôn đặt con người là yếu tố quan trọng hàng đầu. Chính vì vậy, từ khi thành lập đến nay, PV Trans luôn chú trọng vào công tác đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, PV Trans chú trọng tạo cho toàn bộ cán bộ, nhân viên môi trường làm việc chuyên nghiệp, từng bước xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao qua các khóa học trong và ngoài nước, đặc biệt là qua môi trường thực tế công việc.
Minh chứng là sau 15 năm phát triển, PV Trans được đánh giá là đơn vị vận tải có năng lực đội tàu chở hàng lỏng lớn nhất Việt Nam, nằm trong Top 50 doanh nghiệp tốt nhất Việt Nam năm 2015; lọt vào Top 38/700 doanh nghiệp có hoạt động quan hệ đầu tư (IR) tốt nhất năm 2016 do Hiệp hội Các nhà quản trị tài chính Việt Nam đánh giá xếp hạng, Top 100 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam, Doanh nghiệp vận tải thủy số 1 Việt Nam theo VNR500…
Trong thành quả này không thể không kể đến sự quan tâm và chỉ đạo xuyên suốt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, những quyết sách đúng đắn của đội ngũ lãnh đạo Đảng bộ, Hội đồng Quản trị, Ban Tổng giám đốc cùng sự nỗ lực của gần 2.000 người lao động trong toàn Tổng công ty… đã tạo nên sức bật của PV Trans ngày hôm nay.
Nói về sức bật lớn và niềm tự hào của PV Trans sau giai đoạn khủng hoảng, Tổng giám đốc Phạm Việt Anh chia sẻ: Vận tải biển là lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt. Trong một vài năm qua, khủng hoảng kinh tế dẫn tới sự phá sản của nhiều hãng tàu trên thế giới, kể cả các hãng tàu lớn cũng công bố những con số lỗ khổng lồ. Đối với hầu hết các đơn vị vận tải biển trong nước, mục tiêu chính hiện tại không phải là lợi nhuận mà là có thể “sống sót” qua thời khủng hoảng.
Cũng theo ông Phạm Việt Anh, những gì PV Trans đạt được trong những năm qua không phải là ngoại lệ, mà là kết quả của một quá trình dài tự vận động, tự thay đổi trong ý thức và hành động.
Tiếp nối truyền thống 15 năm hình thành và phát triển, ngày nay, với khát khao vượt sóng vươn xa, PV Trans tin rằng cùng với sự chuyên nghiệp, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới không ngừng sẽ đưa con tàu PV Trans làm nên sức bật mới trên thị trường trong nước và quốc tế, đem lại lợi ích cao nhất cho các cổ đông.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM