Khí thiên nhiên hóa lỏng ở xứ sở của người Viking

Bài tùy bút của tác giả Bỳ Văn Tứ tiết lộ những điều "mắt thấy, tai nghe" trong cuộc hành trình từ Việt Nam đến Na Uy để gặp đối tác và hoàn tất Báo cáo đầu tư cũng như thống nhất các công việc tiếp theo.

0 325
Ngày 15 tháng 10 năm 2011, đoàn chuyên gia chúng tôi lên đường đến Na Uy theo lời mời của đối tác để thăm cơ sở và phương tiện của họ, để có số liệu thực tế “mắt thấy, tai nghe” giúp cho việc hoàn tất Báo cáo đầu tư cũng như thống nhất các công việc tiếp theoTùy bút của Bỳ Văn Tứ

 

Chưa bao giờ tôi được đến các nước trên bán đảo Scandinava. Mấy năm nay, tôi thầm nghĩ, mình nhất định phải tới thăm Thụy Điển, Phần Lan hay Na Uy mới được!

Thế rồi, chẳng hẹn mà nên. Năm 2011, tôi làm tư vấn cho dự án LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng). LNG là một sản phẩm đang được buôn bán ngày càng rộng rãi trên thị trường thế giới và sẽ còn phát triển mạnh trong nửa đầu của thế kỷ 21. Việc nhập khẩu LNG liên quan tới tàu bè và kho cảng. Kho cảng, tàu chở LNG là những thứ sử dụng công nghệ mới. Các nhà đầu tư Việt Nam phải hợp tác với đối tác nước ngoài, mà trong đó, Na Uy là nước có công nghệ và kỹ thuật hàng hải đứng đầu thế giới.

Đối tác Na Uy mời các chuyên gia dự án sang thăm cơ sở và phương tiện của họ để có số liệu thực tế “mắt thấy, tai nghe” giúp cho việc hoàn tất Báo cáo đầu tư cũng như thống nhất các công việc tiếp theo.

Ngày 15 tháng 10 năm ấy chúng tôi lên đường.

Đoàn chúng tôi đi bằng máy bay của hãng hàng không Thái Lan. Quá cảnh ở sân bay Băng Cốc lúc 22 giờ 15, chúng tôi chuyển máy bay đi Oslo. Nửa đêm cất cánh từ sân bay Băng Cốc. Hơn 10 tiếng đồng hồ ngồi trên máy bay, hết ngả lưng chợp mắt ngủ chập chờn, lại xem phim trên màn ảnh nhỏ. Trên máy bay Boing 777 bay đường dài, hành khách có mỗi người một màn ảnh nhỏ ở lưng ghế trước và có tai nghe để xem phim hay nghe nhạc tùy thích. Nhưng xem mãi cũng chán, ngồi mãi ê ẩm cả người. Hơn 7 giờ sáng (giờ địa phương) máy bay hạ cánh ở sân bay Oslo, sau một đêm với đoạn đường dài khoảng 9 nghìn 3 trăm cây số. Ở nhà bây giờ đã quá trưa.

Sân bay Oslo, buổi sớm êm đềm. Giờ này, thường không có nhiều máy bay lên xuống ở các sân bay quốc tế, cho nên hành khách cũng không nhiều lắm. Xa xa, phía ngoài sân bay, cánh rừng Bắc Âu khoe màu lá vàng trong tiết trời cuối thu se lạnh.

Mọi người lấy hành lý xong, ra tới cửa sân bay thì đã thấy ông Carl Verdrup đứng chờ đón đoàn. Chắc ông Carl đã từ Băng Cốc về Oslo trước để chuẩn bị chương trình làm việc hai bên. Ông dẫn chúng tôi ra bến tàu hỏa tốc hành để về khách sạn ở trung tâm thành phố. Ở Na Uy mọi người thường sử dụng phương tiện giao thông công cộng đi từ sân bay về thành phố, vừa an toàn, vừa tiện lợi lại rẻ hơn đi taxi. Tôi nhìn vé tàu, giá 170 korron, tương đương khoảng 30 đô la. Tàu khởi hành chính xác từng phút.

Ông Carl kể chuyện cho chúng tôi: Đất nước Na Uy nhiều đồi núi, mà toàn là núi đá. Gọi là tàu tốc hành, nhưng thực ra tốc độ chỉ đạt khoảng 50-60 km mỗi giờ, vì các tuyến đường, nhiều đoạn quanh co, xuyên qua nhiều hầm, leo nhiều dốc. Từ sân bay về trung tâm khoảng ba chục cây số mà tàu hỏa phải chui qua mấy cái hầm. Ông Carl nói, đường hầm xuyên núi dài nhất của Na Uy là 25 km. Dân số Na Uy khoảng 4,8 triệu người, diện tích trên 300 nghìn cây số vuông mà có tới trên 4 nghìn cây số đường sắt. Tôi thầm so sánh, Việt Nam ta diện tích gần bằng Na Uy, dân số đông gấp gần hai chục lần mà đường sắt chỉ bằng một nửa của họ. Ông Carl cho biết, công ty đường sắt Na Uy luôn bị lỗ, nhưng Chính phủ muốn duy trì hệ thống đường sắt cho dân chúng đi lại và vận chuyển hàng hóa, nên phải sử dụng ngân sách bù lỗ. Tàu dừng vài ga cho khách xuống. Kiến trúc nhà ga và nhà cửa dọc đường trông chẳng khác gì quang cảnh ở Nga hoặc ở Rumani mà tôi từng được qua.

Chúng tôi xuống tàu, trong ga gần trung tâm thành phố Oslo. Phải kéo vali leo ba lần thang cuốn mới lên được đường phố chính. Rồi lại kéo vali đi bộ mấy trăm mét mới đến khách sạn Scandic KNA (Kong Norsk Automobil). Khách sạn là tòa nhà vuông vắn ở sát đường phố, không có sân, chỉ có lối lên theo sườn dốc, mặt tiền không có trang trí, không gắn sao. Chúng tôi nhận phòng, nội thất cũng bình thường như khách sạn ba sao loại cũ ở Việt Nam. Tôi tò mò hỏi cô lễ tân, cô cho biết giá phòng ở đây trung bình khoảng 250 đô la mỗi đêm, kể ra cũng khá đắt đỏ!

Khí thiên nhiên hóa lỏng ở xứ sở của người Viking
Tàu chở LNG cỡ nhỏ của Norgas (Nguồn: Norgas)

Bảo tàng Viking Ship

Rửa mặt, xếp đồ xong, chúng tôi xuống sảnh. Hôm nay Chủ nhật, ông Carl sẽ dẫn đoàn đi tham quan thành phố Oslo. Ông dẫn chúng tôi băng qua mấy dãy phố đến bến xe bus. Đường phố này có đủ các tuyến xe bus, tàu điện. Bến xe bus, có hai ghế dài có mái che. Xung quanh thấy la liệt các mẩu thuốc lá, rác bừa bộn. Phía bên kia đường, trong sân trước cửa tòa nhà là bức tượng Thủ tướng Churchil của nước Anh hồi Đại chiến thế giới thứ 2, trông cũng bình dị như những con người ở đây vậy. Chúng tôi lên xe đi thăm bảo tàng Viking Ship.

Gần 10 giờ, bảo tàng chưa mở cửa, vắng teo, chỉ có chúng tôi và một phụ nữ khoác túi và máy ảnh, dáng như một hướng dẫn viên hay một nhà nghiên cứu. Nắng thu vàng rực rỡ phản chiếu từ các hạt băng còn đậu trên ngọn cỏ. Chắc đêm qua nhiệt độ ở đây khoảng 0 độ! Lớp băng mỏng trên mặt đá lát lối vào bảo tàng, nhè nhẹ giòn tan dưới gót giày, gây một cảm giác là lạ trong không khí yên bình, lành lạnh. Bên cạnh ngôi nhà bảo tàng là bức tượng hai vợ chồng nhà sử học người Mỹ, ông Carl nói, họ đã có công phát hiện ra nền văn minh của người Viking.

Đúng 10 giờ, một tiếng “cạch” khá rõ ở cửa. Chúng tôi mở cửa đi vào. Chỉ thấy một chị ở quầy bán vé và một cảnh sát đứng bên trong. Đúng là thưa người thật! Giá vé vào cửa là 100 korron.

Trên lãnh thổ Na Uy, có dấu vết của cư dân tồn tại từ chín nghìn năm trước Công nguyên. Hơn ba trăm năm, từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 12, người Viking đã chinh phục và xây dựng nên đế chế của mình, một vùng rộng lớn từ bán đảo Scandinava qua Greenland, Anh quốc, Scotland, Ireland, Pháp xuống tới Thổ Nhĩ Kỳ, phía đông tới tận biển Caspian. Họ đã xây dựng nhiều thuộc địa và các hải cảng như Dublin, Normandy, Iceland…

Người Viking nổi tiếng một thời với tài đi biển, buôn bán và cướp biển. Thuyền Viking dài, đáy bẹt với ba chục tay chèo, là nỗi khiếp sợ cho dân và quân đội các nước ven biển thời đó. Cướp biển Viking là nỗi kinh hoàng của dân đi biển cả một vùng rộng lớn từ Biển Bắc, Đại Tây Dương, Biển Barent xuống tới Địa Trung Hải, Biển Đen, suốt mấy trăm năm. Từ năm 1100 sau Công nguyên, Viking suy yếu dần và bị các nước châu Âu đè bẹp. Năm 1380, Na Uy bị sát nhập vào Đan Mạch tới năm 1814, rồi nhập vào Vương quốc Thụy Điển. Năm 1905 Na Uy được độc lập.

Mấy chiếc thuyền Viking trưng bày trong bảo tàng được làm bằng loại gỗ tốt ở vùng Bắc Âu, rắn chắc và cứng cáp. Bánh lái khỏe khoắn gắn ở bên đuôi thuyền, làm cho tôi có cảm giác, người bẻ lái phải có sức lực mạnh mẽ phi thường. Người Viking thời đó đã xây dựng được nhiều thương cảng dọc bờ biển và cửa sông, mà dấu ấn vẫn còn tới ngày nay. Nghe nói, ở Kiev, Ukraina, người ta cũng khai quật được thuyền Viking.

Trong bảo tàng còn trưng bày cả xe trượt tuyết bằng gỗ trạm trổ khá tinh xảo, dụng cụ sinh hoạt và đồ trang sức làm bằng gỗ, nạm đồng của người Viking.

Tàu thám hiểm Bắc cực Frame

Sau khi xem một vòng bảo tàng Viking Ship, ông Carl lại dẫn chúng tôi ra bến xe bus, đi sang Bảo tàng tàu thám hiểm Bắc cực Frame. Ngôi nhà bảo tàng được xây dựng ôm gọn chiếc tàu Frame, nằm trên bờ đối diện của hải cảng Oslo. Phía sau bảo tàng Frame là bến tàu khách, dùng cho một số tàu du lịch loại nhỏ chạy xung quanh vịnh. Từ ngày mồng một tháng mười, ở Na Uy bắt đầu chuyển sang chế độ sinh hoạt mùa đông, loại tàu này dừng hoạt động, trên bến chỉ có một số du thuyền nhỏ neo đậu. Phía bên kia vịnh là những bến phà biển, mỗi tuần hai lần chở khách và xe hơi sang Đức, Đan Mạch và Hà Lan.

Chiếc tàu Frame thật hùng vĩ. Các thanh gỗ lớn, chắc nịch, ôm lấy mũi tàu, để chịu được va đập của các tảng băng ở Bắc Băng Dương. Ba chiếc cột buồm bằng gỗ to khỏe, cao lừng lững. Các cánh buồm chằng chịt dây chão và ròng rọc, cùng với những thang dây leo lên gần đỉnh cột, mà ở trên đó là chiếc thùng gỗ cao đến cổ, dùng cho nhân viên hoa tiêu đứng quan sát và chỉ đường cho tàu len lỏi qua các tảng băng. Chúng tôi chui vào hầm tàu, không có điện, tối thui. Quờ quạng một hồi rồi quay ra. Đi một vòng trên mặt boong tàu, tôi mới cảm nhận được cái nghề đi biển ngày xưa ở bán đảo Scandinava này, đòi hỏi những người phải mạnh mẽ và có sức chịu đựng dẻo dai.

Xuống khỏi tàu, ông Carl dẫn chúng tôi đi một vòng, xem các dụng cụ hàng hải, nhật ký hành trình và các bản đồ thám hiểm Bắc cực và Nam cực của tàu Frame, trưng bày trên tường xung quanh nhà. Ông dẫn chúng tôi vào một căn phòng nhỏ, mô hình hóa điều kiện khí hậu của chiếc tàu nằm kẹt trong băng giá, mà ở đó, nhiệt độ âm 30 độ được coi là ấm áp! Ông chú họ của ông Carl là một trong các chỉ huy tàu Frame đã từng tham gia cuộc thám hiểm. Ông Carl trông giống hệt ảnh ông già cao lớn, bộ râu rậm thuộc dòng họ Verdrup, đứng trong cảnh băng tuyết Bắc cực! Một lần, tàu Frame bị kẹt trong băng ở vùng Greeland, cả đoàn thủy thủ phải vật lộn với băng giá, tìm mọi cách đưa tàu ra. Với sức lực, dụng cụ, vật liệu và phải dùng tới cả thuốc nổ, sau 3 năm trời, tàu Frame mới thoát được ra, trở về. May mà thủy thủy đoàn không ai bị hy sinh. Ông kể về ông chú họ Verdrup. Đoàn thám hiểm phát hiện ra vùng đất mới. Báo về nhà vua để lĩnh thưởng theo quy định. Nhưng chờ mãi mà chẳng có hồi âm. Đoàn phải bán cho Canada. Phần của ông Verdrup được 200 nghìn đô la. Ông mua đồn điền ở Cuba, trồng thuốc lá và làm xì gà. Khi cách mạng nổi lên, toàn bộ tài sản ở Cuba bị quốc hữu hóa và ông mất sạch…

Ra khỏi bảo tàng tàu Frame, tôi cảm nhận được, con cháu người Viking, qua bao nhiêu thế hệ, trải qua vô vàn thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, đã hình thành được một tinh thần và chí khí mạnh mẽ, với niềm đam mê khám phá và mạo hiểm, và đặc biệt đã tích lũy được kinh nghiệm siêu việt về nghề đi biển, có công nghệ và kỹ thuật hàng hải đứng đầu thế giới.

Phong thái Na Uy

Tối nay Chủ nhật, các bạn chủ nhà Na Uy mời cơm thân mật. Trời khô ráo, không rét lắm, chúng tôi đi bộ ra dãy phố nằm trên bờ cảng. Các nhà hàng, quán bia nằm sát bên nhau nhìn ra vịnh. Hoàng hôn xuống, nhưng còn thấy rõ các con tàu khách cặp bến không xa đó là mấy. Ông Carl cho biết, đấy là một trong những con tàu chạy bằng LNG.

Nhân viên nhà hàng ở đây có vẻ điềm đạm, ôn hòa, không náo nhiệt như ở Texas hay ở Italia. Các món ăn Na Uy ngon, nhất là cá biển, phong cách phục vụ đặc trưng của dân châu Âu. Rượu vang ngon, có lẽ một phần do không khí nhà hàng và tiết trời mát mẻ.

Sáng 17 tháng 10 đoàn làm việc với các đối tác Na Uy.

Đại diện Công ty Gravifloat trình bày công nghệ chế tạo kho cảng nổi dùng cho LNG. Đây là công nghệ mới, có thể đặt ở ven biển, cửa sông, không cần bến bãi trên đất liền, dưới là kho chứa LNG, trên là cầu tàu, có thể đặt thiết bị hóa hơi, nhà máy phát điện tới 200 MW. Tất cả chế tạo tại xưởng đóng tàu, kéo đến và cho nước vào thùng, nhấn chìm và neo xuống đáy là xong. Khi nào cần, có thể di chuyển đến nơi khác. Họ đang chế tạo ở châu Phi, đang chào hàng và đàm phán với Trung Quốc mấy dự án một lúc, rồi cả cho Indonesia và Việt Nam.

Hãng Antony Verderer đóng tàu chở khí từ năm 1968, năm 1990 bắt đầu đóng tàu chở LNG. Hiện nay họ vừa đóng tàu, vừa cho thuê tàu, khai thác tàu, dàn xếp tài chính cho các dự án đóng tàu LPG, LNG, Etylen, CO2, từ loại nhỏ 1.250-15.600 M3 tới các tàu lớn 35.000-300.000 M3. Gần đây, họ tập trung đóng tàu LNG, tàu dịch vụ, tàu kéo và các phương tiện chuyên dụng (tàu lặn…).

Tập đoàn BW, bao gồm các công ty BW Offshore, BW Gas, BW Venture, BW Maritime, BW Fleet Management. Trong Công ty BW Venture có: BW Gas Solution, BW Power, BW Marine Capital. Những công nghệ mới của họ là Gravifloat, Essy LNG, LNG và FSU.

Buổi chiều đoàn sang trụ sở của DNV thăm và trao đổi về các hoạt động liên quan đến công nghệ và kỹ thuật LNG. DNV là một hãng kiểm định quốc tế, cấp chứng chỉ về chất lượng và an toàn cho các công trình xây dựng, chế tạo thiết bị, phương tiện nổi, tàu chở dầu khí. Họ có lực lượng mấy nghìn người làm việc ở Oslo và nhiều chi nhánh ở các nước. DNV có hoạt động ở Việt Nam nhiều năm nay.

Các công ty của Na Uy, nhìn chung là ít người. Họ tập trung vào các công nghệ cao, chuyên môn sâu về công nghệ biển. Công nghệ đóng tàu lớn, họ đã chuyển sang cho Nhật Bản, Hàn Quốc và bây giờ là Trung Quốc.

Khí thiên nhiên hóa lỏng ở xứ sở của người Viking
Xà lan dùng LNG chạy tuyến Oslo – Bắc Âu (Ảnh: Tác giả)

Mini LNG Biển Bắc: Quy mô nhỏ giải quyết mục tiêu lớn

Ngày 18/10 chúng tôi đi Bergen, cách Oslo khoảng 600 cây số. Máy bay hạ cánh rung bần bật. Trời mưa và gió to. Ông Carl nói, thời thiết mùa này là như vậy, hiếm khi trời tốt hơn.

Thành phố Bergen nằm trên bờ Biển Bắc, đá nhiều, đất ít, còn phía ngoài là biển sâu, sóng dữ. Chúng tôi ở khách sạn Scandinavian, đã có tuổi thọ ba trăm năm. Sàn nhà lát gỗ, hành lang hẹp mà ngoắt ngoéo, khối nhà sau nối với khối nhà trước bằng cầu thang. Anh thanh niên trẻ làm tiếp tân kiêm phục vụ đưa chúng tôi nhận phòng. Phố này hẹp, khách sạn không lớn và phòng ốc cũng nhỏ. Không gian có vẻ vừa cổ, vừa ấm cúng cho miền đất chịu giá rét nhiều hơn nắng ấm.

Người của Công ty Gasnor đến đón chúng tôi đi thăm nhà máy hóa lỏng khí. Công ty Gasnor là một công ty chuyên kinh doanh, phân phối khí nén (CNG) và khí lỏng (LNG) ở Na Uy. Đây là công ty cổ phần, trong đó Công ty Dầu khí Na Uy State Oil nắm 41%, Total 7%, Shell 4% và những cổ đông khác nắm phần còn lại. Gasnor mua khí từ 5 khách hàng khác nhau và bán cho bốn chục khách hàng công nghiệp, nhiều khách hàng dân dụng và giao thông vận tải.

Trời mưa và gió to. Nhà máy cách thành phố ba chục cây số, trên bờ Biển Bắc. Đường đi qua nhiều đồi, núi đá, thỉnh thoảng mới thấy vạt đất nhỏ có cây cỏ. Càng ra xa thành phố, nhà dân càng thưa thớt. Gió tạt mạnh, mưa đá bắt đầu rơi. Những hạt nước đá cỡ bằng hạt ngô nhỏ, đập vào kính trước, vào thân xe âm vang. Tôi hơi lo, với tốc độ gió mạnh và tốc độ xe chạy ngược chiều gió mấy chục cây số một giờ, không hiểu kính xe có chịu nổi không? Thấy nét mặt ông bạn Na Uy vẫn lái xe chạy thản nhiên, tôi nghĩ, chắc ở đây, chuyện mưa đá thế này đã quen rồi, xe đã được thiết kế và chế tạo chịu được sức va đập của mưa đá.

Đến đoạn đường chênh vênh trên triền núi cao, ông chỉ cho chúng tôi hãy nhìn ra phía trái là Biển Bắc. Ông dừng xe cho chúng tôi xuống chiêm ngưỡng Biển Bắc trong gió mưa! Xa xa, những hòn đảo nhô lên mặt biển sóng bạc đầu. Bầu trời mây vần vũ. Phía dưới là biển sâu, dốc đá sừng sững làm cho mình cảm nhận được sự hùng vĩ của thiên nhiên dữ dội, mà tôi mới chỉ nghe, chỉ đọc qua báo chí về khí hậu khắc nghiệt của Biển Bắc. Mấy anh em ra tranh thủ chụp vội mấy tấm ảnh. Gió tạt ngang. Mưa đá lẫn mưa nước quất vào mặt, lùa vào người ớn lạnh.

Nhà máy LNG của Công ty Gasnor nằm sát bờ vịnh đá nhìn ra Biển Bắc. Người ta phải khoét đá, làm nền xây nhà máy. Thành núi đá còn in những vết mũi khoan cắt đá cao hàng chục mét, khi họ làm mặt bằng xây dựng. Nhà máy sử dụng nguyên liệu là khí thiên nhiên khai thác ở ngoài khơi Biển Bắc. Na Uy xuất khẩu khí thiên nhiên cho các nước Tây Âu bằng đường ống. Họ trích một lượng khí dẫn mấy chục cây số về đây bằng một đường ống nhỏ.

Từ cổng nhà máy, đã nhìn thẩy một khẩu hiệu rất ấn tượng: “Gasnor – Quy mô nhỏ giải quyết mục tiêu lớn!”. Nhà máy có hai dây chuyền hóa lỏng khí. So với các nhà máy hóa lỏng khí trên thế giới với công suất từ ba triệu đến năm triệu tấn mỗi năm thì nhà máy này gọi là nhà máy Mini LNG. Bồn chứa khí lỏng LNG lớn nhất ở đây cũng chỉ bốn nghìn mét khối, tàu chở LNG dung tích một nghìn mét khối. Những kích cỡ này trong công nghiệp LNG thuộc loại mini. Sản phẩm LNG mini từ đây sẽ được chở đến các kho đầu mối ở Na Uy phân phối sử dụng cho chạy phà, tàu thủy cánh ngầm, xe bus trong thành phố và đang phát triển dùng cho tàu thuyền, xe tải. Sử dụng LNG vừa rẻ, vừa bảo vệ môi trường trong sạch

Khí thiên nhiên hóa lỏng ở xứ sở của người Viking
Trạm nạp LNG/CNG xe bus ở thành phố Bergen, Na Uy (Ảnh: Tác giả)

Quản lý vận hành nhà máy và bến xuất chỉ có mấy người. Anh thanh niên trưởng ca dẫn chúng tôi đi một vòng trong nhà máy. Mọi người phải mặc đồ bảo hộ lao động, đeo kính bảo vệ. Lúc này, mưa đá và gió càng mạnh, các viên đá to hơn hạt ngô, quất vào mũ kêu loong coong, lọt cả vào kính, chui cả vào giày, vào tất. Thiết bị ngoài trời, không có chỗ trú, đành cứ chịu trận đi theo trưởng ca. Các hạt mưa đá kêu lạo xạo dưới gót giày. Trở về được văn phòng, ống quần và tất bị ướt sũng, tôi cảm thấy lạnh cóng, có lẽ đã bị cảm lạnh rồi!

Xe quay về thành phố. Ông Torgesen đưa chúng tôi đến thăm trạm đầu mối xe bus. Đây là đại bản doanh của đội xe bus chạy ngang dọc thành phố Bergen, tổng số khoảng ba trăm xe. Ông dẫn mọi người đi qua xưởng bảo trì xe, rồi ra bãi nạp nhiên liệu. Cách đây hơn chục năm, các xe này chạy bằng khí nén (CNG). Bây giờ họ chuyển sang khí hóa lỏng (LNG). Những xe cũ vẫn sử dụng CNG. Họ chỉ thay hệ thống bồn chứa CNG bằng bồn chứa LNG và lắp thêm bộ hóa hơi, máy nén để nạp liệu. Những xe mới, sử dụng trực tiếp LNG. Xem xong, ông giám đốc đoàn xe, vốn trước đây từng là lái xe bus, qua công việc trưởng thành, mời chúng tôi ăn trưa. Bữa trưa là đồ ăn nhanh tự chọn dùng cho lái xe và nhân viên làm việc ở đây. Đúng là bữa trưa nhẹ nhàng, nhanh gọn và thân tình của những người lao động.

Ông lại lái xe đưa chúng tôi chạy ra bến phà Halhagen. Trên bến, xe con, xe tải, xe container xếp hàng chờ xuống phà. Bên cạnh đường vào bến là kho chứa LNG, gồm hai bồn trụ nằm ngang, dung tích mỗi bồn 250 mét khối. Vừa lúc đó, chiếc phà lừng lững tiến vào và cặp bến. Các nhân viên thao tác rất nhanh. Chưa đầy năm phút, hàng trăm xe đã giải phóng xong phà. Các xe trên đường lại nối nhau xuống phà, xe con ở tầng trên, xe container và xe tải ở tầng dưới. Phà có thể chở được trên 240 xe. Tốc độ phà là 25 hải lý/giờ. Cứ khoảng 30 phút có một chuyến phà. Mỗi phà có bồn chứa LNG riêng và mỗi tuần nạp 2 lần. Ở Na Uy, có nhiều eo biển lớn, có nhiều phà nối liền các cung đường bộ, tránh được những khoảng cách vòng vèo qua núi đồi hiểm trở. Các phà và tàu cánh ngầm ở Na Uy chuyển sang sử dụng LNG.

Trên đường về, tôi hỏi ông chuyện sinh sống ở Bergen. Ông vẫn đi làm bằng xe riêng, nhưng gia đình có mua một nhà nghỉ ngoài thành phố. Cuối tuần hay ngày nghỉ, ông đưa vợ con về nhà nghỉ chơi, làm vườn hoặc ngao du trên biển bằng du thuyền nhỏ của gia đình. Nhiều người Na Uy thích chơi du thuyền. Du thuyền ở Na Uy cũng khá đắt, có khi một vài triệu korron một chiếc. Lãnh thổ Na Uy rộng, nhưng phần lớn là núi đá, đất làm nông nghiệp rất ít. Bây giờ, nhà nào giàu thì mới làm nông nghiệp, vì đất đai, chi phí, nhân công khá đắt đỏ. Trên những vạt đất trồng cỏ, tôi thấy những bó tròn như cái trống, bọc bằng vải nhựa màu trắng. Ông nói, đó là các bó cỏ, người ta cắt cỏ vào cuối thu, bó lại để dành cho gia súc ăn qua mùa đông tới mùa xuân năm sau…

Tôi về tới khách sạn thì bắt đầu sốt, do bị nhiễm mưa đá lúc sáng. Người mỏi mệt, nên chẳng muốn đi dạo phố. Tuy vậy trong lòng lại rất phấn khởi. Đúng là đã thấy được một mô hình công nghệ Mini LNG thuần thục, được thực tế kiểm nghiệm gần chục năm. Có lẽ mô hình này phù hợp với hoàn cảnh của nước ta, với bờ biển dài, nhiều sông nước, các hộ tiêu thụ năng lượng phân tán với quy mô nhỏ. Đúng là quy mô nhỏ có thể giải quyết mục tiêu lớn!

Oslo, tháng 10 năm 2011

B.V.T

Thegioibantin.com | VinaAspire News 

Nguồn bài viết petrotimes.vn
Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ