Những thành tựu của ngành Dầu khí Việt Nam
Trải qua 54 năm xây dựng và phát triển (27/11/1962-27/11/2015) ngành Dầu khí Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; đi đầu trong mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia có hiệu quả bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông và giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Ngành Dầu khí đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động có trình độ chuyên môn cao vững vàng, được đào tạo cơ bản, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Tầm nhìn chiến lược
Cuối thế kỷ XIX, đầu của thế kỷ XX không ai có thể nghĩ rằng Việt Nam có các mỏ dầu khí, kể cả những nhà địa chất Pháp nhiều kinh nghiệm đã tiến hành khảo sát, điều tra địa chất, tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam. Song từ 50 năm trước, với tầm nhìn xa trông rộng và bằng linh cảm của một thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình dung đất nước muốn hùng mạnh, nhất định phải có một ngành công nghiệp dầu khí hiện đại.
Sau khi miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng, trong chuyến thăm Liên Xô đầu tiên, với biết bao chương trình nghị sự trọng đại, Người vẫn dành riêng mối quan tâm cho ngành công nghiệp Dầu khí trong tương lai của đất nước. Câu nói của Người với các kỹ sư, công nhân dầu khí khu công nghiệp dầu lửa Bacu-Adecbaigian: “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Adecbaigian nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh như Bacu”. Đây chính là những dòng chữ vàng đầu tiên của lịch sử ngành Dầu khí nước nhà, là niềm tin, là ước vọng của đất nước, là mục tiêu hành động, là “kim chỉ nam” trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Năm 1959, theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Liên Xô đã cử các chuyên gia địa chất dầu khí sang giúp Việt Nam tiến hành điều tra địa chất dầu khí; Trong 2 năm 1959-1961, các chuyên gia Liên Xô đã cùng các đồng nghiệp Việt Nam hoàn thành báo cáo tổng hợp “Địa chất và triển vọng dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” đầu tiên ở nước ta.
Xuất phát từ tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước về ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam, cùng với kết luận ban đầu tại báo cáo địa chất dầu khí nói trên, ngày 09/10/1961 Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 159 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Địa chất trong đó đã xác định rõ có tổ chức Đoàn thăm dò Dầu lửa. Chỉ hơn một tháng sau, ngày 27/11/1961, Tổng cục Địa chất ra Quyết định số 271 thành lập Đoàn Thăm dò Dầu lửa số 36 (tên quen gọi là Đoàn 36 và từ năm 1969 là Liên đoàn địa chất 36). Đây là tổ chức đầu tiên có nhiệm vụ nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Việt Nam với số CBCNV ban đầu trên 200 người, ngân sách ban đầu có khoảng 500 nghìn đồng. Mười sáu năm sau (tháng 3/1975) mỏ khí đầu tiên ở Việt Nam – mỏ Tiền Hải C – huyện Tiền Hải – tỉnh Thái Bình được phát hiện.
Với khát vọng thực hiện thành công mong ước của Bác Hồ và của cả dân tộc Việt Nam là “xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh”, ngay sau khi nước nhà thống nhất, ngày 9/8/1975 Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã ra Nghị quyết số 244 về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước. Thực hiện tư tưởng Chiến lược của Nghị quyết trên, ngày 3/9/1975 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 170 về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam – tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia hôm nay.
Những thành tựu nổi bật
Từ chỗ không có dầu khí, đến nay công tác tìm kiếm thăm dò đã xác định được trữ lượng dầu khí của Việt Nam có thể thu hồi và cơ bản đánh giá tiềm năng dầu khí của Việt Nam đủ khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác dầu khí, đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước trong thời gian tới.
Từ điểm mốc khai thác m3 khí đầu tiên vào tháng 6/1981 và khai thác tấn dầu thô đầu tiên vào tháng 6/1986, đến nay Tập đoàn đang khai thác 25 mỏ dầu khí ở trong nước và 10 mỏ ở nước ngoài với tổng sản lượng khai thác đến nay đạt trên 455 triệu tấn quy dầu (trong đó, khai thác dầu là trên 346 triệu tấn và khai thác khí là trên 108 tỷ m3), doanh thu từ bán dầu đạt trên 140 tỷ USD, nộp NSNN từ xuất/bán dầu đạt trên 67 tỷ USD.
PVN đã và đang triển khai thực hiện 66 hợp đồng dầu khí, với số vốn thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 15 tỷ USD; Xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật công nghiệp khí hiện đại với 03 hệ thống đường ống dẫn khí: Bể Cửu Long-Dinh Cố , Nam Côn Sơn 1 – Nam Côn Sơn 2 (giai đoạn 1) và PM3 Cà Mau, gắn liền với các nhà máy chế biến khí, hạ tầng công nghiệp khí thấp áp… đang được vận hành an toàn và hiệu quả, hàng năm đang cung cấp trên 10 tỷ m³ khí cho phát triển công nghiệp và tiêu dùng của nhân dân trong cả nước.
Các Nhà máy nhiệt điện Khí Cà Mau 1, 2; Nhơn Trạch 1,2; Nhiệt điện than Vũng Áng 1; nhà máy thủy điện HủaNa, Dăkdring…với công suất lắp đặt đạt trên 4.200 MW, được đưa vào vận hành, hiệu quả, đến nay đã sản suất và cung cấp cho lưới điện quốc gia trên 100 tỷ kWh điện, đã góp phần tích cực vào việc đảm bảo an ninh năng lượng điện quốc gia. Hiện tại Tập đoàn đang tích cực thúc đẩy đầu tư các dự án điện: Long Phú 1, Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1… phấn đấu đến năm 2020, tổng công suất các Nhà máy điện do Tập đoàn đầu tư đạt trên 9.000 MW và sản lượng điện sản xuất của Tập đoàn chiếm khoảng 15% – 20% sản lượng điện toàn quốc;
Nhà máy Đạm Phú Mỹ được đưa vào vận hành từ năm 2004, Nhà máy Đạm Cà Mau được đưa vào vận hành từ năm 2012 đến nay đã sản suất được trên 11 triệu tấn Urê đáp ứng 70% nhu cầu đạm cả nước, đã góp phần tích cực trong việc giảm nhập siêu, bình ổn thị trường phân Urê và hỗ trợ đắc lực cho nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua.
Nhà máy Lọc dầu và Nhà máy PP Dung Quất biểu tượng tiêu biểu của ngành công nghiệp lọc hoá dầu Việt Nam được đưa vào hoạt động từ năm 2009 – đã ghi dấu mốc hoàn chỉnh cho quá trình xây dựng ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam; đến nay đã sản xuất gần 30 triệu tấn sản phẩm xăng dầu, đáp ứng 30% nhu cầu nhiên/nguyên liệu cho phát triển công nghiệp, giao thông và tiêu dùng của nhân dân….
Các dự án trọng điểm: Dự án phát triển khai thác khí lô B, 48/95, 52/97; Liên hợp Lọc Hóa dầu Nghi Sơn, Tổ hợp hoá dầu miền Nam, Đường ống dẫn khí Nam Con Sơn giai đoạn 2, Đường ống dẫn khí Lô B – Ômôn…đang được Tập đoàn tích cực triển khai để sớm đưa vào vận hành nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nhiên/nguyên liệu cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước và cung cấp cho ngành công nghiệp hóa dầu những sản phẩm mới, góp phần tích cực giảm nhập siêu cho nền kinh tế.
Cùng với sự phát triển các lĩnh vực trong một nền công nghiệp Dầu khí hoàn chỉnh, các hoạt động dịch vụ hỗ trợ như: dịch vụ kỹ thuật thăm dò khai thác dầu khí, dịch vụ xây lắp dầu khí, dịch vụ vận tải dầu khí, dịch vụ tài chính, bảo hiểm Dầu khí, dịch vụ tổng hợp,… cũng đã được hình thành, phát triển và có tỷ trọng đóng góp đáng kể trong doanh thu của Tập đoàn; trong những năm gần đây, doanh thu từ lĩnh vực dịch vụ dầu khí luôn chiếm tỷ trọng 25-30% trong tổng doanh thu toàn Tập đoàn.
Tổng doanh thu của PVN đã đạt gần 290 tỷ USD, luôn duy trì mức tăng trưởng doanh thu trung bình gần 20%/năm, tạo được nguồn vốn chủ sở hữu gần 405 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản toàn Tập đoàn 750 nghìn tỷ đồng. Nộp ngân sách nhà nước đạt trên 87 tỷ USD, chiếm trung bình 25-28% tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm; kim ngạch xuất khẩu chiếm trung bình 10-12%/năm tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Song song với việc đầu tư phát triển ở trong nước, PVN đã tích cực tìm kiếm, mở rộng đầu tư ra nước ngoài; đến nay Tập đoàn đã ký kết 26 hợp đồng dầu khí, trong đó đang triển khai thực hiện 19 hợp đồng tại 14 nước trên thế giới.
PVN đã xây dựng được đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu, có trình độ cao, từng bước làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước với trên 60 nghìn lao động, trong đó trên 3.000 người có trình độ trên đại học, trên 27.000 người có trình độ đại học và cao đẳng và gần 30.000 lao động lành nghề đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.
Bên cạnh đó, PVN đã tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền và biên giới Quốc gia trên biển và có trách nhiệm cao trong chia sẻ với cộng đồng, đã đóng góp xứng đáng, thiết thực vào công tác an sinh xã hội.
Hướng tới tương lai
Theo quyết định của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 41 về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 là: Phát triển ngành Dầu khí thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng, then chốt, hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển ngành Dầu khí; xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động tích cực hội nhập quốc tế.
Từ mục tiêu đó, PVN sẽ đẩy mạnh đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí trên toàn thềm lục địa, bao gồm cả khu vực nước sâu, xa bờ, nhạy cảm, thông qua thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời chủ động tự đầu tư dẫn dắt.
Đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ khai thác, đảm bảo khai thác hiệu quả cao và kiềm chế đà suy giảm sản lượng của các mỏ hiện có; tập trung đầu tư nghiên cứu để áp dụng các giải pháp gia tăng hệ số thu hồi dầu; nghiên cứu các giải pháp để phát triển các mỏ nhỏ, cận biên.
Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài theo hướng: Xác định địa bàn đầu tư chiến lược tại các khu vực có tiềm năng dầu khí cao, thuận lợi về quan hệ chính trị như: Liên bang Nga và các nước SNG, Venezuela và Châu Mỹ La tinh, Trung Đông, Bắc Phi và Đông Nam Á; Đa dạng hình thức đầu tư theo hướng tăng cường và mở rộng liên doanh, liên kết với các đối tác chiến lược, công ty dầu khí lớn để giảm thiểu rủi ro. Tập trung vào các dự án trọng điểm, sớm đưa các mỏ đã phát hiện vào phát triển, khai thác. Kết hợp gia tăng tìm kiếm thăm dò và mua mỏ dầu khí.
Phấn đấu gia tăng trữ lượng khai thác dầu khí đến 2020 đạt 42-44 triệu tấn quy dầu/năm, trong đó: trong nước 30-31 triệu tấn, ngoài nước 12-13 triệu tấn; Đầu tư nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, xây dựng các Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Long Sơn. Công suất lọc dầu đạt 16-17 triệu tấn/năm vào năm 2015 và 30-40 triệu tấn/năm vào năm 2025.
Đầu tư việc nhập khẩu LPG, LNG một cách hiệu quả, bảo đảm cân bằng cung, cầu khí trong nước. Đồng thời tăng cường đầu tư các dự án sản xuất LPG trong nước (từ các nhà máy GPP và Nhà máy lọc dầu) nhằm giảm tỷ trọng và dần thay thế lượng LPG nhập khẩu. Đảm bảo cung cấp đủ khí cho tiêu thụ công nghiệp (riêng điện chiếm 70-80%) và dân sinh trong nước; tích cực đầu tư, phát triển theo hướng đa dạng hoá thị trường tiêu thụ, với qui mô sản lượng khoảng 17-21 tỷ m3/năm vào năm 2020.
Bên cạnh đó, tham gia sản xuất điện theo quy hoạch của Chính phủ, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất điện khí gắn với Quy hoạch phát triển công nghiệp khí. Phấn đấu đến năm 2020 tổng công suất các nhà máy điện của PVN là 13.000 MW.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ dầu khí nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu dịch vụ dầu khí trong nước và từng bước phát triển ra thị trường khu vực và quốc tế, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản đáp ứng được nhu cầu dịch vụ trong ngành.
ThegioiBantin.com
Nguồn: NangluongVietnam.vn