Petrovietnam lại một thời gian khó!
Thử thách đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện nay là rất lớn và khá phức tạp. Về tác động của khách quan – hầu hết các đơn vị thành viên của PVN đều bị ảnh hưởng. Nhưng khó khăn cũng đồng thời là cơ hội để ngành Dầu khí Việt Nam vươn lên tự khẳng định mình. Không khó khăn nào giống khó khăn nào, không thử thách nào giống thử thách nào, nhưng để đối phó với khó khăn và thử thách thì chỉ có cách là phấn đấu đấu kiên cường, phát huy sáng tạo, trên dưới một lòng, nội bộ đoàn kết và hợp tác tốt.
HỒ SĨ THOẢNG
Người viết bài này muốn dùng tên “PETROVIETNAM” bởi vì “Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam” là tên mới nhất mà Nhà nước đã đặt cho (từ 2006), chứ trước đó đã có hai tên khác là: Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (từ 1975) và Tổng Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam/Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (từ 1990), còn cái tên “Petrovietnam” thì hầu như đã có ngay từ đầu – từ cái thời gian nan khởi nghiệp.
Thực tình, người viết cũng không thích dùng ba ký tự PVN để chỉ PETROVIETNAM (từ khi trở thành Tập đoàn) mà vẫn cảm thấy cái tên viết tắt PV mà các thế hệ dầu khí gắn bó hàng chục năm nó thân thiết làm sao ấy. Cũng có thể đó là sự “hoài cổ” chăng? Nhưng rồi cũng phải thích nghi với thực tại.
Mà thực tại là hiện nay PVN đang trải qua một thời gian khó. Mỗi thời gian khó có những nét riêng, bối cảnh riêng, và giải pháp vượt khó riêng… Do đó, không thể so sánh thời này với thời kia, nhưng gian khó nào cũng đòi hỏi mỗi người trong cuộc phải gồng mình đem hết sức lực và trí tuệ ra để vượt qua.
Đương nhiên, tài năng, trí tuệ, đức độ của người cầm lái có ý nghĩa hết sức quan trọng để đưa con thuyền vượt qua sóng gió. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, PVN lần này cũng sẽ vượt qua sóng gió để tiếp tục đi lên thu được những thành tựu mới, xứng đáng là đơn vị anh hùng của “những người đi tìm lửa”. Buồn là những khó khăn chủ quan, hay nói chính xác hơn là những tai họa đang đến với PVN, lại xẩy ra vào cái thời mà ngành dầu khí cả thế giới đang vật lộn với giá dầu xuống đột ngột rồi cứ ngấp nghé ở mức “dưới trung bình” mà không chịu đi lên do các cường quốc dầu mỏ cứ bất đồng nhau.
Xin mở một vòng đơn là, thực ra chỉ việc giá dầu xuống thấp chưa phải là tai họa nếu giá cả mọi thứ cùng xuống, nhưng khổ nỗi là giá dầu xuống (về cơ bản chỉ có lợi cho những ai tiêu thụ sản phẩm dầu) nhưng giá các dịch vụ khác thì không chịu xuống, cho nên ngành khai thác dầu thì không chịu đựng nổi giá dịch vụ vẫn cứ cao, còn ngành dịch vụ thì không thể hạ giá xuống được dưới giá thành.
Trên thực tế, PVN đã phát triển mạnh cả hai lĩnh vực, thăm dò khai thác và dịch vụ kỹ thuật. Chỉ có lĩnh vực chế biến dầu khí là ít bị ảnh hưởng hơn do sự chênh lệch giữa “đầu ra” và “đầu vào” không lớn, bức tranh có phần giống chuyện “nước lên thuyền lên”, nhưng nếu đụng đến dịch vụ vận hành (kinh phí vận hành, bảo dưỡng, logistics…) thì cũng bị ảnh hưởng – bởi giá cả trong các lĩnh vực dịch vụ hầu như chẳng chịu giảm theo giá dầu.
Nhưng theo thiển ý của người viết, khó khăn chủ quan của PVN lần này chủ yếu liên quan đến “thượng tầng kiến trúc” – nghĩa là liên quan đến những vấn đề trong công tác quản lý, quản trị doanh nghiệp trong mấy năm vừa qua – mà chủ yếu chỉ ở cấp độ tập đoàn, còn ở các đơn vị thành viên chắc ít hơn, hoặc có những đơn vị không liên quan. Do vậy, ảnh hưởng trực tiếp đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn PVN (nếu có) sẽ không lớn. Khó khăn khách quan mới là thách thức lớn mà thế hệ “những người đi tìm lửa” hiện nay cần vượt qua.
Chúng tôi cho rằng, không có vinh dự được trải nghiệm những gian nan vất vả của những bậc tiền bối thuộc thế hệ đầu “những người đi tìm lửa” trong những năm 60, 70, cả những năm 80 của thế kỷ trước. Chỉ nghe kể lại đã thấy những hy sinh, chịu đựng gian khổ của các bác, các anh, các chị thời đó lớn lao lắm.
Những bài viết trong tuyển tập “Những người đi tìm lửa” chỉ phản ánh một phần nhỏ của những tấm gương lao động quên mình, gian nan, vất vả hàng chục năm đi tìm dầu mà biết bao lần thất vọng vì bỏ ra bao nhiêu sức lực trí tuệ vẫn không thấy dầu đâu. Cho nên, khi thấy dầu phụt lên thì vui sướng không sao tả xiết, có người nhảy ra “tắm dầu” nhưng phần lớn là dầu cũng chỉ phụt lên đến thế, tắt dần rất nhanh, vì trữ lượng của vỉa quá nhỏ.
Lại thất vọng. Nhưng ý chí thì không nản, tìm cho được dầu mới thôi!
Hai mươi năm mới tìm được mỏ khí nho nhỏ ở Thái Bình, mỗi năm khai thác được ba bốn chục triệu mét khối (tương đương ba bốn chục ngàn tấn dầu) rồi niềm vui đến khi khai thác được tấn dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ – thuộc Liên doanh Dầu khí Việt-Xô (Vietsovpetro).
Đi tìm dầu từ đầu những năm 60 mà đến cuối năm 1986 mới khai thác được dầu thương mại. Nhưng dầu đã lên hết sức đúng thời điểm lịch sử. Hình như vận nước đã đến lúc như vậy. Vào cái lúc mà cả nước ăn bo bo nhập khẩu (vì không đủ gạo), xăng dầu không đủ tiền để nhập thì nông dân sản xuất đủ gạo để ăn và xuất khẩu, ngành dầu khí khai thác được dầu để xuất (rồi mua lại xăng dầu của người ta). Đó là thời khắc lịch sử không thể nào quên của đất nước Việt Nam. Không ai có thể hình dung, giả sử thời gian cuối những năm 80 đó mà nông dân làm không đủ ăn, PV (mà trực tiếp là Liên doanh Việt-Xô) không sản xuất được dầu thì đất nước sẽ ra sao? Cũng từ đó PV bắt đầu có thu nhập, chứ trước đó bao nhiêu năm chỉ ăn lương bao cấp đi tìm dầu chứ có làm ra đồng nào đâu.
Với sản lượng dầu thô của Vietsovpetro vẫn còn khiêm tốn, nhưng tăng dần hàng năm, đất nước đã vượt qua một thách thức không nhỏ về cung cấp năng lượng cho quốc gia, còn PV thì bắt đầu có thu nhập để trang trải những hoạt động của mình – trước hết là trong tìm kiếm thăm dò dầu khí và phát triển hoạt động dịch vụ, nhất là dịch vụ kỹ thuật dầu khí. Tác động ngược lại, các dịch vụ này bắt đầu tạo ra lợi nhuận cho PV.
Có thể nói, từ năm 1990, cũng là thời điểm PV khoác cái áo “Tổng công ty” và không lâu sau đó (1992) được tách ra khỏi Bộ Công nghiệp nặng (trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng) PV được trao một số quyền tự chủ nhất định và tự trang trải các chi phí hoạt động, mặc dù ngân sách còn khiêm tốn.
Trong những năm 90, PV ký được rất nhiều hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) với các công ty dầu khí quốc tế và quốc gia khác nhau, nhưng hầu như chưa có mỏ dầu nào đi vào khai thác mà phải đến sau năm 2000 một số hợp đồng PSC mới bắt đầu đi vào khai thác.
Tuy vậy, với những thuận lợi nhất định, cả về chủ quan và khách quan, thập kỷ 90 PV đã phát triển mạnh mẽ. Từ giữa thập kỷ PV đã bắt đầu đóng góp khoảng từ 25 đến 30% ngân sách quốc gia. Thời gian gần đây, do sản lượng dầu khí hàng năm không tăng, rồi giá dầu xuống, trong khi nền kinh tế quốc dân tăng trưởng mạnh, tỷ lệ đóng góp ngân sách của ngành dầu khí mới giảm dần.
Bước vào thập niên 90, trải qua xấp xỉ 30 năm hoạt động, PV đã có số lượng kha khá những người thuộc thế hệ đầu tiên về hưu, cuộc sống của họ khá khó khăn. Lãnh đạo Tổng công ty đã ủng hộ sáng kiến của Công đoàn Dầu khí lập và vận hành quỹ hỗ trợ hưu trí và quỹ đó đã phát huy tác dụng tốt, rồi duy trì mãi đến sau này. Và, tuy thời kỳ “ăn nên làm ra” đã bắt đầu, nhưng những năm đầu 90 vẫn còn những khó khăn nhất định, số người không có việc làm (thực chất là thất nghiệp) không ít. Điển hình nhất là sau khi thành lập Vietsovpetro thì bao nhiêu nhân lực khỏe mạnh và có tay nghề đều được chuyển vào Vũng Tàu, còn ở Thái Bình – “cái nôi của ngành dầu khí” chỉ còn lại những người già yếu và phụ nữ, công việc (vận hành mỏ khí) rất ít, không biết làm gì để có thu nhập nuôi hàng mấy trăm con người.
Với tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau, Công ty Dung dịch Khoan và Hóa phẩm Dầu khí (DMC) và Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) đã ra tay hỗ trợ san sẻ công ăn việc làm và cuối cùng thì PTSC xin sáp nhập đơn vị Thái Bình.
Có thể khẳng định, tinh thần đoàn kết tương thân tương ái của các thế hệ PV hồi đó thật là cao cả. Thời gian đó sự phân chia lĩnh vực hoạt động dịch vụ trong Tổng công ty cũng chưa thật rõ ràng lắm, nhưng cạnh tranh không lành mạnh đã không xẩy ra, đơn vị nào có khó khăn được các đơn vị bạn chân tình chia sẻ.
Những năm 90 cũng có một vài sự cố, nhưng không dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng, trừ sự cố công trình Kho – Cảng Thị Vải nằm trong Dự án tổng thể đưa khí từ mỏ Bạch Hổ vào bờ xẩy ra vào đầu những năm thập kỷ đầu thế kỷ này (nhưng sự việc diễn ra từ cuối thập kỷ 90). Nhưng đây là sự cố không phải do PV “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”, mặc dầu tổn thất của PV trong vụ này không nhỏ.
Vụ án bắt đầu từ một số kết luận không đúng của thanh tra và kéo dài hàng mấy năm, không xử được, cứ lửng lơ cho đến “đình chỉ điều tra”. Anh em bị hàm oan. Nhiều cán bộ của PV (chủ yếu là trong lĩnh vực xây dựng) bị bắt giam, có người đến cả hai năm, được thả dần cho đến người cuối cùng. Tổn thất tinh thần và vật chất của một số cá nhân rất nặng nề. Nhưng công trình có hiệu quả rất lớn. Quyết toán tài chính thấp hơn dự toán được duyệt, không có sự cố kỹ thuật nghiêm trọng xẩy ra trong quá trình vận hành.
Trong báo cáo gửi Quốc hội (Kỳ họp 11, năm 2007) Bộ Công nghiệp đánh giá là “Dự án kho cảng Thị Vải với vốn đầu tư 64 triệu USD đã cơ bản hoàn vốn và mang lại lợi nhuận sau thuế trung bình 330-400 tỉ đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước khoảng 320 tỉ đồng/năm… Thông qua việc thực hiện dự án này, mục tiêu tận thu nguồn khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ phục vụ việc phát triển nguồn điện, phân bón, hóa chất… đã đạt được.
Bên cạnh các lợi ích về kinh tế nêu trên, dự án Hệ thống thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ – Thủ Đức nói chung, và công trình kho cảng Thị Vải nói riêng đã góp phần giảm bớt một phần ngoại tệ đáng kể cho việc nhập khẩu dầu DO, xăng, phân bón và LPG hàng năm”.
Tổn thất lớn nhất của PV trong sự cố này là gây hoang mang trong Tổng công ty, cán bộ – nhất là cán bộ làm công tác quản lý điều hành nhụt chí, rất sợ đưa ra những quyết định có tính rủi ro.
Mà tính rủi ro thì luôn “ẩn mình” trong các dự án.
Cuối thập kỷ 90 giá dầu xuống thấp (xấp xỉ 9 – 10 USD/thùng) cũng đã gây không ít khó khăn cho PV. Nguồn thu từ khai thác dầu của Nhà nước và của PV giảm, trong khi các hoạt động dịch vụ bị ngưng trệ do các nhà thầu thăm dò khai thác ở trong nước cũng như toàn khu vực phải dừng công việc, hoặc chỉ cầm chừng chờ cơ hội giá dầu lên trở lại. Có công ty dầu do quy mô nhỏ đã không chịu nổi thách thức, phải phá sản.
Giá dầu thấp, nhưng bán được cũng vô cùng khó khăn. Người mua có quá nhiều lựa chọn, trong khi người bán thì nhiều, cạnh tranh gay gắt. Trong bối cảnh đó, Công ty thương mại Petechim, đơn vị chuyên bán dầu của PV đã chèo chống rất giỏi mới bán được dầu (dầu chứa trên tàu, cho nên nếu chậm bán thì sản xuất sẽ ngưng trệ ngay). Nhờ trước đó Petechim và PV đã xây dựng được quan hệ tốt, tin cậy lẫn nhau với các đối tác quốc tế, trong đó có những công ty mua dầu, cho nên PV không bị khách hàng bỏ lơ mà tiếp tục mua dầu của ta, thậm chí với giá cả khá thuận lợi.
Đấy cũng là bài học rất đáng ghi nhớ về việc giữ “chữ tín” trong kinh doanh trên trường quốc tế .
Thử thách đối với PVN hiện nay là rất lớn và khá phức tạp. Về tác động của khách quan, Vietsovpetro, các đơn vị làm dịch vụ kỹ thuật như Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan PVD, Tổng công ty Dịch vụ – Kỹ thuật Dầu khí PTSC… bị ảnh hưởng nặng nhất; các đơn vị khác ảnh hưởng ít hơn nhưng cũng không phải nhỏ. Nhưng khó khăn cũng đồng thời là cơ hội để vươn lên tự khẳng định mình. Không khó khăn nào giống khó khăn nào, không thử thách nào giống thử thách nào, nhưng để đối phó với khó khăn và thử thách thì chỉ có cách là phấn đấu đấu kiên cường, phát huy sáng tạo, trên dưới một lòng, nội bộ đoàn kết và hợp tác tốt.
Được biết, PVN và các đơn vị cũng đã có các phương án đối phó với những thách thức do giá dầu thấp gây ra. Về mặt chiến lược, để có thể phát triển bền vững lãnh đạo PVN đã đề ra ba nhóm giải pháp gồm: giải pháp về quản lý, giải pháp về nguồn lực và giải pháp về khoa học – công nghệ. Trong đó, giải pháp quản lý là giải pháp quan trọng đầu tiên. Ưu tiên giải pháp quản lý là rất hợp lý.
Phải nhìn nhận đây là “cơn bão” có tính toàn cầu; các công ty dầu khí hơn nhau ở chỗ ai vượt qua cơn bão mà ít tổn thất nhất. Còn những khó khăn chủ quan thì phần lớn là hậu quả do quá khứ để lại. Rất tiếc là tình trạng các dự án gặp khó khăn đã kéo dài quá.
Được biết, hiện nay cấp trên đã có chủ trương phải kiên quyết xử lý dứt điểm trong một thời hạn nhất định. Thiển nghĩ, không có cách nào khác là phải chọn phương án ít xấu nhất trong các phương án được đề xuất có cân nhắc thận trọng. Nhưng đây chủ yếu là việc của những người có trách nhiệm ở Tập đoàn và một số đơn vị liên quan, chứ không có ảnh hưởng đáng kể đối với hoạt động đương thời của các đơn vị. Bên cạnh đó, vụ án liên quan đến chuyện góp vốn vào Oceanbank và những hậu quả của nó đã có ảnh hưởng nhất định đến uy tín của PVN.
Trước những khó khăn và thách thức có ảnh hưởng nhất định đến tâm tư của người lao động ngành dầu khí, người đứng đầu PVN hiện nay, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn đã phát biểu: “Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, ngành dầu khí Việt Nam đã từng vượt qua muôn vàn gian khổ, khó khăn có thể tác động đến tâm tư tình cảm, nhưng ý chí của người dầu khí thì luôn vững vàng. Điều này đã trở thành truyền thống, thành giá trị cốt lõi của văn hóa dầu khí”.
Đúng vậy, lịch sử 42 năm (thành lập Tổng cục) và truyền thống 56 năm (bắt đầu đi tìm dầu) của ngành Dầu khí Việt Nam là một chặng đường đầy gian nan thử thách nhưng cũng rất vinh quang. Các thế hệ dầu khí có thể tự hào với những đóng góp to lớn của mình cho đất nước. PVN luôn luôn giữ vững vị trí là doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam kể cả về doanh thu và nộp ngân sách.
Thực tế là 6 tháng đầu năm 2017 PVN đã vượt kế hoạch sản xuất kinh doanh: sản lượng dầu khai thác đạt 7,90 triệu tấn; khai thác khí đạt 5,25 tỉ m3; sản xuất điện đạt 11,11 tỉ kWh; sản xuất phân đạm đạt 909 nghìn tấn; sản xuất xăng dầu đạt 2,99 triệu tấn. Tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn 6 tháng là 134 nghìn tỉ đồng, vượt 13% so với kế hoạch; tổng lợi nhuận sau thuế đạt 13,1 nghìn tỉ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 44,2 nghìn tỉ đồng.
Đối với xã hội thì làm tốt người ta khen, làm chưa tốt hoặc sai sót người ta chê là chuyện thường. Cũng có khi do người ta không hiểu hết, hoặc hiểu sai nên họ phê phán, chê bai.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất thời gian qua cũng đã bị hiểu oan khá năng nề, không dưới một lần bị tai tiếng. Nào là “sống được là nhờ ưu đãi”, rồi “điệp khúc xin ưu đãi”, và “ưu đãi đến đâu là đủ”… Trước “sóng gió” của dư luận, người lao động của NMLD Dung Quất vẫn âm thầm bám máy, không ngừng sáng tạo trong lao động. Thực tình là do cơ chế quản lý có những bất cập. Thế rồi, từ ngày 1/1/2017, Chính phủ đã bãi bỏ thu điều tiết đối với sản phẩm dầu, khí hóa lỏng, sản phẩm hóa dầu tiêu dùng trong nước. Theo đó, Công ty Lọc – Hóa dầu Bình Sơn được tự tính giá thành sản phẩm theo cơ chế thị trường, cho nên không cần “ưu đãi” gì cả Nhà máy vẫn vận hành có hiệu quả (trên công suất thiết kế, doanh thu lớn, lợi nhuận cao).
Để đánh giá tổng thể hiệu quả hoạt động của Nhà máy chỉ cần nhìn vào mấy con số sau đây: sau 7 năm vận hành, Nhà máy đã sản xuất trên 45 triệu tấn sản phẩm, doanh thu đạt trên 814 ngàn tỷ đồng (xấp xỉ 38 tỷ USD), nộp ngân sách nhà nước trên 137 ngàn tỷ đồng (xấp xỉ 6,5 tỷ USD), hơn gấp đôi vốn đầu tư nhà máy.
Cho nên, nếu người lao động dầu khí đoàn kết, trên dưới một lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn trở ngại để vượt qua thách thức thì thời kỳ gian khó này PETROVIETNAM rồi cũng sẽ qua đi. Điều có tính nguyên lý là, chỉ có thành tựu đạt được mới chứng tỏ bản chất và bản lĩnh của một doanh nghiệp.
Thegioibantin.com | Vina Aspire
Nguồn: NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM