Phát triển mỏ Sư tử Trắng (giai đoạn 2)

0

Thỏa thuận nguyên tắc về hợp tác đầu tư phát triển mỏ Sư tử Trắng (giai đoạn 2) thuộc Hợp đồng Dầu khí Lô 15-1 Bể Cửu Long, vừa được Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) ký kết.

IMG_5178

Lễ ký kết.

Mỏ Sư Tử Trắng là mỏ khí và condensate lớn thuộc lô 15-1, nằm phía Đông Nam của cụm mỏ Sư Tử, thuộc vùng biển Việt Nam. Hiện tại, mỏ Sư Tử Trắng đang được khai thác giai đoạn 1 với một giàn khai thác kết nối về giàn xử lý trung tâm Sư Tử Vàng, có sản lượng khí bình quân tương đương 1,7 triệu m3/năm hay 600 triệu m3 khí/năm.

PV Gas phụ trách khâu vận chuyển khí từ mỏ Sư Tử Trắng đưa về khu vực mỏ Bạch Hổ rồi về bờ theo đường ống Bạch Hổ dài 117 km. Khí từ mỏ Sư tử Trắng được xử lý tại Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố thành LPG và condensate, chuyển đi cung cấp cho các hộ tiêu thụ.

Mỏ Sư Tử Trắng được xác định phát triển giai đoạn 2 cùng với việc phát triển mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt thuộc lô 05-1bc và các mỏ khí khác, đảm bảo nguồn khí đưa về bờ cho đường ống Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 2 là một Dự án quan trọng của PV Gas trong những năm tới, nhằm ổn định và gia tăng nguồn cung cấp khí cho khu vực Đông Nam Bộ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về khí và các sản phẩm khí của vùng kinh tế trọng điểm năng động nhất cả nước.

Dự án phát triển mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2 sẽ xây dựng bổ sung thêm các giàn khai thác, giàn xử lý trung tâm và bơm ép để sản lượng khí khai thác đạt mức 1,5 tỷ m3/năm, dự kiến bắt đầu khai thác từ năm 2020 kéo dài đến sau 2035. Khí mỏ Sư Tử Trắng sẽ không dẫn qua Bạch Hổ nữa, mà được đưa thẳng về bờ qua Dự án đường ống Nam Côn Sơn 2 – Giai đoạn 2 với 117 km đường ống ngoài biển, 39 km đường ống trên bờ. Đây sẽ là nguồn khí chính cung cấp cho Nhà máy Xử lý Khí Dinh Cố 2 sẽ được xây mới (dự kiến khánh thành quý 4/2020) có công suất hàng năm là 300 ngàn tấn LPG, 170 ngàn tấn condensate và thêm 200 ngàn tấn Ethane dự kiến sẽ cấp cho Nhà máy Lọc hóa dầu Long Sơn.

Với vị trí quan trọng, có liên quan đến nhiều kế hoạch phát triển khí lớn trong tương lai gần, Dự án phát triển mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2 là dấu mốc quan trọng được Chính phủ, các bộ ngành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đối tác tập trung triển khai thời gian qua, đánh giá như một công trình Quốc gia trọng điểm, có ảnh hưởng đến toàn bộ Chiến lược phát triển ngành Công nghiệp khí Việt Nam. Để tập trung thêm lực lượng và nguồn đầu tư, Chính phủ và PVN đã đồng ý việc PV Gas sẽ liên kết với Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) nhằm đẩy nhanh tiến độ Dự án, sớm đưa khí về bờ.

Với việc ký kết Thỏa thuận nguyên tắc với PVEP, PV Gas sẽ tham gia góp vốn một cách gián tiếp vào Dự án phát triển mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2. Thông qua PVEP (hiện là nhà thầu lớn của Dự án – đang nắm giữ đến 50% tổng số quyền lợi tham gia theo Hợp đồng Dầu khí PSC lô 15-1), PV Gas sẽ góp 25% tổng mức đầu tư Dự án hiện có giá trị dự kiến 500 triệu USD; và thông qua PVEP thúc đẩy quá trình hoàn thiện Dự án cũng như tham gia các nội dung chuyên môn – kỹ thuật chuyên ngành. Dự kiến mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2 sẽ đưa khí về bờ từ quý 4/2019 với thời gian khai thác gần 20 năm, cho sản lượng thu hồi hơn 24 tỷ m3 khí và hàng chục triệu tấn condensate.

Việc ký kết Thỏa thuận là bước phát triển sâu sắc hơn nữa giữa hai Tổng Công ty lớn, phụ trách những lĩnh vực cốt lõi của Tập Đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam: PVEP và PV Gas, thắt chặt chuỗi liên kết dọc và đẩy nhanh các dự án khí vào vận hành, không chỉ ở các mỏ khí khu vực Đông Nam Bộ mà còn các mỏ khí ở khu vực Tây Nam Bộ, Trung Bộ và Bắc Bộ.

PV Gas cam kết cùng với PVEP sớm cụ thể, chi tiết hóa Thỏa thuận Nguyên tắc này thông qua đàm phán, thống nhất và ký kết Hợp đồng Hợp tác Đầu tư để cùng các đối tác, nhà đầu tư nhanh chóng phát triển mỏ Sư tử Trắng – Giai đoạn 2.

Thông tin thêm về Dự án

Hợp đồng phân chia sản phẩm Dầu khí Lô 15-1 được ký kết vào ngày 16/9/1998 giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Giám sát Hợp đồng Chia sản phẩm (PVSC, nay là PVEP) và các nhà thầu nước ngoài. Sau các lần chuyển đổi tên và quyền lợi, nghĩa vụ tham gia vào Hợp đồng, hiện nay thành phần và tỷ lệ tham gia của các bên Nhà thầu như sau: PVEP 50%, ConocoPhillips (UK) Cuulong Limited (Perenco Cuu Long Limited) 23,25%, KNOC 14,25%, SK 9% và Geopetrol VN 3,5%.

Các phát hiện trong Lô 15-1 bao gồm các mỏ Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Trắng và gần đây nhất là mỏ Sư Tử Nâu. Mỏ Sư Tử Đen là mỏ được phát hiện đầu tiên và công bố thương mại vào ngày 08/8/2001 và kế đến là các phát hiện tiếp theo như đã nêu. Các mỏ dầu Sư Tử Đen bắt đầu khai thác năm 2003, Sư Tử Vàng năm 2008, Sư Tử Nâu năm 2014. Riêng mỏ khí và condensate Sư Tử Trắng bắt đầu khai thác thử vào quý 4/2012 và khai thác giai đoạn 1 từ quý 4/2016. Lượng khí mỏ Sư Tử Trắng đã khai thác đến nay đạt hơn 2 tỷ m3 và gần 1 triệu tấn condensate đảm bảo chất lượng quốc tế. Theo kế hoạch, đến quý IV/2020, mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 2 cũng sẽ cho dòng khí thương mại.

Dự án mỏ Sư Tử Trắng, Lô 15-1 do Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long (CLJOC) phát triển. Công ty được thành lập theo Hợp đồng dầu khí Lô 15-1 thuộc thềm lục địa Việt Nam, ký ngày 16/9/1998. Phía Việt Nam tham gia 50% vốn góp, gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP). Phía nước ngoài tham gia 50% vốn góp, gồm Tập đoàn Dầu khí ConocoPhillips (23,25%), Tổng Công ty dầu khí quốc gia Hàn Quốc (KNOC-14,25%), Tập đoàn SK Corporation (9%), Công ty Geopetrol Vietnam (3,5%).

Thành công của việc khai thác dầu, khí tại cụm mỏ Sư Tử Lô 15.1 đã góp phần quan trọng vào việc bổ sung sản lượng khai thác chung của toàn ngành, chiếm 10,7 % sản lượng khai thác năm 2016 của toàn Tập đoàn, tham gia đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Thành công này cũng tạo đà cho việc phát triển dự án Sư Tử Trắng giai đoạn 2 với công suất khai thác lớn hơn trong thời gian tới.

Thegioibantin.com

Nguồn: NangluongVietnam

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ