Bài học từ Tam Quốc Diễn Nghĩa: 6 điều đại kỵ cần phải tránh trong cuộc sống, nếu không ắt sẽ thiệt thân

0

6 điều đại kỵ được rút ra từ Tam Quốc mang đến cho thế hệ sau một bài học sâu sắc. Có thể gọi đấy là “gợi ý sống” và cũng là “sách giáo khoa trường đời” cho chúng ta học hỏi.

Nhà văn Kim Dung đã từng nói: “Ảnh hưởng xã hội của ‘Tam Quốc Diễn Nghĩa’ vượt xa so với giá trị văn học của nó”.

Một bộ “Tam Quốc Diễn Nghĩa” nhìn xa có vẻ đều là chuyện quốc gia đại sự nhưng suy cho cùng đó lại là thế đạo lòng người. Trong đó ẩn chứa 6 điều đại kỵ lớn mà hậu thế cần phải tránh, bởi nếu phạm phải một hậu quả sẽ khôn lường.

6 điều đại kỵ cần phải tránh trong cuộc sống rút ra từ Tam Quốc

Nói lời không giữ lời, thay đổi thất thường

“Ngựa có Xích Thố, người có Lã Bố”. Ai đã từng xem Tam Quốc Diễn Nghĩa chắc hẳn đều nghĩ Lã Bố rất giỏi. Thế nhưng trong đám quần hùng đấu võ ấy Lã Bố không những không công thành danh toại mà ngược lại bị lâm vào bước đường cùng, bỏ mạng tại Bạch Môn lầu.

Lã Bố là người hữu dũng vô mưu, tuy dũng mãnh như hổ nhưng lại không có chiến lược anh minh, hay khôn lanh xảo quyệt, trong mắt chỉ có chữ “lợi”. Từ cổ chí kim những người như vậy thường không ai có thể ngóc đầu lên được.

Bài học từ Tam Quốc Diễn Nghĩa

Mặc dù dũng mãnh số một, thiên hạ vô địch, nhưng Lã Bố lại đánh mất con át chủ bài lớn nhất cuộc đời đó chính là “THÀNH TÍN”.

Vì chữ Lợi mà Lã Bố giết nghĩa phụ Đinh Nguyên, vì chữ Tuyệt, Lã Bố lại giết tiếp nghĩa phụ Đổng Trác. Sau đó lại chuyển sang đầu quân cho Viên Thuật, Trương Dương, Viên Thiệu, Tào Tháo. Một đời 6 lần đổi chủ, bị gọi là gia nô ba họ.

Lã Bố trước khi bị Tào Tháo xử tội chết đã từng từ chối nói giúp Lưu Bị vì Lưu Bị phản bội lời hứa, chửi mắng Lưu Bị “giặc tai to, vong ân bội nghĩa”.

Có lẽ phải đến lúc chết Lã Bố mới thực sự hiểu nỗi đáng sợ của kẻ bất tín.

Khổng Tử nói “Nhân vô tín bất lập, nghiệp vô tín bất hưng” ý chỉ làm người mà không có tín thì không thể đứng được ở đời, làm ăn mà không có tín thì không thể phát đạt hưng thịnh.

Thành tín không chỉ là một phẩm hạnh mà còn là một kiểu trách nhiệm. Không chỉ là đạo nghĩa mà còn là nguyên tắc. Sẩy chân bạn có thể đứng dậy được ngay lập tức nhưng thất tín có thể sẽ không bao giờ cứu vãn được.

Trí nhỏ mưu lớn, hám lợi đen lòng

Cuối thời Đông Hán phân Tam Quốc, Ngụy Thục Ngô lần lượt xây dựng chính quyền. Nhưng trong Tam Quốc người đầu tiên xưng đế không phải là Tào Lưu cũng không phải là Tôn Quyền mà là Viên Thuật.

Viên Thuật xuất thân quý tộc, Viên gia nhiều đời làm quan to, kếp nạp môn sinh khắp thiên hạ, so với Viên Thiệu người anh cả cùng cha càng khác mẹ thì Viên Thuật giống con trưởng cháu trưởng hơn.

Xét về lý thì những người như Viên Thuật chỉ cần có chút trí tuệ là hoàn toàn có thể hô mưa gọi gió trong thời thế loạn lạc của những năm cuối thời Đông Hán. Thế nhưng, Viên Thuật lại đánh tan nát ván bài tốt đẹp của mình.

“Tam Quốc Diễn Nghĩa” kể lại rằng, trong 18 lộ chư hầu Tôn Kiên là tiên phong dẫn quân thảo phạt đến cùng. Viên Thuật phụ trách tổng hậu cầu liên quân. Nhưng hắn lại lo sợ thuộc hạ Tôn Kiên thắng lớn, cố ý  trì hoãn cung cấp lương thảo, một tay châm ngòi khiến liên quân tan rã.

Bài học từ Tam Quốc Diễn Nghĩa

Tôn Sách mang theo Ngọc Tỷ truyền quốc nương nhờ Viên Thuật, Viên Thuật có được Ngọc Tỷ không suy nghĩ gì tự mình xưng đế, biến mình trở thành cái đích của trăm mũi tên.

Thực ra dựa vào gia cảnh và thế lực của mình, nếu như Viên Thuật có thể dốc lòng quản lý, chiêu hiền nạp sỹ, cũng chưa chắc không thể làm nên sự nghiệp lớn. Thế nhưng hắn lại xa hoa dâm đãng, hậu cung phi tần ba nghìn người, ai ai cũng ăn trắng mặc trơn, trong khi đó binh sỹ dưới chướng và bách tính cai quản lại phải ăn đói mặc rét.

Vậy nên khi chư hầu đánh phạt liền rơi vào kết cục chúng bạn xa lánh, tức hộc máu mà chết.

Là người phải biết liệu sức mà làm, trí nhỏ mà mưu lớn, không kham nổi trách nhiệm cuối cùng chỉ còn nước diệt thân.

Lý tưởng và dã tâm đều phải có nhưng cũng phải có khả năng chống đỡ nhất định, như vậy mới có thể tiến xa được.

Điều đại kỵ trong Tam Quốc dạy đừng kiêu ngạo tự mãn, không coi ai ra gì

Nếu bình chọn câu nói có sức tổn thương lớn nhất trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” thì câu nói dưới đây ắt sẽ đứng hàng đầu “Hổ nữ sao có thể gả cho khuyển tử”.

Người nói ra lời này không phải ai khác chính là Võ Thánh Quan Vũ. Người ta Tôn Quyền lấy danh nghĩa là chủ một nước hạ cố đến cầu thân. Từ chối khéo thì đã đành, đằng này lại phát ngôn ngông cuồng, ra vẽ mỉa mai khiến Tôn Quyền mất hết thể diện, đồng thời tự ươm mầm hoạ đánh mất Mạch Thành.

Thực ra, từ tác phong thường ngày của Quan Vũ có thể thấy ông là một người tự tin cực độ, cũng là người vô cùng tự phụ.

Ôn tửu trảm Hoa Hùng, quá ngũ quan trảm lục tướng, giết Nhan Lương, trảm Văn Sửu…gần như trước tất cả những đối thủ đã gặp Quan Vũ đều nắm chắc phần thắng trong tay, dè bỉu và khinh thường.

Bài học từ Tam Quốc Diễn Nghĩa

Hay thậm chí như Hoàng Trung tuổi tác đã cao trong tay không chút lợi thế nhưng vẫn giữ thái độ khinh thường không thèm đếm xỉa.

Nhất là thái độ đối xử với Lưu Phong khi Lưu Bị khi nhận Lưu Phong làm con nuôi. Quan Vũ phản đối ngay thẳng thừng trước mặt, sau đó đối xử cũng chẳng ra gì, để Lưu Bị phải đày hắn tới Thượng Dung

Lão Xá từng nói rằng “Kiêu ngạo tự mãn là một cái bẫy đáng sợ của chúng ta, nhưng cái bẫy đó lại là do chính chúng ta tự tay tạo ra”.

Quan Vũ cậy tài khinh người, không nể mặt ai chút nào. Điều này không chỉ khiến Quan Vũ bị Tôn Quyền báo thù tư, một chữ “trảm” không chút nương tình quyết định số mệnh của Quan Vũ, mà còn khiến Lưu Phong đứng ngoài cuộc, sống chết bỏ mặc, giương mắt nhìn anh hùng Quan Vũ chính thức hạ màn.

Phật ngữ có câu: “Sinh như hạt cải có Tu Di, tâm như cát bụi chứa đại thiên”. Lòng người giống như hạt cải, cát bụi trông thì nhỏ bé nhưng lại chứa cả thế giới bao la. Khi trong mắt bạn có người khác thì trong tâm bạn ắt có đường, tương lai ắt sẽ sáng.

Đức không xứng vị, tất có tai ương

Nhân vật phản diện số một trong Tam Quốc không ai khác ngoài Đổng Trác. Sử học gia bình phẩm Đổng Trác là “kẻ đào mộ của Đại Hán”.

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Đổng Trác được mô tả là một viên tướng bất tài về quân sự, tham lam, tàn bạo và háo sắc, đúng hệt với câu nói “đức không xứng vị, tất có tai ương”.

Năm 189 sau đại loạn Thập Thường thị, Đổng Trác gia nhập Chủ Miếu Đường trở thành quyền thần dưới một người trên vạn người.

Thông thường con người ta sau khi có được quyền lực, rất dễ bành trướng, chỉ cần không để ý chút là phần ác trong nhân tính con người liền bộc lộ rõ rệt. Đổng Trác dĩ nhiên không phải ngoại lệ.

Hắn giết tiểu Hoàng đế Lưu Biện, lập Lưu Hiệp làm Hán Nam Đế, một tay che trời. Sau đó chiếm đoạt hậu cung, hoang dâm vô độ. Tất cả những người đưa ra ý kiến phản đối, đều bị Đổng Trác cho là loạn thần tặc tử, mặc ý tàn sát.

Đúng như những gì mà cổ nhân đã nói “người được lòng dân ắt có được thiên hạ”, nhân phẩm của Đổng Trác quyết định vận mệnh của hắn.

Sau 18 lộ chư hầu nổi dậy chống lại, Đổng Trác bị nghĩa tử Lã Bố chém giết. Thông tin về cái chết của Đổng Trác khiến binh sỹ hô vang vạn tuế, bách tính múa hát tưng bừng, rất nhiều người đổi châu báu lấy rượu thịt để ăn mừng.

Hoàng Phủ Tung càng quyết tâm tận diệt tịch thu tài sản và tru di tam tộc Đổng Trác, xác của hắn bị vứt lề đường. Đủ để thấy tội ác tày trời của Đổng Trác khiến cả người cả thần đều căm phẫn.

Kinh dịch có câu: “Khôn mang trọng trách của đất, người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật”.

Đức hậu mới có thể chuyên chở vạn vật, người bạc đức khó nhích nổi nửa bước.

Kim Dung đã từng nói: “Nhân vật và sự kiện lịch sử phải đặt vào trong hoàn cảnh lịch sử khi đó để xem. Quan điểm chính trị, ý thức xã hội luôn luôn thay đổi nhưng nhân tính lại biến động vô cùng nhỏ”.

Bài học từ Tam Quốc Diễn Nghĩa

Yếu còn đòi ra gió, tự cho mình là đúng

Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, người túc trí đa mưu như Gia Cát Lượng, Khổng Minh cũng đã từng vì một người mà suýt hủy hoại danh tiếng cả đời của mình. Người đó chính là Mã Tắc.

Do trong chiến dịch đóng đô Tây Nam, Mã Tắc đưa ra kế “công tâm là thượng sách” được Gia Cát Lượng đặc cách cất nhắc, thậm chí Gia Cát Lượng còn có ý bồi dưỡng Mã Tắc trở thành người thừa kế của mình.

Đặc ân từ trên trời rơi xuống khiến Mã Tắc đánh mất tâm trí, thậm chí còn có ảo giác Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý chẳng là cái thá gì. Vậy nên mới có đoạn điển cố nổi tiếng “Gia Cát Lượng gạt nước mắt chém Mã Tắc”.

“Giai Đình tuy nhỏ nhưng can hệ lại lớn. Nếu đánh mất Giai Đình, đại quân của chúng ta sẽ gặp nguy hiểm. Ngươi tuy thâm thông mưu kế nhưng Giai Đình là nơi phòng thủ cực khó”.

Hiển nhiên Gia Cát Lượng vô cùng hiểu rõ năng lực của Mã Tắc, mặc dù có chút tư chất về mưu lược nhưng còn xa mới có thể đảm đương trọng trách một mình.

Tiếc là ý tốt của Gia Cát Lượng sang bên Mã Tắc lại biến thành sự coi thường chính mình. Vậy nên mới bất chấp tất cả hạ quân lệnh, lập lời thề không thành công thì sẽ xả thân. Gia Cát Lượng đành phải cho Mã Tắc đi thủ quan dưới sự băn khoăn, đồng thời phái cử Vương Bình và Ngụy Diên hỗ trợ bên cạnh.

Và kết quả chúng ta đều thấy, Mã Tắc không những khinh địch một cách mù quáng mà còn không nghe ý kiến của người khác. Còn tự ý thay đổi phương án tác chiến, cuối cùng hại chết ba quân bỏ mạng một cách vô ích.

“Người Sức yếu mà đòi gánh trọng trách lớn ắt sẽ có ngày gục ngã”.

Chúng ta cần phải biết mình bao nhiêu cân lạng, nếu không tự lượng sức mình, hậu quả sẽ trầm trọng tới mức đánh đổi cả tính mệnh cũng không thể gánh vác nổi.

Điều kỵ trong Tam Quốc: Không kiềm chế được cảm xúc, tức giận vô cớ

Cổ nhân có câu: “Khi cáu giận không được trừng phạt người quá đáng, khi vui mừng không được ban cho người quá nhiều”. Là người không thể không có cảm xúc, nhưng tuyệt đối không được bị cảm xúc chi phối.

Trương Phi uy mãnh chính là một ví dụ sống. Mặc dù trong cuộc đời gặp không ít hào quang, nhưng tính cách nóng nảy lại trở thành một lạch trời mà cả đời Trương Phi khó lòng vượt qua được.

Trương Phi nóng nảy đánh viên Đốc bưu khiến 3 huynh đệ vừa mới ổn định lại phải lưu vong thiên hạ.

Trương Phi đánh Tào Báo nhạc phụ của Lã Bố khiến Lã Bố từ thế bị động trở thành chủ động chiếm mất Từ Châu, vô cớ đánh mất cơ hội tốt để phát triển.

Và lần chí mạng nhất đó là khi nghe tin Quan Vũ bị giết, Trương Phi phẫn nộ nóng lòng muốn báo thù nên sắp xếp cho hai thuộc hạ của mình là Phạm Cương, Trương Đạt một nhiệm vụ không thể hoàn thành.

“Trong vòng 3 ngày phải gấp rút chuẩn bị cờ trắng giáp trắng, khởi quân phạt Ngô nếu không sẽ bị trừng trị theo quân lệnh”. Phạm Cương, Trương Đạt chỉ biện minh đôi câu liền bị đánh đập dã man. Cuối cùng Phạm Cương, Trương Đạt không thể chịu nhẫn nhịn, nhân lúc Trương Phi say rượu ngủ say đã sát hại cắt lấy thủ cấp của Trương Phi chạy trốn sang Ngô xin hàng Tôn Quyền.

Chúng ta không phủ nhận thực lực lớn mạnh của Trương Phi, vốn có thể là anh hùng cái thế nhưng lại kết thúc trong sự uất ức, khiến nhiều người phải thổn thức sụt sùi.

Hồ Thích nói rằng: “Thứ đáng ghét nhất trên thế gian này không gì bằng mặt Trương Phi; Điều hạ lưu nhất trên thế gian này không gì bằng mang vẻ mặt tức giận cho người khác xem, điều này còn khó chịu hơn cả việc bị chửi đánh”.

Không có ai sinh ra vốn đã tự kiềm chế được cảm xúc của mình. Chỉ có những người thông minh có trí tuệ thực sự mới luôn luôn nhắc nhở mình không được chết trong sự xấu tính.

Thay vì bực tức hãy lấy bực tức làm động lực phấn đấu. Chỉ có kẻ ngốc mới tức giận, còn người thông minh sẽ bình tĩnh vươn lên. Tính cách phải tốt thì phước đức mới bủa vây lấy bạn.

Theo Trí thức trẻ



Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin

Nguồn : https://tapchithanhcong.org/song-dep/bai-hoc-cuoc-song/bai-hoc-tu-tam-quoc-dien-nghia-6-dieu-dai-ky-can-phai-tranh-trong-cuoc-song-neu-khong-at-se-thiet-than.html

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ