Giải pháp cho an ninh mạng
Cụ thể trong vòng 1 tháng qua, tin tặc đã lập trình một loại virus đặc biệt và xâm nhập vào hàng chục nghìn máy tính cá nhân (cả ở trong và ngoài nước). Và khi hàng chục nghìn máy tính này hoạt động thì virus sẽ được phát tán chỉ để tấn công vào trang web www.vietnamnet.vn, dẫn đến việc quá tải. Vụ việc này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cánh báo về vấn đề an ninh mạng cho các cổng và trang thông tin điện tại Việt Nam, và rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các đơn vị an ninh mạng.
Mặc dù các đơn vị đối tác và các đơn vị chuyên trách về an ninh mạng tại Việt Nam hỗ trợ, ứng cứu như: mở rộng hệ thống băng thông gấp 30 lần so với trước đây, chia nhỏ lượng truy cập hay lắp đặt hệ thống lọc thông tin … nhưng do lượng truy cập mà hacker sử dụng quá lớn vượt quá lượng băng thông của báo, nên những ngày gần đây, việc truy cập vào VietNamNet vẫn không ổn định. Suốt 1 tháng, hệ thống máy chủ của tờ báo mạng này gần như bị tê liệt do tin tặc tấn công.
Mất nhiều thời gian, công sức và chi phí cho việc mở rộng cơ sở hạ tầng. Tinh thần làm việc của phóng viên giảm sút do bỏ công sức tác nghiệp nhưng bài báo của họ không đến được với nhiều độc giả như trước. Đó là một số khó khăn mà VietNamNet đang phải đối mặt.
“Lượng độc giả truy cập giảm 70%. Lượng truy cập giảm nên các đơn vị quảng cáo cũng đang có ý kiến xin rút…do vậy nguồn thu nhập sẽ bị tổn thất nặng nề”, ông Phạm Anh Tuấn – Phó Bổng biên tập VietNamNet cho biết.
Vietnamnet.vn chỉ là một trong số nhiều trang web lớn tại Việt Nam bị virus xâm nhập và bị tấn công trong thời gian qua. Các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo, tình trạng hacker cài đặt virus xâm nhập vào các hệ thống mạng tại Việt Nam, sử dụng hình thức tấn công từ chối dịch vụ (Viết tắt là DDOS) đã trở nên phổ biến. Đây là tình trạng đáng báo động vì ngoài việc các hệ thống lớn có thể bị tấn công bất cứ lúc nào, còn có hàng chục nghìn máy tính trên cả nước đang bị hacker điều khiển, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề bảo mật thông tin.
“Cần đầu tư hạ tầng mạng và thuê các dịch vụ bảo mật của nước ngoài, phải tạo thói quen các máy tính cá nhân phải cài phần mềm diệt virus”, ông Triệu Trần Đức – Chuyên gia an ninh mạng – TGĐ Công ty cổ phần An ninh An toàn thông tin CMC phát biểu.
“Phải có giải pháp triệt để cho vấn đề tin tặc sử dụng hình thức tấn công từ chối dịch vụ DDOS bằng cách các đơn vị cùng phối hợp đầu tư để lập riêng một hệ thống chỉ để giải quyết vấn đề này…” – ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc bộ phận An ninh mạng Bkav khẳng định.
Trước yêu cầu đặt ra ngày càng bức thiết về vấn đề an ninh mạng, Thủ tướng chính phủ đã vừa ban hành chỉ thị 897 về tăng cường triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin số. Đi kèm với chỉ thị là bản hướng dẫn cụ thể các biện pháp kỹ thuật cơ bản đảm bảo an toàn cho cổng và trang thông tin điện tử. Vấn đề đặt ra là các đơn vị phải hành động sớm và có tính chiến lược để ứng phó với những thủ đoạn tin tặc ngày một tinh vi.
Theo Hà Bình( VTV.VN )