Người mẫu 8x qua đời ở tuổi 37 vì ung thư dạ dày, chuyên gia khuyến cáo gì?
Thông tin người mẫu Như Hương qua đời được chia sẻ nhiều trên các trang mạng sau hơn một năm chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày, cô hưởng dương 37 tuổi. Nhiều người sự thương tiếc, bàng hoàng trước sự ra đi của Như Hương.
Như Hương qua đời ở tuổi 37 sau hơn một năm chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày . Cô ra đi ở tuổi 37, để lại hai con trai còn nhỏ. Trước đó, trong suốt thời gian chữa bệnh, dù phải hóa trị rụng tóc, Như Hương vẫn giữ tinh thần lạc quan. Cô từng ghi lại những khoảnh khắc trong quá trình điều trị.
Ai dễ mắc ung thư dạ dày?
Chia sẻ về ung thư dạ dày, theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai cho biết, ung thư dạ dày là một bệnh lý ác tính tại dạ dày, cho đến thời điểm hiện tại thì để khẳng định nguyên nhân ung thư dạ dày vì lý do gì chưa ai khẳng định được nguyên nhân chính xác cho đối tượng.
Chỉ biết rằng nguyên nhân gây ra bệnh ung thư dạ dày thường gặp ở đối tượng nguy cơ cao như: người mắc các chứng viêm loét dạ dày mạn tính, người mắc và nhiễm vi rút HP mà chưa được điều trị ổn định và thường tái diễn triệu chứng dẫn đến bệnh nhân có các viêm loét cũng như viêm teo niêm mạc dạ dày.
PGS.TS Phạm Cẩm Phương – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai.
Ngoài ra những người có tiền sử trong gia đình bị mắc bệnh ung thư nhất là ung thư dạ dày, người hút thuốc lá, người hay ăn thực phẩm chứa nấm mốc, những người sử dụng rượu bia… là những đối tượng hay mắc ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày để chẩn đoán sớm là rất khó bởi giai đoạn sớm có các triệu chứng mơ hồ như người bị viêm dạ dày. Đa số người bệnh có các triệu chứng như ậm ạch khó tiêu, đau bụng trên rốn hoặc có các triệu chứng khó chịu trong người.
Còn để có các triệu chứng rõ thì đã ở giai đoạn muộn lúc đó người bệnh đau tức vùng thượng vị, sụt cân, có thể đi đại tiện phân đen hoặc tự sờ thấy hạch…. khi đó bệnh ở giai đoạn muộn và tiên lượng rất khó khăn.
Rất khó phân chia nhận biết từ giai đoạn sớm sang giai đoạn muộn vì tùy thuộc vào từng người, vào mô bệnh học, vào tổn thương của ung thư. Nếu loại rất ác tính thì tiến triển rất nhanh và hình thành khối u kích thước rất nhanh. Nếu loại mô bệnh học tiến triển chậm hoặc người già tiến triển chậm hơn và thời gian lâu hơn.
Làm thế nào để phát hiện ung thư dạ dày?
Cùng với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng – Nguyên Phó trưởng khoa Tiêu hóa – BV Bạch Mai cho rằng, ung thư dạ dày có biểu hiện tương đồng với các bệnh lý dạ dày thường gặp, khiến người bệnh dễ nhầm lẫn và chỉ được phát hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối.
Vì vậy, việc phát hiện sớm để biết dấu hiệu ung thư dạ dày giai đoạn đầu giúp người bệnh có thể chẩn đoán bệnh kịp thời, từ đó xây dựng phác đồ điều trị bệnh hiệu quả.
Theo các chuyên gia, ở giai đoạn đầu của bệnh ung thư dạ dày, các triệu chứng chưa xuất hiện rõ rệt và hầu hết được phát hiện khi các tế bào ung thư đã lan ra các bộ phận khác trong cơ thể. Trong trường hợp bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh liên quan đến dạ dày, cần thận trọng kiểm tra bệnh lý định kỳ, tránh tình huống xấu chuyển hóa thành ung thư.
Hình ảnh ung thư dạ dày.
Tuy vậy, theo BS Phương, người bệnh cần chú ý đi kiểm tra sức khỏe ngay khi phát hiện một số dấu hiệu ung thư dạ dày sau: Sụt cân- là một trong những triệu chứng cơ bản khi mắc bệnh ung thư dạ dày. Đau bụng bắt đầu với những cơn đau từng đợt, tuy nhiên, tình trạng đau bụng sẽ càng trở nên trầm trọng khi người bệnh bước sang những giai đoạn sau của bệnh ung thư dạ dày, thậm chí dùng thuốc cũng không thuyên giảm…
Ngoài ra, bệnh nhân có các biểu hiện chán ăn, đi kèm với nó là hiện tượng khó nuốt, cảm giác thức ăn luôn bị tắc nghẽn ở cổ họng.
Đầy bụng sau khi ăn hoặc có cảm giác đầy bụng, khó chịu và buồn nôn sau khi ăn. Sau đó bệnh nhân đi đại tiện phân đen (Hầu hết triệu chứng này sẽ xuất hiện ở những người mặc bệnh viêm loét dạ dày như một dấu hiệu nhận biết bệnh có thể đã chuyển hóa thành ung thư).
Về cơ bản, những triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày gần giống với những bệnh lý dạ dày khác, vì vậy, bệnh nhân thường có tâm lý chủ quan, chỉ đi khám khi bệnh chuyển biến nghiêm trọng.
Cùng với viêm dạ dày, ung thư dạ dày cũng ngày một gia tăng và là mối quan tâm. Điều đáng nói là bệnh nhân ung thư dạ dày thường được phát hiện muộn, khi đau quá không chịu được, gầy sút nhanh mới đi khám.
Lúc này ung tư dạ dày đã ở giai đoạn nguy hiểm, nên tiên lượng rất xấu, chỉ có 15% bệnh nhân sống thêm được 5 năm. Theo thống kê, số người tử vong mỗi năm vì bệnh ung thư dạ dày tại Việt Nam lên tới 11.000 người.
Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, thực tế khi điều trị bệnh viêm dạ dày người dân rất dễ chủ quan, không điều trị đến nơi đến chốn, hay bỏ dở giữa chừng khi đã điều trị thấy đỡ là dừng thuốc…
Đặc biệt, với bệnh viêm dạ dày do vi khuẩn HP nếu người bệnh điều trị không đúng phác đồ thì nguy cơ tái phát, nguy cơ kháng kháng sinh rất cao. Trong khi vi khuẩn HP chính là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ung thư dạ dày.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: cafebiz.vn