Giám đốc điều hành 35 tuổi bị đuổi việc lúc trước giờ đang làm shipper: Tất cả sự “ổn định” đều có cái giá rất đắt!
Mỗi món quà của định mệnh đều đã được âm thầm định giá. Và cái giá của sự ổn định, thật sự rất đắt. Bởi vì nếu bạn muốn có được cuộc sống ổn định, bắt buộc bản thân bạn phải là người thay đổi.
(01)
Cách đây một tuần, sau khi tôi viết và đăng tải bài “Hiện tượng 35 tuổi”, có một độc giả đã gửi thư về cho tôi với một tiêu đề khá đặc biệt: “Hồi ức của một LOSER.”
Độc giả này là một người đàn ông trung niên 35 tuổi, một năm trước, anh ta còn là giám đốc điều hành được nhiều người kính trọng, còn bây giờ lại chỉ là một shipper suốt ngày phải bôn ba chạy ngoài đường.
Trước đây, năm nào anh ấy cũng được nhận giải thưởng vinh dự cho nhân viên nổi bật, lương 40 triệu/ tháng.
Ai biết đâu đột nhiên công ty bị phá sản, anh ấy liền bị mất việc. Lúc ban đầu, anh ta cũng không mấy lo lắng về vấn đề này. Bởi vì bản thân có năng lực và kinh nghiệm, anh ta nghĩ chỉ cần nộp CV sẽ được nhận ngay thôi. Nhưng sau 3 tháng, anh ta mới nhận ra được một sự thật tàn khốc.
Nộp CV vào vị trí giám đốc thì ít có công ty chịu tuyển vào, bởi vì phần lớn họ đã có bộ phận cấp cao riêng, làm lâu năm, ổn định ở đó từ lâu. Người được tuyển phần lớn là nhân viên cho các bộ phận, hoặc trợ lí, thư kí giám đốc.
Có công ty chấp nhận tuyển thì lại chê anh ta đã lớn tuổi nên ép lương xuống còn 20 triệu/ tháng. Lúc đầu, anh ta nghĩ mức lương đó không xứng với khả năng của mình nên từ chối thẳng thừng.
Nhưng càng về sau, quá trình xin việc càng khó khăn hơn. Tuổi tác quả thật cũng là một giới hạn rất lớn.
Anh ta cũng từng nhờ vả các mối quan hệ cũ, nhưng làm được vài tháng, anh ta lại cảm thấy bản thân không thích nghi được với môi trường mới và chế độ đãi ngộ ở đây, nên đành xin nghỉ.
Mặc dù anh ấy chưa lập gia đình, nhưng vì lúc trước luôn tin tưởng mình đang nắm một công việc ổn định. Thế là anh ta tiêu xài rất hoang phí, ở căn hộ hạng sang, mua đồ hàng hiệu mỗi tháng,…
Cuối cùng, sau mấy tháng thất nghiệp, anh ta đã xài gần hết tiền để dành, nên chỉ đành lựa chọn ra ngoài làm shipper.
Nếu khi còn trẻ, bạn lựa chọn sống cuộc đời an nhàn, sung sướng, tiêu xài hoang phí mà không biết cách tiết kiệm. Vài năm sau, “khủng hoảng tuổi trung niên” có thể trở thành đối thủ lợi hại nhất, đánh bại bạn bất cứ lúc nào.
(02)
Hôm nay của anh chàng kia, rất có thể sẽ trở thành ngày mai của bất cứ ai đang coi thường sự tàn khốc của tuổi tác mà không chịu nỗ lực hết mình.
Đáng sợ nhất không phải đối thủ quá mạnh, mà là khi người khác nỗ lực hết mình, bạn vẫn còn đứng yên tại chỗ, ngốc nghếch mà cười nhạo đối phương.
Một năm trước, tôi từng gặp phải tình huống thế này trong chính vòng bạn bè của mình. Hiếu và Đạt là bạn cùng lớp cấp ba của tôi, hai người đó đã là đối thủ của nhau từ năm lớp 10. Mỗi lần có bảng thành tích học tập mới, hai người họ liền sẽ so sánh với nhau cho bằng được.
Đến sau khi tốt nghiệp, Hiếu làm việc cho một công ty tài chính nước ngoài mới thành lập ở TP. HCM. Đạt cũng làm công ty, nhưng chỉ sau 2 năm cậu ta đã quyết định xin nghỉ việc, dùng tiền để dành cộng thêm vay ngân hàng tự mình lập nghiệp.
Khi họp lớp, Hiếu biết tin Đạt bỏ việc nên cứ cười nhạo, bảo Đạt còn thiếu chững chạc, công việc ổn định không làm, cứ thích bắt chước theo đuổi người khác làm mấy việc khó khăn.
Kết quả, “cười người hôm trước hôm sau người cười”, công ty Hiếu xảy ra vấn đề, không chỉ phá sản mà còn quỵt luôn tiền lương tháng cuối của nhân viên. Hiếu thất nghiệp rồi, chẳng hiểu sao sau này còn xin vào công ty mới mở của Đạt làm nhân viên nữa.
(03)
Mọi sự ổn định trên thế giới này đều có cái giá rất đắt, thật đấy.
Bạn đứng ở vị trí này, cảm thấy nó cao, nó đủ ổn định, nhưng lại không nhìn rõ được lớp sương mù mờ mịt đang bủa vây sau lưng nó.
Mỗi vị trí, mỗi bộ phận đều sẽ có công việc khác nhau. Có vị trí tương đối nhàn, cũng có vị trí bận tối mặt mỗi ngày.
Mà cái điều đáng sợ thứ hai chính là: Bạn lại phủ định bản thân trong cái khoảnh khắc không nên phủ định nhất.
Ở nơi làm việc, khó tránh khỏi có những lúc yếu lòng, bạn có thể tránh vào một góc vắng khóc, bạn cũng có thể nhỏ tiếng kể khổ với người mình tin tưởng, nhưng tuyệt đối không được phủ định chính mình, từ bỏ chính mình.
Có nhiều người khi gặp chuyện khó khăn, thường nghĩ rằng: “Tại sao người khác làm ít hơn, bản thân mình nỗ lực nhiều hơn mà kết quả lại kém xa nhau như vậy?”
Và rồi lại nghĩ: “Rốt cuộc bản thân nỗ lực có ý nghĩa gì đâu.”
Kể từ đó, họ tự mình làm mất đi năng lực chiến đấu bền bỉ của bản thân, tinh thần phấn đấu và nghị lực cố gắng trước kia bị chôn vùi bởi lối suy nghĩ tiêu cực đó.
Sau đó, họ không cần đến “thăng chức, tăng lương” gì nữa, họ chỉ cầu mong được giữ lại công ty làm, cầu cái “công việc ổn định” để sống qua ngày.
Trường hợp này giống với một câu nói thường được nhắc đến lúc trước: Có người chỉ mới 20 tuổi đã trải qua “cuộc đời dưỡng lão” của người lớn tuổi.
Xã hội của chúng ta ngày nay, không chỉ chịu áp lực từ cuộc sống, mà còn phải chịu áp lực từ bản thân. Và đa số mọi kết quả nhận được, đều do sự lựa chọn ban đầu của chúng ta.
Mỗi món quà của định mệnh đều đã được âm thầm định giá. Và cái giá của sự ổn định, thật sự rất đắt. Bởi vì nếu bạn muốn có được cuộc sống ổn định, bắt buộc bản thân bạn phải là người thay đổi.
Nếu bạn muốn có chỗ đứng ổn định trong công việc, bạn phải là người mạnh mẽ, quyết tâm chiến đấu đến cùng. Dù trên người có hàng trăm vết sẹo, hãy coi đó là chiến tích vẻ vang.
Đừng dễ dàng gục ngã, bởi sự ổn định thật sự không dễ dàng chút nào. Cuộc sống này rất thực tế, bạn có khả năng chống lại bao nhiêu áp lực, bạn cũng có thể tiến bộ, làm được bấy nhiêu điều.
Khủng hoảng tuổi 35 có là gì? Cách duy nhất để vượt qua khủng hoảng chính là đối mặt với nó.
Can đảm là sức mạnh lớn nhất của đời người. Dù cuộc sống có khó khăn đến đâu đi nữa, bạn cũng phải càng mạnh mẽ, càng nỗ lực hơn nữa, bởi vì… bạn đã là người trưởng thành!
Thegioibantin.com | Vina Aspire News