Thứ gì không giết được bạn sẽ khiến bạn yếu hơn
Friedrich Nietzsche, nhà triết học người Đức, có câu nói nổi tiếng: “Điều gì không giết được ta sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn.” Quan điểm ấy tồn tại và tiếp tục được truyền bá trong nền văn hóa Mỹ rất lâu sau khi ông mất.
Một trong những lý do giải thích cho điều đó chính là: đau khổ là một phần tất yếu của cuộc sống. Vì thế, chúng ta phát triển nhiều cách để giảm bớt đau khổ – một trong số đó là gán cho nó sức mạnh làm thay đổi con người theo hướng tích cực.
Đồng thời, do vốn thấm nhuần tư tưởng rằng miễn có hy vọng thì cái gì cũng làm được, trong khi thực tế có nhiều thứ dù cố mấy ta vẫn khó có thể ảnh hưởng. Và khi mang một niềm tin nào đó, chúng ta có xu hướng thường xuyên nhìn thấy, ghi nhớ và nhắc đến các trường hợp và sự kiện ủng hộ nó. Đây được gọi là Thiên kiến xác nhận.
Về mặt tiến hóa, những người sống sót sau tai họa chính là những người mạnh mẽ nhất. Nhưng vốn họ đã mạnh mẽ sẵn nên mới sống sót qua tai họa chứ không phải nhờ tai họa mà họ mạnh mẽ. Tuy nhiên, tâm trí chúng ta không phân rõ sự khác biệt này.
Bộ não chúng ta là một cỗ máy khiến mọi thứ có ý nghĩa, được thiết kế để sắp xếp số lượng rất lớn các thông tin thành nhận thức mạch lạc, có trật tự, dưới dạng tường thuật. Tức là, điều này đã xảy ra, dẫn đến điều kia, rồi cho ra kết quả nào đó. Khi hai điều xảy ra cùng lúc, ta cho rằng chúng được liên kết với nhau và vội vàng kết luận chúng trong một mối quan hệ nhân – quả.
Giống với những con chim bồ câu sống trong lồng, dù việc nhận được thức ăn ngẫu nhiên không liên quan đến hành vi nhưng chúng vẫn sẽ lặp lại bất kỳ hành động nào mà bản thân đã làm ngay trước thời điểm thức ăn xuất hiện. Những con chim bồ câu, theo một nghĩa nào đó, trở thành những kẻ mê tín.
Chúng ta cũng vậy. Ở con người có nhiều niềm tin phổ biến dựa trên lỗi này. Một số niềm tin không đáng bận tâm, chẳng hạn như một người hâm mộ tin rằng việc mặc chiếc áo may mắn của mình sẽ giúp đội của anh ta chiến thắng để rồi khiến khả năng của bản thân bị phụ thuộc vào một vật vô tri, vô giác.
Sự háo hức của chúng ta trong việc xoa dịu nỗi đau khổ bằng cách hợp lý hóa nó, cùng với xu hướng tìm kiếm thông tin hỗ trợ cho những niềm tin đã có từ trước của mình và việc chứng kiến quan hệ nhân quả xảy ra cùng nhau, đều giúp giải thích cách chúng ta đạt đến niềm tin của mình khi đối mặt với những nỗi đau to lớn.
Nhưng phần lớn các nghiên cứu tâm lý về chủ đề này cho thấy rằng, như một quy luật, nếu bạn mạnh mẽ hơn sau khó khăn, thì có khả năng sự mạnh mẽ đó tồn tại sẵn bất chấp khó khăn, chứ không phải bởi vì khó khăn mà bạn mới mạnh mẽ. Những nỗi đau to lớn sẽ khiến bạn dễ gục ngã hơn. Những gì không giết được ta trên thực tế khiến ta yếu hơn.
Nghiên cứu quá trình phát triển đã chỉ ra một cách thuyết phục rằng những đứa trẻ bị tổn thương tâm lý có nguy cơ bị tổn thương lần nữa cao hơn chứ không phải ít hơn. Những đứa trẻ lớn lên từ một khu phố khó khăn sẽ trở nên yếu hơn, không phải mạnh mẽ hơn. Chúng có khả năng sẽ gặp phải khó khăn trong đời nhiều hơn.
Và ảnh hưởng đối với người lớn nhìn chung cũng tương tự. Ví dụ, trong một nghiên cứu gần đây, những người trưởng thành khỏe mạnh được cho xem những khuôn mặt sợ hãi và bình tĩnh trong khi chụp cộng hưởng từ chức năng để đo hoạt động trong hạch hạnh nhân, phần não hình thành và lưu trữ ký ức cảm xúc. Một nửa trong số những người tham gia đã ở trong bán kính xấp xỉ 2,5 km tính từ Trung tâm Thương mại Thế giới vào ngày 11 tháng 9 và nửa còn lại sống cách xa nơi đó ít nhất 300 km. Những người tham gia từng ở gần Trung tâm Thương mại Thế giới vào ngày 11 tháng 9 có hoạt động hạch hạnh nhân cao hơn đáng kể khi nhìn vào những khuôn mặt sợ hãi so với những người sống cách xa hơn 300 km.
Tiến sĩ Barbara Ganzel, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Những phát hiện của chúng tôi cho thấy có thể tồn tại những yếu tố tương quan sinh học thần kinh lâu dài do gặp phải tổn thương, ngay cả ở những người có vẻ ngoài kiên cường”, “Chúng ta đã biết từ lâu rằng việc gặp phải tổn thương có thể dẫn đến dễ mắc phải các rối loạn sức khỏe tâm thần nhiều năm sau tổn thương ấy. Nghiên cứu này cung cấp cho chúng ta manh mối về sinh học nằm sau tình trạng tổn thương đó. “
Tại đơn vị cảnh khuyển K9, khi được hỏi rằng có thể tìm được những chú chó tấn công đáng gờm của mình ở đâu. Chỉ huy đơn vị cho biết hầu hết mọi người đều tin rằng những con chó hoang trên đường phố sẽ là những con chó chống khủng bố tốt nhất, vì chúng đã sống sót được trong thế giới xâu xé lẫn nhau trên những con phố đầy rẫy hiểm nguy. Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Chó đường phố không thể làm công việc này – hay bất kỳ công việc nào khác – vì chúng khó đoán và không thể huấn luyện. Những con chó được chăm sóc, yêu thương và bảo vệ tốt suốt đời – chính là những ứng cử viên chó chống khủng bố tốt nhất.
Và điều này cũng đúng với con người:
Tình trạng lộn xộn và hỗn loạn không giúp bạn cứng rắn hơn, cũng chẳng giúp bạn chuẩn bị sẵn sàng đối phó với nỗi kinh hoàng của thế giới. Chính tình yêu thương và sự chăm sóc mới giúp bạn cứng rắn hơn, bởi vì chúng nuôi dưỡng và củng cố năng lực học hỏi và thích ứng của bạn – bao gồm cả học cách chiến đấu và thích nghi với khó khăn sau này.
Nguồn: Noam Shpancer Ph.D
https://www.psychologytoday.com/us/blog/insight-therapy/201008/what-doesnt-kill-you-makes-you-weaker
Nội dung được dịch và biên tập bởi Team Trần Đăng Khoa.
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10159512814157733&id=112841927732
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/thu-gi-khong-giet-duoc-ban-se-khien-ban-yeu-hon