Muốn làm nhà lãnh đạo giỏi: Phải biết ‘vượt biên’
Mặc dù tính kỷ luật, tự quản lý là điều cơ bản để hoàn thành những điều bạn đặt ra nhưng để vượt khỏi vai trò quản lý, bạn phải vượt ra những định kiến sẵn có.
Trong bất kỳ tổ chức nào vai trò của người quản lý khá quan trọng. Họ là người giữ cho cỗ máy hoạt động trơn tru, đảm bảo các mục tiêu đề ra của tổ chức được hoàn thành. Với vai trò quản trọng như vậy, nhiều người lầm tưởng rằng càng giành được vị trí quản lý cao càng có khả năng tạo ảnh hưởng tới người khác. Tuy nhiên vị trí quan trọng hơn cả và có ảnh hưởng lên người khác lại là nhà lãnh đạo.
Giáo sư nghệ thuật lãnh đạo Tom Mullins từng nói: “Các lãnh đạo là những nhà quản lý giỏi, nhưng các nhà quản lý giỏi chưa chắc đã là những lãnh đạo giỏi.” Nếu bạn đã thực hiện tốt và quản lý hiệu quả các quy trình, đã đến lúc bạn cần vượt ra khỏi vai trò quản lý để trở thành nhà lãnh đạo. Sau đây là những kỹ năng bạn cần hoàn thiện nếu muốn vươn lên vị thế cao hơn của tổ chức.
Suy nghĩ dài hạn
Do hoàn cảnh bắt buộc, các nhà quản lý thường phải sống trong hiện tại. Họ làm việc để giữ cho mọi thứ hoạt động suôn sẻ. Có luận điểm chi ra rằng các quản lý là người làm đúng đắn nhiều điều trong khi các lãnh đạo là những người làm điều đúng đắn. Hay nói cách khác những nhà lãnh đạo thực hiện những việc làm đúng đắn để tổ chức phát triển trong tương lai.
Và những điều này đòi hỏi suy nghĩ dài hạn. Trong khi các nhà quản lý giỏi có thể giữ cho dây chuyền sản xuất làm việc với chi phí thấp và hiệu quả tối đa, điều này cũng sẽ vô giá trị khi dây chuyền này chỉ để sản xuất hàng loạt sản phẩm cấp thấp.
Nhìn xa trông rộng
Đa số mọi người chỉ đánh giá các sự kiện trong cuộc đời theo mức độ ảnh hưởng của chúng lên cuộc sống bản thân. Trong khi những nhà lãnh đạo thường đánh giá rộng hơn, họ xem xét mức độ ảnh hưởng của sự việc tới những người ở trên và bên cạnh, cố gắng xem xét mọi thứ trong mối liên hệ tổ chức thậm chí vượt ra ngoài tổ chức.
Khi nền kinh tế ngày càng mang tính toàn cầu hóa, nhiều nhà lãnh đạo giỏi thậm chí còn suy nghĩ rộng hơn. Tất nhiên xét trong phạm vi tổ chức nhỏ, bạn không cần phải suy nghĩ tới cấp độ toàn cầu nhưng điểm cốt lõi cần nhớ là xem lĩnh vực của mình là một phần của quy trình lớn và hiểu làm thế nào để những mẩu nhỏ ăn khớp với nhau. Hãy học cách mở mang đầu óc và bắt đầu nhìn mọi thứ từ một điểm nhìn rộng hơn.
“Vượt biên”
Trong cuộc sống phần lớn bạn chịu tác động bởi nhiều nguyên tắc mang tính quy trình như: xếp thẳng hàng, lấy số thứ tự, giơ tay xin phát biểu ý kiến. Đây là những nguyên tắc do các nhà quản lý đặt ra để đảm bảo các quy trình họ giám sát đi đúng hướng. Mặc dù tính kỷ luật, tự quản lý là điều cơ bản để hoàn thành những điều bạn đặt ra nhưng để vượt khỏi vai trò quản lý, bạn phải vượt ra những định kiến sẵn có.
Các nhà lãnh đạo khao khát tìm ra cách tốt hơn. Họ muốn tạo ra sự tiến bộ, họ thích nhìn sự phát triển hay tạo ra sự thay đổi, loại bỏ những nguyên tắc cũ, phát triển những phương thức mới.
Coi trọng những thứ vô hình
Những thứ có thể quản lý luôn có thể sờ nắn và đo lường được, bạn có thể đánh giá chúng một cách logic trước khi ra quyết định. Nhưng vai trò lãnh đạo lại hoàn toàn khác, đó là cuộc chơi của những yếu tố vô hình.
Các nhà lãnh đạo giải quyết những việc về tinh thần, động lực thúc đẩy, sự tạo đà, các cảm xúc, thái độ, bầu không khí và chọn thời điểm. Làm sao bạn có thể sờ tay vào thái độ? Tất các đều là trực giác. Để phán đoán, bạn phải tìm hiểu những ẩn ý sâu xa. Các lãnh đạo không những phải có tâm lý thoải mái mà còn tự tin khi xử lý những công việc như vậy.
Dựa vào trực giác
Như đã nói ở trên, các lãnh đạo làm việc với những thứ vô hình và thứ họ dựa vào là trực giác. Nhà tâm lý học Joyce Brothers từng nói “Hãy tin vào linh cảm của bạn. Chúng luôn dựa vào những sự thật được cất phía dưới ngăn ý thức.” Bạn càng tập trung vào những thứ vô hình thay cho hữu hĩnh, vào cá nguyên tắc thay vì thực tiễn, sẽ càng có nhiều thông tin được lưu vào tâm trí và gọt dũa trực giác của bạn.
Trao quyền cho người khác
Quản lý thường liên quan đến kiểm soát. Các nhà quản lý phải kiểm soát chi phí, chất lượng và năng suất. Đó là lý do một số nhà quản lý giỏi gặp khó khăn khi chuyển sang cương vị lãnh đạo bởi lãnh đạo không nhắm đến sự kiểm soát mà là sự giải phóng.
Các nhà lãnh đạo tài ba biết cho đi quyền lực. Họ tìm người giỏi và đầu tư vào những người này cho tới khi họ có thể giải phóng và trao quyền lực để thực thi công việc. Lãnh đạo càng giỏi sẽ càng vui khi thấy các thành viên trong nhóm tìm ra những phương thức mới để hoàn thành công việc.
Vai trò lãnh đạo luôn là một đích ngắm di động. Nếu bạn khát khao trở thành nhà lãnh đạo giỏi, hãy thay đổi. Nếu bạn muốn tạo ra tầm ảnh hưởng, hãy học cách nghĩ tới mọi người, nghĩ tới sự tiến bộ và những thứ vô hình.
Nguồn: cafebiz, Thảo Nguyên, Theo Trí Thức Trẻ