“Open Relationship” – Mối quan hệ mở là gì ?
Ý tưởng về một “mối quan hệ mở” trước đây đối với tôi gần như đồng nghĩa với sự điên khùng, thiếu chính chắn, một lời ngụy biện cho thói trăng hoa, hoặc chỉ tồn tại ở những nơi mà lối sống quá phóng khoáng và ít tính ràng buộc trong một mối quan hệ. Nhưng cuộc đời thường đẩy ta rẽ ngang vào những thời điểm ta không hề lường trước. Và niềm tin của chúng ta bị bẻ gãy ở những khúc quanh ấy, thường là rất đau đớn, nhưng ta lại không thể trốn tránh việc phải tiếp nhận những ý niệm mà trước đây cứ ngỡ là hết sức vô lý với mình.
Lần đầu tiên tôi thực sự nhìn thấy một mối quan hệ mở là trong tình huống hơi phức tạp. Tôi có người bạn, chồng của cô ấy ngoại tình với một người phụ nữ cùng công ty. Người phụ nữ này tên Lan, đã có gia đình và hai con nhỏ, thế nhưng chồng của bạn tôi lại không phải là người đàn ông ngoài luồng duy nhất của cô ấy, và chồng của Lan cũng đã có tình nhân bên ngoài từ rất lâu. Trước đây, tôi vẫn nhìn một mối quan hệ kiểu này hoàn toàn thuần túy là ngoại tình, cả hai con người trong cuộc còn cố gắng bám víu nhau có thể là vì ràng buộc con cái, tài sản, hoặc vì một kiểu cố chấp u mê nào đó chưa thể buông bỏ.
Thực sự nếu cuộc hôn nhân này chỉ dừng ở mức biểu hiện như thế, thì nó đúng là ngoại tình thuần túy. Nhưng càng lúc những thứ lạ hơn bắt đầu xuất hiện. Đầu tiên, cả hai người trong cuộc, Lan và chồng, đều biết mối quan hệ bên ngoài của nhau nhưng họ không có dấu hiệu gì là muốn can thiệp và cắt đứt để bảo vệ hôn nhân. Tiếp theo, tôi không rõ chồng của Lan có nhiều hơn một tình nhân hay không, nhưng Lan thì chắc chắn không dưới một. Cái cách mà người phụ nữ này “ngoại tình” khiến tôi rất đắn đo. Thường thì phụ nữ có tập tính “yêu tập trung”, họ dồn hết tâm sức cho một người vào một thời điểm, nhưng Lan lại đi ve vãn khắp các nơi và có không ít “bạn tâm tình”. Lạ hơn nữa, Lan cũng không muốn cướp chồng hay chiếm lấy người đàn ông nào về cho mình cả. Tất cả chỉ dừng ở mức trò chuyện, tâm sự (cả nội dung sâu sắc về cuộc sống lẫn những lời cợt nhả), đôi lúc làm chuyện đó với nhau, rồi giải tán. Không ghen tuông ràng buộc, không đòi hỏi gì thêm, không yêu cầu gì nữa (cần lưu ý, Lan không hề bị cuồng dâm hay có xu hướng tình dục lạ lùng nào). Tiếp nữa, hai vợ chồng Lan vẫn thỉnh thoảng đi xem phim, đi du lịch cả gia đình, tiệc tùng cùng nhau. Thậm chí đã không ít lần Lan dắt chồng đến những buổi tiệc của công ty, nơi trong số đó có một vài gã đàn ông mà cô ấy đã cùng “tâm tình”.
Lúc trước, tôi đắn đo vô cùng, rốt cuộc phụ nữ này thuộc hạng người như thế nào mà có thể bất chấp và trơ trẽn đến mức khó có thể chấp nhận như thế. Nhưng một ngày nọ, tôi tình cờ đọc những nghiên cứu và một số bài báo viết về “Open Relationship” – mối quan hệ mở. Và bao nhiêu khúc mắc đột nhiên được giải đáp tỏ tường. Lan và chồng của cô ấy chính xác là một “mối quan hệ mở”!
Trước hết, cần phải nói rõ rằng “open relationship” ở đây không nói về những người trẻ tuổi và chưa lập gia đình. Khi bạn ở những tháng ngày của tuổi 20, chưa kết hôn và có nhiều hơn một đối tượng để yêu, thì nó thuộc về phạm trù khác: Phân vân không biết lựa chọn ai, cảm thấy bản thân hoặc mối quan hệ đó chưa đủ chín để bạn “hạ cánh”, còn muốn khám phá thêm…
“Mối quan hệ mở” trước đây chỉ bắt gặp ở phương Tây, và theo đúng nghĩa thực sự chỉ tồn tại ở những người đã kết hôn và đa số đều đã bước vào tuổi trung niên, hoặc nếu trẻ hơn thì ít nhất đã đi qua nhiều năm tháng sóng gió của hôn nhân trước khi thấy mình đứng trước khúc quanh trắc trở nhất: Tiếp tục hay dừng lại. Suy cho cùng, hầu hết con người đều chỉ quen với việc đếm tới hai cho một mối quan hệ mà theo chúng ta là lí tưởng và đúng đắn. Việc gia tăng “nhân khẩu” dù trong bất kì trường hợp nào cũng đều gây ra bao đau đớn và tổn thương.
Một cuộc hôn nhân nếu đã đi đến bước đường mở cửa cho thêm người khác bước vào cũng gần như một cuộc trở mình lột xác đau đớn đã lấy đi rất nhiều nước mắt. Khi lắng nghe câu chuyện của những người trong cuộc, chúng ta sẽ hiểu đó là một lựa chọn mà từ đầu đến cuối luôn gắn liền với biết bao dằn vặt, khổ sở.
Minh và Hà là vợ chồng đã nhiều năm. Hôn nhân của họ lớn lên từ tình bạn, sự hòa hợp là lẽ dĩ nhiên. Khi người ta yêu nhau từ năm 18 tuổi, họ trải qua rất nhiều thứ đầu tiên cùng nhau, và là những điều đẹp nhất, đáng nhớ nhất của tuổi trẻ một con người. Trường đại học đầu tiên, nụ hôn đầu tiên, tiền làm thêm đầu tiên, công việc đầu tiên, thất bại đầu tiên, những khai phá đầu tiên về cuộc đời… Điều đó mang tính kết dính hơn bất kì điều gì.
Cuộc hôn nhân của Minh và Hà đã từng bền vững và hạnh phúc qua nhiều năm, cho đến khi Minh mắc một căn bệnh khiến ham muốn của anh giảm mạnh, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng rất nhiều và cần tham gia nhiều khóa trị liệu. Chúng ta thường mặc định cho rằng nhu cầu tình dục của phụ nữ là thấp, nhưng điều đó không đúng. Phụ nữ có thể ít ham muốn vì khó đạt cực đỉnh, nhưng vẫn có nhu cầu mãnh liệt về sức hấp dẫn giới tính của bản thân. Mặc khác, phụ nữ cũng bị hấp dẫn bởi những điều mới mẻ y như nam giới. Vậy nên bệnh tình của Minh gây ra những ức chế bên trong mà một khi chúng ta bị cột chặt bởi văn hóa và đạo đức thì sẽ rất khó lòng để thừa nhận, đặc biệt là với phụ nữ. Nhưng mỗi khi bước ra ngoài và vô tình nhìn thấy phần cơ bắp của người đàn ông hoặc hình ảnh mùi mẫn của cặp đôi nào đó, Hà vẫn biết trong lòng mình có gì đó đang cào cấu và tha thiết, nhưng vội vã bị khuất lấp đi sau khi cô liếc mắt qua nhanh. Hà vẫn thành công trong việc phớt lờ nhu cầu tình dục của bản thân và được khỏa lấp bởi cảm giác đạo đức, cho đến khi cô theo bạn đi tập yoga. Những buổi tập bắt đầu thường xuyên hơn khi va chạm cơ thể giữa Hà với huấn luyện viên tăng lên. Hai người bắt đầu trò chuyện nhiều, rồi rủ nhau đi uống nước sau giờ tập, ban đầu là với cả nhóm, sau cuối là chỉ còn hai người. Mối quan hệ nhanh chóng phát triển.
Tôi đã từng gặp một vài người chỉ muốn được chết đi trong tình yêu mới của mình, nơi họ chìm đắm trong chuỗi ngày dằn vặt, mỏi mệt, tội lỗi. Hà quyết định thú nhận mối quan hệ mới của mình với Minh sau khi cô không thể chịu nổi nữa. Nhưng sự thật khiến cô ngỡ ngàng, thì ra Minh cũng đã có một mối quan hệ khác bên ngoài, với một người mà anh gặp ở các buổi trị liệu, một người cũng mắc căn bệnh giống như anh và hoàn toàn có thể chia sẻ với anh những cảm xúc mà Hà không thể hiểu được.
Hoàn toàn bị sốc và không thể kềm chế được, Hà lao vào cấu xé Minh điên cuồng. Cô la hét đánh đấm và hai người xả vào mặt nhau những lời đau đớn nhất. Những ngày sau đó hoàn toàn rối trí và tuyệt vọng, chính Hà cũng không thể hiểu được vì sao mình lại có cảm giác đau đớn đến thế khi ngay cả cô cũng là một kẻ ngoại tình kia mà?
Khi phải tìm đến một người bạn cũ hiện đang là chuyên viên tư vấn tâm lí, Hà gần như tê liệt vì không thể hiểu nổi bản thân lẫn cuộc đời này nữa. Mất nhiều giờ trao đổi tiếp theo đó, khúc mắc dần được cởi bỏ. Với Hà, mối quan hệ với huấn luyện viên gần như là thuộc về lý tính. Cô cần những va chạm thể xác, cần cảm giác được ham muốn, được đối xử như một người đàn bà. Xoay quanh tình dục là những câu chuyện gần gũi, những tâm sự hằng ngày, chúng dễ đánh lạc hướng không để người trong cuộc nhận ra họ tìm đến với nhau vì cái gì. Còn với Minh, Hà nhận ra mối quan hệ của anh với người phụ nữ kia là một sự đồng điệu về cảm xúc, tâm tư. Cô thấy mình bị phản bội khi Minh đã chia sẻ với người khác những điều lẽ ra cô mới là người được biết. Anh đã đá cô ra khỏi con đường trị liệu của riêng anh mà vốn dĩ cô đã chịu nhiều thiệt thòi từ nó. Hóa ra điều đó mới là thứ đau đớn hơn cả khi người đàn ông của mình lên giường với phụ nữ khác.
Sau 2 tháng gần như không thể đối diện với nhau mà không có chửi rủa hay nước mắt, lần đầu tiên Minh và Hà ngồi lại nói chuyện với nhau, bình tĩnh, thận trọng. Nhưng cuộc đối thoại thất bại, vì Hà vẫn ghen tuông và muốn chiếm hữu, Minh vẫn vô cảm và đặt nhu cầu của mình lên trên tất cả. Rồi lần nói chuyện tiếp theo, tiếp theo nữa, cứ cố gắng thế, cho đến khi hai người dần được khai sáng về bản thân, về tình cảnh và tình cảm hiện tại của đối phương, và quan trọng nhất là về cách mà cả hai cần phải thay đổi để bảo toàn cho cuộc hôn nhân này.
Minh và Hà quyết định đặt gia đình nhỏ lên hàng ưu tiên, mở toang hết mọi bí mật, rằng mỗi người đã gặp gỡ ai, hẹn hò ai, nhắn tin với ai. Có rất nhiều thứ đặt ra và rồi lại thay đổi, những buổi nói chuyện thẳng thắn và đôi khi khá mệt mỏi để điều chỉnh lại cuộc sống. Nhưng ít nhất sau tất cả, Minh và Hà đã nhận ra rằng họ không thể đánh mất nhau, họ sẽ cùng nhau ở đây, cùng nhau làm lại từ đầu để cả hai có thể đi tiếp cuộc hôn nhân này.
Hầu hết các mối quan hệ mở đều có hoàn cảnh tương tự như chuyện của Hà và Minh. Sau những năm tháng ở cạnh nhau, hoặc do một ngã rẽ đột ngột của số phận, đột nhiên cái mà người kia thiếu trở thành thứ mà mình quá cần. Tình dục, nhu cầu chia sẻ (về công việc, sức khỏe, sở thích cá nhân…). Và bỗng, bùm, ta gặp ở đâu đó một người nào đó trám vừa hoàn hảo vào chỗ khuyết.
“Mối quan hệ mở” cũng thường gặp nhất ở những người đồng tính. Rất nhiều là đằng khác! Chúng ta có thể lý giải điều này bằng nhiều nguyên nhân: Thiếu sự ràng buộc, nhu cầu tình dục cao, sự không chung thủy vốn được quy kết cho cộng đồng này… Bên cạnh đó, có một sự thật là không ít người đồng tính đã kết hôn với người dị tính (vì gia đình hoặc vì môi trường xã hội). Sau đó, họ tìm về với xu hướng tính dục của mình bằng một “mối quan hệ mở”.
“Open relationship” cũng gặp ở nhiều trường hợp khác. Ví dụ như những người đã từng đổ vỡ hôn nhân, chỉ muốn có người tình, không muốn thêm chồng hay vợ. Hoặc những người hôn nhân không thể cữu vãn, không còn tình yêu nhưng buộc phải chấp nhận ở bên cạnh nhau vì ràng buộc con cái.
Lưu ý: Không phải “mối quan hệ mở” nào cũng là quyết định của cả hai. Có khi đó chỉ là lựa chọn đơn phương của một người. Trong trường hợp này, người còn lại chắc chắn sẽ phải chịu nhiều đau đớn. Lúc này, sợi dây duy nhất níu họ lại cuộc hôn nhân là người kia có còn tình cảm dành cho mình hay không, mức độ ưu tiên của người kia cho gia đình đến đâu,…
Thực ra, mối quan hệ mở không phải là một khái niệm quá mới mẻ. Lật lại lịch sử, nó đã xuất hiện từ khoảng những năm 60s, 70s, khi những cuốn sách và nghiên cứu đầu tiên về đề tài này ra đời ở Mỹ. Nhưng quả thật cho đến giai đoạn này, nó vẫn còn là một khái niệm mới mẻ và nhiều thử thách cho người trong cuộc, đặc biệt là trong xã hội phương Đông – nơi giá trị gia đình không bao giờ có chỗ cho kẻ thứ ba. “Mối quan hệ mở” với một số người có thể là lựa chọn “chẳng đặng đừng” phải xảy ra do hoàn cảnh, số phận đẩy đưa; nhưng với đa số thì sự lựa chọn này cũng là dấu chấm hết cho niềm tin vào sự chung thủy. Bởi rốt cuộc, một cuộc hôn nhân với số đếm tới hai đương nhiên vẫn là một mối quan hệ khỏe mạnh hơn cả.
*Tư liệu tham khảo: The New York Times