Mark Zuckerberg giải thích lý do Facebook ép buộc tải Messenger
Hôm nay trong một buổi phỏng vấn trực tuyến, đích thân Mark Zuckerberg đã lý giải vì sao Facebook bắt buộc người dùng phải tải ứng dụng chat Messenger riêng thay vì tích hợp sẵn như trước đây. Lý do là vì một ứng dụng riêng lẻ với một chức năng duy nhất sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn và làm tốt công việc của nó hơn, nguyên văn câu trả lời của Mark nằm bên dưới, mời các bạn đọc.
Mark:
“… Chúng tôi làm như vậy vì tin rằng nó sẽ mang lại một trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Nhắn tin đang ngày càng trở nên quan trọng hơn. Và trên các thiết bị di động, chúng tôi tin rằng mỗi app chỉ có thể tập trung làm tốt một công việc mà thôi. Mục đích chính của app Facebook đó là News Feed. Trong khi đó số lượng tin nhắn thì ngày một tăng, 10 tỷ tin nhắn được gửi đi mỗi ngày, nhưng để nhắn tin được bạn phải mở app Facebook lên, chờ nó tải xong rồi mới chuyển qua tab chat.
Chúng tôi thấy rằng những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất hiện nay chính là những app của riêng họ, những app này hoạt động rất nhanh và chỉ tập trung vào việc nhắn tin mà thôi. Bạn có thể chat với bạn bè 15 lần một ngày, và việc phải vào app Facebook, thực hiện nhiều thao tác trước khi có thể chat được là một điều không hề thoải mái chút nào.
Nhắn tin là một trong số ít thứ mà con người sử dụng nhiều hơn việc lên mạng xã hội. Ở một số quốc gia, có tới 85% người dân sử dụng Facebook nhưng lại có tới 95% người dân dùng SMS hoặc các phần mềm nhắn tin. Yêu cầu người ta cài đặt thêm một app nữa trên điện thoại là một việc làm khó khăn trong ngắn hạn, tuy nhiên nếu chúng tôi muốn phục vụ các bạn tốt hơn thì chúng tôi phải xây dựng lại một trải nghiệm mới tập trung hơn và riêng biệt hơn. Chúng tôi phát triển nó cho cả cộng đồng. Tại sao chúng tôi không cho phép người ta lựa chọn tải ứng dụng theo ý của họ? Bởi vì thứ mà chúng tôi đang làm đó là xây dựng một dịch vụ tốt cho tất cả mọi người. Nếu bạn đang chat rất nhanh bằng Messenger mà những người bạn còn lại thì chat chậm hơn (do phải tốn nhiều thao tác hơn trong Facebook) thì trải nghiệm sẽ không còn được đồng nhất nữa…”