Cha mẹ của những đứa trẻ giỏi giang đều có 13 điểm chung dưới đây

0

Mặc dù không có một công thức nuôi dạy con trở thành người thành công cụ thể nào, nhưng hầu hết những đứa trẻ giỏi giang đều có bố mẹ làm được 13 điều dưới đây.

Có lẽ công việc khó khăn nhất trên đời chính là việc làm bố làm mẹ. Không có một quyển sách nào có thể nói tường tận và chính xác, làm thế nào để bố mẹ nuôi dạy con cái cho tốt.

Trẻ con là một tờ giấy trắng, bố mẹ phải nhọc công tô vẽ những gì lên tờ giấy đó là vô cùng quan trọng. Cách giáo dục, cách sống và thái độ của bố mẹ đối với con cái là những nguyên nhân chính, làm nên sự thành bại của cả một đời người.

Dù không có bất kỳ công thức nào chỉ ra rằng phải làm thế này thế kia con trẻ mới thông minh hay thành đạt, nhưng điểm chung của những đứa trẻ tài giỏi hầu hết đều phụ thuộc vào 13 yếu tố dạy bảo từ cha mẹ sau đây:

Rửa bát, quét nhà – Đủ sức làm thì sẽ phải làm

Con trai vàng, con gái rượu, con nào cũng là của quý của bố mẹ. Các bậc cha mẹ giờ đây có xu hướng bao bọc con cái quá mức. Bọn trẻ được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, cả tuổi thơ chỉ có nghĩa vụ duy nhất là học, mọi chuyện khác có bố mẹ và người giúp việc lo.

Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm. Để cho trẻ làm việc nhà chính là giúp chúng thành người, bởi qua quá trình làm việc nhà, bọn trẻ không chỉ tích cóp được kỹ năng cho bản thân mà còn hiểu rõ hơn về cách cống hiến sức lực ngay từ khi còn nhỏ.

Nữ tiến sỹ Julie Lythcott-Haims, từng làm việc tại Đại học Harvard cho biết, một khi đã có tinh thần trách nhiệm cùng kỹ năng sống cơ bản, đứa trẻ sẽ có xu hướng lớn lên thành một người tự lập tốt hơn, sẽ là một nhân viên mẫn cán biết phối hợp với đồng nghiệp và có lòng cảm thông sâu sắc với sự việc xung quanh. Phải nuôi được chính mình, sau này mới tính được đến chuyện làm việc lớn!

‘Đẩy’ con ra đường từ sớm

Việc trau dồi các kỹ năng xã hội cũng quan trọng chả kém những kiến thức trong sách vở ở trường lớp. Thay vì nhồi nhét vào đầu con cái hàng đống bài tập về nhà chất cao hơn núi, bố mẹ của những đứa trẻ giỏi giang dạy chúng các kỹ năng tự chăm sóc bản thân, giao tiếp với xã hội và quan trọng hơn, họ luôn muốn đứa trẻ va chạm với cuộc sống thực chứ không phải tivi và 4 bức tường.

Đừng vội coi thường cái gọi là kỹ năng mềm. Đây chính là chìa khóa mở ra khả năng hòa đồng, khả năng giao tiếp và hoạt động nhóm, những kỹ năng cực kỳ cần thiết cho cuộc sống trưởng thành trong tương lai. Bố mẹ chẳng cần lo lắng khi con đi dã ngoại cùng lớp, tự chúng nó sẽ lo được cho bản thân.

Các nhà nghiên cứu của Đại học bang Pennsylvania và Đại học Duke cho biết, hơn 700 trẻ em trên khắp nước Mỹ khi được học các kỹ năng xã hội từ nhỏ đều trở thành người thành công khi lớn lên.

Không bao giờ cãi nhau trước mặt con cái

Chẳng có đứa trẻ nào muốn sống trong một gia đình mà bố mẹ suốt ngày to tiếng với nhau. Từ những cuộc cãi vã của phụ huynh, chúng sẽ nhanh chóng học những thói xấu, chẳng hạn như không kiềm chế được cơn nóng giận, chửi thề cũng như sự thù hằn tiêu cực của người lớn.

Con cái chính là bản sao của những người sinh ra nó. Muốn con nên người mà cứ tỏ ra gay gắt và thiếu văn hoá trước mặt con thì thử hỏi, có đứa nào thành người tử tế được không?

Chưa kể đến những đứa trẻ có bố mẹ đã ly hôn thì sự mất mát, tiếc nuối này của chúng cũng ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống sau này. Lăng kính trong mắt trẻ thơ vốn dĩ nên được tô màu hồng, thay vì gặp giông tố từ khi còn quá nhỏ.

Biết rõ thực tiễn không hề mơ mộng là tốt, nhưng nhận thức được đời là bể khổ khi ở tuổi ngủ tuổi chơi là một bất hạnh.

Luôn đặt kỳ vọng vào đứa trẻ

Chuyện này chẳng còn lạ lùng gì với bố mẹ Việt. Chẳng có gì sai nếu bố mẹ đặt nhiều hy vọng vào cục vàng cục bạc mình dứt ruột đẻ ra.

Bố mẹ luôn mong muốn con cái được sống trong môi trường tốt nhất, học tập ở những ngôi trường top đầu và sớm yên ổn có một công việc ổn định (nếu có thể thì cũng là do cha mẹ chọn lựa từ trước.)

Sự kỳ vọng của bố mẹ ảnh hưởng không nhỏ tới thành tựu của bọn trẻ con. Chúng biết mình cần phải cố gắng nếu không muốn bố mẹ thất vọng. Sự kỳ vọng của bố mẹ giống như lời tiên tri trước về những thành tựu của con cái mình.

Muốn con giỏi giang ư? Bố mẹ phải giỏi trước đã

Nhà tâm lý học Sandra Tang của trường Đại học Michigan đã chỉ ra rằng những đứa trẻ có mẹ tốt nghiệp đại học hay cao đẳng thì dư sức giỏi giang hơn mẹ.

Cha mẹ là cái gốc của con cái, là nơi để bọn trẻ tham chiếu. Những bà mẹ có kiến thức khoa học lẫn xã hội vững vàng, cộng với kinh nghiệm sống phong phú sẽ truyền đạt được nhiều điều hay ho thú vị cho con cái của mình.

Một nghiên cứu vào năm 2007 trên 14 nghìn trẻ em cho thấy, những đứa con của các bà mẹ tuổi teen, chưa tốt nghiệp cấp 3 hay đại học, thì không được giáo dục đầy đủ như những đứa trẻ còn lại. Điều đó cho thấy hiểu biết của cha mẹ có ảnh hưởng rất quan trọng tới cuộc đời của con cái.

Dạy trẻ học toán càng sớm càng tốt

Nhiều bố mẹ cứ nghĩ con còn bé thì chỉ cần học múa, học hát thật hay, các môn khác lên tiểu học rồi tính. Đây là suy nghĩ không sai, nhưng thiếu. Việc cho con trẻ tiếp xúc sớm với môn học vốn bị gắn mác khô khan như toán học thật ra lại có nhiều lợi ích không ngờ.

Học toán không chỉ là làm quen với các con số, thứ tự hay các khái niệm đơn giản mà còn rèn luyện được thêm kỹ năng đọc hiểu chính xác và đức tính kiên nhẫn. Tiếp xúc sớm với môn toán, trẻ con sẽ trở nên cực kỳ nhạy cảm với các con số. Chẳng thế mà có nhiều trường hợp trẻ con tính tiền cứ vanh vách dù chưa biết đọc, biết viết.

Quan tâm tới trẻ nhiều hơn

Với trẻ con, quan tâm bao nhiêu cũng không đủ. Bố mẹ Việt thường rất “lười” bày tỏ tình cảm với con cái. Nếu bỗng dưng thấy con mình hôm nay xinh quá, đừng tiếc một lời khen. Nếu con được điểm tốt, hãy ôm con và thơm vào má nó một cái chụt. Chẳng phải chính vì sự xa cách, phân bề trên dưới của bố mẹ ngày xưa đã dẫn đến một thế hệ ngại bày tỏ cảm xúc như bây giờ hay sao?

Bọn trẻ con ấy mà, chúng nó dễ vui mà cũng dễ buồn lắm. Chỉ cần người lớn tinh tế một chút, thì sẽ thấy thật ra để làm chúng vui không hề khó. Cứ quan tâm chúng thật nhiều, trẻ con sẽ tự khắc học được thế nào là lòng cảm thông và chia sẻ với mọi người thôi.

Không đem áp lực công việc về nhà

Mặc dù chỉ là vô tình nhưng các ông bố bà mẹ văn phòng rất hay bị stress và thường xuyên mang những cơn thịnh nộ ở công ty về nhà. Chẳng có lý do gì để những đứa trẻ đáng yêu phải hứng chịu toàn bộ cơn bực tức vô lý của bố mẹ, dù chúng không hề làm gì sai trái.

Nhà nghiên cứu xã hội học Kei Nomaguchi đã chỉ ra rằng “các bà mẹ thường xuyên stress và mang nó về trút lên đầu các con thì nhân cách bọn trẻ sẽ trở nên cực kỳ tồi tệ.” 

Nếu phải thường xuyên cosplay cái thùng rác của bố mẹ, bọn trẻ con sẽ dần hình thành tư duy đổ lỗi và nổi giận lên bất cứ thứ gì chúng bắt gặp giống người lớn.

Nhưng nếu bố mẹ chúng đặt mọi căng thẳng ở chỗ làm ngoài thềm cửa, trước khi bước chân vào nhà, thì hẳn nhiên đám trẻ cũng sẽ học tập đức tính tốt đẹp đó.

Không chê bai, so sánh trẻ quá nhiều

Người ta vẫn nói “thất bại là mẹ thành công”, nhưng các ông bố bà mẹ thông minh là những người không bao giờ nhắc đến việc thất bại. Đặc biệt là kiểu so sánh “con nhà người ta” mỗi khi nói về con nhà mình.

Tại sao phải nói về thất bại trong khi cả nhà có thể cùng ngồi xuống, vẽ ra những viễn cảnh tương lai tươi sáng nếu bọn trẻ con đạt được thành công nào đấy. Ngay cả khi không ai chắc chắn bọn trẻ có thể làm được gì, thì vẫn nên tạo cho chúng suy nghĩ, chúng sẽ làm được.

Trong nhiều thập kỷ qua, nhà tâm lý học Carol Dweck thuộc Đại học Stanford đã nghiên cứu về “tư duy tăng trưởng” và “suy nghĩ cố định”, mà điều khác biệt cốt lõi nhất, là ý chí của con trẻ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hành động của chúng. Chỉ cần bọn trẻ tin rằng chúng sẽ làm được, thì nhất định chúng sẽ thành công.

Hoặc đơn giản dễ thấy nhất, so sánh nhiều giữa thất bại của con mình với thành công của một hình mẫu nào đó bên ngoài sẽ dẫn đến cảm giác thù địch giữa đứa trẻ và chính cái hình mẫu đáng ra nên để noi gương ấy!

Luôn để bọn trẻ tự trông nhau, chúng làm được!

Một ví dụ thực tế là tụi trẻ con phải ở nhà chăm em bé khi bố mẹ đi làm sẽ sớm học được cách yêu thương, che chở cho những người yếu thế hơn.

Hoặc nếu không có em thì chúng cũng vô cùng tự lập. Bởi vì bố mẹ đi làm hết rồi, có mỗi hai đứa mà không chăm được cho nhau thì cứ kệ thôi, lần sau khác phải rút kinh nghiệm ngay.

Chính bởi tính cách này mà khi trưởng thành, bọn trẻ có thể sẽ dễ dàng tìm được một công việc quản lý hay giám sát, và giỏi kiếm tiền hơn những người khác tới 23%. Các cậu bé đã từng phải chăm em nhỏ cũng trở thành những ông bố tốt trong tương lai. (Theo một nghiên cứu của Đại học Havard.)

Bố mẹ có mức thu nhập từ khá trở lên

Không thể phủ nhận sự quan trọng của kinh tế đối với việc giáo dục một đứa trẻ. Theo nhà nghiên cứu Sean Reardon của Đại học Stanford, thành tích học tập chênh lệch giữa một đứa trẻ con nhà có điều kiện và ngược lại là khoảng 30-40%.

Còn theo Dan Pink, tác giả cuốn “Drive” thì điểm thi SAT của những đứa trẻ phụ thuộc rất nhiều vào thu nhập hàng tháng của bố mẹ chúng.

Chúng ta phải nhìn nhận vào thực tế rằng ngày nay chi phí cho giáo dục là rất lớn. Do đó các trẻ em nghèo không có điều kiện học tập tốt như những em khác, vì vậy mà thành tích cũng yếu kém hơn.

Những kiểu bố mẹ ảnh hưởng tới thành bại của trẻ

Không phải chỉ có một kiểu bố mẹ như chúng ta vẫn thường nghĩ. Một nghiên cứu của nhà tâm lý học Diana Baumride thuộc Đại học Stanford đã chia phụ mẫu thành 3 kiểu:

 –Bố mẹ kiểu thừa nhận: Chấp nhận mọi sự nổi loạn của con cái mà không hề có ý định hướng lại cho chúng.

 –Bố mẹ kiểu độc tài: Cố gắng bằng mọi cách kiểm soát con cái theo một tiêu chuẩn đạo đức mà bản thân cho là không gì có thể hoàn hảo hơn.

 –Bố mẹ kiểu thoải mái trong khuôn khổ: Đây là kiểu bố mẹ tuyệt vời nhất vì bố mẹ chỉ hướng dẫn con cái làm theo cách hợp lý nhất mà không áp đặt bất kỳ điều gì.

Và kết quả thì như chúng ta biết rồi đấy, kiểu phụ mẫu thứ 3 bao giờ cũng được lòng đám con trẻ hơn cả. Những đứa trẻ lớn lên trong sự bảo ban có chừng mực của bố mẹ, sẽ học được cách tôn trọng những luật lệ mà không bị bóp nghẹt bởi chúng.

 Dạy trẻ theo “Grit” – một phương pháp giáo dục siêu mới

“Grit” được định nghĩa là “xu hướng duy trì sự quan tâm và nỗ lực với những mục tiêu cực dài hạn”. Nghe có vẻ khó hiểu và xa xôi, nhưng thực ra chỉ cần hiểu đơn giản là khi con trẻ đặt ra mục tiêu nào đó cho cuộc đời mình, bố mẹ hãy ở bên hướng chúng duy trì sự quan tâm và nỗ lực thực hiện mục tiêu đó.

Trẻ con thường mải chơi và quên mất con đường mình cần đi, việc của bố mẹ là chỉ cần khơi gợi tính cách mạnh mẽ và ý chí bền bỉ của con mà thôi. Chúng sẽ tự đạt được thành công như mong đợi, nhất là khi có một người đồng hành giàu kinh nghiệm và luôn ủng hộ chúng ở ngay bên cạnh.

Thegioibantin.com | Vina Aspire News

Nguồn: kenh14.vn

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ