85 cách học tiếng Anh cực đơn giản mà hiệu quả

0

Để thành công trong việc học tiếng Anh bạn cần tìm đúng phương pháp học phù hợp với bản thân.

85 cách học tiếng Anh sau đây là gợi ý hoàn hảo để bạn có thể làm chủ tiếng Anh ngay hôm nay.

Hiểu và lựa chọn cho mình cách học đúng sẽ giúp quá trình học tiếng Anh của bạn dễ dàng và hiệu quả hơn.

Để tiện nhất cho bạn, tôi đã tiến hành lọc và sắp xếp lại dưới dạng danh sách các cách học giúp bạn tra cứu và sử dụng dễ dàng hơn. Hãy chọn cho mình cách học thích hợp nhất để sớm thành công.

02-Hoc-tieng-anh-de-dang-hon-voi-85-cach-huu-hieu

1. Không bao giờ quá trẻ hay quá già để bắt đầu học tiếng Anh

Đừng lấy lý do để trì hoãn việc học. Bạn còn chờ gì?

Ngay khi bạn nhận ra mình cần học tiếng Anh thì đó là thời điểm tốt nhất để học, đừng chờ đợi thêm một ngày nào nữa.

Ngay lập tức xác định xem bạn cần tiếng Anh để làm gì và bằng cách nào đạt được nó.

Bắt tay vào việc đầu tiên để biến nó thành sự thật bằng những hành động làm thiết thực như: tìm hiểu các phương pháp học mà nhiều người đã thành công, lấy giấy bút ghi cụ thể những điểm yếu và điểm mạnh trong quá trình học của bạn để lọc ra phương pháp phù hợp, tham khảo ý kiến của người xung quanh, đăng ký 1 lớp test trình độ…

Sự trì hoãn có thể ngăn bạn thành công. Để ngừng trì hoãn, điều quan trọng là bạn cần hiểu sự trì hoãn của bạn là do để tránh học hay đó là do thói quen xấu. Dù là bất cứ lý do gì thì cũng hãy tiêu diệt nó.

2. Hãy tạo cho mình một mục tiêu dài hạn

Tập trung vào việc hướng tới nó.

Xác định rõ bạn cần học tiếng Anh làm gì và mất bao lâu để thực hiện nó. Càng cụ thể thì càng có quyết tâm thực hiện được.

Ví dụ như 2 năm sau lấy được chứng chỉ ielts, toeic, toefl… Lấy bằng xong đi du học chẳng hạn.

Khi đã có mục tiêu dài hạn rồi thì bạn sẽ sớm thấy lộ trình để vươn tới mục tiêu đó thôi. Nhớ đặt mục tiêu gần nhất với mong ước của bạn và nó có thể thực hiện được.

3. Tạo cho mình các mục tiêu ngắn hạn học tiếng Anh và tự thưởng  khi đạt được

Nếu mục tiêu dài hạn của bạn là 3 năm nói tiếng Anh như người bản xứ thì rất có thể đến năm thứ 3 bạn mới bắt đầu học và nghĩ hãy còn kịp chán.

Chính vì vậy hãy chia nhỏ mục tiêu ấy thành mốc ngắn hạn bạn có thể đạt được như 1 tháng biết thêm 60 từ mới và nắm chắc 1 cấu trúc ngữ pháp chẳng hạn. Hết năm nhất đi thi ielts, toeic, toefl xem trình độ đến đâu của người bản xứ rồi còn biết mà tiếp tục học.

Cứ như vậy tạo thành từng nấc thang để vươn tới mục tiêu dài hạn. Hãy nhớ đặt mục tiêu ngắn hạn với thời gian vừa phải và dễ kiểm chứng nhé.

4. Thực hành mỗi ngày

Hãy tự lên một kế hoạch học tập. Quyết định một tuần dành ra bao nhiêu thời gian để học và tuân thủ theo.

Có mục tiêu từng tháng rồi thì bắt tay ngay vào thực hiện từng ngày thôi. Hãy hình thành thói quen học đều đặn và tổng kết vào cuối tuần xem mình học đến đâu để có động lực phấn đấu.

Sáng học từ mấy giờ đến mấy giờ và học như thế nào? Trưa có thể tranh thủ giờ nghỉ trưa xem lại các từ mới không? Trước khi đi ngủ cần nghe và trả lời những câu hỏi tóm tắt kiến thức đã học buổi sáng như thế nào?

Nếu 1 buổi không thực hiện được thì kế hoạch bù giờ ra sao? Tuyệt đối không có tư tưởng “nghỉ 1 ngày cũng không sao”.

5. Nói với gia đình và bạn bè về kế hoạch học tiếng Anh của bạn

Để cho họ thúc đẩy bạn nhưng đừng để họ gián đoạn bạn.

Khi bạn nói với mọi người biết về kế hoạch học tập của bạn, bạn luôn hi vọng tới ngày mọi người chúc mừng khi bạn thành công phải không? Đó là một lý do to lớn đến cố gắng, tránh việc bị mọi người nói rằng “nói được mà không làm được”.

Hãy nghĩ đến viễn cảnh xa hơn và chia sẻ với mọi người về thành công sau khi bạn làm chủ tiếng Anh. Bạn có thể làm được điều gì khi bạn có trình độ tiếng Anh tốt? Chất lượng của sống của bạn sẽ được cải thiện thế nào? Chắc chắn tương lai ấy sẽ khiến mọi người cổ vũ bạn nhiệt tình.

6. Lên kế hoạch kiểm tra

Bạn sẽ thấy rằng mình học chăm chỉ hơn khi bạn có mục đích học tập và thường xuyên được nhắc nhở.

Có mục tiêu rồi, có động lực rồi giờ chỉ còn việc học tập và kiểm tra quá trình học tập của bạn ra sao thôi. Bạn có biết tại sao mình có thể học hết 12 năm phổ thông không, vì bạn luôn được đốc thúc và kiểm tra đấy. Giờ không có cha mẹ và thầy cô làm giúp việc đó thì tự bạn cũng có thể làm mà.

Thường xuyên và định kỳ kiểm tra quá trình học tập. Một tháng dành 1 buổi để tổng kết lại tất cả những gì bạn đã học, so sánh xem mình đã đạt được bao nhiêu % số kiến thức và lên kế hoạch điều chỉnh lại cho tháng sau hiệu quả hơn.

7. Đừng ngại mắc sai lầm. Hãy cứ tự tin lên

Mọi người chỉ có thể sửa lỗi sai của bạn khi họ nghe bạn nói.

Nếu bạn không nói thì rất có thể những điều bạn nghĩ là sai. Ngôn ngữ là để giao tiếp chứ không phải là thứ biết để đấy.

Bạn phát âm sai 1 lần, khi được nhắc nhở chắc chắn bạn sẽ ghi nhớ và không tái phạm lần 2. Nhưng nếu bạn không được ai nhắc, bạn luôn nghĩ mình đã đúng và mang sai lầm ấy bên người mãi mãi, bạn chọn cách nào?

8. Hãy đắm mình trong tiếng Anh

Đặt bản thân vào môi trường nói tiếng Anh hoàn toàn, nơi mà bạn có thể học một cách thụ động.

Ngôn ngữ để dùng khi giao tiếp, vì vậy cách học tốt nhất một ngôn ngữ cũng là thông qua giao tiếp.

Đứa trẻ học nói bằng cách nghe thật nhiều ngôn ngữ mà chúng sẽ nói sau này. Người lớn cũng học ngôn ngữ mới cũng như đứa trẻ học nói, cần nghe thật nhiều ngôn ngữ đó dù là chủ động hay thụ động.

Muốn làm chủ tiếng Anh, hãy nghe bất cứ cái gì nói tiếng Anh chuẩn tại bất cứ thời điểm nào có thể.

9. Khi bạn đang trong khóa học tiếng Anh, hãy chuẩn bị cho lớp học của bạn

Làm bài tập ở nhà càng sớm càng tốt và đúng thời gian.

Xem lại các ghi chú của bạn và bài học gần đây nhất trong vài phút trước khi lên lớp.

Tìm ra những điều thú vị hoặc làm bạn lăn tăn trong buổi học trước. Việc này sẽ giúp làm mới bộ nhớ của bạn và bạn sẽ được khởi động cho bài học. Có như vậy buổi học đó mới không bị lãng phí khi mà giờ học đã kết thúc não bạn mới mở ra.

10. Đừng để bị phân tâm trong lớp học

Tập trung vào bài học, không nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ.

Đừng đến muộn, đến trước một vài phút trước khi bắt đầu bài học.

Đừng ngồi bên cạnh người sẽ không nói chuyện với bạn bằng tiếng Anh.

Tắt điện thoại.

Có chuẩn bị, hãy nhớ mang sách giáo khoa của bạn, máy tính xách tay và bút.

Và cuối cùng là nghe để hiểu những gì giáo viên đang nói chứ không phải im lặng nhưng mải nghĩ việc khác trong đầu.

11. Bạn cần một nơi mà bạn có thể tập trung 100%

Tìm một nơi yên tĩnh thoải mái để học.

Không quan trọng việc học bao lâu mà quan trọng là vào đầu được bao nhiêu kiến thức, chính vì vậy muốn tốn ít thời gian mà vẫn có kết quả tốt hãy tìm cho mình một môi trường thuận lợi cho việc học. Một nơi mà bạn có thể hoàn toàn tập trung, không bị xao nhãng bởi facebook, điện thoại, các cuộc rủ rê của bạn bè hay sở thích cá nhân.

Tập thói quen khi học chỉ tập trung vào học, quên cả thế giới đi.

tu-hoc-trong-thu-vien
Bạn cần một nơi mà bạn có thể tập trung 100%

12. Tạo 1 bầu không khí mà bạn muốn học, thay vì phải học

Bạn sẽ học được nhiều hơn khi bạn học vì bạn muốn thế.

Với ý nghĩ học cho mình, học lấy kiến thức để làm thay đổi cuộc sống của mình 1 cách tốt đẹp hơn, đảm bảo bạn sẽ không lãng phí cả buổi nhồi nhét kiến thức mà không mang lại kết quả gì.

Nếu cảm thấy học không vào thì hãy đứng lên làm việc khác, chứ đừng ngồi ngắm quyển sách tiếng Anh và đếm thời gian mình đã dành ra để học tiếng Anh mà không vào đầu chữ nào nhé.

13. Biết những gì tốt nhất cho bạn

Hãy nghĩ về những phương pháp học mà bạn thành công trong quá khứ và sử dụng chúng.

Chỉ có bạn mới biết bạn thích hợp với phương pháp học nào mà thôi, trước khi đi hỏi khắp nơi và trìm ngập trong bể thông tin thì hãy nghiêm túc hỏi lại mình.

Bạn muốn học tiếng Anh như thế nào? Thiên về giao tiếp hay ngữ pháp? Bạn dễ tiếp thu nhất qua cách học nào?… Liệt kê đầy đủ các câu trả lời ra là bạn đã có 1 phương pháp học tốt nhất và phù hợp với mình rồi đấy.

Nghĩ về các điểm mạnh và điểm yếu của bạn. Viết những kỹ năng mà bạn muốn cải thiện và tiến hành luyện tập. Tất nhiên, đừng bỏ qua những điểm yếu. Hãy tự hào về bản thân về việc bạn đã làm tốt như thế nào.

14. Đọc để hiểu nghĩa chung trước

Đừng lo lắng về việc hiểu từng từ một, sau đó hãy đọc lại và tra từ mới.

Khi phải đọc 1 đoạn tiếng Anh dài, bạn đừng vội cuống lên và từ bỏ ngay. Chắc chắn bạn phải biết 1 vài từ đơn giản ở trong đó chứ? Trong 1 câu, với những từ mà bạn không hiểu thì hãy nhìn các từ khác xung quanh nó. Chúng sẽ cung cấp cho bạn những gợi ý. Cố gắng đoán nghĩa của từ dựa vào ngữ cảnh.

Đọc lướt để hiểu các từ đơn giản, đoán nghĩa các từ bạn chưa biết rồi sau đó tra từ mới và dịch cụ thể. Nếu bạn đoán nghĩa mà đúng thì thật là 1 niềm vui to lớn và động lực để đọc tiếp. Còn nếu sai bét cũng chả sao, bạn sẽ có 1 bất ngờ khi biết chính xác ý nghĩa của đoạn văn đó. Cách nghĩ đó có khiến bạn thấy việc đọc hiểu đơn giản hơn không?

15. Bạn không thể bỏ qua cụm động từ (động từ gồm 2 từ)

Có hàng trăm cụm động từ trong tiếng Anh và chúng đều được sử dụng rộng rãi.

Bạn càng chú ý vào nghĩa của chúng thì bạn càng có khả năng đoán được nghĩa của một từ mới. Bạn có thể bắt đầu nhận ra khuôn mẫu của chúng và dễ dàng ghi nhớ không mấy khó khăn.

Thời gian đầu chưa quen thì hãy sử dụng trực giác của bạn. Hãy theo trực giác bản năng của bạn, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy phán đoán đầu tiên của bạn thường đúng.

16. Tìm hiểu gốc của từ

Chúng sẽ giúp bạn đoán được nghĩa của từ.

Ví dụ: Scrib = write (viết), min = small (nhỏ).

Đây là cách học 1 được 2, thậm chí là 3,4… Học như thế này sẽ dễ nhớ hơn và găm vào trí nhớ lâu hơn.

Bạn có thể viết các từ đồng nghĩa chung vào 1 mảnh giấy và dính ở chỗ hay ngó qua, cứ như thế thì không cần chủ động cũng có thể ghi nhớ kha khá đấy.

17. Khi học 1 từ mới, hãy nghĩ đến các dạng khác của nó

Ví dụ: Beautiful (tính từ) – beauty (danh từ) – beautifully (trạng từ).

Tương tự cách trên, trong mẩu giấy của bạn có thể ghi chú cả các dạng khác của từ đó. Có như vậy bạn mới có thể sử dụng từ đó linh hoạt trong các hoàn cảnh được.

Sử dụng giấy ghi nhớ và dán chúng quanh nhà bạn. Bạn có thể sử dụng chúng để dán nhãn mọi thứ. Dán một cái vào chú chó cưng của bạn nữa!

18. Tìm hiểu các tiền tố (dis-, un-, re-) và hậu tố (-ly, -ment, -ful) của từ

Các tiền tố và hậu tố này sẽ giúp bạn tìm ra nghĩa của từ và xây dựng vốn từ vựng của bạn.

Nếu bạn đã ghi nhớ được các từ đồng nghĩa, các dạng khác của 1 từ mà không chú thích thêm các tiền tố, hậu tố của 1 từ thì khả năng cao là bạn vẫn phải vò đầu băn khoăn không ít lần khi gặp các từ quen thuộc với mình đây.

1 mẩu giấy ghi đầy đủ các cách dùng, nghĩa của 1 từ thì đảm bảo nhớ ít nhưng mà chất. Nhớ 1 từ đi kèm được với cả cụm từ đồng nghĩa và tất thảy các dạng của từ đó, bạn thấy sao?

19. Mang những tấm thẻ ghi chú bên mình

Đây là những tấm thẻ nhỏ mà bạn viết những từ mới. Bạn có thể lấy chúng ra và nhìn bất cứ khi nào rảnh.

Nếu ở trên tôi đã nói đến việc ghi các từ mới lên giấy và dán nó lên tường. Nhưng bạn có quá ít thời gian ở trong phòng, thay vào đó là liên tục di chuyển thì hãy làm 1 việc đơn giản là thay vì dán nó lên thì nhét nó vào túi.

Mở ra bất cứ khi nào có thể miễn sao cho mắt thấy nó càng nhiều càng tốt.

20. Hãy giữ một cuốn sổ học từ mới

Sử dụng chúng trong câu và cố gắng nói chúng ít nhất 3 lần khi bạn giao tiếp.

Để ghi nhớ từ mới thì dán giấy lên tường hoặc làm thẻ mang theo, nhưng để tổng hợp và sử dụng lại tất cả các từ mới thì bạn nên ghi chúng trong 1 cuốn sổ.

Ghi tất cả những từ bạn học vào cuốn sổ và nhớ khi sử dụng thì lôi chúng ra dùng nhuần nhuyễn để găm chúng lại trong đầu để chúng không còn tên là “từ mới” nữa.

216
Hãy giữ một cuốn sổ học từ mới

21. Học từ mới bằng cả câu thay từ riêng lẻ

Bạn sẽ thấy học từ mới dễ hơn nếu cố gắng nhớ ví dụ về 1 câu có sử dụng từ đó hơn là chỉ học riêng từ đơn lẻ.

Thay vì lặp đi lặp lại 1 từ đơn lẻ, rất nhàm chán để ghi nhớ, bạn có thể học cả câu chứa từ mới đó. Đặt trong hoàn cảnh cụ thể, từ mới sẽ rất dễ nhớ và nếu có quên, bạn vẫn có thể căn cứ vào văn cảnh mà đoán ra nghĩa được.

Ví dụ: thay vì học relax có nghĩa là thư giãn, bạn hãy nhớ nó theo thói quen của mình như: “I feel relaxed when taking a bath” (Tôi cảm thấy thư giãn nhất khi đi tắm)

22. Bạn không thể học tiếng Anh từ 1 quyển sách

Như khi lái ô tô, bạn chỉ có thể học thông qua việc lái nó chứ không phải ngắm nó và ôm cuốn sách hướng dẫn.

Hãy học tiếng Anh bằng cách đọc, ghi nhớ và thực hành càng nhiều càng tốt. Học tới đâu thực hành tới đó, để tiếng Anh thực sự ngấm vào trong người bạn, trở thành 1 ngôn ngữ thứ 2 của bạn.

Nếu bạn học tiếng Anh bằng cách ngồi xem qua và thấy mình đã hiểu rồi thì chẳng bao giờ bạn nói được 1 câu tiếng Anh cả.

23. Có một cuốn nhật ký tiếng Anh

Bắt đầu bằng việc viết 1 vài câu trong một ngày và sau đó tạo thành thói quen viết nhiều hơn.

Bạn không có hứng đọc những gì người ta viết ra. Tốt thôi, vậy bạn hãy viết những gì bạn muốn đọc.

Từ ít tới nhiều, vốn từ của bạn tới đâu viết tới đó. Vừa là cảm xúc của bạn, vừa đánh dấu sự tiến bộ trong việc học tiếng Anh.

Những ngày đầu đơn giản hãy tóm tắt cảm xúc trong ngày chỉ bằng 1 từ mà bạn biết như: “happy, tired”. Những ngày tiếp theo dùng 1 vài từ khác giải thích vì sao bạn có cảm giác đó, ví như: “happy because friends”. Cuối cùng thì hãy nói đầy đủ cả câu và phát triển nó thành 1 đoạn văn càng tốt: “I’m happy because of my friends”…

24. Nói theo đĩa CD tiếng Anh

Nghe 1 vài câu và sau đó lặp lại những gì bạn nghe thấy. Tập trung vào nhịp điệu và ngữ điệu.

Bạn muốn phát âm chuẩn, đúng trọng âm và hay nữa. Cách tốt nhất hãy học thuộc cách nói của người bản địa, và cách tốt nhất để làm điều này là nghe và lặp lại theo đĩa CD. Vì chẳng ai đủ kiên nhẫn luyện cho bạn hết ngày này qua ngày khác chỉ 1 câu hết.

Chủ động luyện bằng CD còn giúp bạn chủ động được thời gian và địa điểm học phù hợp nhất với mình.

Nói cùng với CD. Hãy đọc thành tiếng cùng với 1 đĩa CD. Một lần nữa, điều này rất tốt cho ngữ điệu, pháp âm và nhịp điệu.
Nghe và viết lại. Hãy nghe đĩa CD hoặc bạn của bạn nói và viết lại những gì bạn nghe được.

25. Nghe các chương trình tiếng Anh

Có đài phát thanh tiếng Anh trong nhà bạn hoặc 1 chiếc laptop, điện thoại thông mình có thể phát được các chương trình tiếng Anh.

Thậm chí nếu bạn không nghe nó một cách chủ động, tai của bạn vẫn có thể được luyện tập.

Bạn chỉ có thể nói được khi đã nghe đủ, vì vậy muốn để giao tiếp tiếng Anh tốt là hãy nghe thật nhiều khi có thể. Không cần chủ động nghe, bạn cứ làm việc gì mình thích trong khi vẫn nghe được tiếng Anh, đấy cũng là 1 cách cho não bộ ghi nhớ tiếng Anh.

Cứ thử đi vì không mất chút công sức nào nhưng bạn lại bất ngờ về kết quả đấy.

26. Ghi âm lại giọng nói của bạn và nghe lại cách phát âm và ngữ điệu của bạn

Không ai thích nghe lại giọng nói của của chính mình cả, những hãy dủng cảm lên và thử nó nhé!

Điều này sẽ giúp bạn xác định được vấn đề của bạn ở đâu. Bạn phát âm sai chỗ nào và có đúng trọng âm không?
Nếu bạn không đủ tự tin để nghe mình nói thì chắc chắn người đối diện cũng vậy. Chính vì thế hãy chắc chắn những gì mình nói có nghĩa và không đến mức một mình nói 1 ngôn ngữ.

Nói rành rọt từng câu vào máy ghi âm như khi bạn nói với người đối diện. Nghe lại xem bạn có hiểu bạn đang nói gì không? Tự mình phát hiện lỗi sai khi so sánh với bản phát âm chuẩn và chỉnh lại cho bằng đúng thì thôi.

27. Hãy hỏi giáo viên của bạn xem bạn có thể ghi âm lại bài học của họ không

Đây là một cách hay để xem lại bài. Bạn cũng có thể nghe tốc độ nói và ngữ điệu của giáo viên.

Cách để bạn có 1 bài nói chuẩn nhất và ghi nhớ những bài học trên lớp là ghi âm lại những gì thầy cô nói. Đừng ngại đề nghị được ghi âm lại bài giảng, thầy cô rất vui và khuyến khích bạn học bằng phương pháp này.

28. Sử dụng từ điển Anh – Anh vì chúng sẽ giúp bạn giữ suy nghĩ bằng tiếng Anh và không dịch sang ngôn ngữ của bạn.

Chắc chắn là dùng từ điển Anh – Việt sẽ dễ hiểu hơn rồi, nhưng sự dễ hiểu đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ tiến bộ chậm hơn.

Bạn không thể tiến bộ nhanh và giao tiếp tiếng Anh trôi chảy nếu cứ lặp đi lặp lại quy trình: nghe tiếng Anh – dịch sang tiếng Việt – tìm câu trả lời tiếng Việt – dịch lại ra tiếng Anh được.

Nếu từ điển Anh – Anh có vẻ đáng sợ thì sẽ có những bộ từ điển của người học cho sinh viên tiếng Anh đối với trình độ của bạn.

29. Sử dụng đồng hồ sinh học của cơ thể

Nếu không thể học buổi sáng, bạn có thể học vào buổi chiều.

Khi cảm thấy căng thẳng và không thể học vào thì cách đơn giản nhất là: Ngủ! Bạn sẽ học tốt hơn sau 1 đêm ngon giấc. Bạn sẽ có thể tập trung hơn.

Nếu bạn cảm thấy quá tải và không thể nhét thêm cái gì vào đầu nữa thì cách tốt nhất là nghỉ, vì cố gắng vào lúc này cũng không mang lại kết quả gì khả quan.

30. Hãy sử dụng tài liệu phù hợp với trình độ của bạn

Đừng dùng các bài viết/bài nghe mà quá khó hoặc quá dễ. Sử dụng những tài liệu mà có tính thách thức với bạn, nhưng không khiến bạn nản chí.

Hãy test thử trình độ của mình đang ở mức nào sau đó chọn tài liệu phù hợp với trình độ đó. Có như vậy bạn sẽ luôn thấy hứng thú học, không bị chán và thấy rõ sự tiến bộ.

31. Cách tự nhiên nhất để học và ghi nhớ ngữ pháp là thông qua giao tiếp

Bạn có thể giỏi ngữ pháp nhưng không nói được 1 câu tiếng Anh chuẩn, nhưng ngược lại thì không. Giao tiếp tiếng Anh thành thạo thì bạn vẫn có thể nắm được các cấu trúc ngữ pháp cơ bản.

Vậy bạn đã có câu trả lời cho mình là nên học gì rồi đúng không?

Lưu ý là trong giao tiếp, người ta hay nói tắt, dùng từ lóng và lược bỏ những cấu trúc phức tạp, miễn sao vẫn thoát ý. Nhưng điều này không nên áp dụng khi bạn viết vào văn bản.

32. Tiếng Anh có trọng âm

Không giống như tiếng Nhật hay tiếng Pháp, tiếng Anh có trọng âm. Muốn người khác hiểu được bạn đang nói gì, phải chú chú ý tới trọng âm của từ sao cho đúng.

Với những từ mới, hãy đếm âm tiết và tìm xem âm tiết nào nhấn trọng âm.

Mỗi từ chỉ có 1 trọng âm và luôn luôn là nhấn vào nguyên âm. Động từ hai âm tiết có trọng âm nhấn vào âm tiết thứ hai (beGIN). Danh từ hai âm tiết (TEAcher) và tính từ (HAPpy) có trọng âm rơi vào âm đầu tiên.

Nếu bạn đọc sai trọng âm, rất có thể người nghe đang hiểu sang từ khác, không hề giống với mong muốn của bạn.

33. Hãy tranh luận. Thảo luận các chủ để trong 1 nhóm

Mỗi người nên chọn 1 quan điểm (ngay cả khi bạn không đồng ý với nó) và tranh luận trong nhóm. Hãy đảm bảo rằng bạn giữ được quan điểm của mình thông suốt.

Học lắng nghe một cách tích cực. Lắng nghe tích cực sẽ giúp bạn trong lớp học và giúp bạn tận dụng, cũng như đóng góp nhiều hơn trong việc học nhóm.

Tập trung vào người đang nói. Đừng sốt ruột hay bị phân tâm bởi người khác hay các sự kiện khác. Tập trung vào người nói với cả đôi tai và đôi mắt của bạn.

Hãy dõi theo những chuyển động của người với nỗ lực lắng nghe nhiều hơn. Nó có thể giúp nhắc lại những gì bạn nghe người khác nói khi cố gắng hiểu được suy nghĩ của họ.

34. Được giúp đỡ!

Nếu bạn không hiểu điều gì đó bạn phải hỏi ai đó. Hỏi giáo viên của bạn, bạn cùng lớp, bạn bè hay bất cứ ai hiểu biết giúp đỡ.

Tự mày mò tìm tòi cũng tốt nhưng chưa chắc đã đem lại kết quả cao cho những thứ mới mẻ hoặc mình đang bế tắc. Cách nhanh nhất và tốt nhất là tìm một “chuyên gia hoặc người am hiểu” trong lĩnh vực đó.

Vì tự tìm có thể giúp bạn nhớ lâu đấy nhưng chưa chắc kiến thức bạn tìm thấy đã đúng.

35. Đừng nóng vội muốn tiến bộ nhanh

Hãy tập trung vào cấp độ của bạn bây giờ.

Học kéo dài liên tục hơn 30 phút không phải là một ý tưởng hay ho.

Hãy nghỉ giải lao thường xuyên, hít thở không khí trong lành và duỗi chân tay.

Những người giỏi không bao giờ cố nhồi nhét kiến thức vào đầu ngay một lúc vì như vậy não bộ chúng ta bị quá tải, không nhét được thêm đâu. Họ luôn ghi nhớ câu “chưa biết bò chớ lo học chạy”

36. Đọc sách

Đọc sách song ngữ hoặc sánh tiếng Anh giúp bạn tiến bộ rất nhiều, nhưng hãy tìm cho mình loại sách phù hợp.

Những bạn đang trong giai đoạn bắt đầu hoặc mới học tiếng Anh, tốt nhất nên chọn sách cho trẻ em có những từ ngữ dễ hiểu.

Đây là một lựa chọn tốt để thay thế cho sách những cuốn sách người lớn với cấu trúc phức tạp và nhiều đoạn văn khó hiểu, đòi hỏi vốn từ mới phong phú và thuộc nhiều cấu trúc ngữ pháp hơn.

37. Báo là một nơi tốt để học những cấu trúc bị động

Đọc qua một bài báo và xem liệu bạn có thể tìm thấy các câu bị động hay không.

Nếu chỉ đọc tài liệu tiếng Anh bạn sẽ rất nhanh chán và khó ghi nhớ các cấu trúc đặc biệt. Nếu bạn đang học tới câu bị động thì ví dụ minh họa sống động và thiết thực nhất mà bạn có thể tham khảo là tờ báo tiếng Anh với nhiều tin tức quốc tế mà bạn quan tâm.

hoc-tieng-anh-hieu-qua-qua-viec-doc-bao-tieng-anh-1
Báo là một nơi tốt để học những cấu trúc bị động

38. Sử dụng Tiếng Anh bất cứ khi nào bạn có thể

Học mà không thực hành thì bạn học để làm gì? Kiến thức không phải như cái áo mà mua về để đấy thì vẫn còn nguyên đấy. Bạn mà không dùng thường xuyên thì một ngày cần đến, tiếng Anh đã bốc hơi hết khỏi đầu bạn như cốc nước vậy.

Hãy nhớ học đi đôi với (thực) hành nhé. Tờ chứng chỉ không nói rằng bạn biết tiếng Anh, mà chính việc bạn giao tiếp và sử dụng nó mới khiến mọi người biết là bạn giỏi tiếng Anh.

39. Đừng dịch sang Tiếng Anh từ ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn

Hãy nghĩ bằng tiếng Anh để cải thiện sự trôi chảy của bạn.

Bạn nghĩ tốc độ khi thực hiện quá trình: nghe tiếng Anh – dịch nghĩa sang tiếng Việt – tìm câu trả lời tiếng Việt – dịch lại ra tiếng Anh và nghe tiếng Anh – nghĩ và nói bằng tiếng Anh, cái nào nhanh hơn?

Chắc chắn bạn có câu trả lời rồi đúng không. Suy nghĩ bằng tiếng Anh luôn có thể giai đoạn đầu gây khó khăn cho bạn, nhưng sau khi quen rồi thì nó trở nên dễ dàng và tự nhiên như tiếng mẹ đẻ vậy.

40. Viết, viết và viết

Để viết tốt hơn bạn hãy động não thật nhiều ý tưởng và viết chúng lên giấy mà không cần quan tâm đến ngữ pháp hay chính tả.

Sau đó hãy nghĩ về cấu trúc. Tiếp nữa, hãy viết một đoạn ngắn với cấu trúc ngữ pháp tốt và đúng chính tả. Cuối cùng, đọc nó lại 1 lượt rồi đưa cho người khác để kiểm tra lỗi.

Tự do sáng tạo sẽ cho bạn rất nhiều ý tưởng, đừng chưa làm đã vội phán xét hoặc sợ sai. Chuẩn bị 1 tờ giấy trắng, viết ra tất cả những gì bạn thích, những ý tưởng đang chạy nhảy trong đầu bạn. Sau đó hãy chú ý tới cấu trúc, chính tả.

Có như vậy bạn vừa rèn luyện được sự sáng tạo của mình lại vừa ghi nhớ rất tốt các từ mới và ngữ pháp.

41. Đừng trở nên quá phụ thuộc vào từ điển của bạn

Từ điển chỉ nên là 1 sự trợ giúp, không phải giáo viên chính. Hãy cố đoán nghĩa của từ thay vì đi thẳng đến việc tra từ điển.

Khi gặp 1 từ mới nào việc đầu tiên bạn làm là tra ngay từ điển thì rất nhanh chóng để biết nghĩa của từ đó nhưng rất khó khăn để bạn ghi nhớ nó lần sau. Vì “cái gì dễ dàng đạt được thì dễ dàng mất đi” và tra từ mới ngay, làm bạn ít có ấn tượng với từ đó.

Để não bộ nhận mặt chữ tốt hơn, hãy thử đưa ra vài phương án đoán nghĩa từ mới ấy dựa vào ngữ cảnh hoặc sự liên tưởng đến các từ mà bạn đã biết. Sau đó mới tra từ điển và so sánh với nghĩa ban đầu bạn đã nghĩ, như vậy ít nhất từ mới đó được não bạn ghi nhớ tới vài lần và chắc chắn sẽ có ấn tượng tốt hơn, cũng như ghi nhớ lâu hơn.

42. Đừng từ bỏ! Hãy lạc quan lên!

Thi thoảng bạn sẽ thấy bạn học không đủ nhanh. Ai cũng cảm thấy thế, vì vậy đừng lo lắng. Bạn sẽ thành công!

Càng lên cao tốc độ học càng chậm lại, hoặc chỉ đơn giản là đến 1 ngưỡng nào đó bỗng dưng bạn nản chí rất khó tiếp thu thêm. Nhưng ai cũng vậy hết, vì vậy hãy bình tĩnh và tiến lên.

Nếu bạn từ bỏ, rồi 1 ngày bạn lại mất công học lại từ đầu thôi. Học tập là việc không ai có thể giúp bạn được.

43. Tận hưởng nó! Ta sẽ học được nhiều hơn khi ta vui vẻ!

Tâm trạng ảnh hưởng rất lớn tới quá trình học tập, khi bạn buồn chán và nản chí, tất nhiên học rất khó vào.

Hãy tạo không khí mỗi lần học tiếng Anh như một khoảng thời gian đang thư giãn, hoặc ít nhất là thời gian dành riêng cho bạn, làm việc có ý nghĩa với bạn.

Đừng bao giờ nghĩ rằng hôm nay tâm trạng mình không tốt, học không vào nên sẽ không học. Thay vào đó là tạm quên nỗi buồn đi, hãy tạo không khí vui vẻ khi học tập như đọc 1 vài truyện cười song ngữ, nghe 1 bài hát vui tươi rồi nhập cuộc.

44. Nếu bạn thấy lo lắng khi nói, hãy hít thở thật sâu 2 lần trước khi nói điều gì đó

Bạn sẽ nói tốt hơn khi bạn thấy thoải mái.

Ngay cả khi nói tiếng Việt, đôi khi bạn cũng cảm thấy bối rối và khó diễn đạt hết ý mình muốn nói. Chính vì vậy việc gặp chút khó khăn lúc giao tiếp tiếng Anh là điều dễ hiểu mà rất nhiều người gặp phải.

Những lúc như thế hãy dừng lại, hít thở sâu 2 cái rồi sắp xếp lại các ý trong đầu 1 lần nữa mới nói nhé. Bạn sẽ thấy không khó như bạn nghĩ và tự dưng mọi việc rất trôi chảy thôi mà.

45. Giữ lại tài liệu cũ

Để cho bản thân luôn được thúc đẩy bằng việc nhìn lại những quyển sách giáo khoa và đĩa bạn đã dùng trong quá khứ.

Đừng vội bỏ đi những giáo trình tiếng Anh bạn đã từng học, chúng không giúp ích cho trình độ hiện tại của bạn nhưng lại có lợi cho việc củng cố kiến thức cũ.

Và đặc biệt là giúp bạn có thêm độc lực để học vì bạn sẽ ngạc nhiên trước việc bây giờ trông chúng dễ dàng với bạn ra sao. Xin chúng mừng, trình độ của bạn đã được cải thiện.

46. Không chỉ học từ mới, hãy học cả ngữ pháp

Chỉ học từ tiếng Anh là không đủ, nếu bạn muốn nâng cao kỹ năng đọc và viết trong tiếng Anh của mình.

Hãy phân biệt rõ việc học tiếng Anh của bạn với mục đích gì?

Nếu chỉ để giao tiếp thì càng nhiều từ mới càng giúp bạn giao tiếp dễ dàng hơn. Giao tiếp chỉ cần hiểu ý đối phương và truyền lại được thông điệp của mình, không yêu cầu phải chính xác về cấu trúc ngữ pháp.

Nhưng nếu bạn cần thiên hơn kỹ năng đọc – viết hơn thì từ mới thôi là hoàn toàn không đủ. Bạn vẫn cần phải có sự hiểu biết về mặt ngữ pháp để nắm được các quy tắc, dịch nghĩa sát và viết lại đúng cấu trúc.

Trong văn bản thường khó chấp nhận việc đúng nghĩa mà sai quy tắc. Điều này tương tự như tiếng Việt, viết là phải đáp ứng đúng về mặt ngữ pháp.

47. Những người nói tiếng Anh sử dụng thì động từ để nói về thời điểm hành động

Bạn có thể không có những diễn đạt tương tự ở ngôn ngữ mẹ đẻ. Điều quan trọng là bạn biết những thì này và lúc nào thì sử dụng chúng.

Ví dụ:
I played the piano (Tôi đã chơi piano)
I play the piano (Tôi chơi piano)

Tiếng Anh không giống như tiếng Việt, có những từ cụ thể chỉ về thời điểm quá khứ (đã). Trong tiếng Anh, muốn diễn đạt thời điểm người ta chia động từ ấy ra (thêm _ed), chính việc này làm khó cho người học rất nhiều. Đặc biệt là trong việc nghe, nếu bạn không nghe quen, rất có thể bạn không hiểu động từ đang ở thời nào.

Chính vì vậy hãy để ý đến các động từ nhiều hơn để xem thời điểm đã diễn ra là khi nào nhé.

48. Tiếng Anh có nhiều động từ bất quy tắc

Bạn cần phải học thuộc bảng động từ bất quy tắc nếu không muốn nói sai bét.

Bên cạnh các động từ có quy tắc (là những động từ mà thì quá khứ (past tense) và động tính từ quá khứ (past partictive) được lập bằng cách thêm – ed vào hình thức đơn (the simple form) của động từ), tiếng Anh có hơn 600 động từ bất quy tắc khác nhau.

Nhưng trong thực tế thì số từ được sử dụng chỉ khoảng hơn 200 và các dạng của chúng cũng đa số giống nhau.
Bạn có thể tham khảo bảng danh sách động từ bất quy tắc thường dùng đầy đủ nhất và bảng danh sách động từ bất quy tắc rút gọn thường gặp với gần 100 từ ở đây.

Dong-tu-bat-quy-tac-3
Tiếng Anh có nhiều động từ bất quy tắc

49. Hãy duy trì việc học tiếng Anh thường xuyên!

Nếu bạn có một khoảng nghỉ khi học nói tiếng Anh, bạn sẽ thấy trình độ của bạn giảm đi và tất cả mọi nỗ lực vất vả của bạn sẽ bị lãng phí.

Học tiếng Anh giống như đang lấp sông vậy, nếu bạn không chăm chỉ hàng ngày bồi thêm đất vào thì chỗ bạn đã làm được sẽ bị nước cuốn trôi.

Học nhiều mà ngắt quãng không có tác dụng bằng từng chút một mà làm hàng ngày. Trong những kỳ nghỉ dài ngày không thể học được tiếng Anh thì hãy tìm cách ôn lại kiến thức đã học bằng cách: lặp lại nó trong đầu, tiếp xúc càng nhiều với tiếng Anh càng tốt trong điều kiện cho phép.

50. Đừng nản chí chỉ vì 1 bài kiểm tra điểm không tốt

“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai lên khôn mà chẳng dại đôi lần”

Đôi khi sinh viên có khả năng vượt qua một bài kiểm tra tiếng Anh nhưng vẫn không thể giao tiếp tốt với người bản ngữ. Nếu bạn có thể nói chuyện tự nhiên bằng tiếng Anh, bạn nên tự hào về bản thân mình.

Chỉ 1 bài kiếm tra không thể đánh giá hết trình độ của bạn, hãy phục thù lần sau nếu lần này bạn làm chưa tốt.

51. Hãy học tiếng Anh với một người bạn

Bạn sẽ có một người để luyện tập cùng và động viên lẫn nhau cùng học tập.

Nếu việc học 1 mình khiến bạn nhanh chán, dễ bỏ cuộc thì nên tìm 1 người đồng hành.

Học 2 người sẽ giúp bạn có động lực rất lớn trong việc chiến thắng sức ỳ của bản thân.

Tiếng Anh là một ngôn ngữ, chính vì vậy cách học tốt nhất của 1 ngôn ngữ là giao tiếp. Sẽ quá tuyệt vời nếu bạn có 1 người đồng hành cùng trình độ với mình, 2 bạn sẽ hỗ trợ nhau và cùng tiến bộ.

Ngay bây giờ là tìm cho mình một người có chung mục tiêu học tiếng Anh và bắt đầu luôn thôi.

52. Cách viết tiếng Anh không giống như khi chúng được phát âm

Nếu tiếng Việt đọc sao viết vậy thì với tiếng Anh lại khác, hãy lưu ý cách viết và phát âm tiếng Anh có thể khác nhau nhiều.

Ví dụ: Từ “chicken” / ‘t∫ikin /: từ này có tới 6 chữ cái, nhưng khi phát âm thì chỉ còn 5 âm. Từ “know” / nou /: từ này có 4 chữ cái, nhưng khi phát âm thì còn 3, đặc biệt chữ “k” không được đọc tới.

Hãy tự làm quen với phiên âm chữ cái. Nó sẽ giúp bạn phát âm một cách chính xác từ trong từ điển. Đừng nhìn vào từ để đọc nhé, vì từ như vậy nhưng phiên âm có thể lại khác, và cách đọc thì phụ thuộc vào phiên âm bạn ạ.

53. Hãy tìm cho mình 1 giáo viên có trình độ

Ai lại muốn học những điều sai cơ chứ!

Nếu bạn thấy việc tự học không mang lại hiệu quả cao, cách học truyền thống là giải pháp dành cho bạn. Nhưng lưu ý là lựa chọn 1 thầy có trình độ và phương pháp dạy phù hợp với mình nhé.

Tôi không có ý gì cả, nhưng nếu bạn đã học 12 năm trên trường mà không thành công thì rất có thể bạn không phù hợp với cách dạy của các thầy cô như thế.

54. Sách giáo khoa tiếng Anh thường khác so với cách ta nói chuyện bình thường

Hãy học tiếng lóng thông thường qua các bộ phim.

Bạn có thấy những cuốn tiểu thuyết Việt Nam rất hay không? Và có bao giờ chúng ta nói được hay như trong tiểu thuyết. Tất nhiên câu trả lời là không rồi.

Tương tự vậy, sách giáo khoa tiếng Anh viết những câu rất chuẩn ngữ nghĩa nhưng ít được dùng trong đời thường. Bạn muốn giao tiếp bằng tiếng Anh hàng ngày trơn tru thì hãy học tiếng Anh qua ngôn ngữ hàng ngày chứ không phải qua sách.

Trong cuộc sống bạn không có cơ hội nghe tiếng Anh thì 27 bộ phim ở đây sẽ là gợi ý hoàn hảo cho bạn vừa thư giãn, vừa học tiếng lóng để giao tiếp.

55. Học tiếng Anh qua các thành ngữ

Những thành ngữ có thể khó khăn để nhớ, nhưng sử dụng chúng rất thú vị và chúng sẽ giúp tiếng Anh của bạn nhiều màu sắc hơn.

Nếu bạn muốn mình nói chuyện thu hút và có chiều sâu, rất đơn giản hãy ghi nhớ các thành ngữ và áp dụng chúng đúng lúc.

Vì đã được đúc kết ra thành ngữ thì tất nhiên chúng rất hay, có ý nghĩa và đã được công nhận từ lâu. Đặt các thành ngữ trong các văn cảnh giúp bạn ghi nhớ chúng dễ hơn và biết cách áp dụng đúng lúc.

tuc-ngu-tieng-anh
Học tiếng Anh qua các thành ngữ

56. Hãy sử dụng internet

Nó có đủ các nguồn để giúp bạn học: BBC Learning English; learnenglish.ecenglish.com.
Internet là kho tài liệu vô tận cho bạn rèn luyện bất cứ ngôn ngữ gì, đặc biệt là tiếng Anh. Chỉ có điều thông tin quá nhiều cũng có thể khiến bạn bị ngập chìm trong đó.

Nếu không muốn bị ngộp, chỉ cần học theo “7 trang web học tiếng Anh miễn phí được tin dùng nhất” và “9 kênh học tiếng Anh qua video youtube tốt nhất” này là đủ.

57. Quên đi sai lầm của bạn

Bạn có thể nhiều lần phạm những sai lầm ngữ pháp tương tự. Sử dụng những kết quả từ bài kiểm tra tiếng Anh như một công cụ học tập.

Xem 1 lượt sai lầm của bạn và chọn một hoặc hai mà bạn muốn tập trung vào. Sử dụng cuốn sách ngữ pháp ưa thích của bạn để kiểm tra các quy tắc.

Phát hiện ra cái sai của mình và sửa nó thì sẽ chẳng bao giờ bạn lặp lại nữa. Ai mà không sai xót cơ chứ.

58. Miễn là bạn đã cố gắng hết sức, nghĩa là bạn đã thành công!

Đừng nhìn người ta và áp đặt thành tích cho mình, dù trình độ của bạn đang ở đâu đi chăng nữa mà bạn đã cố hết sức rồi thì bạn cũng đã là người thành công.

Trình độ tiếng Anh không dành để đánh giá tất cả trình độ của 1 ai hết, vì thế nên hãy biết cách sử dụng tốt vốn tiếng Anh mà bạn có vào việc hữu ích. Như vậy có ý nghĩa và thành công hơn nhiều những người tiếng Anh tốt nhưng chỉ biết để đấy.

59. Học thuộc lòng theo danh mục

Đây là một trong những cách phổ biến nhất để học từ vựng cho bài kiểm tra.

Cách học này chỉ phù hợp với kỳ học ngắn bởi bạn thường không lưu giữ các thông tin mà bạn phải học cho kỳ kiểm tra.

Học để vượt qua các kỳ thi là cách nhét được càng nhiều càng tốt với thời hạn chi là thời điểm thi.

Nếu bạn cần điểm số cho kỳ thi sắp tới hãy chọn cách “ăn gỏi” các từ tiếng Anh bằng cách học vẹt các danh mục liên quan, có thể diễn ra vào kỳ thi.

Còn nếu bạn muốn học lâu bền, nhớ lâu thì đây không phải là lời khuyên dành cho bạn.

60. Luyện tập 4 kỹ năng chính: nghe, nói, đọc, viết

Chúng đều cần được thực hành để cải thiện tiếng Anh của bạn.

Bạn muốn giỏi tiếng Anh nhưng chỉ thích học 1 hoặc 2 trong 4 kỹ năng trên? Bạn có nghĩ mình có thể giỏi được nếu chỉ nghe tốt mà không thể nói được câu nào, hoặc ngược lại?

Hãy học chúng đồng đều, vì chúng hỗ trợ nhau rất nhiều. Tiến bộ 1 kỹ năng thì các kỹ năng khác cũng được cải thiện.

my-4-skills-pic-300x229
Luyện tập 4 kỹ năng chính: nghe, nói, đọc, viết

61. Ôn tập! Ôn tập! Ôn tập!

Hãy chắc chắn rằng bạn dành thời gian để xem xét lại những điều bạn đã học trong quá khứ.

Học thật nhiều cái mới sẽ không cho bạn thành công bằng việc ôn tập thật kỹ những gì mình đã học. Chậm mà chắc sẽ mang lại nhiều thành công hơn vì vốn dĩ học tiếng Anh như xây 1 tòa nhà, bạn vội xây xong mà không kiên cố móng thì tới 1 ngày nó sẽ đổ trước khi bạn kịp nhìn ngắm thành quả của mình.

62. Xem các DVD thay vì tivi

Sẽ tốt hơn khi sử dụng thứ mà bạn có thể xem lại nhiều lần để bắt được những thông tin mà bạn có thể bị lỡ trong lần đầu xem.

Nếu bạn chưa tự tin vào khả năng tiếng Anh của mình lắm, thay vì xem tivi với các câu hội thoại trôi qua vèo vèo, không có cơ hội kiểm chứng những gì bạn đã nghe là đúng hay sai thì thay vào đó hãy xem DVD.

Xem tivi là dành cho những người ở trình độ cao, sau khi luyện cho mình thói quen nghe chuẩn các từ với tốc độ giao tiếp bình thường, có thể nghe điều gì đó chính xác trong lần đầu tiên. Điều này rất tốt khi áp dụng thực tế là nói chuyện với người bản ngữ vì bạn không cần phải yêu cầu họ lặp lại. Còn với những người mới học tiếng Anh thì cứ từ từ, xem DVD trước nhé.

63. Hãy đọc Graded Readers!

Những quyển sách này được đặc biệt viết cho trình độ của bạn. Đọc toàn bộ một cuốn tiểu thuyết. Bạn có thể làm được! Bạn sẽ cảm thấy rất tuyệt vời sau đó cho mà xem.

Graded Readers là loại sách dành riêng cho người học ngoại ngữ, được viết tinh giản lại từ những câu chuyện, hoặc tiểu thuyết thực tế.

Với cốt truyện đa dạng, lôi cuốn, gồm nhiều thể loại từ từ lịch sử, văn học, viễn tưởng, trinh thám, khoa học… Từ vựng, ngữ pháp và hình ảnh minh họa được chọn lọc kỹ lưỡng

Mỗi cấp độ truyện được tinh giản, viết ngắn lại (50-100 trang). Vì vậy, không đòi hỏi quá nhiều thời gian mà vẫn cực…chất
Được phân chia nhiều cấp độ khác nhau, phụ thuộc vào khả năng hiểu và vốn từ của mỗi người học – từ cơ bản đến nâng cao
Sau mỗi câu chuyện đều có phần kiểm tra, đánh giá sự tiến bộ người học.

Giúp học theo cách “1 mũi tên trúng 2 đích – vừa kết hợp đọc, vừa kết hợp Nghe, vừa tăng từ vựng”. Vì mỗi câu chuyện đều có audio với các giọng đọc đa dạng từ Anh – Mỹ tới Anh-Anh

64. Nghĩ đến tiếng Anh mỗi ngày

Dù bạn không có nhiều thời gian học tiếng Anh nhưng việc suy nghĩ đến nó mỗi ngày cũng giúp ích cho bạn nhiều hơn bạn tưởng về việc nâng cao trình độ ngôn ngữ quốc tế này đấy.

Bạn có biết câu “Suy nghĩ dẫn đến hành động, hành động tạo ra thói quen, thói quen hình thành nên tính cách và tính cách quyết định số phận” không?

Khi nghĩ đến tiếng Anh hàng ngày, dù bận đến mấy bạn cũng sẽ tìm ra thời gian để học tập và tích lũy kiến thức về tiếng Anh. Không quan trọng học bao lâu, mà học như thế nào mới đóng vai trò quyết định bạn thành công hay không.

65. Viết blog trực tuyến bằng tiếng Anh

Tại sao bạn không bắt đầu với một blog trực tuyến và chia sẻ những điều bạn viết với mọi người bằng tiếng Anh?

Nghe có vẻ rất khó khăn và phức tạp, nhưng đừng lo lắng. Trình độ của bạn đến đâu thì ghi đến đó. Phải viết ra mới biết bạn đang biết tới đâu, và cách này rèn luyện tiếng Anh cho bạn cực tốt.

Nó hơn nhật ký ở chỗ mọi người có thể theo dõi, chỉnh sửa và góp ý cho bạn được. Tất cả những lỗi sai được chỉ ra sẽ có cơ hội không lặp lại.

Những ngày đầu chỉ cần đơn giản nói rằng “Hello everybody. Today I started writing my diary here.” Hoặc những câu tương tự, trình độ của bạn thừa viết những điều này đúng không?

Nếu bạn băn khoăn không biết viết gì thì yên tâm, những người theo dõi bạn sẽ cho bạn gợi ý cực hay đấy.

66. Chú ý đến chấm câu

Chỉ 1 dấu chấm câu có thể làm thay đổi hoàn toàn những gì bạn muốn nói.

Hãy kiểm tra sự khác biệt về nghĩa giữa 2 câu sau: “A woman without her man is nothing” (Phụ nữ mà không có đàn ông thì chẳng là gì!) với câu: “A woman: without her, man is nothing” (Phụ nữ: Nếu không có họ, đàn ông chẳng là gì).

Điều này không chỉ quan trọng với tiếng Việt mà tiếng gì cũng vậy hết. Đặc biệt là những ngôn ngữ bạn chưa thực sự thông thạo như tiếng Anh thì không biết sai dấu chấm câu của bạn sẽ dẫn thành ý gì mà bạn không thể biết được.

Cách tốt nhất là hãy cẩn thận và soát lại từng câu được viết ra.

67. Hát những gì bạn muốn!

Để cho mọi người nghe giọng hát tuyệt vời của bạn!

Hãy học các bài hát tiếng Anh và hát cùng chúng để cải thiện sự lưu loát cùng ngữ điệu của bạn. Karaoke thì sao?

Dù tiếng Anh rất tệ, nhưng nếu bạn mê ca nhạc và nghe không dứt những bản nhạc tiếng Anh, chắc chắn 1 ngày bạn có thể ngân nga ca khúc đó với giọng chuẩn không kém gì ca sĩ.

Hãy cứ nghe và hát những bài hát bạn thích, đó chính là khởi nguồn của tình yêu tiếng Anh và nền tảng cho bạn chinh phục tiếng Anh một ngày không xa.

68. Tương tác bằng tiếng Anh với bạn bè

Hãy tìm cho mình một người bạn cùng viết thư hoặc sử dụng chat-rooms hay các trang diễn đàn và trang web cộng đồng bằng tiếng Anh.

Nếu bạn không thể nói chuyện với ai đó bằng tiếng Anh, thì bạn đã đánh mất 1 cơ hội rèn luyện và trau dồi tiếng Anh tuyệt vời đấy. Tiếng Anh là để giao tiếp chứ không phải học xong để đấy.

Tiếng Anh được sử dụng càng nhiều thì trình độ của bạn càng lên nhanh chóng. Hơn nữa tiếng Anh sử dụng trong giao tiếp hàng ngày nhiều hơn so với tiếng Anh học thuật.

Vì vậy nếu muốn tiếng Anh của bạn dùng được thì hãy tìm một người bạn để chat hoặc trò chuyện bằng tiếng Anh ngay nhé.

z1
Tương tác bằng tiếng Anh với bạn bè

69. Đừng lo lắng về việc phải làm cho trọng âm của bạn thật hoàn hảo

Trọng âm của bạn chính là 1 phần quan trọng trong bản sắc văn hóa của đất nước bạn. Những người nói tiếng Anh bản địa thích nghe tiếng Anh được nói với chất giọng riêng.

Bạn muốn nói như người bản ngữ, nhưng người bản ngữ lại muốn bạn cứ nói bằng giọng và âm điệu của bạn, miễn sao đủ cho họ hiểu bạn đang nói gì là được. Đó là sự thật mà ít người học tiếng Anh biết được.

Và giờ khi biết được rồi, thay vì cố rèn cho mình có cách phát âm giống người bản địa, thay vào đó hãy dành thời gian và công sức trau dồi thêm kiến thức nhé.

70. Tiếng Anh là tiếng Anh

Có rất nhiều kiểu tiếng Anh: Anh – Anh, Anh – Mỹ, Anh – Nam Phi… Không có cái nào là sai hay không quan trọng cả.

Bạn cứ yên tâm học tiếng Anh như tất cả mọi người đang học đi, đừng quan tâm đó là kiểu tiếng Anh gì. Vì nó không quan trọng bằng việc bạn biết tiếng Anh.

Tất cả các giáo trình, phim ảnh hay sách báo đều sử dụng tiếng Anh phổ thông nhất.

Tiếng Anh cũng giống tiếng Việt, mỗi vùng miền sẽ có một số các từ khác nhau, nhưng chỉ có một ngôn ngữ phổ biến nhất là tiếng Kinh.

Thay vào đó, hãy nhận thức được sự khác nhau giữa Anh – Mỹ và Anh – Anh và sử dụng cho phù hợp. VD: từ “thang máy” – người Mỹ sử dụng “elevator” còn người Anh sử dụng “lift”.

71. Hãy gặp gỡ những người mới

Cố gắng hòa nhập với những người nói tiếng Anh ở nơi bạn ở. Bạn có thể tham gia vào câu lạc bộ hoặc những quán bar nơi mà người nước ngoài thường hay đến.

Đó là môi trường học tiếng Anh hoàn hảo và cách học tiếng Anh cho những người ưa giao tiếp.

Chỉ cần áp dụng cách này thường xuyên thì đảm bảo không trung tâm nào giúp bạn nhanh tiến bộ như thế.

72. Là người bắt đầu cuộc trò chuyện

Cố giữ cho cuộc trò chuyện được liên tục và sử dụng những từ ngữ hưởng ứng câu chuyện (‘really’/ ‘go on…’/ ‘what happened then?’ – ‘thật ư’/ ‘tiếp đi nào’/ ‘chuyện gì xảy ra sau đó vậy?’). Đừng chờ đợi người khác bắt chuyện với bạn. Hãy tự mình làm đi!

Không phải ai cũng có khiếu ăn nói, đặc biệt là khi không sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng hãy luôn chủ động duy trì cuộc nói chuyện bằng những từ khuyến khích đối phương nói.

Có như vậy bạn mới có được câu chuyện thú vị và học tập được nhiều sau mỗi lần trò chuyện chứ.

73. Nói được tiếng Việt là học được tiếng Anh

Nếu bạn chưa nhận được kết quả mà bạn mong muốn, đó không phải do bạn không có khả năng học ngôn ngữ mà là vì bạn chưa tìm được ra cách học riêng của bạn mà thôi.

Năng khiếu chỉ giúp người ta tiếp cận 1 vấn đề nhanh và dễ hơn thôi chứ không giúp người ta thành công hơn. Chính vì vậy nếu bạn chưa thành công với cách học tiếng Anh như thế này thì hãy đổi sang phương pháp khác. Không ai là không có khả năng học được tiếng Anh trong khi có thể nói tiếng Việt cả.

Nếu bạn là người thích logic thì hãy học tiếng Anh theo cách logic, còn không hãy lựa chọn cho mình thiên về hình tượng, hay thực tế… tùy thuộc vào sở thích và thói quen của bạn.

74. Làm quen với âm ‘schwa’ âm [ə] – 1 nguyên âm trung tính và không có trọng âm

‘Schwaa’ là nguyên âm phổ biến nhất trong tiếng Anh. Ví dụ, ‘a’ trong từ ‘about’ và ‘u’ trong ‘supply’.

Đây là âm được dùng phổ biến nhất trong tiếng Anh. âm [ə] là nguyên âm yếu, trong khi tiếng Anh thì thường nói rất nhanh, vì thế họ rất khó nói rõ ràng các âm được vì như thế sẽ rất mệt. Vì thế, người ta thường có xu hướng chuyển các nguyên âm có độ mạnh vừa phải như âm i, e, ei ngắn thành âm [ə] khi âm đó không được đánh trọng âm trong từ.

Ví dụ: able /’eibl/ => ability /ə’biliti/

Trong tiếng Anh thì mỗi từ thường chỉ có 1 trọng âm, các âm còn lại thường yếu nên âm [ə] xuất hiện nhiều trong từ. Ngoài ra, khi nói nhanh,người Anh có xu hướng lướt âm, vì thế có những khi các nguyên âm sẽ bị lược đi và thay bằng âm [ə].

Ví dụ: how is it going? / haʊ ɪz ɪt ˈgoʊɪŋ? /
=> how is it going? / haʊ *ə*z ɪt ˈgoʊɪŋ?/

75. Càng lên cao, tốc độ tiến bộ càng chậm lại

Hãy nhớ rằng phải mất khá nhiều thời gian để cải thiện khi trình độ của chúng ta ở mức cao.

Thường thì những người mới bắt đầu tiến bộ nhanh nhất. Đừng nghĩ rằng bạn đột nhiên không học được gì nữa, đó chỉ là sự tiến bộ ít được chú ý đến.

Học tiếng Anh cũng giống leo núi vậy, những bước đầu thì bạn thấy rõ mình đang lên núi, còn đã tới lưng chừng thì dù bước mãi bạn vẫn có cảm giác mình đang dậm chân tại chỗ. Điều này là hoàn toàn tự nhiên, nên bạn đừng lo lắng gì cả.

Cứ tiếp tục học và nỗ lực đi, bạn không nhận ra nhưng thực chất sự tiến bộ vẫn đang được ghi nhận. Rồi một ngày hoàn toàn bất ngờ bạn sẽ thấy mình đã hoàn toàn chinh phục được đỉnh núi tiếng Anh đấy.

76. Hãy chắc chắn rằng tiếng Anh của bạn phù hợp với hoàn cảnh

Việc sử dụng tiếng lóng có thể ổn với bạn bè nhưng không ổn trong một cuộc họp. Hãy quyết định tình huống nào thì phù hợp để dùng những từ và cụm từ bạn đã học được.

Điều này cũng giống như văn viết và văn nói vậy. Bạn không thể mang những câu đùa cợt với bạn bè để nói với cha mẹ, hoặc mang ngôn ngữ tán tỉnh nói trong phòng họp.

Tiếng nào thì cũng phân biệt hoàn cảnh nói hết. Càng những gì ta chưa nắm chắc, càng cần phải cẩn trọng. Bạn học được từ đó trong hoàn cảnh nào thì chỉ nên áp dụng từ đó trong hoàn cảnh tương tự thôi, nhớ nhé!

77. Khi nói bạn thường nối các từ với nhau vì vậy 2 từ có thể nghe như 1

Đơn giản là, bạn nối kết thúc từ với 1 phụ âm với từ bắt đầu với 1 nguyên âm (phụ âm > nguyên âm).

Chúng ta nối từ có kết thúc bằng 1 nguyên âm với từ có bắt đầu đầu bằng 1 nguyên âm (nguyên âm > nguyên âm). Thực hành những từ này sẽ cải thiện khả năng nghe và phát âm.

Âm này là 1 trong 44 âm trong IPA, nhưng xuất hiện trong 80% từ vựng, vì thế học âm này là điều cực quan trọng.

Ví dụ: I love you / aɪ lʌv ju / => I love you / aɪ lʌv vju/

78. Sử dụng mạo từ chính xác (a / an, the)

Hãy nhận ra rằng có nhiều quy tắc này hơn là a / an = không cụ thể, the = cụ thể. Ví dụ: A university (không phải là “an university” bởi vì nó bắt đầu bằng một phụ âm). An hour (không phải là “a hour” vì ‘h’ là âm câm).

Đây là ví dụ điển hình cho việc bạn cần học phát âm qua phiên âm chứ không được nhìn vào từ và đoán cách đọc, vì nếu bạn nhìn vào từ hour có từ đầu tiên là h, bạn sẽ sử dụng a, nhưng thực tế bạn cần dùng an hour vì từ hour có âm / h / câm

dung-a-an-the-trong-tieng-anh-711x400
Sử dụng mạo từ chính xác (a / an, the)

79. Để giao tiếp lưu loát, hãy cố gắng luyện tập bằng cách tưởng tượng

Ví dụ: trước khi bạn đi đến nhà hàng hãy nghĩ qua rằng về những gì người phục vụ có thể nói với bạn. Hãy suy nghĩ về những cụm từ bạn định sử dụng, tìm hiểu tên một số món ăn mà bạn thích và có thể gọi…

Dù mất thời gian nhưng cách này giúp bạn giao tiếp trôi chảy, không gặp khó khăn hay bất ngờ trong cuộc đối thoại. Được chuyển bị trước bao giờ cũng tự tin hơn, phải không nào?

80. Nhiều thông tin giao tiếp đến từ ngôn ngữ cơ thể và cử chỉ

Chúng có thể khác nhau giữa các nền văn hóa và các quốc gia. Thế nên trước khi thoải mái sử dụng ngôn ngữ hình thể của mình hãy seach qua những lưu ý của đất nước hay con người mà bạn sắp giao tiếp nhé.

Ví dụ, giơ 2 ngón tay hình “V” là biểu tượng của chiến thắng thì ổn khi lòng bàn tay hướng ra. Nhưng nếu bạn bạn để lòng bàn tay hướng về bạn (mu bàn tay hướng về phía người đối diện) nghĩa là bạn đang xúc phạm tới người Anh. Điều đó có nghĩa là… chà, bạn hãy hỏi 1 người Anh và tìm câu trả lời cho mình nhé.

81. Tham gia các khóa học tiếng Anh ở đất nước nói tiếng Anh

Nếu bạn đang có cơ hội sống, làm việc hay du lịch tại quốc gia nói tiếng Anh, hãy tận dụng tối đa nó nhé. Vì đây là môi trường cực hoàn hảo giúp bạn có thể tiến bộ vượt bậc trong một thời gian ngắn.

Tham gia các khóa học tiếng Anh ở các đất nước này thì đảm bảo chuẩn không cần chỉnh rồi.

82. Học tiếng Anh tại môi trường sống

Nếu bạn đang học ở nước ngoài, hãy hòa nhập với mọi người ở các đất nước khác không chỉ những người ở quê hương bạn.

Đó không phải là ý tưởng tốt cho bạn khi sống chung 1 nhà với đồng hương. Hãy tận hưởng nhiều hơn trải nghiệm văn hóa khác bằng cách dành thời gian cho những người bạn khác dân tộc.

Điều này nghe có vẻ khó khăn nhưng thực ra rất thú vị khi ở cùng 1 người bạn đến từ nền văn hóa khác. Bạn không chỉ học được tiếng rất nhanh, rất tự nhiên mà còn ngấm được cả những nét đẹp và mới lạ từ một nền văn minh khác. Cơ hội như thế không phải lúc nào cũng có đâu.

83. Có suy nghĩ về việc nhận một công việc hoặc thực tập ở nước ngoài

Suy nghĩ nghiêm túc về việc này sẽ là động lực thúc đẩy bạn học tiếng Anh một cách hiệu quả và thiết thực nhất. Vì tất nhiên khi xác định làm chung là phải chung 1 ngôn ngữ rồi.

Không những thế, khi tưởng tượng ra viễn cảnh được làm chung với bạn bè quốc tế, trình độ được tăng nhanh, mức lương và chế độ cao thì việc nỗ lực hoàn thiện mình sẽ trở nên dễ dàng hơn.

84. Không ai có thể học tất cả mọi thứ về tiếng Anh

Bạn không cần phải lo lắng về việc cố gắng biết tất cả mọi thứ về tiếng Anh. Không biết điều gì đó cũng bình thường thôi, vì ngay cả tiếng mẹ đẻ bạn cũng đâu có thể biết hết được.

Thay vì cố gắng tìm hiểu mọi thứ và nhồi đầu mình, bạn có thể học những điều nho nhỏ nhưng hữu ích như một phím tắt cho việc học là trong tiếng Anh có rất nhiều từ có phát âm giống nhau, nhưng cách viết và ý nghĩa khác nhau.

Ví dụ, từ “come here” có cách phát âm tương tự như “I can hear the birds”. Bạn có thể thấy dễ dàng hơn trong việc xây dựng vốn từ bằng cách biết những nghĩa khác nhau.

85. Khám phá điều mới lạ bằng tiếng Anh

Khi bạn có 1 mức độ cơ bản của tiếng Anh, bạn có thể khám phá những cách khác nhau để có thể nói những điều tương tự.

Ví dụ, bạn có bao nhiêu cách để nói “Tạm biệt” trong tiếng Anh?

Học tiếng Anh theo kiểu khám phá hay đặt ra những câu hỏi hài hước rồi làm thỏa mãn trí tò mò này giúp bạn thấy việc học tiếng Anh trở nên thú vị hơn rất nhiều. Thêm vào đó là bạn nạp kiến thức vào đầu rất dễ dàng.

Lời kết

Trên đây là 85 cách bạn có thể làm để cải thiện tiếng Anh của bản thân. Hãy xác định rõ mục tiêu và lựa chọn phương pháp phù hợp với mình sau đó lên kế hoạch và triển khai học càng sớm càng tốt để làm chủ ngôn ngữ quốc tế này.

Kỹ thuật nói đuổi là kỹ thuật tuyệt vời nhất, hiệu quả nhanh nhất để luyện nói, nhưng hiện tại chưa được áp dụng nhiều. Hãy tìm hiểu thêm để việc học của bạn tốt hơn!

Thegioibantin.com | Vina Aspire

Nguồn: X3English

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ