Nhà văn Khải Đơn: “Sống với ước mơ là tuyệt vời nhưng tuyệt vời hơn là ta có thể từ bỏ nó”
Sẽ thế nào nếu tôi muốn “ly hôn” với ước mơ?
– 01 –
“Nếu bạn được làm đúng thứ mình mơ ước, cả cuộc đời sẽ luôn hạnh phúc”
“Thất bại lớn nhất trong đời là không dám sống với ước mơ của mình”
Vâng, đó là các tuyên ngôn tôi đọc trong mọi loại sách, từ 17 đến 29 tuổi. Vô tình hay cố ý, xã hội cho tôi một điều kiện “hãy mơ ước” và cho tôi phần thưởng “hạnh phúc”, “dám sống” hay đe dọa rằng sẽ “thất bại”, “bất hạnh” nếu không làm gì được đúng như thế.
Tuyệt vời nhất trong suốt thời 20 tuổi là tôi luôn đi chính xác những gì mình muốn làm. Tôi mong ước. Tôi thực hiện. Một công thức kỳ lạ luôn thành hiện thực.
Nhưng rồi sau đó, tôi rơi vào hố đen của sự nhàm chán. Cái hố đó hiện ra với câu hỏi: “Sẽ thế nào nếu tôi không tin vào ước mơ của mình nữa?” Tôi sẽ ra sao nếu không dám sống với nó nữa? Sẽ thế nào nếu tôi muốn “ly hôn” với ước mơ? Tôi có trở thành kẻ thất bại đáng cười vào mặt nếu từ bỏ ước mơ 10 năm qua không?
Đối diện với chừng ấy câu hỏi khó khăn thật sự. Nó như thể cả đời tôi chẳng bao giờ nhìn vào gương, tới một ngày bàng hoàng giật mình khi tìm được cái gương và không thể tin nổi đứa xấu xí trong gương chính là mình. Nó biến thành cơn hỗn loạn cảm xúc: vừa sĩ diện với bản thân (là dám sống với giấc mơ), vừa thừa nhận rằng giấc mơ chán chết (thật cay đắng), vừa nhục nhã với tính háo thắng xây đắp lâu dài trong lồng ngực (ta sẽ giỏi, sẽ ngon lành), vừa tủi thân vì dấu mốc đầu tiên của thất bại hiện hình.
– 02 –
Với kẻ tìm cách định nghĩa lại con đường, khó khăn nhất là thú nhận rằng mình có thể “ly hôn” với giấc mơ. Giống như bạn sắp chia tay bạn đời, cắt căn nhà làm đôi và phải tự tay nuôi con, ly hôn với ước mơ cũng đầy vấn đề như vậy.
Đầu tiên, bạn chẳng muốn ở bên nó nữa, nhưng tệ hại là nó là công cụ đem lại tiền ăn và tiền sống cho bạn. Đó là phần tối bên kia của cái gọi là “sống cả đời với giấc mơ” – chả biết làm gì khác ra tiền ngoài cái công việc mơ ước đó. Giống như chia tay một gã chồng đáng ghét, nhưng đã lâu rồi mình ở nhà làm nội trợ không kiếm ra tiền, vì vậy rất sợ phải rời bỏ gã.
Vì vậy, để “ly hôn” giấc mơ, cần có một kế hoạch – một “âm mưu” rõ ràng. Với tôi, nó rõ ràng dần mỗi ngày khi tôi đối thoại với bản thân, nhìn lịch làm việc, quan sát thu nhập, và tìm xem các phương pháp thu nhập khác. Nghiêm túc với việc này là cơ sở đầu tiên giúp tôi dũng cảm chuẩn bị cho cuộc “ly hôn” trọn vẹn với giấc mơ tuổi 20 của mình.
Thứ hai, là ta sẽ làm gì trong phần đời kế tiếp? – Tôi vô cùng hoảng sợ khi bắt đầu ý nghĩ từ bỏ giấc mơ. Bởi tôi đã sống quá lâu bên ước mơ đó. Điều này giống như bạn ở bên cạnh người yêu suốt 10 năm dài, ngày nào anh ấy cũng chở bạn đi ăn tối. Khi quyết định chia tay, bạn hoảng loạn vì phải xoay sở ăn tối một mình (hoặc tệ hơn là không biết nấu ăn hay ăn gì).
Tiếp cận câu hỏi “ta sẽ làm gì tiếp” sẽ bắt buộc bạn bận rộn và quên đi nỗi sợ ở lưng chừng của điều dang dở. Sẽ có rất nhiều áp lực trong giai đoạn này.
Người thân quý bạn sẽ khuyên bạn đừng từ bỏ.
Những quyển cẩm nang thành công thành đạt sẽ bảo bạn phải bước lên bậc thang cuộc đời.
Người ghét bỏ sẽ bảo bạn thật ngu ngốc khi kết thúc trong tay trắng.
Chỉ có bạn hiểu mình không còn hạnh phúc với việc làm, sự nghiệp và giấc mơ cũ.
Vậy thì câu hỏi “ta sẽ làm gì” sẽ đánh tan gió bão của lời lẽ, và giúp bạn trấn an bản thân để tin rằng có một con đường khác ngoài giấc mơ 10 năm trước. Hãy nhớ, người thân yêu, kẻ ghét bỏ, hay sách self-help không chịu đựng hay sống chung với những gì bạn đang trải qua. Họ có thể vì ý tốt hay xấu mà bình luận, nhưng họ không sống từng phút với nó. Là bản thân, hãy chọn điều bạn cho là đúng với chính mình.
Thứ ba, “ồ, hóa ra tôi cũng có thể làm được thứ này sao?” – Bạn tôi, một bác sĩ, cười phá lên khi anh kể lần đầu tiên anh làm bánh cho cả nhà ăn. Anh không thể tin mình có thể làm ra thứ khiến bọn nhóc ồ lên khoái khẩu – và cả gia đình bạn bè ăn sạch ổ bánh. Giờ thì anh làm bánh. Anh nói: “Giờ tôi mới nhớ ra mình làm bác sĩ 14 năm. Nếu tôi đã học và làm bác sĩ 14 năm, thì học làm bánh dù có 3 -4 năm vẫn là học được đúng không?”
Câu hỏi của anh thật chính xác – ta đã học đại học 4 năm để làm cái nghề nào đó. Ta sống với nghề đó 10 năm. Vậy học lại nghề mới hai năm, ba năm, có là gì so với những điều đã từng kiên nhẫn trải qua? – Ồ cuộc đời không ngắn lắm. Và tại sao học kỹ thuật mới lại khó khăn đến vậy với nhiều người?
Tôi suy nghĩ rất nhiều sau khi ăn bánh ở nhà anh. Tôi đã bỏ nghề hai năm để làm việc mình muốn. Hóa ra, tôi có thể làm được. Hóa ra, tôi đã sống 10 năm với nghề, và học thứ mới chẳng có gì ngoài tầm tay. Nhận thức được khả năng là bước kế tiếp giúp tôi đủ dũng cảm để đi theo công việc mới.
Cuối cùng, từ bỏ giấc mơ hóa ra chẳng có gì ghê gớm. Và ta có thể sống tiếp với giấc mơ khác – chẳng hề kém hạnh phúc hơn, miễn là cảm thấy đáng để mình nghiêm túc theo quá trình mới. Đó là từ bỏ sĩ diện “là ai đó” trong nghề cũ. Từ bỏ cảm giác phải lên đỉnh cao nghề nghiệp rồi bước xuống. Từ bỏ sự hão huyền của việc đã chán rồi phải cắn răng theo đuổi (vì gia đình, bạn bè, xã hội muốn).
Đừng đọc những quyển sách nói bạn sẽ hạnh phúc cả đời khi sống với một giấc mơ. Giấc mơ của ta thay đổi qua mỗi hành trình sống.
Đừng giam cầm tâm trí mình trong ảo tưởng kết thúc cuộc đời trong một sự nghiệp kỳ vĩ, bạn hoàn toàn có thể sống với nhiều sự nghiệp chẳng kỳ vĩ gì nhưng đầy háo hức và niềm vui.
Đừng nghĩ từ bỏ giấc mơ là thất bại. Có khi mơ giấc khác lại thành thật và đáng giá hơn.
Mỗi khi nao núng vì mình thay đổi, hãy soi gương và ngắm nhìn gương mặt mình. Chính gương mặt vật lý đó còn thay đổi mỗi ngày, mỗi tuổi, tại sao giấc mơ thì không thể?