Điểm chung của 5 tỷ phú giàu có Châu Á làm nên nghiệp lớn từ nghèo khó
Đặc điểm chung làm nên thành công của 5 tỷ phú Châu Á đi lên từ nghèo khó như Jack Ma, Lý Gia Thành, Kim Beom-soo… chính là sự kiên trì, dám đối mặt với thất bại.
Jack Ma (tài sản 48,4 tỉ USD)
Người đầu tiên trong danh sách 5 tỷ phú Châu Á vươn lên từ con số 0 phải kể đến Jack Ma.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hàng Châu, nhưng từ khi còn nhỏ, Jack Ma đã tỏ rõ nội lực và chí tiến thủ khi không ngại tới các khách sạn có đông khách du lịch Mỹ, nhờ những người này dạy nói tiếng Anh chuẩn và đổi lại bằng cách dẫn họ thăm quan thành phố.
Thời còn trẻ, Jack Ma cũng bị trượt đại học 2 lần, phải đến lần thứ 3 mới đỗ vào khoa Tiếng Anh hệ tại chức tại Đại học Sư phạm Hàng Châu.
Sau khi ra trường, ông cũng vất vả đi rải đơn xin việc ở khắp nơi, trong đó có việc làm tại quán đồ ăn nhanh KFC nhưng đều bị từ chối. Mãi sau ông mới tìm được công việc giáo viên tiếng Anh với mức lương bèo bọt 12 USD/tháng (237 nghìn VNĐ).
Jack Ma được tiếp cận với internet lần đầu tiên vào năm 1995 sau một chuyến thăm Mỹ. Ngay sau đó, Jack Ma đã nuôi tham vọng có thể đưa Trung Quốc lên bản đồ internet thế giới.
Ngay lúc khởi nghiệp, Jack Ma đã hai lần thất bại nhưng vẫn đi đến cùng với tham vọng để thành lập doanh nghiệp Alibaba thành công như hiện nay.
Lý Gia Thành (tài sản 34 tỉ USD)
Cũng như Jack Ma, tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành có khởi đầu vô cùng gian nan. Gia đình ông đã di cư từ Trung Quốc sang Hong Kong trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II.
Khi người cha đột ngột qua đời vì bệnh lao, Lý đã phải rời ghế nhà trường để lao vào kiếm sống phụ giúp gia đình.
Ở tuổi 16, Lý Gia Thành đã làm việc trong một nhà máy nhựa, quần quật 16 tiếng/ngày. Ông trở thành nhân viên kinh doanh hàng đầu của nhà máy, cuối cùng được đề bạt làm quản lý.
Ở tuổi 22, Lý đánh dấu hành trình khởi nghiệp với nhà máy Cheung Kong Industries.
Sau này, Lý Gia Thành đã phát triển Cheung Kong Industries thành trung tâm đầu tư bất động sản hàng đầu và niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong vào năm 1972.
Kim Beom-su (tài sản 11,1 tỉ USD)
Ông Kim Beom-su, còn được gọi là Brian Kim, là nhà sáng lập, chủ tịch công ty internet Kakao, sở hữu ứng dụng nhắn tin lớn nhất Hàn Quốc – Kakao Talk.
Kim xuất thân từ gia đình nghèo khó, cả nhà chỉ có duy nhất 1 phòng ngủ cho 8 người, tại một khu phố nghèo ở thủ đô Seoul.
Cha mẹ ông không học hết cấp một, phải chuyển hết việc này đến việc khác để kiếm sống.
Kim là người con đầu tiên trong gia đình đậu đại học và phải tự trả tiền học phí bằng cách dạy thêm. Ra trường, Kim đã dành 5 năm làm nhân viên phát triển dịch vụ liên lạc trực tuyến tại một doanh nghiệp thuộc tập đoàn Samsung.
Năm 1998, Kim bắt đầu thành lập Hangame, một quán cafe internet mà sau này phát triển thành công ty vận hành cổng game trực tuyến Hàn Quốc.
Sau này, Hangame đã sát nhập với công ty vận hành công cụ tìm kiếm Naver, trở thành đơn vị sở hữu cổng tìm kiếm lớn nhất tại Hàn Quốc – NHN.
Ông bắt đầu thành lập Kakao Talk vào năm 2010. Đến tháng 8 năm nay, Kim đã cam kết tặng nửa khối tài sản để giải quyết các vấn đề xã hội.
Zhang Xin (tài sản 3,3 tỷ USD)
Nữ tỷ phú bất động sản, Giám đốc điều hành tập đoàn SOHO Trung Quốc, cũng là một trong những tấm gương sáng làm nên sự nghiệp từ gian khó.
Nếu như hiện nay, bà được mệnh danh là người phụ nữ kiến thiết Bắc Kinh, cùng chồng điều hành tập đoàn SOHO – doanh nghiệp bất động sản lớn nhất tại Trung Quốc, thì ở thời 15 tuổi, khi Zhang Xin và gia đình mới chuyển sang Hong Kong, bà cùng mẹ phải ở trong một căn phòng nhỏ, chỉ vừa 1 chiếc giường 2 tầng.
Để có tiền học hành, Zhang đã dành 5 năm trời làm việc trong các nhà máy sản xuất sản phẩm may mặc và điện tử.
Sau nhiều năm ở Anh quốc, hoàn thành thạc sĩ nhờ tiền học bổng và từ thiện, làm việc tại Hong Kong và New York (Mỹ), Zhang trở về Bắc Kinh, nên duyên với người chồng hiện tại.
Nữ doanh nhân chia sẻ, trong suốt cuộc đời sự nghiệp, “tôi đã gặp rất nhiều thất bại, không phải mọi việc đều suôn sẻ”.
Đáng nhớ nhất là thất bại đầu tiên xảy ra vào năm 2003. Khi đang từ đỉnh cao sự nghiệp vào năm 2002, chỉ trong 1 năm, bà đã rơi vào khó khăn vì cố gắng đổi mới, đưa công ty lên sàn chứng khoán.
Nhưng không vì thất bại mà nhụt chí, hai vợ chồng đã vật lộn, tìm mọi cách đưa SOHO lên sàn chứng khoán vào năm 2007 với thành công vang dội, huy động số vốn lên tới 1,9 tỉ USD.
Kim Bong-jin (tài sản ước tính hơn 1 tỷ USD)
Kim Bong-jin là nhà sáng lập, Chủ tịch công ty vận hành ứng dụng giao hàng Hàn Quốc Woowa Brothers (công ty mẹ của ứng dụng giao thực phẩm Baemin tại Việt Nam).
Đầu năm nay, ông Kim đã cùng vợ tham gia Cam kết Cho đi (Giving Pledge), tuyên bố dùng hơn nửa tài sản vào việc từ thiện.
Trong thông báo về quyết định trao tặng một nửa số tài sản, vị tỷ phú Hàn Quốc đã chia sẻ về khoảng thời gian khởi nghiệp khó khăn, lớn lên trên một đảo nhỏ của Hàn Quốc.
Cả ngôi nhà gia đình ở được dùng làm nơi buôn bán nên toàn phải chờ khách về hết cả gia đình mới có chỗ để ngủ và không đủ khả năng tài chính để theo học một trường nghệ thuật.
Ông luôn tin rằng những điều mình đạt được là nhờ “sự may mắn và sự ban phước của Chúa” vì vậy để đền đáp lại những may mắn mình nhận được, Kim đã bắt đầu làm từ thiện từ năm 2017.
Trong vòng 3 năm, hai vợ chồng ông đã đóng góp 9 triệu USD cho các hoạt động từ thiện.
Thegioibantin.com | VinaAspire News