Thế Giới Di Động: Từ 200 triệu đồng vốn tới tham vọng nhà bán lẻ số 1 Đông Nam Á

0 467

Khởi nghiệp từ số vốn vỏn vẹn 200 triệu đồng, giờ đây có thể gọi ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Thế giới Di động là “Chủ tịch bán đủ thứ”, từ điện thoại, laptop, điện máy, rau củ, thời trang, bỉm sữa… Bước ra khỏi ngành bán lẻ điện thoại, điện máy, Thế Giới Di Động đang ấp ủ những dự định lớn lao tiếp theo.

Khởi nghiệp với số vốn 200 triệu đồng, ông Nguyễn Đức Tài cùng với 3 người bạn mở ba cửa hàng rộng 20m2 tại TP HCM để bán điện thoại vào năm 2004. Gần hai thập kỷ sau, lần lượt vượt qua những tên tuổi để trở thành nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam xét cả về quy mô doanh thu lẫn số lượng cửa hàng.

Đến nay, Thế Giới Di Động chạm ngưỡng 5 tỷ USD doanh thu với hơn 5.000 cửa hàng trên toàn quốc, mở rộng từ bán lẻ điện thoại sang điện máy, thực phẩm tiêu dùng. Song cuộc hành trình vẫn chưa dừng lại.

Mới đây, lãnh đạo tập đoàn này tiếp tục cho thấy tham vọng muốn chinh phục tiếp những đỉnh cao mới khi liền một lúc trình làng 5 chuỗi mới, đặt mục tiêu trở thành nhà bán lẻ đa ngành, top đầu khu vực.

Khởi nghiệp với bán lẻ điện thoại

“Tôi cam kết với anh một cái duy nhất thôi, nếu cuộc chơi này thất bại, anh em mình trắng tay, anh em mình đi bụi đời. Còn nếu cuộc chơi này thành công thì tôi bảo đảm với anh tương lai huy hoàng và con số anh cộng lại ngày hôm nay nếu tiếp tục đi làm thuê chỉ là hạt đậu phộng trong kho tàng”, ông Nguyễn Đức Tài cam kết với người cộng sự của mình trong những ngày đầu khởi nghiệp.

Thế Giới Di Động khởi nghiệp trong bối cảnh điện thoại khi ấy vẫn là thứ mặt hàng xa xỉ dành cho người giàu. Thị trường điện thoại Việt vẫn còn ở thủa sơ khai khi các cửa hàng bán đồ chính hãng manh mún, nhỏ lẻ và chưa thực sự có nhân tố nổi trội dẫn dắt.

Tự bước dò dẫm trong đêm, Nguyễn Đức Tài và những người bạn nhanh chóng nhận thất bại chỉ sau ba tháng khởi nghiệp. Vậy nhưng, giấc mơ mang điện thoại giá rẻ chất lượng tốt tới người Việt luôn thôi thúc và không cho phép những người sáng lập Thế Giới Di Động dừng bước.

“Tôi cam kết với anh một cái duy nhất thôi, nếu cuộc chơi này thất bại, anh em mình trắng tay, anh em mình đi bụi đời. Còn nếu cuộc chơi này thành công thì tôi bảo đảm với anh tương lai huy hoàng và con số anh cộng lại ngày hôm nay nếu tiếp tục đi làm thuê chỉ là hạt đậu phộng trong kho tàng”

– Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài –

Tháng 10/2004, một cửa hàng Thế Giới Di Động rộng 200m2 nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (TP HCM) đã được dựng lên. Từ một cửa hàng, sau những bước đi chập chững đầu tiên đó, đến nay Thế Giới Di Động đã tăng trưởng ngoạn mục khi sở hữu trong tay hơn 2.000 cửa hàng bán điện thoại trên toàn quốc, với thị phần hơn 50% vào năm 2020.

“Nếu nói về bán lẻ, đặc biệt bán lẻ trong lĩnh vực điện thoại, không ai vượt qua được Thế Giới Di Động. Xưa giờ, bản thân tôi hay công ty cũng chưa từng xem ai là đối thủ”, ông Đoàn Văn Hiểu EmCEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, tự tin khẳng định trong một lần phỏng vấn.

Sự thành công của Thế Giới Di Động vào bối cảnh bấy giờ có thể nói đã mở ra kỷ nguyên mới cho thị trường bán lẻ điện thoại tại Việt Nam. Công ty lần lượt bắt tay với các ông lớn Apple, Samsung, Huawei,… để đưa điện thoại chính hãng đến tay người tiêu dùng. 

Nếu so với thập kỷ trước, có thể nói chưa bao giờ người Việt tiếp cận smartphone, máy tính bảng,… dễ dàng đến thế. Chỉ bằng một cái nhấp chuột trên màn hình máy tính, chỉ bằng vài bước chân ra đầu ngõ ngoài hẻm là có thể trên tay trải nghiệm những sản phẩm công nghệ mới nhất thế giới.

Các chuỗi bán lẻ của Thế Giới Di Động. (Đồ hoạ: Thegioididong.com).

Dấn bước vào thị trường khó nhằn

Khác với mảng kinh doanh đầu tiên là điện thoại – một thị trường sơ khai, thì điện máy lại là một lĩnh vực có sự cạnh tranh, đào thải rất khắc nghiệt. Trong vòng 5 năm trở lại đây, thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam liên tiếp chứng kiến hàng loạt tên tuổi ngã ngựa. Từ Trần Anh, Viễn Thông A, Topcare, Việt Long… và gần đây nhất hệ thống siêu thị điện máy VinPro tuyên bố giải thể vào tháng 12/2019. Một số đơn vị khác như Pico, HC, MediaMart… cũng đang bám trụ thị trường nhưng với quy mô nhỏ, chật vật trong cuộc đua thị phần.

Trong bối cảnh đó, Thế Giới Di Động là một tay mơ bước vào thị trường từ năm 2010 với chuỗi cửa hàng Điện Máy Xanh có quy mô khiêm tốn. Trong giai đoạn 5 năm đầu (2010 – 2015), hệ thống này mới chỉ có 30 cửa hàng. Nhưng kể từ 4 năm về sau (2015 – 2019), Điện Máy Xanh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, với hành trình phát triển thần tốc, chạm mốc 1.000 shop vào tháng 12/2019, tăng 33 lần so với giai đoạn trước.

Tính đến thời điểm cuối tháng 11/2021, Điện Máy Xanh đã sở hữu hơn 1.8000 điểm bán tại hầu hết các tỉnh thành và trục đường lớn. Thế Giới Di Động cho biết các cửa hàng quy mô lớn đang đều đặn mang về doanh thu trung bình 10 tỷ đồng/tháng và 4 tỷ đồng/tháng với cửa hàng có diện tích nhỏ hơn.

Hiện nay, thị phần bán lẻ điện máy chủ yếu tập trung ở ba ông lớn là Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim và Điện máy Chợ lớn. Riêng Điện Máy Xanh chiếm 60% thị phần, hoàn toàn áp đảo thị trường. Ông Đoàn Văn Hiểu Em khẳng định chuỗi đã “hoàn thành sứ mệnh”.

Theo báo cáo Top 100 nhà bán lẻ châu Á của Euromonitor, MWG hiện xếp thứ 10 trong số các nhà bán lẻ lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Những công ty có doanh thu trên 450 triệu USD đủ năng lực để đứng trong Top 50 Đông Nam Á.

Tham vọng mang bán lẻ về tay người Việt

Nếu như nỗ lực tham gia thị trường điện máy được đánh giá là có phần mạo hiểm thì việc một bước sang ngang khi tiến vào bán lẻ tạp hoá, thực phẩm của Thế Giới Di Động lại khiến không ít nhà đầu tư khó hiểu. 

Những ngày đầu, nhiều người đặt hoài nghi về sự thành công của tập đoàn trong lĩnh vực mới – nơi mà công ty hoàn toàn không có thế mạnh hay kinh nghiệm. Một thị trường mà ngay đến những ông lớn ngoại như Auchan (Pháp), Metro (Đức) hay VinMart (Vingroup) dù tiềm lực tài chính mạnh cũng phải sớm bỏ cuộc thì Thế Giới Di Động sẽ xoay sở ra sao?

Vậy nhưng, với vị thế là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam, Thế Giới Di Động dường như đã quá quen với sức ép phải tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm. Bất chấp tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của lợi nhuận (CAGR) giai đoạn 2009 – 2017 vẫn đạt trên 55%/năm, lãnh đạo công ty đã nghĩ về chu kỳ tăng trưởng mới cho 10 năm tiếp theo, bắt đầu bằng cái tên: Bách Hoá Xanh.

Hơn 5 năm sau, Thế Giới Di Động đã đưa Bách Hoá Xanh từ con số 0 thành một trong ba đơn vị bán lẻ tạp hoá lớn nhất Việt Nam, cùng với Wincomerce và Saigon Co.op, mang về doanh thu hàng năm xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Công ty dự kiến đến năm 2022, doanh thu của Bách Hóa Xanh bằng doanh thu hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh cộng lại.

CTCP Thế Giới Di Động bỏ khá xa những đơn vị bán lẻ khác trong nước. (Nguồn: VietnamCredit).

Giấc mơ về bán lẻ đa ngành

“20 năm tới, Thế Giới Di Động sẽ là một đế chế bán lẻ. Chúng tôi không chỉ ngồi đây mà còn đi ra thế giới” – đây là tham vọng mà ông Nguyễn Đức Tài đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn cách đây vài năm. Vậy nhưng, chẳng cần tới 20 năm, ngay thời điểm hiện tại, các kiến trúc sư tại Thế Giới Di Động đã đang bắt tay vào kiến tạo nên tầm nhìn về một đế chế như thế.

Sau khi doanh thu vẫn tăng trưởng hơn 1 tỷ USD bất chấp những tác động từ đại dịch, đầu năm nay, Thế Giới Di Động đã liền một lúc ra mắt 5 chuỗi mới gồm: AvaSport (đồ thể thao), AvaFashion (thời trang), AvaKids (mẹ và bé), AvaJi (trang sức) và chuỗi AvaCycle (xe đạp). Chính thức từ một đơn vị bán lẻ điện thoại chuyển sang “bán cả thế giới”, trở thành một công ty bán lẻ đa ngành – điểm chạm cho mọi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. 

Những động lực tăng trưởng mới khiến Thế Giới Di Động không ngần ngại đặt ra mục tiêu đạt doanh thu hơn 140.000 tỷ đồng trong năm nay – mức doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của tập đoàn, bất chấp những lo ngại về dịch bệnh hay thói quen mua sắm tiêu dùng thay đổi.

Nhìn lại chặng đường vừa qua của Thế Giới Di Động, có thể nhận ra vị thế tập đoàn gầy dựng được cho đến ngày hôm nay phần lớn phụ thuộc vào tinh thần khởi nghiệp không sợ thất bại của những người đứng đầu.

Từ khai phá thị trường bán lẻ điện thoại, xâm chiếm một trong những lĩnh vực khắc nghiệt nhất là điện máy, rồi tay mơ sang bán lẻ tạp hoá,… tất cả đều mang dấu ấn khởi nghiệp, chấp nhận thử sai.

Chủ tịch Nguyễn Đức Tài từng thừa nhận: “Với tôi, thất bại là một phần của cuộc chơi, muốn có được những điều mới mẻ, phải biết chấp nhận vài lần thất bại. Một người nếu quá sợ thất bại thì ngay cả đi làm công cũng không thể, chỉ lên núi gõ mõ là an toàn nhất.”

Theo Doanh nghiệp niêm yết

Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin

Nguồn : https://tapchidoanhnhan.org/khoi-nghiep/the-gioi-di-dong-tu-200-trieu-dong-von-toi-tham-vong-nha-ban-le-so-1-dong-nam-a.html

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ