Làn sóng reshoring – Hiện tượng nhất thời hay xu hướng dài hạn?
Tháng 6 năm 2015, ông Donald Trump, khi đó đang là ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, đe dọa sẽ áp mức thuế lên đến 35% cho những mẫu xe của hãng Ford được lắp ráp tại Mexico và nhập khẩu vào Mỹ nếu hãng này thực hiện kế hoạch di chuyển các dây chuyền sản xuất từ Mỹ sang Mexico. Trong suốt thời gian tranh cử, ông Trump thường xuyên nhấn mạnh đến ưu tiên phục hồi ngành sản xuất của Mỹ. Ông cũng phản đối gay gắt các hiệp định tự do thương mại như TPP và NAFTA.
Quay lại thời điểm hiện nay, Ford vừa xác nhận vào ngày 1/3 rằng họ sẽ hủy dự án xây dựng nhà máy lắp ráp mới tại Mexico trị giá 1,6 tỷ USD, mà thay vào đó sẽ mở rộng một nhà máy hiện hữu tại Michigan, bang Illinois. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trên thực tế cũng đã chết khi cả Nhà Trắng và Quốc Hội Mỹ đều không có ý định thúc đẩy quá trình thông qua hiệp định này.
Liệu những diễn biến này có báo hiệu reshoring, các tập đoàn đa quốc gia đưa hoạt động sản xuất trở về chính quốc, sẽ trở thành xu hướng chủ đạo hay đây chỉ là hiện tượng nhất thời? Và điều này có đang đe dọa nền kinh tế của các quốc gia đang phát triển, vốn rất cần dòng vốn từ các hoạt động outsourcing?
Làn sóng reshoring
Ngay từ trước chiến thắng bất ngờ của ông Trump, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy ngành sản xuất tại Mỹ đang phục hồi. Theo một nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Reshoring Initiative thì các hoạt động reshoring và FDI (đầu tư trực tiếp) trong năm 2015 đã tạo ra 250.000 việc làm mới trong khối sản xuất tại Mỹ, tương đương với con số bị giảm do hoạt động outsourcing ra nước ngoài. Mặt khác, nó vẫn chưa đủ để đảo ngược xu hướng suy giảm dài hạn của số lao động trong ngành sản xuất tại nước này. Kể từ năm 1979 đến nay đã có 7 triệu số chỗ làm trong ngành sản xuất tại Mỹ biến mất.
Theo một khảo sát khác của công ty tư vấn The Boston Consulting Group (BCG), với đối tượng chính là các quản lý cấp cao của những công ty sản xuất tại Mỹ có doanh thu hàng năm trên 1 tỷ USD, thực hiện vào năm 2015 thì Mỹ đã trở thành địa điểm được đánh giá cao nhất khi các công ty muốn đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, vị trí mà Trung Quốc nắm giữ trong cuộc khảo sát tương tự 2 năm trước
Cụ thể, 31% số quản lý cho biết họ đang có dự định tăng năng lực sản xuất tại Mỹ trong vòng 5 năm tới, so với con số 20% dự kiến đầu tư vào Trung Quốc. Trong cuộc khảo sát 2 năm trước, các con số này lần lượt là 26% và 30%.
Còn khi so với kết quả khảo sát năm 2012 thì số quản lý cấp cao cho biết họ đang tích cực thực hiện các hoạt động reshoring đã tăng đến 250%. Những công ty tham gia khảo sát năm 2015 cũng cho biết khả năng họ đầu tư sản xuất ngay tại Mỹ cao gấp 3 lần khả năng họ đầu tư sản xuất tại nước khác.
Một điểm đáng chú ý là động lực thúc đẩy hoạt động reshoring cũng chủ yếu liên quan đến yếu tố chi phí. 76% số quản lý cho biết chuỗi cung ứng ngắn hơn là lí do chính để họ reshore, 70% cho biết chi phí vận chuyển thấp là lí do chính. Nói cách khác, cả reshoring và outsourcing (hay offshoring) đều có động lực giống nhau, đó là vấn đề chi phí sản xuất. Trong những năm gần đây đã có một số yếu tố thay đổi khiến cho lợi thế chi phí của hoạt động outsourcing ngày càng giảm.
Cách biệt về mức lương đang thu hẹp
Chi phí lao động rẻ của các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc hay khu vực Đông Nam Á là động lực rất lớn thúc đẩy các công ty Mỹ outsource hoạt động sản xuất đến đây. Tuy nhiên, mức lương tại những quốc gia này đã tăng với tốc độ cao hơn tốc độ tăng lương tại Mỹ. Ví dụ như tại Trung Quốc, mức sống ngày càng cao cộng với đồng nhân dân tệ mạnh đã khiến mức lương trung bình tăng 187% trong thập niên qua, so với mức tăng 27% tại Mỹ.
Lợi thế của chuỗi cung ứng ngắn hơn
Reshoring giảm thiểu hay loại bỏ hoàn toàn các hao phí gắn với hoạt động outsource như chi phí vận chuyển, sản xuất thừa do phải xuất hàng theo từng lô lớn, thời gian và chất lượng giao hàng không đảm bảo, phải bổ sung các bước đóng gói và tháo dỡ bao bì không cần thiết, cần thêm các bước kiểm hàng…
Bên cạnh đó, reshoring giúp nâng cao khả năng cộng tác giữa các phòng ban, như thiết kế, sản xuất, và dây chuyền lắp ráp, qua đó rút ngắn thời gian đưa sản phẩm mới ra thị trường.
Anthony Parisi, phó chủ tịch Plastimold Products, một công ty sản xuất khuôn, cho biết một khách hàng của ông trước đây đặt hàng khuôn từ Trung Quốc, nhưng đã chuyển qua mua hàng từ công ty của ông cho dù giá thành có cao hơn. Lí do chính là khách hàng này ở rất gần Plastimold Products và do đó có thể trực tiếp đi đến công ty và thảo luận những thay đổi trong ngày, và khách hàng cũng không cần phải nói tiếng Hoa.
Một minh chứng cho thấy sức hấp dẫn ngày càng tăng của ngành sản xuất Mỹ là việc các công ty Trung Quốc đang đầu tư ngược lại vào Mỹ để phục vụ tốt hơn người tiêu dùng tại đây.
Ví dụ như công ty Tianyuan Garment đã đầu tư 20 triệu USD vào một nhà máy may mặc tại Little Rock, Arkansas. Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đứng sau Lucid Motors và Faraday Future, hai start-up sản xuất xe điện tại Mỹ với tham vọng cạnh tranh với Tesla.
Nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Theo một khảo sát của Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc vào năm 2012 thì 40% số hội viên được hỏi cho biết nguy cơ mất dữ liệu thương mại tại Trung Quốc đang có chiều hướng gia tăng. 48% cho biết nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây những thiệt hại trọng yếu cho hoạt động kinh doanh của họ, cao hơn nhiều con số 18% trong khảo sát năm 2010.
Theo một báo cáo vào tháng 5/2013 của ủy ban thương mại quốc tế Mỹ thì vấn nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khiến nước này thiệt hại hàng trăm tỷ USD mỗi năm, và “chuỗi cung ứng càng dài thì nguy cơ này càng tăng.”
Sự hồi sinh của ngành năng lượng Mỹ
Kể từ sau khi sự bùng nổ của hoạt động khai thác dầu và khí đá phiến vào đầu những năm 2000 thì các nhà sản xuất tại Mỹ đã được hưởng lợi từ giá thành rẻ hơn của các nguồn năng lượng nội địa. Đối với những ngành sản xuất dùng nhiều năng lượng, yếu tố này giúp cân bằng với chi phí lao động cao và giúp ngành sản xuất Mỹ có sức cạnh tranh cao hơn.
Báo chí rất nhiều lần nhắc đến ngành sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ khi mà sản lượng tăng vọt của ngành này đã khiến giá dầu thế giới rơi tự do từ hơn 100 USD / thùng vào tháng 7/2014 xuống dưới 50 USD / thùng vào tháng 1/2015. Nhưng sự hồi sinh của ngành năng lượng Mỹ đến từ sớm hơn, nhờ vào hoạt động khai thác khí thiên nhiên.
Nhờ vào các công nghệ khai thác mới như khoan theo chiều ngang hay ép vỡ thủy lực, mà sau này cũng được áp dụng để khai thác dầu, mà sản lượng khí đốt của Mỹ đã vượt Nga vào năm 2009 và biến nước này thành nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới.
Nhờ đó mà giá thành khí thiên nhiên tại Mỹ thấp hơn nhiều so với các nước Châu Á, Châu Âu hay Nam Mỹ. Được hưởng lợi lớn nhất tất nhiên vẫn là những ngành sản xuất sử dụng khí đốt thiên nhiên như hóa chất, hóa dầu, sợi tổng hợp, phân bón, và nhựa.
So sánh mức giá khí thiên nhiên tại Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản
Vai trò của công nghệ mới
Cũng trong báo cáo khảo sát nói trên của BCG thì 75% số quản lý được hỏi cho biết họ sẽ đầu tư vào các công nghệ tự động hóa và sản xuất hiện đại trong vòng 5 năm tới. Những công nghệ này có giá thành ngày càng rẻ hơn và giúp tái lập ưu thế của những nhà sản xuất Mỹ với những nước có chi phí nhân công thấp hơn.
Xu hướng mà các công ty lớn đang hướng đến hiện nay là công nghệ kỹ thuật số hóa sản xuất. Còn được biết đến với thuật ngữ Industry 4.0., những công nghệ đột phá này đã và đang tạo ra những bước nhảy vọt trong ngành sản xuất toàn cầu.
Tháng 12 vừa qua, Adidas đã cho ra mắt mẫu giày thể thao đầu tiên được chế tạo bằng công nghệ in 3D với mức giá khoảng 333 USD. Hiện hãng dụng cụ thể thao khổng lồ này đang dựa vào một mạng lưới hơn 1100 nhà máy của các nhà cung cấp, với hơn 1 triệu công nhân, để tạo ra 600 triệu sản phẩm hàng năm. Nhưng hãng đang muốn chuyển một phần sản xuất hoạt động về Đức để gần thị trường tiêu thụ chính hơn.
Foxconn cũng đang dự kiến sẽ thay thế phần lớn công nhân bằng robot thông qua một kế hoạch 3 giai đoạn. Nhà sản xuất khổng lồ Đài Loan này, nổi tiếng nhờ lắp ráp các sản phẩm của Apple, hiện đang sử dụng hơn 1 triệu lao động chỉ riêng tại Trung Hoa đại lục.
Điểm đáng chú ý là Foxconn sẽ tự thiết kế và sản xuất những robot này, và gọi chúng là foxbot. Công ty đặt mục tiêu tự động hóa 30% tại tất cả các nhà máy ở Trung Quốc của mình vào trước năm 2020.
Viễn cảnh thay thế công nhân bằng robot hay những máy in 3D rõ ràng sẽ tạo thêm nhiều động lực để các công ty đưa hoạt động sản xuất trở về chính quốc.
Tác động từ chính sách kinh tế của chính quyền Trump
Trong suốt thời gian tranh cử, ông Donald Trump xem việc thúc đẩy ngành năng lực nội địa là một trong những trọng tâm trong chính sách kinh tế của mình. Cụ thể, ông cam kết dỡ bỏ các rào cản hạn chế hoạt động khai thác dầu, khí và than đá, cũng như thúc đẩy các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng. Lập trường này hứa hẹn sẽ giúp các nhà sản xuất Mỹ tiếp tục hưởng lợi từ giá năng lượng thấp trong tương lai gần.
Một thành tố quan trọng khác trong chính sách kinh tế của ông Trump là cải cách thuế. Ông đề xuất đưa mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% về còn 15%, qua đó tạo lợi thế lớn cho các nhà sản xuất tại Mỹ so với tại các khu vực khác, và thúc đẩy xu hướng reshoring.
Kết luận
Những tuyên bố và chính sách của tân tổng thống Trump chắc chắn sẽ giúp đẩy nhanh quá trình reshoring. Song động lực chính của xu hướng này vẫn là những yếu tố kinh tế cơ bản như đối với mọi xu hướng khác trước đó. Các nhà sản xuất luôn tìm kiếm cơ hội cắt giảm chi phí và nâng cao lợi nhuận. Những tiến bộ công nghệ và sự thay đổi môi trường kinh doanh gần đây đã khiến lợi thế chi phí của những quốc gia đang phát triển như Trung Quốc hay các nước ASEAN ngày càng bị xói mòn.
Đối với những quốc gia này, chỉ dựa vào chi phí nhân công thấp không còn là một hướng đi bền vững nữa. Họ cần ứng dụng những công nghệ và phương thức quản lý hiện đại để tăng sức hút và khả năng cạnh tranh.
Thegioibantin.com | VinaAspire
Nguồn: TRGinternational