Có bao nhiêu tiền thì lọt top 10% và top 1% giàu nhất Việt Nam? – LuxLifestyle
Theo dữ liệu được thu thập từ Cơ sở dữ liệu về Bất bình đẳng Thế giới, năm 2021, top 1% người giàu nhất Việt Nam chiếm tới 26,5% tài sản của cả nước, trong khi top 10% những người giàu nhất chiếm tới 59%. Trái lại, 50% những người nghèo nhất chỉ chiếm 5,6% tài sản.
Con số này gần như tương tự ở mọi nơi trên khắp thế giới, 10% những người giàu nhất kiểm soát tới 60-80% của cải. Đặc biệt, bất bình đẳng đã tăng vọt ở các nước đang phát triển. Theo nghiên cứu, sự chênh lệch giàu nghèo ở các quốc gia này hiện chiếm hơn 2/3 tỷ lệ bất bình đẳng toàn cầu. Những năm 2000, con số này chỉ là 1/2.
Theo Cơ sở dữ liệu về Bất bình đẳng Thế giới
Tài sản trung bình của những người nằm trong top 1% dân số giàu nhất năm 2021 lên tới 814.776 USD (tương đương 18,5 tỷ VND), top 10% giàu nhất là 181.132 USD (tương đương 4,1 tỷ VND). Trong khi, tài sản trung bình của 50% người nghèo nhất chỉ là 3.429 USD (gần 78 triệu VND).
Theo Cơ sở dữ liệu về Bất bình đẳng Thế giới
Để lọt vào top 1% dân số có tài sản lớn nhất Việt Nam, bạn cần có tài sản tối thiểu là 259.149 USD (gần 6 tỷ VND), và để lọt vào top 10% thì bạn cần có tài sản tối thiểu 61.313 USD (gần 1,4 tỷ VND).
Tuy nhiên, những con số này có thể sẽ chưa hoàn toàn bao quát hết mọi khía cạnh, trong bối cảnh tài sản của rất nhiều người Việt Nam tồn tại chủ yếu dưới dạng bất động sản.
Tại các quốc gia phát triển, điển hình như Mỹ hay Úc, cơ sở dữ liệu về giá trị bất động sản theo giá trị trường sẽ được đưa vào thống kê vì họ đánh thuế trên giá trị bất động sản theo giá thị trường. Do đó khi đánh giá về tổng tài sản, các hãng thống kê sẽ dễ dàng tính toán những giá trị tài sản rất sát với giá thị trường. Ở các quốc gia khác, việc giá nhà tăng lên sẽ được quy vào thu nhập bất thường và người dân phải chịu thuế cho phần thu nhập bất thường đó. Trong khi tại Việt Nam, chưa bộ phận nào cập nhật thông tin nhanh chóng về mức tăng của giá nhà.
Theo Cơ sở dữ liệu về Bất bình đẳng Thế giới
Một số liệu đáng chú ý khác là sự tương quan giữa tài sản của các tỷ phú với GDP. Trong năm 2021, tài sản của 6 tỷ phú USD của Việt Nam theo Forbes có tài sản tương đương với hơn 5% GDP Việt Nam.
Theo dữ liệu tổng hợp từ Forbes và IMF
Trong năm 2021, người giàu vẫn tiếp tục giàu hơn, bất chấp đại dịch Covid-19, và điều đó xảy ra trên toàn thế giới chứ không phải chỉ riêng Việt Nam. So với các quốc gia Đông Nam Á khác, chênh lệch thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất, hay tương quan tài sản của các tỷ phú/GDP của Việt Nam vẫn là con số khiêm tốn hơn rất nhiều.
Đầu năm 2021, tổ chức từ thiện Oxfam đã gọi Covid-19 là “virus bất bình đẳng”, khi nó kéo giãn khoảng cách giàu nghèo, gia tăng bất bình đẳng kinh tế ở hầu hết các quốc gia, điều chưa từng xảy ra trong hơn một thế kỷ qua.
Số lượng tỷ phú trong danh sách của Forbes đã tăng vọt lên con số 2.755 người trong năm vừa qua. Cứ mỗi 17 giờ thì có một tỷ phú mới được tạo ra, và 86% các tỷ phú đã giàu hơn so với một năm trước. Tổng cộng những tỷ phú này đang sở hữu khối tài sản 13,1 nghìn tỷ USD, tăng từ 8 nghìn tỷ USD vào năm 2020.
Mỹ vẫn là quốc gia có nhiều tỷ phú nhất, với 724 tỷ phú, tiếp theo là Trung Quốc với 698 đại diện. Mỹ và Trung Quốc không chỉ có nhiều tỷ phú hơn bao giờ hết, mà khối tài sản của những người giàu nhất tại các nước này còn liên tục phình to.
Trong khi đó, tài sản của các tỷ phú châu Âu đã tăng lên mức 3 nghìn tỷ USD, vì những người giàu nhất thế giới, phần lớn vẫn được bảo vệ khỏi những tác hại tài chính do đại dịch Covid-19 gây ra.
Ông trùm hàng xa xỉ của Pháp Bernard Arnault chứng kiến khối tài sản tăng gần gấp đôi so với con số 76 tỷ USD của một năm trước (lên 150 tỷ USD), do giá trị cổ phiếu LVMH tăng. Ông lớn thời trang nhanh Tây Ban Nha Amancio Ortega là người giàu thứ hai châu Âu, có khối tài sản trị giá 77 tỷ USD, tăng hơn gấp 3, nhưng vẫn tụt hạng xuống vị trí thứ 11 trong danh sách giàu nhất thế giới trong năm nay, vì những người khác – chủ yếu là tỷ phú Mỹ – đã kiếm vượt xa số tiền mà ông thu được.
Cũng theo Oxfam, trong đại dịch, đối với 99% dân số toàn cầu, thu nhập đã giảm và hơn 160 triệu người phải rơi vào hoàn cảnh nghèo đói. Trong đó, phụ nữ, người dân tộc thiểu số ở các nước đang phát triển là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất do bất bình đẳng ngày càng gia tăng trong đại dịch. Phản ứng của thế giới đối với đại dịch lại càng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng. Báo cáo của Oxfam cho thấy phụ nữ mất 800 tỷ USD thu nhập vào năm 2020. Thu nhập của nam giới cũng giảm nhưng mức giảm không nghiêm trọng như phụ nữ.
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://luxlifestyle.vn/co-bao-nhieu-tien-thi-lot-top-10-va-top-1-giau-nhat-viet-nam-a23833.html