Muốn nhân viên trở thành nhà quản lý trong tương lai? Hãy chuẩn bị từ hôm nay!
Đào tạo nhân viên trở thành quản lý là một quá trình dài và không ít chông gai. Chuẩn bị chiến lược để phát triển các kỹ năng quản lý cho nhân viên của bạn đóng vai trò quan trọng và cần được thực hiện sớm.
Trở thành nhà quản lý không có nghĩa là bạn đã hoàn tất công việc của mình – điều quan trọng là tiếp tục phát triển tinh thần lãnh đạo cho nhân viên để họ cũng có bước tiến trong công việc. Nếu bạn được thăng chức hoặc bổ nhiệm vào vị trí mới, bạn cần có kế hoạch dự phòng để bổ nhiệm người mới vào vị trí hiện tại của mình. Khi đó, các quản lý tiềm năng của bạn đã được trang bị khả năng lãnh đạo và sẽ thực hiện tốt vai trò mới của mình.
Dưới đây là 5 chiến lược cần thiết để bắt đầu phát triển các kỹ năng quản lý cho nhân viên của bạn.
1. Hướng dẫn họ mở rộng mối quan hệ
Khi tôi bắt đầu vị trí quản lý, sếp thường đưa tôi đi cùng đến các sự kiện, mặc dù tôi khá lo sợ. Nhưng qua những sự kiện này, tôi đã học được cách kết nối với mọi người, tự tin trò chuyện, trao đổi những thông tin có lợi lẫn nhau với những mối quan hệ mới.
Đây là kỹ năng quan trọng cho các nhà lãnh đạo ở mọi cấp độ. Vì vậy, bạn hãy bắt đầu hướng dẫn nhân viên của mình từ việc xây dựng các mối quan hệ với đồng nghiệp trong công ty qua các bữa ăn, các hoạt động sau giờ làm việc. Khi họ cảm thấy thoải mái hơn, bạn có thể đưa họ đến các sự kiện lớn trong ngành, thậm chí để họ ở vai trò đại diện của công ty. Như vậy, đến khi trở thành quản lý, họ đã xây dựng được các mối quan hệ tốt cũng như đã trang bị được những kỹ năng để thành công
2. Cho họ những trải nghiệm quý báu
Khi bạn giao cho nhân viên một dự án, hãy để họ tự lên ý tưởng về những việc sẽ làm. Có thể đây là những việc không mấy quen thuộc, nhưng lại là việc họ cần làm nếu muốn được thăng tiến. Hãy cho họ cơ hội va chạm và học hỏi từ những việc đó.
Ví dụ, hàng tháng, tôi có buổi chia sẻ với các nhân viên mới về những trách nhiệm chính phòng ban của mình trong công ty. Đó là một công việc khá đơn giản, nhưng nhân viên của tôi thường không mấy hào hứng thực hiện. Để giúp họ có kinh nghiệm trình bày trước công chúng, tôi đã mời họ đến xem tôi thuyết trình, và đề nghị từng người một trình bày thay cho tôi.
Bạn cũng có thể áp dụng cách tương tự cho các nhiệm vụ khác mà nhóm của bạn không có nhiều kinh nghiệm như tổ chức cuộc họp hoặc giám sát dự án. Những việc này thường bao gồm trách nhiệm quản lý nhân viên, đảm bảo nhóm của mình đang đi đúng lộ trình, bám sát mục tiêu và phối hợp chặt chẽ với nhau. Đây là tất cả những kỹ năng cần thiết cho một nhà lãnh đạo.
3. Để họ tự hoàn thành công việc của mình
Khi gặp khó khăn trong công việc, nhân viên sẽ tìm đến bạn. Thường thì bạn sẽ xử lý giúp họ hoặc tìm thêm nhân sự giúp hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, nếu muốn huấn luyện nhân viên trở thành nhà lãnh đạo, tốt hơn là bạn hãy để họ giải quyết vấn đề theo cách riêng của mình. Ví dụ, nếu nhân viên cần bảng kê tài chính, thay vì giúp họ thực hiện việc đó, bạn hãy giới thiệu họ đến gặp trưởng bộ phận tài chính.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn hoàn toàn không hỗ trợ gì cho họ. Từng bước một, hãy để cho nhân viên của mình rèn luyện tính chủ động trong công việc. Cuối cùng, họ sẽ học được cách giải quyết vấn đề mà không còn trông chờ sự giúp đỡ từ bạn.
4. Hãy là một người cố vấn
Khi giúp nhân viên của mình rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, bạn đang đóng vai trò là một người cố vấn. Quá trình này là một công cụ rất hữu ích để mài giũa tố chất lãnh đạo của họ hoàn thiện hơn.
Tôi đã được học kỹ năng quản lý qua những buổi thảo luận với sếp mình. Mỗi tháng, chúng tôi đọc một cuốn sách về lãnh đạo hoặc quản lý và cùng nhau trao đổi trong những buổi ăn trưa. Từ đấy, tôi đã có những định hướng cho sự nghiệp: Trong số những câu chuyện đầy cảm hứng về các công ty và các doanh nhân mà tôi đọc, tôi đã tìm ra chân dung lãnh đạo của chính mình. Thậm chí, tôi đã thảo luận với sếp cách mà tôi sẽ áp dụng và hoàn thiện những kỹ năng lãnh đạo của mình dù khi đó tôi vẫn chưa là một nhà quản lý thực sự.
Nếu một “câu lạc bộ sách” không phải là điều bạn thường làm, hãy gặp gỡ trực tiếp nhân viên của mình để nói về mục tiêu, ý tưởng mà họ muốn thực hiện, hoặc bất kỳ khó khăn mà họ đang đối mặt nếu phải đảm nhận vai trò lãnh đạo. Lời khuyên của bạn sẽ rất có giá trị và khích lệ họ rất nhiều.
5. Trao quyền
Bạn có thể hướng dẫn nhân viên của mình kỹ năng lãnh đạo hàng ngày nhưng họ sẽ không thực sự áp dụng chúng nếu họ không cảm nhận được sự tin cậy, giá trị, và tầm ảnh hưởng của mình đối với công ty. Nếu bạn dạy cho nhân viên của mình hoàn thành công việc một cách thông minh, ra quyết định đúng đắn, nhưng vẫn yêu cầu họ trình bày chi tiết ý tưởng với bạn trước khi làm thì liệu họ có cảm thấy mình thực sự được trao quyền hay không?
Đào tạo nhân viên trở thành quản lý là một quá trình dài và không ít chông gai. Nó đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hướng dẫn đúng đắn từ bạn và sự nhiệt tâm, nỗ lực không ngừng từ nhân viên. Vì vậy, hãy bắt đầu chuẩn bị từ hôm nay cho những nhà lãnh đạo tài ba trong tương lai.
Thegioibantin.com
VungtauHR – HR Insider / VietnamWorks – Jack