Người Singapore giàu có nhờ tiết kiệm ?

0

Tuy người Mỹ có số dân và hộ gia đình với tài sản trên 1 triệu USD cao nhất trên thế giới, nhưng nói về quốc gia dẫn dầu về mật độ triệu phú trên thế giới thì đó là Singapore.

Theo kết quả thống kê, hiện nay trung bình cứ 100 hộ gia đình ở Singapore thì có tới 17 hộ là triệu phú. Và với tổng số dân khoảng 5 triệu dân tại quốc gia Đông Nam Á này, trong 100.000 người Singapore thì đã có tới 10 người sở hữu 100 triệu USD trở lên.

Singapore

Ngày 9 tháng 8 năm 1965, Singapore tuyên bố chính thức tách khỏi liên bang Malaysia và trở thành một quốc gia độc lập. Và Singapore đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn này, bao gồm nạn thất nghiệp, thiếu nhà ở, đất đai, không có tài nguyên thiên nhiên hay khoáng sản. Hầu hết nguyên liệu sản xuất phải nhập ngoại.

Không có nước ngọt và đất canh tác lại hẹp, người Singapore chủ yếu trồng rau và cây ăn quả, do vậy nông nghiệp không phát triển, hàng năm phải nhập lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu ở trong nước. Thu nhập GDP bình quân đầu người của Singapore lúc đó chỉ vào khoảng 400 USD và được xem là một đất nước không ổn định về chính trị xã hội và không phát triển về kinh tế.

Đến thời điểm cuối năm 2011, Singapore có cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu châu Á và thế giới như: công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, cảng container lớn thứ hai trên thế giới, trung tâm lọc dầu và vận chuyển quá cảnh hàng đầu châu Á. Singapore còn là nước hàng đầu về sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và các mặt hàng bán dẫn, chế biến và lắp ráp máy móc tinh vi.

Hiện nay, Singapore cũng được xem là quốc gia có môi trường xanh và điều kiện sống tốt nhất trên thế giới. Theo thống kê của các tổ chức tài chính chuyên nghiệp, GDP bình quân đầu người của Singapore đạt 56.797 USD vào năm 2011. Là một trong năm nước có GDP bình quân đầu người cao nhất trên thế giới (theo Tạp chí Forbes).

Nguyên nhân nào đã làm cho một quốc gia từng bị coi là một thị trường nhỏ bé, nghèo nàn nằm trong góc tối của châu Á, tổng diện tích quốc gia chỉ tương đương bằng diện tích đảo Phú Quốc của Việt Nam, gần như không có tài nguyên, nước ngọt sinh hoạt hàng ngày cũng phải mua… trở thành quốc gia có thu nhập đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới và có tỷ lệ các triệu phú đô-la cao nhất thế giới?

1299742084-Singapore-Hotels-Marina-Bay

Đi tìm bí quyết thành công của Singapore

Yếu tố con người đóng vai trò chủ đạo trong thành công của Singapore. Trong đó có nền tảng ý thức và hành động thực hành tiết kiệm một cách khôn ngoan của người Singapore về không gian, nguồn nước và chất xám… để góp phần phát triển và làm giàu đất nước.

1. Tiết kiệm không gian 

Diện tích địa lý tự nhiên của Singapore chỉ vào khoảng 660 km2, là một trong những quốc gia có diện tích đất và không gian nhỏ nhất trên thế giới.

Khi tách ra khỏi Liên bang Malaysia vào năm 1965, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã kêu gọi toàn dân Singapore tham gia trồng cây. Ngay từ lúc đó, ông đã chủ trương biến Singapore thành một điểm đến của thế giới. Mà muốn làm được điều đó thì việc cần làm trước tiên là phải có môi trường “xanh – sạch”. Có thế thấy rõ hai bên đường phố từ sân bay Changi chạy vào trung tâm thành phố, hoa giấy đủ sắc màu chào đón mọi người.

Thủ đô Singapore khá “chật”, phần lớn là nhà cao tầng, nhưng hễ có chỗ đất trống nào thì đều được lấp bằng cây xanh. Cũng bởi thế mà Sing được đánh giá là thành phố có không gian xanh và sạch vào loại tốt nhất thế giới. Hầu như không bao giờ có người vứt rác thải, tàn thuốc hoặc kẹo cao su ra đường. Điều này không chỉ do luật pháp Singapore rất nghiêm khắc, người vi phạm có thể bị phạt rất nặng mà còn do tinh thần tự giác và ý thức cá nhân của mỗi người dân ở đây. Sự chủ động của chính phủ và ý thức của người dân trong các vấn đề vệ sinh môi trường đã làm cho đất nước này tiết kiệm được một khoản chi phí khổng lồ hàng năm trong việc bảo vệ và phòng chống ô nhiễm so với nhiều thành phố và quốc gia đang phát triển khác ở châu Á.

Do diện tích mặt bằng hẹp nên chính quyền Singapore đã qui hoạch và vận hành hệ thống giao thông rất khoa học và chi li nhằm tiết kiệm không gian một cách hợp lý nhất, nhưng vẫn bảo đảm lưu thông mạch lạc, và gần như không có tình trạng bị nghẽn xe lâu.

Người dân Singapore có tinh thần tự giác và tuân thủ luật lệ giao thông rất cao. Hơn 50% dân số sử dụng phương tiện giao thông công cộng như xe điện ngầm, xe buýt hay xe taxi. Theo thống kê vào năm 2010, mỗi ngày có hơn 3 triệu lượt người đi xe buýt và hơn 2 triệu lượt sử dụng tàu điện ngầm mà người Singapore thường gọi là MRT (Mass Rapid Transit). Các xe cộ cá nhân lưu hành trên đường rất trật tự và nghiêm chỉnh nên ít khi xảy ra tai nạn và tắc đường.

Hệ thống giao thông công cộng chất lượng, tiện lợi và an toàn ở Singapore đã giúp quốc gia này tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí cho người dân trong việc đi lại hàng ngày, và tiết kiệm được chi phí phải đầu tư sửa chữa mới hàng năm của chính phủ.

Mọi người dân và khách du lịch đến Singapore có thể tìm thấy các quán ăn và nhà hàng nằm cạnh nhau ngay dưới tầng hầm của các khu vực văn phòng, khu cao ốc và nhà ở bất cứ nơi nào trên đất nước Singapore. Việc sắp xếp quy hoạch này đã giúp tiết kiệm rất nhiều không gian, cũng như thời gian và chi phí đi lại cho nhân viên công sở, nhân viên văn phòng và lao động ở đây.

Việc ra đời các hãng hàng không giá rẻ của Singapore cũng giúp cho khách du lịch cảm thấy không gian đến Sinapore hình như được “ngắn” lại. Đó cũng là lý do tại sao một đất nước không có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên như Singapore nhưng mỗi năm lượng khách du lịch đến đây vẫn nhiều gấp hơn 2 lần lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Sing

2. Tiết kiệm nước

Nước là một trong những nguồn sống trọng yếu của con người. Nếu không có nước, con người không thể tồn tại được. Vậy mà quốc gia Singapore vẫn có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn 40 năm qua trong hoàn cảnh nguồn nước ngọt tự nhiên của họ được cho là ít nhất trên thế thế giới và không đủ cho người dân sử dụng.

Thực tế họ đã phải ký hiệp ước nhập khẩu nước của Malaysia từ năm 1961 với khối lượng khoảng 155 triệu lít một ngày. Và trong một thời gian dài nhiều chục năm, đất nước và người dân Singapore hoàn toàn bị lệ thuộc về nguồn nước ngọt từ bên ngoài.

Nhà nước Singapore xem chính sách tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước ngọt là quốc sách hàng đầu. Các cuộc vận động tiết kiệm nước luôn được tiến hành sâu rộng trong toàn quốc và luôn được dân chúng ủng hộ làm theo. Bằng chứng là hơn 250.000 hộ dân ở 70 khu vực dân cư toàn Singapore tham gia thực hành tiết kiệm nước.

Một trong những giải pháp được hướng dẫn là “7 biện pháp tiết kiệm nước” như sau:

1. Kiểm tra hóa đơn tiền nước hàng tháng để có biện pháp tiết giảm;

2. Khi tắm, rút ngắn khoảng cách vòi nước lúc xối nước, mở nước trong thời gian 5 phút và tắt nước trong thời gian chà xà bông;

3. Khi rửa rau, mở nước với lượng vừa đủ;

4. Chỉ chạy máy giặt khi những đồ cần giặt đã vừa đủ công suất máy;

5. Dùng nước xả của máy giặt để rửa bồn cầu, sàn nhà cầu;

6. Không để cho nước rò rỉ ở các van, mối nối dù chỉ một giọt;

7. Dùng 1/2 lượng nước trong bồn toa-lét là có thể làm sạch cầu sau khi đi vệ sinh.

Ông Yaacob Ibrahim, bộ trưởng Bộ Môi trường và nguồn nước của Singapore, từng đề nghị mỗi người tiết kiệm 10 lít nước mỗi ngày bằng cách tắm bớt đi một phút thời gian. Theo ông, nếu 5 triệu người dân làm theo lời ông, lượng nước tiết kiệm mỗi ngày có thể đổ đầy 16 hồ bơi theo tiêu chuẩn Olympic. Hoặc chỉ cần một người tránh lãng phí được 2 lít nước mỗi ngày, nhân với 5 triệu người, tổng cộng một ngày Singapore sẽ tiết kiệm được 10 triệu lít nước. Đó là một con số không hề nhỏ.

Các số liệu thống kê cho thấy, vào năm 1994, nếu chia theo đầu người, mỗi người dân Singapore đã dùng trung bình 176 lít nước/ngày. Đến năm 2003 (tức 9 năm sau) chỉ còn 165 lít/người/ngày. Hiện trung bình mỗi người dân Singapore sử dụng 162 lít nước mỗi ngày và mục tiêu đến hết năm 2012 của họ là giảm xuống chỉ còn 155 lít/người/ngày.

Thành công của các chương trình tiết kiệm nước ở Singapore đã làm cho các chuyên gia về quản lý nước ngọt trên thế giới không khỏi thán phục. Nguyên nhân thành công, có lẽ một phần do các cuộc vận động toàn dân tiết kiệm nước trong sinh hoạt của Singapore rất thực tiễn và cụ thể, không phải là hình thức chung chung.

Thường các khẩu hiệu cổ súy tiết kiệm nước trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại Singapore luôn gắn liền với các mục tiêu cụ thể như: “Tiết kiệm nước rất dễ. Khi tắm, nếu bạn tắt vòi nước sớm 1 phút, sẽ dư ra 9 lít. Khi rửa rau với lượng nước trong thau vừa đủ và chỉ chạy máy giặt khi đã đầy cối, sẽ tiết kiệm được 14 lít nước!”. Và khi mỗi người dân giảm lãng phí 10% lượng nước sinh hoạt hàng tháng, điều đó không chỉ đồng nghĩa với việc tiết kiệm được tương đương 10% chi phí tiền nước trong hộ gia đình đó, mà còn  góp phần đáng kể cho việc nâng cao chất lượng đời sống cho cộng đồng.

Ngoài các chương trình thực hành hiệu quả về giảm thiểu lãng phí nước trong phạm vi gia đình và cá nhân ở Singapore, chính phủ nước này trong nhiều chục năm qua còn thực hiện các dự án phát triển nguồn nước ngọt qui mô lớn một cách rất quyết tâm và sáng tạo.

Chương trình trọng điểm quốc gia về nước của Singapore có thương hiệu riêng là “Nước mới” (Newater), hiện nay có công suất lớn nhất trong tất cá các nguồn nước đang được khai thác ở Singapore với khoảng 200 triệu lít mỗi ngày. Nguồn nước mới này được tận dụng từ nước mưa và nước thải, để tái sinh thành nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất công nghiệp.

Singapore tận thu nguồn nước mưa theo quy trình công nghiệp rất hiện đại: mưa xuống, quản lý nguồn nước thu được, cho chảy vào những kênh thoát và hồ tự nhiên, xử lý thành nước uống và cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp. Đặc biệt 80% lượng nước sinh hoạt của sân bay quốc tế Changi, Singapore có nguồn gốc từ nước mưa.

Đối với các nguồn nước đã qua sử dụng, người ta lại tiếp tục thu gom vào các kênh chứa nước thãi riêng biệt, tiến hành xử lý, cho thoát ra biển, bốc hơi tạo nên những trận mưa. Nước từ công đoạn xử lý nước thải, cũng có thể chuyển đến trạm phân loại nước đã qua sử dụng, tinh lọc và bổ sung cho nguồn nước sinh hoạt nếu xét đạt tiêu chuẩn.

Phát kiến “nhất cử lưỡng tiện này” đã giúp Singapore có thêm một nguồn nước mới dồi giàu, rẻ hơn rất nhiều so với các nguồn truyền thống. Đồng thời giải quyết triệt để nạn ngập nước vào mùa mưa, thường xuyên xảy ra hàng năm ở đảo quốc này 20 năm trước. Vì Singapore đã  xây dựng được hệ thống các kênh chứa và dẫn nước mưa cũng như nước thãi với tổng chiều dài lên đến hơn 7.000 km (trong khi tổng diện tích quốc gia của đảo quốc này chỉ nhỉnh hơn 660 km2).

Ngoài hai nguồn lợi chính trên, để tránh lãng phí công nghệ làm nước sạch và tạo thêm nguồn thu cho đất nước, Singapore đã chính thức “biến” hệ thống dây chuyền sản xuất “nước mới” thành một sản phẩm du lịch, mở ra các tour du lịch “Khám phá vòng luân hồi của nước mới” cho các du khách tham quan và tìm hiểu.

Singapore cũng đã xây dựng thành công nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt với công suất khoảng 140 triệu lít một ngày, nâng tổng công suất của tất cả các ngưồn nước ở Singapore lên đạt xấp xỉ 1.500 triệu lít một ngày. Như vậy, với khoảng 5 triệu dân trong nước và hàng năm đón từ 5 đến 6 triệu lượt du khách quốc tế, Singapore vẫn đảm bảo lượng nước cho sinh hoạt và sản xuất ở mức cung luôn vượt xa cầu.

Sự phồn vinh của Singapore có nhiều nguyên nhân hợp thành, nhưng chủ yếu vẫn là cách họ đi lên bằng ý chí và nghị lực phi thường. Trong đó có  tinh thần và ý thức tiết kiệm của chính phủ và người dân nước này rất đáng được học tập, điển hình nhất là cách thức họ quản lý, khai thác, sử dụng và bảo tồn nguồn nước.

Khi điều kiện sống đã ở mức “hơn người” trên thế giới, hầu hết người dân Singapore vẫn cần kiệm từng giọt nước. Chính phủ Singapore thường xuyên tổ chức các cuộc thi giải pháp sáng tạo về tiết kiệm nước với các giải thưởng lên đến hàng trăm ngàn đô-la Singapore, trong đó có giải thưởng mang tên “Giải thưởng Lý Quang Diệu về nước”.

Du khách khắp nơi trên thế giới đến Singapore còn được thưởng thức các công trình nghệ thuật mang đậm dấu ấn sáng tạo và nét đặc trưng riêng của người dân nơi đây về chủ đề nước. Chẳng hạn như tượng đài chú sư tử biển đang phun nước hay các chương trình biễu diễn nhạc nước hoành tráng và miễn phí hàng đêm ở Sentosa

3. Tiết kiệm chất xám và trí tuệ con người

Các nhà nghiên cứu hàng đầu về Singapore nhận xét rằng, mặc dù vị trí địa lý nước này đóng góp một phần không nhỏ trong sự thành công của Singapore, nhưng nhân tố chủ yếu của sự thành công ở đây chính là con người. Các chính sách về khai thác chất xám con người một cách hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực con người… từ những nhà lãnh đạo có tầm nhìn của Singapore đã làm cho quốc gia này trở nên giàu có và phồn thịnh.

Một trong những chính sách về nhân sự làm chìa khóa cho thành công của đảo quốc Sư tử Singapore là chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tế cho thấy chính sách này đã làm nền tảng cho mục tiêu đi đầu trong việc phát triền nền kinh tế tri thức hiện đại của Singapore. Giúp quốc gia này trở thành một trong những con rồng kinh tế năng động nhất châu Á.

Với dân số rất thấp, chỉ vào khoảng 5 triệu người, nên Singapore xây dựng chính sách tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm nguồn nhân lực, bằng cách khai thác chất xám, khai thác trí tuệ con người một cách hiệu quả. Để từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh về dịch vụ và con người của Singapore, thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nước đổ vào đây. Từ một địa phương sản xuất hàng giá rẻ trong những năm 60 của thế kỷ trước, Singapore hiện là trung tâm ngoại hối lớn thứ tư trên thế giới với ngành kinh doanh tài chính và quản lý tài sản trị giá vượt hơn 1.000 tỷ USD.

Một trong những chính sách tránh lãng phí và phát triển nhân tài cho đất nước rất khôn ngoan và hiện đại của Singapore là cho phép nhập tịch những công dân có trình độ chuyên môn và năng lực cao từ khắp nơi trên thế giới.

Mỗi năm Singapore thu hút khỏang 5 đến 6 triệu lượt du khách. Trong số đó có không ít người tài năng và nổi tiếng trong các lĩnh vực thể thao, tài chính, nghệ thuật, học thuật… đã đăng ký xin nhập tịch và trở thành công dân mới của Singapore. Có thể kể đến các tên tuổi nổi tiếng châu Á như các ngôi sao Cũng Lợi hay Lý Liên Kiệt. Và mới đây, một trong những tỷ phú trẻ người Mỹ, đồng sáng lập của Facebook là Eduardo Saverin cũng đã chính thức gia nhập quốc tịch Singapore trong năm 2012 vì bị thuyết phục bởi chính sách “thu hút nhân tài” hấp dẫn của Singapore.

Hiện Singapore có khoảng 100.000 du học sinh các nước trên thế giới đang theo học, và không ít những học sinh giỏi được mời ở lại làm việc với mức thu nhập cao và điều kiện làm việc tốt sau khi ra trường. Lao động nước ngoài chiếm đến 80% trong ngành công nghiệp xây dựng và 50% trong công nghiệp dịch vụ của Singapore hiện nay. Chính sách “tiết kiệm sức lao động” trong nước do dân số ít; và thu hút trí tuệ từ bên ngoài này đã góp phần không nhỏ vào sự thành công về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội cho đất nước Singapore trong những năm gần đây. Và có lẽ chính sách này sẽ còn tiếp tục phát huy hiệu quả trong nhiều năm sắp tới nữa.

Thegioibantin.com

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ