CEO Navigos Search Nguyễn Phương Mai: Lương không phải là vấn đề duy nhất ảnh hưởng tới quyết định nghỉ việc của nhân viên
Nhiều người “nhảy việc” vì muốn tìm công việc có mức đãi ngộ cao hơn. Nhưng nhà quản lý cấp cao của 1 công ty tuyển dụng trực tuyến khẳng định: Dù công ty trả mức lương cao nhưng nhiều người nhảy việc.
Đối với nhiều người, tiền lương đóng vai trò rất quan trọng và ảnh hưởng nhiều đến quyết định nhảy việc của người lao động. Chia sẻ về vấn đề này trong talkshow: Làm sao giữ chân người tài trước làn sóng “nhảy việc?, bà Nguyễn Phương Mai, CEO của Navigos Search nhận định: “Chúng ta phải thực tế. Ai cũng nói lương không quan trọng nhưng thực ra nó rất quan trọng. Vì nó cũng cho thấy công ty có ghi nhận trân trọng sự đóng góp của người lao động hay không”.
Chị Mai cho rằng, dĩ nhiên lương không phải là nguyên nhân chủ yếu của phần đông các trường hợp nghỉ việc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong một thị trường việc làm nhiều cạnh tranh và nhiều cơ hôi, đa số những người lao động trẻ có thể có nhiều sự lựa chọn. Vì thế, có những bạn sẵn sàng nhảy việc vì mức lương chênh lệch vài triệu đồng. Điều đó đặt ra câu hỏi cho các nhà quản lý: Lương như thế nào là đủ, là xứng đáng cho sự đóng góp của người lao động. Đồng thời, để các nhân sự cảm thấy hài lòng mà không chạy theo cuộc đua về lương.
Bên cạnh đó, một người làm lãnh đạo phải chú ý làm thế nào để nhân viên nhìn nhận giá trị cốt lõi của công ty hoà với giá trị cốt lõi của cá nhân họ. Và điều quan trọng nhất là, người lãnh đạo doanh nghiệp có sống đúng với các giá trị cốt lõi mà họ đưa ra hay không.
“Câu chuyện về PR, quảng cáo về hình ảnh công ty quá tốt đẹp, để rồi nhân viên vỡ mộng khi vào làm việc thực tế không phải một câu chuyện đơn lẻ. Nhưng những thủ thuật không giúp mình giữ được nhân viên một cách lâu dài. Cái quan trọng là doanh nghiệp đưa ra được giá trị cốt lõi phù hợp với định hướng của xã hội và đồng thời đóng góp cho xã hội giúp các bạn trẻ có đam mê và hứng khởi mạnh mẽ hơn trong công việc”, nữ CEO chia sẻ.
Theo chị, sự phát triển cá nhân, phát triển nghề nghiệp là vấn đề mà bất kỳ người đi làm nào cũng quan tâm. Cảm giác tiến triển trong công việc đóng vai trò vô cùng quan trọng để giữ động lực của nhân viên. Cảm giác tiến triển trong công việc thường gắn liền với những cảm xúc tích cực và động lực cao hơn bất kỳ sự kiện nào khác trong ngày làm việc. Những bước tiến đó dù nhỏ hay lớn cũng đều đem lại một động lực rất lớn cho nhân viên.
Vì thế, muốn giữ chân nhân tài, các doanh nghiệp cần đưa ra chiến lược phát triển con người, sự hỗ trợ về đào tạo, cơ hội phát triển nghề nghiệp ở các vị trí khác nhau giúp cho người lao động nhìn thấy nhiều cơ hội trong chính công ty mà không cần đi tìm ở đâu khác. Điều đó dẫn đến động lực, cảm giác công việc có ý nghĩa cho các cá nhân – làm cho nhân viên hạnh phúc và giúp các công ty tăng hiệu quả, đạt được mục tiêu của mình. Khi mà người lao động nhìn thấy sự công bằng, cơ hội phát triển cá nhân thì họ tất nhiên sẽ gắn bó hơn với công ty.
Bên cạnh đó, CEO của Navigos Search cũng khẳng định, người lãnh đạo có vai trò rất lớn trong việc giữ chân nhân tài: “Tôi nhận thấy, những công ty có thể giữ chân được nhiều nhân tài đều đầu tư rất lớn cho người lãnh đạo. Đội ngũ lãnh đạo phải giỏi, có tâm, biết cách quản lý và phát triển đội ngũ dưới mình”.
Bất cứ doanh nghiệp nào muốn phát triển đều phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Và người lãnh đạo là người định hướng và làm lan tỏa văn hóa của công ty. Chính họ phải là người tiên phong và nghiêm túc thực hiện những định hướng chung. Đối với họ, nhân viên không phải cấp dưới; mà chính là đồng nghiệp, là anh em, là một gia đình thứ hai đúng nghĩa.
Đôi khi nhân tài không rời bỏ công việc mà chính là rời bỏ người lãnh đạo. Những người lãnh đạo sẵn lòng tạo điều kiện làm việc thuận lợi cũng như cơ hội phát triển cho nhân viên thì chắc chắn cũng sẽ thu hút được những nhân viên có tâm.
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: cafef.vn