Vietnam CEO Forum 2014: Bước đi nào cho cuộc chơi mới
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ thành lập vào cuối năm 2015, được kỳ vọng đánh dấu sự hòa nhập toàn diện các nền kinh tế Đông Nam Á từ thương mại, đầu tư, không gian thị trường mở với 10 quốc gia thành viên, có thị trường chung trên 700 triệu dân và GDP hàng năm khoảng 2.000 tỉ USD.
Chiều ngày 24/9, Vietnam Ceo Forum 2014 với chủ đề “Bước đi nào cho cuộc chơi mới” đã thu hút hàng ngàn doanh nghiệp (DN), các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước tham dự.
Bước vào “cuộc chơi” mới
Theo TS Võ Trí Thành- Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, điều tra mới nhất cho thấy hiện mới chỉ có khoảng 30% số DN Việt Nam có tìm hiểu về hội nhập và sẵn sàng đối mặt với “các cuộc chơi” chuẩn bị mở ra. Trong khi đó, tại một số nước trong khu vực như Malaysia có tới 90% số DN cho rằng họ sẽ thành công trong hội nhập, Singapore có đến 81%. Nếu TPP được ký kết, Việt Nam sẽ là một trong số ít quốc gia nhỏ có cơ hội gia nhập với các quốc gia hàng đầu thế giới. Nói như vậy để thấy rằng, DN Việt Nam đang đứng trước rất nhiều tiềm năng và cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Bởi vậy Chính phủ, DN cần có nhìn nhận thẳng thắn hơn về các vấn đề thách thức để tháo gỡ.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, thành viên Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho biết: Hiện nay DN vừa và nhỏ tại Việt Nam chiếm 80%, trong khi đó DN thực sự lớn chỉ chiếm trên đầu ngón tay. Điều này cho thấy, DN Việt Nam vẫn còn rất yếu và thiếu sự liên kết.
Để bắt đầu “cuộc chơi” mới với nhiều thách thức và cạnh tranh, DN cần có sự thay đổi về nhận thức và tư duy. Đặc biệt, cần có sự liên kết giữa các DN để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bước đường hội nhập.
Cần sự quyết tâm đến cùng của DN
TS Võ Trí Thành cho rằng không nên dùng khái niệm thắng hay thua trong cuộc cạnh tranh hội nhập mà cái chính là chúng ta sẽ đóng góp một phần vào cho sự phát triển trong khu vực và thế giới. Bởi “cuộc chơi” này dựa vào “chiếc bánh” của nền kinh tế của một đất nước. “Chiếc bánh” ngày càng to và to rất nhanh nên có thể ai cũng thắng. Ông Thành ví dụ, cách đây 20 năm (1995) giá trị gia tăng do DN Trung Quốc tạo ra là 90% và chỉ có 10% là do DN nước ngoài tạo ra. Tuy nhiên, đến năm 2010 “chiếc bánh” đó to ra, giá trị gia tăng do DN Trung Quốc tạo ra chỉ còn một nửa và DN nước ngoài là 50% còn lại. Như vậy Trung Quốc không thể nói là không được lợi gì. Đó chính là sự kết nối chuỗi giá trị giữa DN trong nước và DN nước ngoài.
Dưới góc độ là một doanh nhân, ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP)- cho rằng, Thủ tướng Thái Lan có một câu rất hay: “DN chỉ có thể biến chiến trường thành thị trường”, và đã là chiến trường thì phải hy sinh. Vấn đề ở đây là sự quyết tâm đến cùng của DN.
Ông Trương Gia Bình- Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FPT- chia sẻ: Để tồn tại và phát triển, DN phải dựa trên nền tảng chính đó là không ngừng học hỏi, phải quan sát xem thế mạnh của DN đối thủ là gì, từ đó hoạch định chiến lược cho riêng mình. Nếu mỗi DN đều trở thành một tổ chức học hỏi, chắc chắn DN Việt Nam sẽ lớn mạnh.
“Suy cho cùng để chuẩn bị cho chiến lược hội nhập và toàn cầu hóa, không còn con đường nào khác, đối với DN là phải cạnh tranh và cạnh tranh, còn Chính phủ phải cải cách và cải cách. Ở góc độ DN, để cạnh tranh toàn cầu phải gắn liền với quá trình không ngừng đổi mới và sáng tạo. Còn với Chính phủ, cần có một tầm nhìn thời đại gắn với “cuộc chơi” mới nhằm tiến hành cải cách thể chế, giúp tiết giảm chi phí tối thiểu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho DN. Cải cách cũng gắn với tiến trình làm cho các luật lệ Việt Nam tương thích với thế giới và phải thực thi một cách nghiêm túc” – TS Thành nhấn mạnh.
Nguồn: Báo công thương điện tử, Ngọc Thảo
Một số hình ảnh: