5 bí mật từ nghiên cứu
Có một nghiên cứu mà bạn có thể đã nghe rồi. Các nhà nghiên cứu cho các đối tượng tham gia xem video về nhưng vận động viên Olympic đứng trên bục nhận huy chương của họ. Các đối tượng không được xem cuộc thi đấu nên họ cũng không biết ai giành được huy chương vàng, bạc hay đồng. Họ chỉ được nhìn khuôn mặt của các vận động viên—và phải đánh giá xem ai trông hạnh phúc nhất.
Không bất ngờ khi hóa ra những ai cười tươi nhất là người giành được huy chương vàng. Nhưng điều kỳ lạ là, những người đoạt huy chương đồng liên tục được bình chọn là trông hạnh phúc hơn những người đoạt huy chương bạc. Tại sao?
Bởi vì những người đoạt giải đồng đã nghĩ “Ít ra thì mình cũng giành được một huy chương.” Còn những người đoạt huy chương bạc thì lại nghĩ “GAHHHHHH! Tại sao mình lại không giành được huy chương vàng? Giá mà mình tập luyện chăm chỉ hơn.”
Oh, chính là cảm giác tiếc nuối …
Nói rằng tiếc nuối là thứ cảm giác “gây đau đớn” cũng giống như nói rằng Grand Canyon (Hẻm núi lớn) “lớn quá.” Đúng, nhưng chưa đủ. Chúng là những ký ức toàn thân. Và bạn càng nghĩ về sự tiếc nuối, bạn càng cảm thấy tiếc nuối hơn. Nó là một nhà tù của con nợ tình cảm mà dường như không có lối thoát. (Có nguyên do để việc tẩy hình xăm trở thành một ngành kinh doanh trị giá $100 triệu dollar chỉ tính riêng tại Mỹ.)
Khi được hỏi, “Bạn có thường nhìn lại cuộc đời mình và ước rằng phải chi mình đừng làm thế hay chưa?”—bạn có biết người ta trả lời thế nào không?
Trích từ cuốn sách The Power of Regret:
Chỉ 1 phần trăm số người được hỏi nói rằng họ chưa từng có hành vi đó—và ít hơn 17 phần trăm hiếm khi làm điều đó. Trong khi đó, khoảng 43 phần trăm báo cáo rằng đã làm điều đó thường xuyên hoặc lúc nào cũng làm. Nhìn chung, có tới 82 phần trăm nói rằng ít ra thì hoạt động này thi thoảng cũng là một phần trong cuộc sống của họ, khiến người Mỹ nhiều khả năng sẽ trải nghiệm cảm giác nuối tiếc nhiều hơn là dùng chỉ nha khoa để xỉa răng.
Mọi dữ liệu đều chỉ về sự phổ quát có mặt khắp nơi của cảm giác tiếc nuối. Trẻ em hiểu được cảm giác nuối tiếc ở độ tuổi lên 6 và lường trước được nó ở độ tuổi lên 8. Nhà nghiên cứu Marcel Zeelenberg và Rik Pieters viết rằng: “Cỗ máy nhận thức của con người được lập trình cho cảm giác nuối tiếc.”
Vậy tất cả chúng ta đều phải chịu số phận bi đát đó à? Dĩ nhiên là không. Đây là bước ngoặt mà bạn đang chờ đợi …
Trong một nghiên cứu năm 2008, các nhà tâm lý học đã hỏi mọi người về những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, lo âu, buồn chán, thất vọng, sợ hãi, tội lỗi, ghen tuông, tiếc nuối và buồn bã. Mọi người thường trải nghiệm cảm xúc nào nhiều nhất? Phải, chính là nuối tiếc. Và cảm xúc nào họ coi trọng nhất?
Một lần nữa, lại là nuối tiếc. Nghe có vẻ điên rồ đối với bạn không? Hoặc … có thể nó có liên quan? Dù sao đi nữa, hãy để tôi chia sẻ với bạn tin vui này: thứ cảm xúc từng tàn phá tinh thần bạn trên thực tế có thể là một điều rất tốt đẹp.
Hãy quay lại với các vận động viên giành huy chương Olympic một lúc. Những người đoạt huy chương đồng cảm thấy vui vì họ nghĩ rằng “Ít ra thì…” còn những người đoạt huy chương bạc cảm thấy buồn vì họ nghĩ rằng “Giá mà …” Nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng trong khi “Ít ra thì …” làm bạn cảm thấy vui hơn trong hiện tại, nhưng chính “Giá mà …” mới thúc đẩy bạn cải thiện bản thân tốt hơn trong tương lai. Sự nuối tiếc có thể là một trợ thủ đắc lực nếu chúng ta biết cách ứng phó với nó.
Vậy chúng ta học cách đối phó với nó như thế nào? Vì Chúa, xin đừng hỏi tôi. Tôi vẫn còn đang dằn vặt bản thân vì cách tôi xử lý một buổi hẹn hò tồi tệ cách đây 3 năm. Tuy vậy, bạn tôi, Dan có vài hiểu biết sâu sắc về chủ đề này.
Dan Pink là tác giả của cuốn sách Drive (Động lực chèo lái hành vi) bán chạy #1 New York Times. Tôi đã viết về các nghiên cứu ở blog này, nhưng đối với chủ đề tiếc nuối thì Dan quả thực đã làm nghiên cứu của riêng mình. Anh ấy cùng một nhóm chuyên gia đã khảo sát 4,489 người Mỹ. Và như thể chừng đó vẫn chưa đủ, họ lập ra một trang web thu thập ý kiến, suy nghĩ của hơn 16,000 người trên toàn cầu. Đó là phân tích định lượng lớn nhất về cảm giác nuối tiếc từ trước đến nay.
Đào sâu vào dữ liệu, Dan đã tìm ra câu trả lời mà chúng ta cần. Tất cả đều được tiết lộ trong cuốn sách mới của anh ấy, The Power of Regret (Quyền năng của Tiếc nuối).
Do đại dịch, tôi đồ rằng chúng ta sẽ có nhiều hoài niệm đối với năm 2020 và 2021—nhưng chúng ta có thể mang theo nhiều nuối tiếc. Đã đến lúc khắc phục điều này.
Bào chữa cho cảm giác tiếc nuối
Rõ ràng thì tiếc nuối quá mức là điều không hay. Nghiền ngẫm về lỗi lầm sẽ dẫn tới trầm cảm và lo âu. Nó cũng giống như bạn đập đầu vào tường nhưng hoàn toàn không mang lại lợi ích nào.
Nói vậy có nghĩa là, thái độ “không chút hối tiếc” là ngu xuẩn và sai lầm. Cảm xúc này rất hữu ích và cần thiết cho ta. Tiếc nuối có thể là một quyết định táo bạo xuất sắc. (Mặc dù phải thừa nhận rằng, ban đầu nó có cảm giác như một cú đánh.) Nó có ba điểm tích cực lớn:
1) Cảm giác tiếc nuối cải thiện khả năng ra quyết định của bạn.
Nghiên cứu cho thấy chúng ta càng nghĩ đến việc mình từng làm hỏng việc ra sao trong quá khứ, chúng ta càng cố gắng để cải thiện trong tương lai.
Trích từ cuốn sách The Power of Regret:
…năm 2002, Adam Galinsky, hiện đang công tác tại Đại học Columbia, và ba nhà tâm lý học xã hội khác đã nghiên cứu về những nhà đàm phán có đề nghị đầu tiên được chấp nhận. Họ yêu cầu các nhà đàm phán đó đánh giá xem họ có thể làm tốt hơn bao nhiêu nếu như họ đưa ra một đề nghị cao hơn. Họ càng hối tiếc về quyết định của mình thì họ càng dành nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho cuộc đàm phán tiếp theo.
2) Tiếc nuối tăng hiệu suất làm việc của bạn.
Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu người tham gia cố gắng giải nhiều phép đảo chữ. Sau đó, họ bảo với người tham gia rằng bọn họ chưa làm tốt bài kiểm tra và cố tình gây ra cảm giác hối tiếc. Một số người được yêu cầu nghĩ về “Ít ra thì …” còn những người khác được yêu cầu nghĩ về “Giá mà…” Đoán xem nhóm “Giá mà …” phản ứng ra sao.
Trích từ cuốn sách The Power of Regret:
…ở vòng tiếp theo, nhóm tiếc nuối giải được nhiều câu đố hơn và nán lại với nhiệm vụ lâu hơn bất kì ai khác trong cuộc thử nghiệm.
3) Tiếc nuối có thể làm cho ý nghĩa cuộc đời thêm sâu sắc.
Khi chúng ta suy ngẫm về quá khứ và xem xét những khả năng khác, nó làm kinh nghiệm và ký ức của chúng ta thêm phong phú. Đây là cách chúng ta trưởng thành và phát triển.
Trích từ cuốn sách The Power of Regret:
“Suy ngẫm phản thực tế ban cho những trải nghiệm và các mối quan hệ trong cuộc sống nhiều ý nghĩa hơn,” nghiên cứu Northwestern đã kết luận… Tương tự thế, khi con người xem xét những lựa chọn thay thế phản thực tế cho các biến cố cuộc đời, họ trải nghiệm được lòng mộ đạo ở mức độ cao hơn cùng với cảm giác về mục đích sâu sắc hơn so với khi họ chỉ đơn giản là thuật lại thông tin của những sự kiện đó.
Nói thẳng ra thì: nếu bạn chưa từng nhìn lại bạn-thời trẻ và nhận ra, có những lúc bạn từng là một tên ngốc, vâng, bạn có lẽ vẫn là một tên ngốc. Chúng ta viết “Đừng bao giờ thay đổi nhé!” trong cuốn kỷ yếu của nhau thời phổ thông nhưng đôi khi chúng ta cần phải thay đổi. Hồn ma sẽ không ngừng ám ngôi nhà cho đến khi món nợ được trả xong.
Một người đàn ông thông thái từng nói, “Cảm thấy tội lỗi có nghĩa là công việc của bạn vẫn chưa được hoàn thành.” (Được rồi, được rồi, đó là một lời thoại trong chương trình TV Daredevil nhưng nghe vẫn rất thông thái.)
Tiếc nuối là những bài học mà bạn còn chưa tiếp thu. Nếu có ích, hãy tưởng tượng rằng Morgan Freeman đang nói câu đó thay vì tôi. Câu nói của ông ấy đã vang lên trong đầu bạn chưa? “Tiếc nuối là những bài học mà bạn còn chưa học được.”
Một bài học mà bạn cần tiếp thu và biến thành hành động.
Tiếc nuối có thể là điều tốt đẹp, nhưng không có nghĩa là chúng ta muốn gia tăng cảm xúc này; chúng là phần thưởng an ủi. Bạn và tôi đều có nhiều kiểu tiếc nuối khác nhau. Nhưng trong nghiên cứu của mình, Dan phát hiện thấy chúng gần như luôn rơi vào bốn loại sau đây.
Chúng ta sẽ xem xét những kiểu khác nhau, học cách tránh chúng, và sau đó khám phá cách đối phó với những kiểu tiếc nuối mà bạn đang có.
1) Tiếc nuối Nền tảng
Những tiếc nuối này là kết quả của việc không hành xử có trách nhiệm. Khi chúng ta không đủ tận tâm, kỷ luật hay cẩn thận. Chúng ta trốn học, tránh tập thể dục, hoặc không làm việc đủ chăm chỉ. Chúng ta chọn niềm vui ngắn hạn thay vì lợi ích dài hạn. Tất cả chúng ta đều muốn ăn món tráng miệng trước.
Dan nói rằng những tiếc nuối nền tảng thường có dạng: “Giá mà tôi hoàn tất việc này việc kia.”
Khi bạn thấy mình đang thốt ra những từ như “quá nhiều” kèm theo “quá ít”, thì có lẽ bạn đang đối mặt với một tiếc nuối nền tảng. “Tôi đã vung tay quá trán và không biết dành dụm.”
Vậy bài học ở đây là gì? Chúng ta làm sao để ngăn chặn được những tiếc nuối nền tảng? Hãy làm việc. Hãy tập trung vào tương lai. Và bớt nghĩ đến những trò vui trong hiện tại và nghĩ nhiều hơn một chút về nơi bạn muốn tới trong một năm. Và sau đó làm những gì cần thiết để đưa bạn đến nơi đó.
2) Tiếc nuối về sự Can đảm
Tiếc nuối về sự Can đảm sẽ như thế này: “Giá mà tôi dám mạo hiểm …”
Không hành động. Những cơ hội đã trôi qua. Cơ hội mà chúng ta không nắm lấy. Dan phát hiện thấy những tiếc nuối này thường phổ biến trong đấu trường tình ái. Chúng cũng khá phổ biến khi nói tới sự nghiệp. Chúng ta nhát gan. Chúng ta không dám nhảy vào cơ hội việc làm mới hay khởi nghiệp.
Câu ngạn ngữ xưa rất đúng, “Chúng ta hối tiếc nhiều nhất về những việc mình chưa làm.”
Trích từ cuốn sách The Power of Regret:
“Tiếc nuối vì không dám hành động …có thời gian bán hủy dài hơn là những hành động đáng hối tiếc,” Gilovich và Medvec đã viết trong một trong những nghiên cứu trước đây của họ. Trong cuộc khảo sát American Regret Project (Dự án Hối tiếc của người Mỹ) của tôi, những tiếc nuối vì không hành động áp đảo những tiếc nuối vì hành động với tỷ lệ gần 2:1.
Thật tệ khi làm việc gì đó sai lầm, nhưng các giới hạn của nó lại rõ ràng và xác định được. Còn khi bạn phải tự hỏi “Điều gì xảy ra nếu như …?”, giờ đây trí tưởng tượng của bạn đang vào việc. Mà việc đó thì lại không có giới hạn. Một vòng lặp mở không bao giờ ngừng chọc ngoáy bạn.
Cốt lõi của những tiếc nuối về sự can đảm chính là bỏ lỡ cơ hội để phát triển. Về những thứ đáng ra có thể đến. Chúng ta bỏ lỡ một cơ hội để sống chân thật. Để trở thành con người mà chúng ta muốn. Chúng ta quá nhút nhát, và điều đó có nghĩa là không phấn đấu để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Trích từ cuốn sách The Power of Regret:
Minh chứng đáng chú ý nhất cho điều này đến từ hàng chục người từ khắp nơi trên thế giới đã mô tả về nỗi hối tiếc của họ—việc họ không dám sống táo bạo—bằng sáu từ tương tự nhau: “Không sống thật với chính mình.”
Bài học ở đây khá rõ ràng: hãy mạnh dạn lên. Hãy làm việc đó đi. Hãy bắt đầu kinh doanh. Hãy mời người ấy đi chơi.
Đừng giỡn mặt với những Tiếc nuối về sự Can đảm. Bonnie Ware đã làm một phân tích không chính thức về những hối tiếc lớn nhất của con người lúc hấp hối. “Không sống thật với chính mình” đứng ở vị trí số một.
Điều đó có làm bạn khiếp sợ không? Tốt. Đừng lãng phí thời gian nữa. Hãy lo viết cuốn tiểu thuyết của bạn đi.
Nhưng còn hơn thế nữa, hãy làm điều đúng đắn …
3) Tiếc nuối về Đạo đức
Bạn biết mấy thứ này. Bạn hành xử kém, phạm luật, nói dối hay phản bội. Những tiếc nuối về đạo đức nghe giống như: “Giá mà tôi làm điều đúng đắn …”
Dan phát hiện ra kiểu tiếc nuối thường thấy nhất ở đây là gây hại cho người khác, chẳng hạn như bắt nạt. Tiếp đến là lừa dối người khác, bao gồm cả việc ngoại tình.
Những tiếc nuối về đạo đức thì ít phổ biến nhất trong 4 loại tiếc nuối, và chỉ chiếm 10% tổng số. Nhưng chúng thường là sự tiếc nuối gây đau đớn nhất.
Bài học ở đây là gì? Hãy làm điều đúng. Hãy đưa ra quyết định mà bạn sẽ tự hào trong tương lai, bất luận lựa chọn thay thế trước mắt có hấp dẫn đến đâu.
Những tiếc nuối về đạo đức có thể tạo cảm giác giống như một ngục tù tinh thần. Còn tin tích cực là gì? Có thời gian nghỉ cho hành vi tốt.
Và cái cuối cùng. Và nó cũng là sự nuối tiếc lớn nhất trong tất cả …
4) Tiếc nuối về Mối quan hệ
Chúng ta để cho tình bạn lụi tàn – hoặc không bao giờ cho chúng cơ hội nở hoa. Đây là nuối tiếc phổ biến nhất trong 4 loại nuối tiếc lớn. Dan nói rằng những tiếc nuối về mối quan hệ tựa như thế này: “Giá mà tôi liên lạc với …”
Tôi đã nhiều lần đề cập đến Grant Study trên blog này. Đó là dự án nghiên cứu của Harvard đã theo dõi một nhóm đàn ông từ lúc 20 tuổi cho tới khi già để xem điều gì tạo nên cuộc sống tốt đẹp. Dan trích dẫn tóm tắt về một số phát hiện.
Trích từ cuốn sách The Power of Regret:
“Các mối quan hệ thân thiết, hơn cả tiền bạc hay danh vọng, là thứ khiến cho con người hạnh phúc trong suốt cuộc đời … Những mối quan hệ đó bảo vệ con người khỏi những bất mãn trong cuộc sống, giúp trì hoãn sự sa sút tinh thần và thể chất, và là những yếu tố dự báo tốt hơn về cuộc sống trường thọ và hạnh phúc hơn so với giai cấp xã hội, chỉ số thông minh hay thậm chí là gen.”
Và nếu điều đó vẫn chưa đủ để đá vào mông bạn, tôi sẽ đưa ra nghiên cứu về những hối tiếc lớn nhất của con người trước khi chết. “Tôi ước mình vẫn giữ liên lạc với bạn bè” đứng ở vị trí thứ tư.
Lúc đầu, thường không khó để nhen nhóm lại các mối quan hệ. Nhưng chúng ta lại chờ đợi quá lâu. Khi đó cảm xúc đã phai nhạt. Mọi người dọn đi nơi khác. Và cuối cùng, mọi người chết đi. (Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra điều này làm giảm đáng kể tần suất họ trả lời tin nhắn của bạn.) Nếu bạn không chủ động liên lạc thì có lẽ chẳng còn cơ hội nào khác. Bạn vĩnh viễn đánh mất cơ hội. Đây là bi kịch. Thật đáng sợ. …
Chờ chút, tôi cần nhắn tin cho vài người…
Okay, tôi đã quay lại. Tôi nói tới đâu rồi? Oh, yeah, những tiếc nuối về mối quan hệ. Dù sao đi nữa, bài học ở đây là gì? Hãy nhắn tin cho họ. Ngay bây giờ. Tại sao bạn vẫn còn đọc bài này? Hãy quay lại với nó sau. Bạn tôi ơi, cần phải biết ưu tiên! Bạn có những việc quan trọng cần giải quyết trước.
Hãy gọi cho người đó. Bạn sẽ thấy vui hơn. Họ sẽ cảm thấy vui hơn. Chết tiệt, tôi sẽ thấy tốt hơn.
Okay, chúng ta đã bàn đến 4 tiếc nuối lớn để ta biết cách tránh chúng. Những còn những điều hối tiếc bạn đang có thì sao? Có một số điều khiếp đảm mà chúng ta cảm tưởng như mình sẽ chẳng bao giờ vượt qua được. Đánh mất tình bạn, sa ngã đạo đức, cái chết của Stringer Bell…
Chúng ta ứng phó như thế nào?
Đầu tiên, bạn có thể sửa chữa những thứ gây ra cảm giác nuối tiếc hay không? Bạn có thể liên lạc, sửa sai hay xin lỗi hay không? Nếu có thì hãy dừng ngay việc dành quá nhiều thời gian cho việc (lướt) đọc danh sách tiếc nuối của bạn và hành động đi. Theo Dan, thường có một cách để nhấn Control+Z trên bàn phím cuộc đời của bạn.
Nhưng đôi khi chẳng có cách nào để sửa lại quá khứ. (Dù tiếc hay không, tôi sẽ không thi lại SAT.) Trong trường hợp đó, có ba bước để ứng phó: thổ lộ, tái điều chỉnh, và rút ra bài học.
1) Thổ lộ
Dan gọi nó là “hồi tưởng và giải tỏa.” Hãy trải lòng về điều này với người mà bạn tin tưởng.
Trích từ cuốn sách The Power of Regret:
Sự tự tiết lộ đó có liên quan đến việc giảm huyết áp, đạt điểm cao hơn, kỹ năng ứng phó tốt hơn và nhiều hơn thế. Quả thực, Tamir và Mitchell cho rằng “loài người chúng ta có một động lực nội tại là muốn trút nỗi lòng với người khác.”
Nếu nói về nó có vẻ quá khó thì viết ra cũng có thể hiệu quả. Bật Microsoft Word và dành 15 phút cho nó trong 4 ngày liên tiếp. Chỉ suy nghĩ về nó thường đưa đến hệ quả là nghiền ngẫm, khiến mọi việc tồi tệ hơn. Viết ra giúp bạn hiểu rõ sự việc. Nghiêm túc mà nói, những lợi ích của viết nằm ngoài tầm hiểu biết của người phàm, và tôi khuyên mọi người nên làm điều này.
2) Tái điều chỉnh
Cách tốt nhất để làm điều đó là thông qua lòng trắc ẩn dành cho bản thân. Hãy tha thứ cho chính mình. Chấp nhận rằng bạn đã mắc lỗi lầm.
Nếu có ai đó mà bạn yêu thương tìm đến bạn với vấn đề tương tự thì bạn sẽ đáp lại thế nào? Hãy mở rộng lòng trắc ẩn đối với bản thân mà bạn vẫn thường dành nó cho người khác.
3) Rút ra bài học
Bạn đã nói hoặc viết về sự nuối tiếc của mình. Bạn đã tha thứ cho mình. Bây giờ hãy tạo chút khoảng cách với nó. Hãy nhìn nó từ góc nhìn ở độ cao 10,000-foot. Tầm quan trọng của điều này sẽ là bao nhiêu trong 10 năm tới?
Rồi sau đó, hãy tìm kiếm bài học. Bạn học được gì? Chuyển từ “Giá mà …” sang “Ít ra thì …” Hãy tìm kiếm cái may trong cái rủi.
Nghiêm túc mà nói, hãy tìm kiếm khía cạnh khác. Dan hối hận vì đã học trường luật – nhưng anh đã gặp được người vợ tuyệt vời của mình ở đó. Bạn có lẽ tiếc nuối vì một cuộc hôn nhân không hạnh phúc—nhưng bạn vẫn lãi được (những) đứa con ngoan.
Chúng ta sẽ cần lặp lại tiếng nói của Morgan Freeman một lần nữa. Bạn sẵn sàng chưa?
“Bạn đã học được điều gì?”
Tóm tắt
Đây là cách đối phó với cảm giác nuối tiếc:
- Nuối tiếc có thể là một điều tốt: Một nuối tiếc là một bài học mà bạn cần áp dụng để làm bản thân tốt hơn. Công việc của bạn vẫn chưa hoàn thành, Daredevil.
- Tiếc nuối Nền tảng: Tránh chúng bằng cách thực hiện công việc.
- Tiếc nuối về sự Can đảm: Tránh chúng bằng cách dám mạo hiểm.
- Tiếc nuối về Đạo đức: Hãy làm điều đúng đắn, Spike Lee.
- Tiếc nuối về Mối quan hệ: Hãy nhắn tin cho họ. Ngay bây giờ.
- Đối phó như thế nào: Bạn có thể sửa chữa được điều đó không? Nếu không: thổ lộ, tái điều chỉnh, và rút ra bài học
Dan là một chàng trai siêu thông minh. Anh ấy cũng nhận ra rằng nếu bạn lật những điều tiếc nuối lớn nhất của mình thì bạn có thể tìm ra những thứ quan trọng nhất đối với chúng ta. Những tiếc nuối nền tảng có nghĩa là chúng ta coi trọng sự ổn định. Tiếc nuối về sự Can đảm nghĩa là chúng ta đề cao sự phát triển. Tiếc nuối về Đạo đức nghĩa là chúng ta coi trọng điều thiện lành. Tiếc nuối về Mối quan hệ nghĩa là chúng ta coi trọng tình yêu.
Sống mà chỉ để tránh hối tiếc hay giảm thiểu hối tiếc thì cũng tiềm ẩn nguy cơ. Chúng ta có thể trở nên nhút nhát và bỏ lỡ cơ hội. Và cố gắng trở thành một người cầu toàn về mọi thứ sẽ làm cho ta khốn khổ.
Hãy làm việc siêng năng để tránh những điều tiếc nuối liên quan đến bốn điều cốt lõi trên: Sự ổn định, phát triển, điều tốt đẹp, và tình yêu. Chúng rất quan trọng. Còn đối với những thứ ít quan trọng hơn thì cứ từ từ. Bạn tiếc vì bỏ lỡ đợt giảm giá Black Friday? Bạn vẫn sống mà. Đừng khiến bản thân phát rồ. Đó là bốn điều cốt lõi tạo nên một cuộc đời viên mãn.
Dan nói rằng, “Tiếc nuối làm tôi trở thành con người. Tiếc nuối làm tôi tốt hơn. Tiếc nuối cho tôi hy vọng.”
Đừng xem tiếc nuối như một mối đe dọa luôn thường trực. Hãy xem nó như một lời nhắc nhở hữu ích. Một cơ hội để cải thiện cuộc đời bạn. Đại dịch đã tạo ra nhiều tiếc nuối trong tất cả chúng ta. Mất thời gian, mất cơ hội, mất kết nối. Giờ là lúc để khắc phục chúng. Hãy áp dụng các mẹo của Dan.
Bạn sẽ không hối tiếc đâu.
Nguồn: https://www.bakadesuyo.com/2022/02/no-regrets/
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/cach-vuot-qua-cam-giac-tiec-nuoi-5-bi-mat-tu-nghien-cuu%C2%A0