5 bước giúp bạn tránh bị ngốc nghếch
Ngay cả những người thông minh nhất có thể cũng ngốc nghếch. David Robson giải thích làm sao để tránh những bẫy thông thường nhất trong suy nghĩ ngớ ngẩn.
Nếu có khi nào bạn nghi ngờ ý kiến cho rằng người rất thông minh cũng có thể rất ngớ ngẩn thì hãy nhớ lại lúc mà người thông minh nhất nước Mỹ định phóng điện để thịt một con gà tây.
Benjamin Franklin định lưu giữ “lửa điện” trong các bình thủy tinh như là ắc quy nguyên sơ. Sau khi thành công, ông nghĩ sẽ gây ấn tượng nếu như dùng điện phóng ra để giết và nướng món ăn tối. Chẳng lâu sau mà việc này trở thành một trò trình diễn thường xuyên tại tiệc tùng nơi ông làm cho khách thán phục về khả năng kỳ diệu của mình về khả năng kiểm soát sức mạnh lạ thường này.
Tuy nhiên, tại một trong những lần biểu diễn Franklin bị đãng trí và phạm một sai lầm sơ đẳng. Ông sờ vào một trong những bình đang có điện trong khi tay kia cầm một dây xích kim loại.
“Những người tham dự… nói rằng tia lửa rất lớn và tiếng nổ to như súng nổ,” sau này ông viết lại. “Thế rồi tôi cảm thấy điều mà tôi không biết nói thế nào cho đúng; một cú đánh tổng thể dọc thân từ đầu đến chân và từ trong ra ngoài; sau cú này điều đầu tiên tôi nhận biết là cơ thể tôi bị sốc nhanh và mạnh.”
Rõ ràng là trí thông minh không có nghĩa là ta có lý lẽ và hiểu biết hơn, là điều mà chúng tôi đã đề cập trước đây ở mục BBC Future.
Mặc dù chúng ta cũng dễ chê cười tai nạn với Franklin, những thí dụ khác thì bình thường. Nhà phẫu thuật Atul Gawande đã viết về một thảm kịch lớn trong y tế hiện đại. Mặc dù các nhà phẫu thuật khéo léo vô cùng nhưng họ có thể gây ra thiệt mạng không cần thiết chỉ do bất cẩn, thí dụ đơn giản như là quên rửa tay hoặc mặc đồ sạch.
Trong kinh doanh, những suy nghĩ thiển cận gồm cả việc làm tắt mà cuối cùng dẫn tới đổ bể một công ty.
Một cách suy nghĩ mới
Robert Sternberg ở trường Đại Học Cornell nói rằng vấn đề là chỗ hệ thống giáo dục của chúng ta không được thiết kế để dạy ta suy nghĩ theo cách cần thiết cho cuộc đời còn lại.
“Những trắc nghiệm ta đang dùng (SAT hoặc A-level ở Anh Quốc) là thước đo khiêm tốn chứ không phải tất cả những gì cần có để vào đời,” ông nói.
“Bạn thấy những người có điểm học tốt nhưng người ta lại rất kém cỏi khi lãnh đạo. Họ là những nhà kỹ thuật tốt nhưng không thực tế và không có đạo đức. Họ trở thành chủ tịch hoặc phó chủ tịch của tập đoàn hoặc tổ chức xã hội và họ rất yếu kém về năng lực.”
Vậy phải làm gì?
Sternberg và một số người khác hiện đang vận động cho một cách thức giáo dục mới, dậy ta nghĩ thế nào cho có hiệu quả hơn song song với nhiệm vụ học lý thuyết thuần túy. Những kinh nghiệm của họ có thể giúp tất cả chúng ta (bất kể người thông minh ở mức nào) kém ngờ nghệch hơn.
1. Nhận biết điểm mù
Như Yogi của công ty Hanna-Barbera, bạn có bao giờ trộm nghĩ rằng “bạn thông minh hơn một con gấu trung bình” không? Tất cả chúng ta có nghĩ thế không?
Đó là cái được gọi là “Nổi trội do ảo tưởng”, và như Yogi nói, đó là sự tự tôn mình một cách đặc biệt trong đám kém cỏi nhất. Bạn có thể nói rằng bạn biết bạn thông minh bởi học bạ, hoặc bạn có thành tích ấn tượng ở cuộc thi đố ở câu lạc bộ. Nếu vậy, có thể bạn đã bị “thiên vị về thành tích” là một xu thế chỉ lấy bằng chứng để chứng minh quan điểm của mình.
Bạn vẫn chưa chấp nhận phải không? Vậy các nhà nhà tâm lý học sẽ nói là bạn bị chứng “điểm mù về thiên vị”, nó một xu thế không chấp nhận sai lầm trong tư duy.
Thực tế là tất cả chúng ta đều mắc một vài chứng thiên vị tiềm thức nào đó. Nó che mờ mọi thứ, từ việc quyết định mua một căn nhà đến quan điểm về xung đột ở Crimea.
May sao là các nhà tâm lý học tìm ra rằng ta có thể rèn luyện để phát hiện ra nó. Có khoảng 100 loại để ta xem xét, vậy hãy bắt đầu học danh sách đầy đủ này.
2. Hãy sẵn sàng nhận lỗi
“Một người không bao giờ nên hổ thẹn nhận rằng mình đã sai, nghĩa là chỉ để nói (theo cách khác) rằng anh ta hôm nay đã khôn ngoan hơn hôm qua,” nhà thơ Alexander Pope thế kỷ thứ 18 viết như vậy.
Đối với các nhà tâm lý học ngày nay, cách nghĩ như vậy được coi là một nét chính về nhân cách, gọi là “tư duy cởi mở’. Ngoài những vấn đề khác, nó đo mức bạn xử lý sự bất trắc dễ dàng đến đâu, và bạn sẽ thay đổi suy nghĩ dựa trên những bằng chứng mới một cách sẵn sàng và nhanh chóng như thế nào.
Nó là một đặc điểm mà một số người thấy không ngờ lại khó rèn luyện, thế nhưng những giây phút khiêm tốn đó sẽ mang đến những lợi thế về lâu dài.
Thí dụ, Philip Tetlock ở trường Đại Học Pennsylvania hiện đang hỏi những người bình thường phỏng đoán chiều hướng của những sự kiện chính trị phức tạp trong một đợt tranh luận 4 năm. Ông đã phát hiện ra rằng những người phỏng đoán đúng nhất là những người có tư duy cởi mở và chỉ số IQ cao.
Sự nhún nhường về trí tuệ đến ở nhiều hình thái khác nữa, nhưng điểm chính là khả năng chất vấn những giới hạn của kiến thức của mình.
Quyết định của bạn là dựa trên những giả định nào? Giả định đó được kiểm nghiệm như thế nào? Bạn phải tìm những thông tin bổ sung nào nữa để có được quan điểm cân bằng hơn? Bạn đã xem các thí dụ của những tình huống tương tự để so sánh chưa?
Việc thực hiện những bước có vẻ như sơ đẳng, nhưng hãy xem xét điều này: với sự rèn luyện đơn giản đó rất nhiều người tham gia khảo sát của Tetlock đã thắng nhân viên tình báo chuyên nghiệp về khả năng phỏng đoán, kể như họ đã thắng những người có lẽ ít khi sẵn sàng thú nhận sự ngờ nghệch của họ.
3. Tranh luận với chính mình, nhưng đừng có mạnh tay quá
Nếu hạ mình không phải là điểm mạnh của bạn thì có một chiến lược đơn giản để làm giảm bớt việc thiên vị trong suy nghĩ: bạn hãy đứng hẳn về lập trường đối lập và bắt đầu tranh luận chống lại quan điểm của mình.
Sự tranh luận nội tâm ấy có thể xuyên thủng rất nhiều điểm thiên vị nhất của bạn, thí dụ như sự quá tự tin và “neo bám” của bạn, tức là xu thế bạn bị thuyết phục ngay bởi chứng cứ đầu tiên mà bạn gặp.
Một cách tương tự là bạn có thể là đặt mình vào trong hoàn cảnh của người khác và mường tượng quan điểm của họ. Điều này đặc biệt có ích khi xử lý những vấn đề cá nhân; giống như Vua Solomon trong Kinh Thánh, chúng ta thường thông minh hơn khi khuyên răn người khác hơn là khi xử lý những rắc rối với chuyện trong nhà mình.
4. Hãy tưởng tượng “cái gì xảy ra nếu …”
Một trong những chủ đề lớn nhất của Sternberg về hệ thống giáo dục là chúng ta không được dạy bảo dùng trí thông minh để có thể thực tế hoặc sáng tạo.
Ngay cả nếu chúng ta không phải học nhớ thuộc lòng nữa nhưng rất nhiều giáo viên vẫn không rèn luyện kiểu linh hoạt cần có trong hầu hết đời sống thực.
Một cách để phát triển kỹ năng này có thể là tưởng tượng lại những sự kiện chính. Học sinh về sử có thể viết một tiểu luận phỏng đoán “Thế giới sẽ như thế nào nếu giả dụ Đức thắng Thế Chiến II?” hoặc “Điều gì sẽ xảy ra nếu giả dụ nước Anh bỏ vĩnh viễn chế độ quân chủ vào thế kỷ 17?”
Nếu bạn không chuyên về lịch sử, hãy viết một câu chuyện tưởng tượng rằng “Ngày mà tổng thống ra đi” hoặc “Ngày mà vợ tôi biến mất” có thể là điểm xuất phát.
Có vẻ như thế là kỳ khôi nhưng điểm quan trọng là điều đó buộc bạn xem xét các tình huống khác nhau và tạo ra các giả thuyết. Trẻ nhỏ tự giúp chúng “suy nghĩ phản thực tế” khi chúng chơi trò nhập vai, điều này giúp chúng học mọi thứ, từ quy luật vật lý đến kỹ năng xã hội.
Chúng ta không có khuynh hướng cố tình rèn luyện điều đó như khi ta là người lớn, nhưng bạn có thể thấy rằng điều đó giúp mở rộng tư duy của bạn khi phải đối phó với điều không mong đợi.
5. Đừng đánh giá thấp danh sách cần kiểm tra
Như tai nạn của Benjamin Franklin cho thấy, sao nhãng và đãng trí có thể là sự lụn bại của người giỏi nhất trong chúng ta.
Khi phải vật lộn trong tình huống phức tạp, ta rất dễ quên điều cơ bản, đó là vì sao mà Gawande say sưa chủ trương việc sử dụng danh sách kiểm tra, nó là sự nhắc nhở nhẹ nhàng.
Thí dụ ở Bệnh Viện Johns Hopkins với danh sách 5 điểm nhắc nhở bác sỹ làm thủ tục vệ sinh cơ bản đã giảm tỷ lệ 10 ngày chữa nhiễm trùng từ 11% xuống 0%.
Một danh sách kiểm tra tương tự đối với phi công nhắc nhở họ những thủ tục cơ bản để cất cánh và hạ cánh hình như đã giảm đi một nửa số phi công Mỹ chết trong Thế Chiến II.
Như Gawande chỉ rõ, đó là những chuyên gia có tay nghề giỏi nhất và công nghệ tối tân nhất, thế nhưng chỉ một tờ giấy đơn giản hóa ra lại cứu được biết bao mạng sống. Dù bạn làm nghề gì, những thực tế đó đáng để xem xét trước khi bạn cho rằng mình biết hết cả rồi.
Hãy thực tập những bước nói trên, và bạn có thể vừa phát hiện mình bắt đầu thấy mình có tài mà trước đây bạn không nhận ra.
Nếu bạn tìm nguồn cảm hứng, hãy xem trường hợp của Sternberg.
Khi còn là cậu bé ở trường tiểu học, ông trượt trắc nghiệm IQ và nhìn chung thất bại trong học tập. “Tất cả các thầy của tôi nghĩ là tôi ngốc nghếch, và tôi nghĩ rằng tôi ngốc.” Ông có lẽ đã bỏ học nếu như sau này ông không gặp một người phụ đạo cho biết còn nhiều điều để tư duy thông minh hơn là các bài toán trừu tượng, và đã động viên ông tập luyện cho mình cách tư duy mở. Nhờ sự trợ giúp đó ông nay đã là giáo sư ở Trường Đại học Cornell.
“Trí thông minh không phải là một điểm số ở trắc nghiệm IQ, nó là khả năng hình dung ta muốn gì trong cuộc sống và tìm cách đạt được điều đó,” ông nói, ngay cả nếu nó đưa đến việc nhận ra một số sự khờ dại của mình.
Bài gốc tiếng Anh đã được đăng trên BBC Future
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/5-buoc-giup-ban-tranh-bi-ngoc-nghech