Bạn có đang thao túng chính mình
“Đáng ra mình không nên nhạy cảm như vậy. Chuyện tới mức này là do lỗi của mình”.
“Người khác còn gặp phải những điều tệ hơn rồi, vài nỗi buồn của mình chỉ là chuyện cỏn con”.
Nếu thường xuyên có kiểu suy nghĩ thế này, nhiều khả năng bạn đã rơi vào bẫy self-gaslighting. Đây là thuật ngữ biến thể của gaslighting (thao túng tâm lý). Nghĩa là thay vì bị tác động từ người khác, bạn lại tự dẫn dắt mình với suy nghĩ độc hại, thậm chí nghi ngờ nhận thức và mức độ tỉnh táo của bản thân.
Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết cũng như lời khuyên dành cho người đang mắc kẹt trong hoàn cảnh tự thao túng tâm lý, theo Psychology Today và Happier Human.
Nguyên nhân và ảnh hưởng
Self-gaslighting xảy ra khi một nạn nhân chấp nhận sự bạo hành tâm lý và rơi vào vòng luẩn quẩn tự lừa dối bản thân.
Theo nhà trị liệu tâm lý Grace Dowd (Mỹ), hành vi tự thao túng sẽ dễ dàng xuất hiện hơn nếu chủ thể từng bị người khác điều khiển trong một thời gian dài ở quá khứ.
Đặc biệt, tình trạng thường nghiêm trọng hơn nếu cá nhân gây hại thuộc nhóm gần gũi, được chủ thể dành tình cảm sâu sắc.
Một nguyên nhân khác dẫn đến self-gaslighting là nỗi sợ bị đánh giá
“Không ít người chật vật với nỗi đau buồn dai dẳng. Song, họ lại lo lắng người đối diện sẽ nghi ngờ, phán xét hoặc không công nhận khó khăn mình phải đối diện. Cứ như vậy, nhóm này sẽ cố gắng phớt lờ suy nghĩ, cảm xúc riêng và tin rằng bản thân đang làm quá vấn đề”, chuyên gia nói thêm.
Nếu không sớm được nhận biết, những suy nghĩ và cảm xúc nếu liên tục bị phớt lờ hoặc đè nén sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự trọng, sự tỉnh táo cũng như cách nhìn nhận khách quan về các tình huống trong cuộc sống.
Ngoài ra, tình trạng kéo dài dễ dàng gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, ví dụ như lo âu, trầm cảm và cơn đau vật lý (nhức đầu, đau tim, khó tiêu hóa, buốt nhức cơ thể).
Dấu hiệu
Nếu vẫn chưa rõ liệu mình có đang ở trong vòng lặp self-gaslighting, bạn có thể cân nhắc dựa trên các biểu hiện sau:
Bào chữa cho hành vi xấu của người khác: Chẳng hạn, người yêu cũ lấy cớ đi làm mệt mỏi và trút hết cảm xúc tiêu cực lên bạn một cách vô cớ. Song, thay vì phản kháng, bạn lại nghĩ đã mình gây thêm rắc rối cho anh/cô ấy.
Nói cách khác, bạn luôn cố tìm lý do để hợp lý hóa hành động tồi tệ của người đối diện và tự lừa dối bản thân.
Coi thường cảm xúc cá nhân: Trong cuộc tranh luận với bạn bè, người yêu hoặc bố mẹ, bạn bị xúc phạm, gây tổn thương bởi lời nói của họ. Dù đau lòng và bị ám ảnh, bạn vẫn tự nhủ mình đang làm quá mọi thứ.
Nghi ngờ ký ức: Việc này thường liên quan đến một sự kiện nghiêm trọng, chẳng hạn như bị lạm dụng, tổn thương về thể chất hoặc tinh thần.
Đối phương cố gắng lảng tránh, hoặc nói rằng chuyện không tồi tệ đến mức đó. Bạn sẽ tự hỏi liệu mình có đang tưởng tượng ra sự việc hay không. Cứ như vậy, trí nhớ về mọi chuyện trở nên mơ hồ và tệ hơn, chính bạn cũng nghĩ bản thân là kẻ bịa đặt.
Quá gay gắt, luôn cho là mình sai: Nghiêm khắc với bản thân là điều tốt, song nó lại có phần quá đà với những cá nhân tự thao túng.
Nếu vô tình thất bại hoặc không hoàn thành tốt nhiệm vụ gì đó, họ sẽ ngay lập tức khẳng định mình kém cỏi và mất động lực phát triển. Ngoài ra, họ cũng mặc định đã gây ra lỗi lầm nghiêm trọng trước một sự đổ vỡ nào đó, chẳng hạn mối quan hệ gia đình, cuộc hôn nhân của cha mẹ…
Giải pháp
Thực tế, cần rất nhiều thời gian để thay đổi lối suy nghĩ của một người, đặc biệt với người đã self-gaslighting nhiều năm.
Trước hết, điều bạn cần làm để ngăn chặn việc này là thừa nhận và đối diện với suy nghĩ, cảm xúc của mình.
Hãy dành thời gian để tự đặt câu hỏi về tình huống đang diễn ra. Thay vì nhanh chóng buộc tội mình, bạn cần nhìn nhận toàn bộ vấn đề theo hướng khách quan nhất.
Trong trường hợp gặp khó khăn, ý kiến tham khảo từ người thân đáng tin cậy, không liên quan gì đến sự việc chuyên gia tâm lý có thể giúp ích.
Bên cạnh đó, thực hành khẳng định là bài tập quan trọng cho nhóm muốn thoát khỏi vòng lặp đổ lỗi cho chính mình. Một số mẫu câu như “Mình xứng đáng được lắng nghe”, “Đây là cảm xúc thật, và mình không hề làm quá vấn đề” sẽ kéo bạn về trạng thái tỉnh táo, thay vì sa vào ảo tượng.
Bạn nên viết chúng ra giấy, vào nhật ký hoặc nói thành tiếng mỗi khi cần. Ban đầu, hành động này có thể gây ra một số bất tiện. Song, khi đã quen, bạn sẽ tìm lại cảm giác an toàn, ổn định và nhìn nhận vấn đề khách quan hơn.
Bẫy self-gaslighting khiến nạn nhân tự lừa dối cảm xúc, suy nghĩ của mình. Ảnh minh họa: Ike Louie Natividad/Pexels
Theo Zing
Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin
Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/ban-co-dang-thao-tung-chinh-minh