Hoàng tử Pháp: Những kẻ trí tuệ tầm thường hay lên án những gì vượt quá tầm hiểu biết của họ!

0

“Những kẻ trí tuệ tầm thường hay lên án những gì vượt quá tầm hiểu biết của họ” – Hoàng tử Pháp François de La Rochefoucauld nói về những kẻ chỉ thích phán xét và chỉ trích người khác.

François VI, Đức de La Rochefoucauld, Hoàng tử de Marcillac là một nhà đạo đức học người Pháp xuất sắc trong thời đại văn học Cổ điển Pháp và là tác giả của Maximes và Hồi ức, hai tác phẩm duy nhất của ông đã được xuất bản.

Bạn chọn sống cuộc đời của mình như thế nào không quan trọng – dù bạn chọn mở công ty riêng hay đi làm cho một công ty; chọn có con hay không có con; chọn du lịch thế giới hay sống cả đời trong một thành phố; chọn đến phòng tập 5 lần/tuần hay ngồi trên ghế so-pha mỗi tối – bất kể bạn làm gì thì vẫn sẽ có người phán xét bạn về việc đó.

Bằng lý do này hay lý do khác, vẫn sẽ có người tìm ra một lý do để hướng sự hoài nghi, tiêu cực và sợ hãi của họ vào bạn cũng như cuộc sống của bạn, và bạn sẽ phải đối mặt với nó.

Với mối bận tâm này trong lòng, ta hãy cùng nói về việc bị phán xét và chỉ trích. Và để cho vui, tôi sẽ chia sẻ một số lời nhận xét gay gắt nhất mà tôi nhận được ở các bài viết của mình. Và quan trọng hơn là các chiến lược mà tôi dùng để đối phó với nó.

Sau đây là những gì tôi rút ra được về cách đương đầu với những người phán xét bạn, công việc và các mục tiêu của bạn.

NHÀ PHÊ BÌNH LỚN NHẤT TRONG CUỘC SỐNG CỦA BẠN

Thật dễ dàng khi phàn nàn về những kẻ chỉ trích bên ngoài, nhưng nhà phê bình lớn nhất trong đời của bạn lại thường sống trong chính tâm trí của bạn. Việc tìm được sự can đảm để vượt qua tổn thương và bất an của bản thân thường là thách thức lớn nhất mà bạn sẽ phải đối mặt trên con đường chinh phục những mục tiêu của mình.

Khi tôi bắt đầu hoạt động kinh doanh đầu tiên, không phải những lời chỉ trích của người ngoài khiến tôi chùn bước mà chính tâm trí tôi lo lắng rằng mọi người sẽ nghĩ tôi là kẻ thất bại do tôi đã bỏ qua cơ hội nhận một “công việc thực tế” để “mở trang web”.

Tôi đã không kể cho hầu hết bạn bè về việc mình đang làm trong suốt gần một năm vì quá lo lắng những gì họ sẽ nghĩ về nó.

Khi tôi bắt đầu viết lách, không phải những bình luận gay gắt từ độc giả khiến tôi không muốn viết mà chính nỗi sợ trong tôi về suy nghĩ của họ nếu tôi viết về những khía cạnh mình quan tâm. Tôi đã viết ý tưởng của mình trong tài liệu cá nhân trong suốt một năm trời trước khi tìm được can đảm để bắt đầu chia sẻ những bài viết đó một cách công khai.

Đây chỉ là 2 ví dụ về các hình thức sợ hãi và sự chỉ trích từ nội tại nhiều lần ngăn cản chúng ta bắt đầu thực hiện mục tiêu của mình. Có thể bạn sẽ mất cả đời để hiểu được rằng chỉ vì mọi người chỉ trích bạn không có nghĩa là họ thật sự quan tâm đến sự lựa chọn làm nên điều gì đó khác biệt của bạn.

Thông thường, những kẻ thích chỉ trích cứ chỉ trích bạn rồi vui vẻ sống tiếp. Và điều đó có nghĩa là bạn có lờ họ đi và tiếp tục làm việc của mình thì cũng chẳng sao cả.

Nhưng nói thì dễ hơn làm vì tất cả chúng ta đều thích được công nhận. Một số người thích được công nhận hơn người khác, nhưng ai cũng muốn được tôn trọng và được đánh giá cao đến một mức độ nào đó. Tôi chắc chắn mình cũng vậy.

Tôi hiểu rằng bất cứ khi nào mạo hiểm chia sẻ bài viết của mình cho cả thế giới thì tôi cũng muốn biết bạn bè, gia đình mình sẽ nghĩ gì và cách mọi người xung quanh sẽ nhìn tôi qua lựa chọn đó.

Liệu nó có giúp ích cho danh tiếng của tôi không? Liệu nó có hủy hoại danh tiếng của tôi không? Thậm chí tôi có nên lo lắng về danh tiếng của mình không?

Đặc biệt là trong sự nghiệp viết lách, những câu hỏi này đã gây ra một cuộc đấu tranh nội tâm trong tôi.

Một mặt, tôi tin vào bản thân và biết mình muốn cống hiến một điều gì đó cho thế giới xung quanh. Nhưng mặt khác, tôi sợ mọi người sẽ không chấp nhận thành quả của tôi và sẽ chỉ trích tôi khi tôi chia sẻ những gì mình quan tâm hoặc tin tưởng.

Trước đây tôi đã viết về thử thách để bản thân đối mặt với vấn đề bằng cách nói rằng, “Bạn có thể lựa chọn hoặc là bị mọi người phán xét vì tạo ra một điều gì đó, hoặc bị phớt lờ vì cứ mãi giấu đi sự vĩ đại của mình.”

Cuối cùng thì tôi cũng quyết định rằng việc cống hiến một điều gì đó cho thế giới vẫn quan trọng hơn là bảo vệ bản thân khỏi những lời chỉ trích, phê bình.

SỰ THẬT VỀ LỜI PHÊ BÌNH

Sự thật là lời phê bình hầu như lúc nào cũng ở trong tâm trí bạn.

Sau đây là ví dụ từ kinh nghiệm của tôi…

Trong 9 tháng vừa qua, hơn 1,2 triệu người đã đọc những bài viết của tôi (bao gồm hơn 250.000 người đọc trên trang web của tôi và hơn 1 triệu người đọc trên những trang web khác có đăng bài của tôi).

Trong số đó, khoảng 98% là những người đọc một bài viết nào đó và tiến bộ hơn trong cuộc sống. Khoảng 2% là những người đọc một bài viết và quyết định trở thành một phần trong cộng đồng nhỏ của chúng tôi bằng cách tham gia vào trang báo miễn phí của tôi. (Cám ơn các bạn! Thật tuyệt khi có các bạn ở đây!) Và khoảng 0,000008% là những người chọn trở thành kẻ dở hơi và gửi bình luận hoặc e-mail gay gắt.

Cho dù đa số độc giả đều có ý kiến tích cực hoặc trung lập về thành quả của tôi, những kẻ chỉ trích vẫn có tầm ảnh hưởng to lớn và rõ ràng.

Trên thực tế, chú ý đến những lời chỉ trích tiêu cực là xu hướng tự nhiên đối với hầu hết mọi người. Theo Roy Baumeister và những nhà nghiên cứu ở Đại học Bang Florida, chúng ta thường nhớ những cảm xúc tiêu cực sâu sắc hơn và rõ ràng đến từng chi tiết.

Trong bài nghiên cứu có tựa đề, “Bad Is Stronger Than Good”, Baumeister tóm tắt lại những nghiên cứu mang tính học thuật chứng minh rằng chúng ta có xu hướng nhớ lời chỉ trích tiêu cực nhiều hơn lời khen. Baumeister khám phá ra rằng thậm chí những người vui vẻ cũng thường nhớ nhiều sự kiện không vui hơn những sự kiện vui.

Thực tế, Baumeister và đội ngũ của anh kết luận là đối với não bộ thì bạn cần khoảng 5 sự kiện vui mới bù đắp được một sự kiện không vui.

Lát nữa tôi sẽ nói về chiến lược giúp bạn vượt qua chuyện này. Nhưng trước tiên, tôi muốn chia sẻ vài lời chỉ trích mà tôi nhận được gần đây.

HÃY RÓT CHO TÔI MỘT LY RƯỢU GIẢI SẦU (NHỮNG LỜI BÌNH LUẬN GAY GẮT NHẤT)

Hàng tháng, tôi thường nhận được bình luận từ một người nào đó than phiền rằng những bài viết của tôi hoàn toàn nhảm nhí. Ví dụ, một độc giả gần đây đã để lại bình luận, “Đáng lẽ tôi nên biết là đọc cái này chỉ tổ phí thời gian.”

Một độc giả khác hùng hồn viết, “Điều thú vị ở đây là tác giả này tin chắc có hàng triệu kẻ dở hơi trên thế giới đang tin vào bài viết vớ vẩn của hắn.”

Ít nhất thì những người như thế đã bình luận trực tiếp trên bài viết. E-mail chỉ trích thậm chí còn thú vị hơn khi người ta bắt đầu hoàn toàn lờ đi toàn bộ thành quả của bạn và thay vào đó, đưa ra lời công kích cá nhân.

Đầu tháng này, ai đó đã nói rằng rõ ràng tôi là “một người ngồi không một chỗ. À, nên cũng không có trách nhiệm gì…”

Một quý ông tử tế khác lại thẳng thắn nói ngay, “Tên tác giả này là một kẻ dở hơi.”

Tất cả những lời chỉ trích gay gắt này đều hướng về một người viết về cách xây dựng thói quen hữu ích hơn, sống lành mạnh và khám phá một cuộc đời phiêu lưu đầy thú vị. Vậy bạn có tưởng tượng sẽ ra sao nếu như tôi viết về khía cạnh nào đó thật sự dễ gây tranh cãi như chính trị hay tôn giáo không?

Và điều đó đưa chúng ta đến một kết luận: không quan trọng bạn làm việc gì, sẽ luôn có người “vạch lá tìm sâu”. Vậy làm cách nào để có thể vượt qua nó và tiến về phía trước bằng mọi giá? Sau đây là cách tiếp cận vấn đề có thể giúp ích…

TẬP TRUNG VÀO CON ĐƯỜNG CHỨ KHÔNG PHẢI BỨC TƯỜNG

Nhiều chuyên gia về lĩnh vực đua xe xem Mario Andretti là tay đua kiệt xuất và linh hoạt nhất mọi thời đại. Trong suốt sự nghiệp của mình, Andretti đã thắng giải Indianapolis 500, Daytona 500, giải vô địch thế giới Formula One và Pike’s Peak International Hill Climb. Ông chính là một trong 2 tay đua duy nhất trong lịch sử thắng các trận đua trong Formula One, IndyCar, World Sportscar Championship và NASCAR.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí SUCCESS, Andretti đã được hỏi về bí quyết thành công quan trọng nhất trong đua xe. Ông trả lời, “Đừng nhìn vào bức tường. Chiếc xe của bạn đi theo hướng mà đôi mắt bạn nhìn.”

Khi những tay đua trẻ tuổi bắt đầu sự nghiệp đua xe, đây chính là một trong những bài học quan trọng nhất mà họ rút ra được. Khi đang lái xe ở tốc độ 321km/h, bạn cần phải tập trung vào con đường trước mặt. Nếu nhìn vào bức tường thì kết cục là bạn sẽ đâm sầm vào nó.

Điều tương tự cũng có thể áp dụng vào cuộc sống, công việc của bạn cũng như chuyện đối đầu với những kẻ chỉ trích bạn.

Sự chỉ trích và tiêu cực từ người khác đều giống như bức tường. Nếu tập trung vào nó thì bạn sẽ lao đầu vào nó. Bạn sẽ mắc kẹt trong mớ cảm xúc, giận dữ và nghi ngờ bản thân. Tâm trí bạn sẽ đi về nơi mà bạn hướng sự tập trung vào. Sự chỉ trích và tiêu cực không ngăn bạn đến đích, nhưng chắc chắn có thể khiến bạn xao nhãng khỏi nó.

Tuy nhiên, nếu tập trung vào con đường trước mặt và tiến lên thì bạn sẽ có thể tăng tốc vượt qua những bức tường và chướng ngại vật gần đó một cách an toàn.

Đây chính là cách tiếp cận mà tôi thích áp dụng đối với sự chỉ trích. Khi ai đó đưa ra một lời bình luận tiêu cực, hãy xem nó như một tín hiệu để quyết tâm quay lại với công việc của mình và tập trung hơn vào con đường phía trước. Một số người nhất quyết hướng mọi việc về phía mình và hủy hoại thành quả của người khác. Cuộc sống của bạn quá ngắn ngủi để bận tâm làm hài lòng những người này.

Hãy tập trung vào con đường chứ không phải bức tường.

CÁCH PHẢN ỨNG VỚI NHỮNG KẺ THÍCH CHỈ TRÍCH

Hầu hết mọi người cần tình yêu và sự chấp nhận nhiều hơn cần lời khuyên.

Bob Goff

Trong vài hoàn cảnh hiếm hoi, có thể bạn sẽ muốn phản hồi những người chỉ trích cách làm việc của bạn. Trong trường hợp này, hãy nghĩ đến một ví dụ tuyệt vời về cách mà Gary Vaynerchuk giúp bạn giải quyết vấn đề này.

Khi xuất bản quyển sách bán chạy nhất với tựa đề Crush It của mình, Vaynerchuk nhận hàng tá những bình luận đánh giá 1 sao và 2 sao trên Amazon. Những người phê bình tiêu cực tuyên bố quyển sách “dở tệ” và gọi nó là một “tác phẩm nhảm nhí chẳng đem lại chút giá trị nào”.

Và đây là những lời bình luận nói đến một tác phẩm bán chạy nhất!

Thay vì cãi lại hoặc điều chỉnh tác phẩm của mình, Gary đã quyết định phản hồi nhiều bình luận gay gắt bằng lời xin lỗi chân thành. Ví dụ, độc giả tên Frank để lại bình luận đánh giá 1 sao cho sách với lời nhận xét, “Làm thế nào mà quyển sách này được xuất bản nhỉ?”

Vaynerchuk phản hồi rằng…

Frank, tôi rất lấy làm tiếc vì không đạt được kỳ vọng của anh, tôi hi vọng sẽ được gặp anh và dành 15 phút để xin lỗi và trả lời bất kỳ câu hỏi nào mà anh thắc mắc, tôi đoán là tôi cần giải thích chi tiết hơn cho anh về quyển sách, tôi thành thật xin lỗi.

Mặc dù cách viết khá đơn giản nhưng Vaynerchuk cuối cùng cũng nhận được số điện thoại của Frank và gọi cho anh ấy để nói chuyện.

Sau buổi đối thoại, Frank viết tiếp một lời bình luận khác trên phần bình luận lúc trước của anh, “Nếu Amazon có hệ thống xếp hạng con người thì tôi đã cho Gary 5 sao rồi. Không ai có thể không cảm thấy ấn tượng về một người phản hồi bạn nhanh chóng và giải quyết những lời chỉ trích một cách ân cần như thế cả.”

Nếu bạn định phản ứng lại những người chỉ trích bạn, vậy nghệ thuật phản hồi trên chính là mục tiêu mà bạn nên phấn đấu nhắm tới. Thay vì đáp trả những kẻ chỉ trích bạn bằng cách xúc phạm, đả kích, hãy khiến họ “hồi tâm chuyển ý” bằng sự chân thành. Hầu hết mọi người đều không muốn bị thuyết phục rằng thành quả của bạn thật tuyệt vời, họ chỉ muốn biết bạn có quan tâm đến họ.

VIỆC NÊN LÀM KỂ TỪ BÂY GIỜ

Trước đây, tôi đã nói điều này rất nhiều lần, nhưng vẫn phải tiếp tục lặp lại: Tôi chẳng khám phá ra điều gì mới mẻ cả, tôi không phải là chuyên gia và tôi không có câu trả lời cho mọi câu hỏi. Tôi vẫn còn phải học cách đương đầu với những lời chỉ trích như bao người khác.

Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, đây là những gì tôi có thể tóm tắt về cách đương đầu với những kẻ thích “ném đá”:

1. Đầu tiên và quan trọng nhất, đừng làm một người thích chỉ trích. Đừng làm một người phá hoại nỗ lực của người khác. Thế giới này ngày càng cần những người biết cống hiến tài năng cũng như chia sẻ thành quả công việc và ý tưởng. Lấy can đảm làm việc đó không phải chuyện dễ dàng. Hãy ủng hộ những người dám thể hiện lòng can đảm này.

2. Nếu gặp phải những lời chỉ trích thì đừng để bức tường ngăn bạn nhìn thấy đường đi. Hãy tập trung vào con đường trước mặt. Một cách nói khác mà tôi thường nghe gần đây là, “Hãy mặc kệ những kẻ hay chế giễu. Họ thường là những kẻ tầm thường.”

3. Nếu chọn phản ứng lại những người chỉ trích mình thì hãy làm họ ngạc nhiên bằng sự tử tế của bạn. Bạn thậm chí còn có thể có thêm người hâm mộ trong lúc chinh phục những người không thích mình đấy.

Cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất, hãy chọn những việc mà bản thân bạn cảm thấy đúng đắn. Dù lựa chọn của bạn là gì đi nữa thì người ta vẫn sẽ đánh giá bạn thôi.

Tác giả: James Clear
Nguồn dịch: UBrand



Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin

Nguồn : https://baihoc.com.vn/danh-ngon/hoang-tu-phap-nhung-ke-tri-tue-tam-thuong-hay-len-an-nhung-gi-vuot-qua-tam-hieu-biet-cua-ho.html

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ