Loại bỏ suy nghĩ tiêu cực bằng 2 bí quyết của Napoleon Hill: Quy tắc và tự kiểm

0

Phần lớn mọi người đều không thừa nhận hoặc nhận thức được bản thân suy nghĩ tiêu cực, trừ phi có ý thức trong việc tự kiểm tra suy nghĩ, hành động và phản ứng của mình. Vậy, làm sao thay đổi suy nghĩ tiêu cực?

Để thay đổi tận gốc những suy nghĩ tiêu cực, trước tiên, chúng ta cần biết về sự tồn tại của thiên kiến tiêu cực (negativity bias). Đây là thuật ngữ được giới nghiên cứu tâm lý học sử dụng để gọi tên khuynh hướng chú ý, ghi nhớ và sử dụng thông tin tiêu cực nhiều hơn tích cực. Nói cách khác, não bộ của chúng ta “thiên vị” tin xấu hơn tin tốt, và sự tiêu cực tác động đến não của chúng ta nhiều hơn sự tích cực.

“Em thật hạnh phúc biết bao!”

Có câu chuyện như sau: Có một nhà hàng lớn toạ lạc tại lối vào một ngọn núi rất nổi tiếng với khách du lịch. Vào mùa đông, lượng du khách đi bộ đến núi ngắm cảnh giảm mạnh, nên thật hiếm có thực khách ghé vào nhà hàng. Một hôm, một vị khách đặc biệt được chào đón đã ghé qua; ông chính là thầy giáo của chủ nhà hàng.

“Em dạo này thế nào? Chuyện làm ăn vẫn tốt chứ?”

“Như thầy thấy đấy, không có khách nào cả. Em đang rất phiền lòng ạ”

“Tình hình cuối thu vừa qua thì sao hả em?”

“Vì du khách đến thưởng ngoạn sắc thu của núi nên em rất bận rộn vì đông khách ạ”

“Thế còn mùa hè thì sao?”

“Nhờ kỳ nghỉ hè mà nhà hàng đã đón rất nhiều khách ạ”

“Ồ, tốt quá! Vậy còn mùa xuân thì đã thế nào?”

“Vì trời hết lạnh và cây cối bắt đầu nứt lộc nên nhà hàng đã kín chỗ ạ”

“Nếu vậy thì có chuyện gì lớn đâu phải không? Chẳng phải việc em đang có kỳ nghỉ ngắn sau quãng thời gian liên tục bận rộn với công việc là điều tốt hay sao? Em thật hạnh phúc biết bao!”

Câu chuyện trên chỉ là một trong số nhiều ví dụ cho thấy sự tồn tại của thiên kiến tiêu cực. Trong tương tác xã hội, thiên kiến tiêu cực sẽ làm chúng ta cảm thấy các sự kiện tiêu cực quan trọng hơn và ghi nhớ chúng rõ nét hơn.

Thiên kiến này thể hiện qua việc nghĩ, nhớ trải nghiệm đau thương tốt hơn trải nghiệm vui mừng; đề cập ký ức tiêu cực nhiều hơn ký ức tích cực; nghĩ, nhớ về lời nói xấu hơn lời khen; phản ứng mạnh mẽ với kích thích tiêu cực hơn kích thích tích cực.

Giáo sư Daniel Kahneman – nhà tâm lý học, kinh tế học người Mỹ gốc Israel nổi tiếng với công trình nghiên cứu về tâm lý học đánh giá và ra quyết định, đã tiến hành một thí nghiệm như sau: Ông yêu cầu các tình nguyện viên tưởng tượng 2 tình huống là mất 50 USD và có thêm 50 USD rồi đo phản ứng cảm xúc của họ.

Kết quả, tình nguyện viên bày tỏ cảm xúc mạnh mẽ khi mất tiền nhưng khi có thêm tiền thì không có cảm xúc đáng chú ý. Đồng nghĩa, tuy số tiền mất và có thêm là như nhau, song phản ứng sinh học lại “thiên vị” sự mất mát hơn cái đạt được.

Ngoài ra, cần biết rằng thiên kiến tiêu cực và phản ứng của mỗi chủ thể còn tuỳ thuộc vào giới tính, kinh nghiệm sống và tính cách của họ. Ví dụ, trước sự tiêu cực, nam giới có thể bộc lộ phản ứng ra bên ngoài (nóng giận, khó chịu…), nhưng nữ giới lại có thể bị dằn vặt nội tâm (buồn bã, trầm cảm…).

Dù vậy, theo Psychology Today, tất cả thông tin tiêu cực đều làm tăng hoạt động ở vùng xử lý thông tin quan trọng của não, khiến hành vi của mỗi chủ thể dễ bị tác động bởi tin tức và trải nghiệm không tốt. Đơn cử, thiên kiến ​​tiêu cực gây ảnh hưởng đến động lực để hoàn thành nhiệm vụ: Thay vì tập trung vào những gì sẽ đạt được, chủ thể mắc phải thiên kiến tiêu cực sẽ tập trung vào những gì mà bản thân có thể phải từ bỏ để đạt mục tiêu đó.

“Quy tắc vàng” và “Tự kiểm” để thay đổi suy nghĩ tiêu cực

Để thay đổi suy nghĩ tiêu cực, theo Napoleon Hill – tác giả quyển Nghĩ giàu làm giàu (Think and Grow Rich) nổi tiếng, có 2 bí quyết cần thực hiện là quy tắc vàng và tự kiểm. Trong đó, quy tắc vàng là Hãy làm cho người khác điều mà bạn muốn họ làm cho mình, và đừng bao giờ làm điều ngược lại.

Theo Napoleon Hill, quy tắc vàng là công cụ giúp suy nghĩ tích cực, trong khi tự kiểm sẽ giúp loại bỏ suy nghĩ tiêu cực. Trong quyển Chìa khoá Tư duy Tích cực (Keys to Positive thinking), ông viết: “Hầu hết mọi người đều không nhận là mình suy nghĩ tiêu cực, trừ khi có ý thức trong việc tự kiểm tra suy nghĩ, hành động và phản ứng của bản thân.

Quá trình tự phân tích này khá đơn giản. Bạn chỉ cần tự hỏi: ‘Ý nghĩ này là tích cực hay tiêu cực?’… Hãy chú ý đến hiệu quả thiết thực của quy tắc vàng – công cụ giúp bạn suy nghĩ tích cực. Rõ ràng, nếu quan tâm đến việc sống tốt với mọi người và tránh xa những điều xấu thì tâm trí bạn sẽ không còn chỗ cho những suy nghĩ tiêu cực”.

Hơn nữa, tác giả cũng cho biết, càng luyện tập để có tinh thần sống tích cực, khả năng nhận ra các suy nghĩ tiêu cực khi chúng vừa manh nha càng được cải thiện.

“Trong hầu hết trường hợp, những tư tưởng tiêu cực thường dễ bị phát hiện, vì chúng đi lệch với quy tắc vàng, hoặc khiến cho bạn tự chê trách bản thân khi lúc nào cũng chuẩn bị những suy nghĩ không mấy tốt đẹp về những đánh giá, nhận xét của người khác về mình”, Hill viết.

Bên cạnh đó, Napoleon Hill cũng gợi ý bài trắc nghiệm nhỏ dưới đây để tự kiểm bản thân, nhằm có nhận thức tốt hơn về lối suy nghĩ tiêu cực, và thay đổi chúng:

1. Bạn nỗ lực làm việc cho một đối tác có uy tín và lợi nhuận cao, nhưng công việc đang tiến hành thì thất bại và kế hoạch đó rơi vào tay đối thủ cạnh tranh của bạn. Trong đầu bạn sẽ có ý nghĩ nào?

a. Đây là sự việc xảy ra ngoài ý muốn của tôi.

b. Tôi đã có thể giành được chiến thắng nếu đối thủ kia không nhúng tay vào. Đối tác bỏ hợp đồng với tôi chẳng qua vì bị công ty kia lôi kéo mà thôi.

c. Tôi phải tìm cho ra lý do lại sao đối tác của tôi lại thay đổi hợp đồng. Đây là lúc tôi cần nhanh chóng xác định vấn đề và xử lý chúng.

2. Con gái bạn bỏ ngang đại học để đi làm đầu bếp cho một nhà hàng. Bạn sẽ nghĩ gì?

a. Vi nó không được coi sóc và giáo dục tốt nên mới ra nông nỗi này.

b. Nó đang muốn nổi loạn và chọc tức tôi đấy, trong khi tôi đã tốn biết bao nhiêu tiền của cho nó đi học đại học.

c. Tôi cần phải tìm hiểu lý do trước đã để có phương hướng giải quyết.

3. Bạn thất bại trong cuộc ứng cử vào vị trí chủ tịch Hội đồng nhân dân địa phương. Bạn sẽ nghĩ gì?

a. Cũng nhờ vậy mà mình học thêm được một bài học. Chắc mình không nên chen chân vào những cuộc bầu cử như thế này nữa.

b. Nếu mọi người không thấy được khả năng của mình thì mình cũng không cần phải mất tâm sức cho họ.

c. Đối thủ của mình biết cách lấy lòng dân trong khi minh chưa có được khả năng này. Đây chính là người mà minh có thể học hỏi đây. Chắc chắn mình và ông ta có thể trở thành cộng sự tốt và hợp tác hiệu quả.

4. Bạn muốn giảm cân, nhưng dù đã cố gắng hết sức, bạn vẫn không thành công. Bạn sẽ có thái độ như thế nào?

a. Không! Đáng lẽ trông tôi còn tệ hơn thế này nữa cơ, cũng may là tôi không bị tăng cân thêm.

b. Tôi đang quá chú trọng đến ngoại hình của mình. ‘Thật vớ vẩn’. Tôi sẽ không bao giờ giảm cân nữa đâu và phải ngưng ngay cái việc hành hạ bản thân mình lại.

c. Tôi cần phải tìm một phương pháp mới để có hứng thú tập luyện hơn, từ đó cải thiện vóc dáng, sức khỏe.

“Uốn mình theo dòng chảy” là một cách để hòa nhập cuộc sống. Nghe thật hấp dẫn vì nó có tác dụng xóa tan mọi lo âu, căng thẳng. Tuy nhiên, nó lại là lớp vỏ để chuyển hóa vào nội tâm bạn hàng loạt những suy nghĩ tiêu cực: Bạn là ai? Bạn có thể làm được điều gì?… Những câu trả lời “a” phản ánh điều này.

Chúng kết hợp cảm giác “tự thương hại” thật tinh vi, thể hiện qua những cách nói: “Chỉ vì tôi không được sinh ra để trở thành nhà lãnh đạo hay vận động viên thể thao” hoặc “Cuộc đời đã chất chồng lên tôi quá nhiều gánh nặng, và điều tốt nhất tôi có thể làm là cam chịu những điều ấy”…

Thái độ sống tích cực sẽ không để bạn đi vào những suy nghĩ như thế. Ý nghĩ ấy có thể xuất hiện trong đầu bạn, nhưng khi cân nhắc, bạn sẽ nhận ra đó là cách trốn tránh hành động và trách nhiệm.

Khi điều này xảy ra, bạn có thể xua đuổi những ý nghĩ ấy đi và tấn công lại chúng bằng những gợi ý tích cực. Bạn càng ý thức điều này, nó càng xảy ra thường xuyên một cách tự nhiên, cho đến khi những ý nghĩ tiêu cực không còn xuất hiện nữa.

Đổ thừa hoàn cảnh hay đổ lỗi cho người khác đều là những phản ứng rất dễ xảy ra, vì nó thường đem đến cho bạn cảm giác thờ ơ trước mọi việc. Những đáp án “b” minh chứng rõ điều này.

Tất nhiên, phương pháp ấy không bao giờ giải quyết được khó khăn, mà còn làm cho vấn đề thêm tồi tệ. Bạn phải xác định chính xác nguyên nhân của trở ngại để tìm ra những ích lợi tiềm ẩn. Nếu bạn bỏ qua việc này, những khó khăn sẽ tiếp tục chồng chất thêm.

Những câu trả lời “c” minh chứng cho cách nhìn tích cực và đúng đắn nhất. Bạn nhận thức rõ khó khăn và tin rằng mình sẽ giải quyết được. Quá trình khám phá này đòi hỏi bạn phải lấy tinh thần tích cực làm điểm tựa. Bạn sẽ học thêm được nhiều điều về bản thân và hoàn cảnh mà trước kia bạn chưa bao giờ nghĩ tới.

Nếu xem những điều gợi mở này là cần thiết và tin vào khả năng ứng phó của mình với các tình huống phát sinh, bạn sẽ đạt được giá trị cao quý nhất của tinh thần sống tích cực: Gia tăng sự tự tin và hiểu biết chính mình.

Theo Doanh nhân Sài Gòn



Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin

Nguồn : https://tapchithanhcong.org/song-dep/loai-bo-suy-nghi-tieu-cuc-bang-2-bi-quyet-cua-napoleon-hill-quy-tac-va-tu-kiem.html

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ