Người ta quý nhất là có tài năng, càng quý hơn là có người khác biết
Nho giáo và Đạo giáo đều có giảng về đức khiêm tốn của con người, điều này có phần dễ hiểu. Nhưng đôi khi có tài năng mà khiêm tốn quá thì không nhất thiết đã là tốt…
Bàn về sự khiêm tốn của con người, Lão Tử nói: “Người không tự cho mình là đúng thì trí óc mới có thể sáng suốt, người không khoe khoang thì công trạng của họ mới có thể được khẳng định, người không kiêu ngạo thì sự nghiệp mới có thể phát triển”. Cũng có câu rằng: “Thùng rỗng kêu to”, thùng càng đặc kêu càng nhỏ, thậm chí còn không phát ra tiếng.
Bậc anh tài, chín chắn thì bề ngoài lại càng khiêm tốn. Càng khiêm tốn bao nhiêu, thì nội lực bên trong càng sâu dầy bấy nhiêu. Thích thể hiện, khoe khoang, phô trương thanh thế chẳng khác chi đang cầu xin sự tôn trọng, ngưỡng mộ của người khác. Khi bản thân biết mình là ai thì những bình phẩm, khen chê của người đời cũng chẳng thể động tới được cái tâm này. Bởi lẽ lời khen chẳng thể giúp ích chi, lời chê cũng chẳng khiến giá trị của bản thân vì vậy mà giảm sút. Có chăng chỉ là sự hiểu lầm và thử thách tâm tính sẽ được minh chứng theo thời gian mà thôi.
Nhưng nhiều người dù nhìn thấu điểm này lại vẫn chưa có sự hành xử phù hợp, bởi vì đôi khi bề ngoài là sự khoe khoang, bên trong lại là chí lớn.
Tử Cống, đệ tử của Khổng Tử là người thích ẩn dật và khiêm tốn, không muốn xuất đầu lộ diện.
Trong cuốn “Uyên Giám Loại Hàm” có ghi lại rằng: Một lần nọ Tử Cống chuộc một người nước Lỗ về nước. Nhưng ông lại không nhận tiền chuộc như công cáo của vua nước Lỗ.
Khổng Tử biết chuyện lại chê trách rằng: “Tử Cống, con làm vậy là sai rồi.”
Người nước Lỗ đều rất nghèo. Khi họ đến nước khác nhìn thấy người nước mình mà muốn chuộc về, họ sẽ nghĩ rằng: “Giả dụ mình chuộc người này ra, mình lại đi nhận tiền chuộc, thì dường như thấp hơn Tử Cống một bậc”. Họ sẽ phải đắn đo suy nghĩ, vì nếu nhận tiền chuộc thì có vẻ như họ không cao thượng bằng Tử Cống. Nhưng nếu họ không nhận tiền chuộc thì lại ảnh hưởng tới nguồn kinh tế eo hẹp, trong nhà sẽ gặp khó khăn.
Như vậy khi họ cứu người sẽ ngần ngại. Điều này sẽ tạo nên ảnh hưởng không tốt. Ví như một vài người cùng đi có thể góp tiền lại cứu người mà chỉ một người trong số đó còn ngần ngại, thì rất có thể họ sẽ không chuộc người nước mình về nữa.
Vậy nên dẫu Tử Cống khiêm tốn, không muốn thể hiện bản thân, nhưng Khổng Tử lại nói rằng Tử Cống làm như vậy sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt.
Một hôm khác, Tử Lộ đang đi bộ trên đường thì gặp ngay một người sắp chết đuối. Tử Lộ lập tức lao mình nhảy xuống dòng nước, vớt người đàn ông nọ lên. Người đàn ông vô cùng cảm kích, bèn tặng cho Tử Lộ con trâu nhà mình. Tử Lộ vui vẻ dắt trâu ra về.
Sau khi biết chuyện, Khổng Tử khen rằng: “Sau này người nước Lỗ sẽ có rất nhiều người dám dũng cảm giúp đỡ, cứu vớt sinh mệnh của người khác”.
Vậy nên đứng ở góc độ tư lợi cá nhân mà xét, thì khoe khoang, thích thể hiện bản thân là điều không tốt. Nhưng nếu không vì danh lợi, vinh hoa phú quý mà chỉ mang theo tâm muốn cống hiến cho đời thì ngược lại người tài đức càng cần thể hiện tài năng, đức độ của bản thân.
Bởi lẽ nếu không ai biết được danh tiếng của bạn, thì còn ai dám tin tưởng và giao trọng trách cho bạn đây? Như vậy chẳng phải là điều thiệt thòi cho bách tính hay sao?
Nho gia có câu: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Muốn trở thành người có ích trước tiên cần phải tu tâm dưỡng tính, trau dồi kiến thức của bản thân. Sau đó thông qua các phương thức khác nhau mà thể hiện tài năng của mình, không ngại lao tâm khổ tứ mà sẵn sàng gánh vác trọng trách được giao, mang lại ấm no cho bách tính, tạo phúc cho muôn dân trăm họ.
Có một cậu học trò vốn rụt rè nhút nhát, thường ngày rất ít khi thể hiện bản thân. Cuối cùng thì ngày tốt nghiệp đại học cũng đã đến, bạn bè quyến luyến trao nhau những lời lưu bút.
Trong số đó có một lời nhắn nhủ từ cô bạn gái cùng lớp, thường ngày ít chuyện trò, nhưng lại khiến cậu suy ngẫm mãi. Nét chữ mềm mại, dịu dàng nhưng lại ẩn chứa tính triết lý sâu sắc: “Người ta quý nhất là có tài, càng quý hơn là có người khác biết, cho dù nhất thời chưa thành danh.”
Ban đầu cậu thư sinh cứ suy nghĩ mãi, không hiểu sao cô bạn lại viết những dòng này. Mãi tới sau này khi có chút thành tựu trong công việc, cậu thư sinh mới lý giải được hàm nghĩa trong dòng lưu bút ấy. Bản tính cậu vốn rụt rè, nhút nhát, dù có tài năng và biết việc nhưng ngại thể hiện bản thân, đôi khi còn thoái thác những trách nhiệm cần gánh vác, cho rằng mình không đảm đương được. Chỉ có cô bạn đó là nhìn thấu cậu. Lời cô viết vừa là lời tri âm, vừa là lời nhắc nhở. Nhưng đáng tiếc là, mỗi người một phương trời, sau này họ chẳng còn cơ hội gặp lại nhau.
Tài năng được ban tặng cho mỗi người, không chỉ để thành tựu bản thân người ấy, mà là để làm việc có ích cho đời.
Vậy nên, cùng một sự việc, biểu hiện trên bề mặt có thể giống nhau, nhưng là tốt hay xấu thì chỉ có thể phân định rạch ròi nhờ vào xuất phát điểm của mỗi người là vị tư hay vị tha.
Thiên Cầm
Dựa theo “Tử Cống và Tử Lộ” trong cuốn “Thiên Thời” (NXB Hà Nội 2008)
Tác giả: Bạch Huyết.
Dịch giả: Nguyên An
Thegioibantin.com | Vina Aspire News