Những phép ẩn dụ trong và ngoài trị liệu tâm lý

0

Ngôn ngữ loài người phần lớn mang tính ẩn dụ. Khi bạn nói, “Tôi đang bị chôn vùi dưới một núi việc. Sếp đang dí tôi sát nút.” bạn không hề có ý nói về chúng theo nghĩa đen. Trên thực tế, chẳng có ngọn núi nào, chẳng có nơi chôn vùi nào. Ý nghĩa thật sự mà bạn đang cố truyền đạt được chuyển tải qua phép ẩn dụ hơn là theo nghĩa đen. Một ẩn dụ hay là một cách viết tắt hữu ích cho những bài giảng dài dòng. Nó cũng gây ngạc nhiên và thích thú cho các giác quan. Khi Picasso nói, “Nghệ thuật rửa trôi bụi bặm của cuộc sống đời thường khỏi tâm hồn của chúng ta,” chúng ta hiểu ngay điều ông ấy muốn nói, và chúng ta cũng cảm nhận được niềm vui của sự khám phá.

Các nhà trị liệu cũng thường sử dụng phép ẩn dụ để làm rõ các khái niệm, giúp thân chủ tưởng tượng ra các giải pháp mới, xem xét vấn đề cũ bằng cái nhìn mới. Dưới đây là danh sách ngắn những phép ẩn dụ trong trị liệu tâm lý có thể hữu ích cho bạn ngay cả bên ngoài phòng trị liệu:

Sự thay đổi là Mặt đồng hồ chứ không phải công tắc

Một trở ngại phổ biến đối với sức khỏe tinh thần tốt chính là thói quen suy nghĩ về các nhiệm vụ và thách thức trong cuộc sống theo lối trắng-và-đen, được ăn cả ngã về không. Lối tư duy này hấp dẫn một phần là do nó quá đơn giản. Nó cũng được củng cố bởi sự ưu ái của nền văn hóa chúng ta đối với cấu trúc kể chuyện “so với” (người thắng so với kẻ thua; tốt so với xấu, v.v…) Tuy nhiên, sức khỏe tinh thần tốt đòi hỏi một cách nhìn đa sắc thái hơn, phù hợp với sự phức tạp của cuộc sống thực tế và thừa nhận rằng phần lớn nỗ lực và kết quả của chúng ta đều có các mức độ và cấp độ. Ý tưởng này tìm được cách thể hiện hữu ích qua lối so sánh giữa một công tắc và một mặt đồng hồ. Chúng ta biết cả hai công nghệ này từ kinh nghiệm sống của mình. Và chúng ta dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa chúng. Mặt đồng hồ là một cơ chế phức tạp hơn nhiều so với công tắc, mang lại sự kiểm soát và lựa chọn tốt hơn. Và phép ẩn dụ truyền đạt khéo léo cho quan điểm rằng, dù một số vấn đề không thể giải quyết triệt để, nhưng ta vẫn có thể giảm bớt chúng một cách đáng kể.

Tâm trí là một Xã hội  

Các nhà tâm lý nghiên cứu và tìm cách lý giải về tâm trí thường tận dụng các phép ẩn dụ có sẵn để chỉ dẫn, thông báo, và giải thích cho những khúc mắc của họ. Trước đây tâm trí từng được ví như một hệ thống thủy lực, một động cơ hơi nước, một tổng đài điện thoại và gần đây là một chiếc máy vi tính. Nhưng tôi thấy việc xem tâm trí như là một xã hội của Marvin Minsky thường hiệu quả nhất trong việc giúp mọi người suy ngẫm sâu xa và hiểu được trọn vẹn hơn những trải nghiệm của riêng họ. Xét cho cùng, xã hội được cấu thành từ nhiều bộ phận riêng biệt song lại liên quan với nhau. Nó bao gồm các chương trình đa dạng, thường xung đột, và các khu vực bầu cử ganh đua nhau để tranh giành ảnh hưởng. Nó năng động, sôi nổi; nó vừa giải quyết vừa tạo ra những vấn đề độc đáo của riêng nó; nó cần thiết cho sự sống còn, nhưng nó cũng ẩn chứa một khía cạnh đen tối, nguy hiểm. Nó có thể chứa những hoạt động khác thường mà không được xác định hoặc bị tiêu diệt bởi chúng. Nó thay đổi theo thời gian và đôi khi thay đổi một cách đột ngột. Và nói về nó một cách thông minh tức là thừa nhận rằng tất cả những yếu tố này không mâu thuẫn hay phủ định sự tồn tại của một tổng thể ý nghĩa.

Tiến bộ là một nhóm đang gây dựng lại

Quá trình thay đổi thường lâu dài và khó khăn. Và các thân chủ có thể cảm thấy thất vọng khi họ liên tục phải vật lộn trong một thời gian dài với cùng những chướng ngại, thường không đạt được mục tiêu mà họ mong muốn. Quá nhiều người thân của các thân chủ này thường tự hỏi tại sao họ không nhìn thấy hiệu quả của việc trị liệu tâm lý. Trong những tình huống này, đôi khi việc sử dụng một phép ẩn dụ về thể thao lại rất hữu ích. Một đội vẫn có thể gặp khó khăn trong một thời gian ngay cả sau khi thuê một huấn luyện viên mới và một số cầu thủ giỏi hơn trong danh sách, triển khai một hệ thống mới, và tạo ra một văn hóa mới. Đội vẫn có thể tiếp tục bị thua. Và một số fan hâm mộ thiếu hiểu biết có thể cho rằng “thua tức là thua.” Song người trong cuộc hiểu rằng điều đó không đúng. Một đội đã thua các trận đấu với cách biệt trung bình 20 điểm vào năm ngoái, nhưng đang thua các trận đấu của mình với cách biệt trung bình là 2 điểm trong năm nay, dù vẫn là một đội thua, nhưng đó không phải là cùng một đội. Đội của năm nay đang trên đường đi đến chiến thắng. Các cầu thủ có thể cảm nhận được điều này trong phòng thay đồ sớm hơn nhiều so với người hâm mộ nhìn thấy kết quả trên sân.

Suy nghĩ là Giao thông trên đường cao tốc  

Một trong những kỹ năng tỏ ra hữu ích trong việc quản lý sức khỏe tinh thần là khả năng quan sát tâm trí của một người đang hoạt động mà không cần phải nhảy vào hành động. Đây là bản chất của tất cả các khóa đào tạo chánh niệm thời thượng hiện nay. Bạn có thể thừa nhận một suy nghĩ, và gọi tên cho một cảm xúc mà không cần làm gì khác ngoài việc đó. Một cách hữu ích (mang tính ẩn dụ) để nghĩ về quá trình này là tưởng tượng bản thân đang quan sát giao thông trên đường cao tốc từ một cây cầu vượt cho người đi bộ. Bạn có thể nhận biết tình hình giao thông, cảm nhận nguồn năng lượng và âm lượng của nó, phương hướng và tiếng ồn mà không cần phải chạy xuống đường cao tốc, tìm cách đi nhờ xe, hoặc quyết định mua một chiếc xe hơi.

Những suy nghĩ của bạn là sự kiện tinh thần chứ không phải sự kiện trong cuộc sống 

Những sự kiện tinh thần được xác định phần nào bởi sự thực là, dù thuộc nội tâm, nhưng chúng đều hướng đến những thực tại bên ngoài. Suy cho cùng thì các quá trình tinh thần của chúng ta được tiến hóa để giúp ta quản lý mối quan hệ của chúng ta với thế giới. Chúng ta dùng tâm trí của mình để định vị thế giới bên ngoài và đối thoại với nó. Vì vậy chúng ta tin rằng nỗi sợ hãi của ta cũng trùng khớp hoàn toàn với mối nguy hiểm bên ngoài; rằng kích thước của cơn phẫn nộ của chúng ta cũng tương ứng với kích thước của câu xúc phạm v.v… Mặc dù điều này đôi lúc có thể đúng, nhưng nó không phải lúc nào cũng đúng. Trên thực tế, giống như bất kỳ bộ máy quan liêu nào, tâm trí theo thời gian có thể tích tụ mọi cách thức giết chết hệ thống, phá hoại mục đích ban đầu của nó. Do đó, trải nghiệm tinh thần của chúng ta có thể tách rời khỏi, và bóp méo những sự việc của thực tế bên ngoài.

Một ví dụ cực đoan là về những lời nói lảm nhảm hoang tưởng của một người bị tâm thần phân liệt. Tuy nhiên tất cả chúng ta đều sống với một mức độ nhầm lẫn nào đó về những gì đang có trong tâm trí ta và những gì thực sự đang diễn ra ở cuộc sống ngoài kia. Trong bối cảnh này, sẽ là hữu ích khi lưu ý rằng những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta chỉ là những sự kiện tinh thần chứ không phải là sự kiện trong cuộc sống. Đây không hẳn là một phép ẩn dụ, mà thôi dẹp đi. Sự khác biệt là đúng và cũng có hiệu lực. Những sự kiện tinh thần và sự kiện trên thế giới kêu gọi những phản ứng khác nhau. Lo lắng về việc bị hỏa hoạn không giống như đang bị hỏa hoạn. Chỉ có cái sau mới đòi hỏi ta chạy ra khỏi nhà.

Hành vi tránh né là Heroin

Phần lớn nỗi khổ tinh thần là do nỗ lực tìm cách né tránh nỗi khổ tinh thần. Khái niệm này—rằng tránh né vấn đề theo thời gian sẽ trở thành một vấn đề còn lớn hơn bất cứ thứ gì bạn đang tránh né—không dễ nắm bắt theo cách trừu tượng, một phần vì bộ não chúng ta được thiết kế để ưu ái sự ngắn hạn và tránh né là một giải pháp ngắn hạn mang lại hiệu quả. Một cách để minh họa sinh động cho vấn đề với sự né tránh là bằng cách ví nó với heroin. Giống như sự né tránh, heroin thể hiện trước những người dùng mới như một giải pháp nhanh chóng và hữu hiệu, chứ không phải là một vấn đề. Và nó hoạt động rất tốt trong ngắn hạn. Nhưng, cũng giống như sự né tránh, về lâu về dài nó sẽ trở thành một vấn đề lớn hơn vấn đề khiến bạn phải sử dụng đến nó ngay từ đầu. Cả sự né tránh và heroin đều hứa hẹn giải cứu, nhưng kết cuộc thì biến những kẻ đi theo chúng thành nô lệ. Bệnh nhân mắc chứng ám ảnh cưỡng chế OCD thực hiện các nghi thức chính là đang dùng heroin, cũng như người mắc chứng sợ đi xa né tránh việc đi đây đi đó, v.v… Khi được trình bày bằng những thuật ngữ rõ ràng này, sự lựa chọn đúng đắn (hãy đối mặt với vấn đề của bạn, đừng tránh né chúng) trở nên sáng tỏ hơn.

Cảm xúc là một Cố vấn cho công ty, chứ không phải CEO

Khi đối mặt với những cảm xúc khó khăn, người ta thường phạm phải một trong hai lỗi. Họ phủ nhận cảm xúc, hoặc tuân theo nó. Việc phủ nhận cảm xúc không mang lại hiệu quả vì nó gây ra sự tránh né và nói dối. Nếu bạn đang lo lắng thì thật vô nghĩa khi tự nhủ rằng bạn không, hoặc không được lo lắng. (Và nó cũng sẽ khiến bạn lo lắng hơn, vì bây giờ bạn cảm thấy lo lắng vì đang lo lắng). Còn tuân theo cảm xúc cũng không hiệu quả vì nó dẫn đến những lựa chọn hành vi liều lĩnh và dại dột. Nếu bạn tức giận một ai đó thì việc dùng gạch đập vào đầu họ thường là thiếu khôn ngoan. (Nếu bạn vẫn không hiểu tại sao thì luật sư của họ sẽ giải thích lý do).

Cách đúng đắn để ứng phó với những cảm xúc khó chịu là chấp nhận đúng bản chất của trải nghiệm đó, đồng thời đem thêm các phương tiện hỗ trợ cho nhiệm vụ ra quyết định. Trong tình huống này, hãy nghĩ mình như giám đốc điều hành trong cuộc sống của mình, và xem cảm xúc như nhà cố vấn có thể làm sáng tỏ quy trình cần thiết. Giám đốc điều hành lắng nghe lời khuyên của cố vấn, nhưng quyết định thì không nằm trong tay nhà cố vấn. Hơn nữa, các cảm xúc không phải là nhà cố vấn duy nhất trên bàn họp. Một vị giám đốc nhiều kinh nghiệm cũng muốn nghe ý kiến từ những người khác, chẳng hạn như lịch sử, trải nghiệm, logic, các mục tiêu và giá trị trước khi đưa ra quyết định.

Tháo gỡ Vấn đề

Phép ẩn dụ “tháo gỡ” là một phép ẩn dụ cũ trong trị liệu tâm lý. Nhiều nhà trị liệu nói đến “tháo gỡ một vấn đề,” theo đó chúng có nghĩa là xem xét nội dung của “hành lý” một cách ẩn dụ. Tuy nhiên, một phần mở rộng quan trọng của phép ẩn dụ này cũng cân nhắc đến vị trí của hành lý. Tôi thường nói với thân chủ của mình về việc tháo gỡ một cái hộp to nằm ngay giữa phòng khách nhà họ khiến mọi người vấp vào nó, chiếm dụng không gian, và thật chướng mắt. Việc tháo gỡ trong trường hợp này bao gồm xem xét và kiểm tra nội dung, nhưng cũng lấy nội dung ra khỏi cái hộp, đặt từng nội dung vào đúng vị trí của nó trong nhà (những cuốn sách thì đặt trên giá sách, vải vóc thì để trong tủ, v.v…) và sau đó vứt cái hộp đi (theo cách thân thiện với môi trường, tự nhiên…) Bằng cách này, chẳng có thứ gì bị mất và ta có được trật tự và an toàn.

Chúng ta đều là những chiếc xe oto đã qua sử dụng  

Để diễn đạt lại lời của Tolstoy, những chiếc xe mới đều giống nhau; nhưng tất cả những chiếc xe đã qua sử dụng đều được sử dụng theo cách riêng của nó.

Không giống như những chiếc oto mới, mà trong đó mọi thứ thường hoạt động theo cách mà chúng được thiết kế, một cách thống nhất, và theo thông số kỹ thuật của nhà máy, còn những chiếc oto đã qua sử dụng thì lại hoạt động một cách kỳ quặc. Chúng có những vết lõm, những bộ phận bị hỏng và những kiểu hoạt động kỳ lạ mà không cái nào được mô tả trong cuốn sách hướng dẫn của chủ sở hữu. Chủ những chiếc xe này cần học ngôn ngữ riêng của chúng. Họ phải học cách điều chỉnh sang trái nếu xe có xu hướng bẻ sang phải; họ biết rằng xe sẽ nóng lên nếu lái với tốc độ 70 dặm/giờ. Họ phải biết rằng đồng hồ đo xăng không báo lên xăng ngay cả khi bình xăng đầy. Tất cả chúng ta đều là những chiếc xe oto đã qua sử dụng—kỳ quặc, mang phong cách riêng, được điều chỉnh và bị sứt mẻ do kinh nghiệm sống. Biết cách hoạt động của đồng hồ đo xăng trong xe vẫn là chưa đủ. Bạn cần tìm hiểu cách nó hoạt động trong chiếc xe này. Mọi thứ làm những điều chúng phải làm, chứ không phải những điều mà chúng được thiết kế để làm.

Sự tiến bộ: Chặt cây vs. Cắt tỉa cây

Một số quá trình thay đổi tiến triển dần đều, với những thay đổi đáng chú ý ở từng giai đoạn trong cuộc sống. Còn những thay đổi khác thì liên quan đến một điểm bùng phát, khi mà mọi thay đổi có thể thấy được xảy ra cùng một lúc, thường là sau nhiều nỗ lực cố gắng tưởng như không mang lại kết quả. Cái trước là cắt tỉa cây. Với mỗi nhánh cây bạn cắt bỏ, cái cây trông khác đi. Sự tiến bộ diễn ra dần dần. Còn cái sau là chặt cây. Bạn dùng rìu chặt vào thân cây 50 lần, và cái cây trông vẫn như cũ, vẫn đứng đó như trước. Rồi sau đó đến lần chặt thứ 51, toàn bộ thân cây sụp đổ cùng một lúc.

Chăm sóc bản thân là một cây nến được thắp sáng  

Nhiều thân chủ, đặc biệt là những phụ nữ thường được xã hội hóa để trở thành người biết quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ người khác, rất mâu thuẫn về việc tự chăm sóc bản thân. Một sai lầm thường gặp là nhầm lẫn giữa tự chăm sóc bản thân với sự ích kỷ. Ích kỷ là khi bạn không chia sẻ những nguồn lực dồi dào của mình với người khác. Còn tự chăm sóc là khi bạn bảo vệ những nguồn lực của mình để không bị hủy hoại, để đảm bảo rằng bạn vẫn còn thứ gì đó để chia sẻ. Tự chăm sóc bản thân là nền tảng của sức khỏe tâm thần. Nói một cách ẩn dụ thì bạn không thể thắp sáng một cây nến từ một cây nến đã tắt. Để lan tỏa ánh sáng của bạn, trước tiên bạn phải bảo vệ nó đã.  

Cảm xúc là Thời tiết (nội tâm)   

Một kỹ năng cơ bản của sự khỏe mạnh tâm lý là biết chấp nhận cảm xúc. Nhiều khổ đau tinh thần là do con người cứ tìm cách chối bỏ, hắt hủi hoặc tránh né những trải nghiệm cảm xúc khó chịu. Nhìn chung thì những nỗ lực đó không những thất bại mà còn làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Một cái cây ngược hướng gió thì nhiều khả năng bị gãy đổ hơn cái cây xuôi theo chiều gió. Một cách để nghĩ về cảm xúc trong bối cảnh này là phép ẩn dụ về thời tiết. Tất nhiên, đây là một câu sáo rỗng nghe đến mòn tai—thời tiết. Song nó vừa mang tính phổ quát và trực quan, và rất thích hợp. Cảm xúc, cũng giống như thời tiết, là thực tế của thế giới, trong trường hợp này là thế giới nội tâm. Cảm xúc có thể thay đổi đột ngột và dữ dội, giống như thời tiết. Có một số cảm xúc mà chúng ta yêu thích hơn cảm xúc khác, cũng như với thời tiết vậy. Cũng như với thời tiết, thật vô nghĩa, và thường vô ích khi đối phó với nó bằng cách phủ nhận những gì đang là. Nếu ngoài trời đang có tuyết thì tôi sẽ không nói ‘Bây giờ không thể có tuyết rơi.’ Rõ ràng là có thể chứ, vì tuyết đang rơi ngoài trời. Giống như thời tiết, những cảm xúc mãnh liệt sẽ nhanh chóng qua đi. Giống như thời tiết ở các khu vực khác nhau trên thế giới, những cá nhân khác nhau thì có những vùng và phạm vi cảm xúc khác nhau. Cảm xúc, giống như thời tiết, đòi hỏi sự chuẩn bị và kỹ năng quản lý tốt. Nếu bạn không biết cách ứng phó với tuyết thì bạn có nhiều khả năng bị thương khi gặp bão tuyết. Giống như thời tiết, cảm xúc mặc dù luôn là một phần trong cuộc sống của bạn, nhưng không nhất thiết phải là tâm điểm. Thời tiết là thứ gì đó mà chúng ta chung sống, chứ không phải thứ mà ta phải sống vì nó. Giống như cảm xúc, thời tiết đôi khi có thể làm ta choáng ngợp, hoặc làm đảo lộn kế hoạch của chúng ta (chủ yếu vì chúng ta từng chối bỏ nó). Nhưng chẳng có cách ứng phó hiệu quả nào với thời tiết mà lại bao gồm việc phủ nhận sự tồn tại của nó.

Ý thức là trang nhất của Tờ báo     

Bộ não của chúng ta mang thành kiến theo nhiều cách khác nhau xét ở cấp độ phần cứng tiến hóa. Dưới áp lực của chọn lọc tiến hóa, một số khuynh hướng phản ứng được lựa chọn hơn những khuynh hướng khác. Nhịp tim của ta tăng lên khi ta gặp phải những thứ mới lạ. Sự chú ý của chúng ta bị thu hút vào chuyển động. Chúng ta thích đồ ngọt. Một đặc tính nữa đó là bộ não có khuynh hướng tập trung lâu vào những gì rắc rối, mối đe dọa, và bạo lực. Điều này liên quan đến thực tế là bất kỳ hệ thống dò tìm nào cũng có thể phạm phải hai lỗi: quên báo động hoặc báo động sai. Hai lỗi này được liên kết với nhau ở chỗ quyết định tránh né cái này luôn làm tăng cái kia. Một quyết định muốn tránh quên báo động bằng mọi giá sẽ dẫn đến nhiều báo động sai, và ngược lại. Nếu chúng ta muốn đảm bảo rằng không có người vô tội nào bị cầm tù (báo động sai), chúng ta sẽ có rất nhiều tội phạm ngoài kia được tự do (quên báo động).

Logic tiến hóa rất rõ ràng. Chúng ta không thể bỏ sót một mối nguy hiểm hay đe dọa vì ngay cả một lần bỏ sót như vậy có thể khiến ta bị diệt vong. Do đó, tiêu điểm chú ý ngay tức thì của chúng ta được hiệu chỉnh để tránh bỏ sót, và chấp nhận nhiều báo động sai. Như nhà tâm lý học Rick Hanson từng nói, “Bộ não giống như Velcro đối với trải nghiệm tiêu cực, nhưng lại là Teflon đối với những trải nghiệm tích cực.” Hệ thống này được tiến hóa vào thời điểm mà cuộc sống quả thực là đầy nguy hiểm, và việc sống sót là thử thách chính của chúng ta. Nhưng hiện tại chúng ta vẫn dùng nó ngay cả khi sự phát triển, thay vì chỉ tồn tại, mới là thách thức chính đối với hầu hết chúng ta. Để giữ cho ta được an toàn, não bộ cũng khiến chúng ta hầu như liên tục cảnh giác, mà điều này lại không tạo điều kiện cho ta phát triển.

Để phát triển mạnh, chúng ta cần chỉnh sửa những thành kiến đã được tích hợp vào hệ thống. Tức là, chúng ta cần tập cho bản thân chú ý đến cả những điều tích cực và tốt đẹp. Một ẩn dụ thường hiệu quả ở đây là xem não bộ của bạn như một nhật báo. Bạn thường chú ý ngay lập tức vào trang nhất, thường là trang đăng đầy những khủng hoảng, báo động, và tình trạng bất an. Nếu chỉ đọc trang nhất, bạn sẽ tin chắc rằng mọi thứ hủy diệt loài người đang gần kề. Trang nhất lúc nào cũng hét lên “giết người,” ngay cả khi tỷ lệ giết người trên thực tế đang đi xuống. Nhưng nếu bạn đọc các phần bên trong, bạn đọc đến phần khoa học, nơi trình bày số liệu thống kê về tỷ lệ giết người; bạn cũng có thể tìm hiểu về nghệ thuật nâng cao tinh thần, những con người thú vị, những địa điểm đẹp, giải trí, thể thao và thức ăn ngon. Nếu chỉ đọc trang đầu, bạn sẽ có một bức tranh hoàn toàn sai lệch về thế giới. Và bạn bỏ lỡ một số công thức nấu ăn tuyệt vời.

 

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/nz/blog/insight-therapy/201710/avoidance-is-heroin-metaphors-in-and-out-therapy

Thế giới bản tin | Vina Aspire News
Vina Aspire – Vững bảo mật, trọn niềm tin

Nguồn : https://tamlyhoctoipham.com/hanh-vi-tranh-ne-cung-giong-nhu-heroin-nhung-phep-an-du-trong-va-ngoai-tri-lieu-tam-ly

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ