Các công ty viễn thông, internet Việt Nam được tin tặc “ưu tiên”
Đó là khẳng định của giới Bảo mật Việt Nam, được trình bày tại Hội nghị quốc tế về phòng chống mã độc toàn cầu lần thứ 18 – AVAR 2015 được tổ chức tại Đà Nẵng. Với quy mô quốc tế về an toàn thông tin, hội nghị này được lần đầu tiên tổ chức với chủ đề Kỷ nguyên Chiến tranh mạng – The Age of Cyber Warfare”.
Đại diện cho giới Bảo mật Việt Nam trình bày tại Hội nghị năm nay là hai chuyên gia Nguyễn Lê Thành & Nguyễn Phi Kha đến từ nhóm VNSECURITY. Hai diễn giả đã có bài chia sẻ chi tiết về một số hoạt động tấn công, bao gồm kỹ thuật tấn công, các công cụ, các phần mềm độc hại được sử dụng đồng thời thuyết minh về các kỹ thuật hữu ích, các công cụ để phát hiện và phân tích mã độc. Có thể thấy, Việt Nam hiện vẫn đang là mục tiêu của các cuộc tấn công có chủ đích, tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn thấy chi tiết về các cuộc tấn công như vậy.
Các cuộc tấn công nhắm đến mục tiêu là các tổ chức viễn thông, Internet hàng đầu tại Việt Nam trong nhiều năm liền. Hầu hết các cuộc tấn công đều được vận hành chuyên nghiệp, tinh vi và được hậu thuẫn bởi các tổ chức chuyên nghiệp. Tuy nhiên hầu hết các tổ chức tại Việt Nam hoặc là không nhận thức được các cuộc tấn công, hoặc là không có giải pháp để phát hiện và ngăn chặn.
Mikko Hypponen – một trong những “huyền thoại” về An ninh An toàn Thông tin của thế giới đã có bài diễn thuyết với chủ đề: “Bảo vệ cho tương lai”. Ông Mikko Hypponen đặc biệt nhấn mạnh về các mối nguy cơ đang de dọa an toàn mạng và ảnh hưởng của chúng trong tương lai tới Chính phủ mạng, các dạng khủng bố và tội phạm mạng. Từ đó, ông đã đưa ra các xu hướng an ninh cần bảo vệ cho tương lai như vấn đề giao thông, ứng dụng Internet of Things và đồng tiền ảo….
Theo ông Triệu Trần Đức – Chủ tịch AVAR 2015, Tổng Giám đốc CMC InfoSec: “Hội nghị AVAR 2015 đã là nơi kết nối, giúp cho các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam có được cơ hội gặp gỡ các chuyên gia Bảo mật tầm cỡ quốc tế và giúp người dùng Internet nói chung nhận thức đầy đủ hơn về tính hai mặt của Internet. “Internet không chỉ đem lại vô vàn lợi ích về giải trí, học tập, Chính phủ điện tử… mà Internet còn rất không an toàn, không an toàn với mọi thành phần tham gia – trải rộng từ thiết bị cá nhân đến hạ tầng Chính phủ”.
Hội nghị quy tụ hơn 150 chuyên gia hàng đầu về An ninh mạng, các Giám đốc Công nghệ, Giám đốc Bảo mật, các Phó Chủ tịch phụ trách An toàn Thông tin đến từ 50 hãng sản xuất phần mềm chống mã độc danh tiếng nhất thế giới như Intel (McAfee), Symantec, Kaspersky, Microsoft, BitDefender, Huawei, Baidu,…
AVAR là tên viết tắt của Hiệp hội các Nhà nghiên cứu mã độc Châu Á (Anti-Virus Asian Researchers Association), quy tụ khoảng hơn 200 thành viên gồm nhiều chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực Bảo mật Thông tin trên toàn thế giới như: Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Anh, Ấn Độ… Công ty CP An ninh An toàn Thông tin CMC (CMC INFOSEC), đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghệ CMC, là thành viên Việt Nam duy nhất của Hiệp hội. Đồng thời ông Triệu Trần Đức – Tổng Giám đốc CMC InfoSec đảm nhiệm vị trí Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng là Trưởng ban tổ chức Avar 2015 lần thứ 18.
ThegioiBantin.com
Bùi Đình Giang