Máy tính Hạ viện Nhật bị tấn công
Tin tặc nhằm vào những thông tin liên quan đến chính sách đối ngoại và quốc phòng của Nhật Bản trong cuộc tấn công hệ thống máy tính của hạ viện nước này |
Một mạng lưới máy tính của Hạ viện Nhật Bản đã trở thành mục tiêu của các vụ tấn công trên mạng xuất phát từ một máy chủ ở Trung Quốc. Theo báo Asahi Shimbun ngày 25-10, các vụ tấn công bắt đầu vào tháng 7 nhưng chỉ được báo cáo cho nhà chức trách vào cuối tháng 8.
Không dễ xác định thủ phạm
Thông qua cuộc tấn công, bọn tội phạm dùng virus máy tính để đánh cắp mật khẩu và có thể đã đọc được e-mail của các nghị sĩ trong 1 tháng. Những thông tin họ nhằm vào có thể liên quan đến chính sách đối ngoại và quốc phòng của Nhật Bản. Người phát ngôn chính phủ Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết ông không biết gì về vụ tấn công nhưng chính phủ đang điều tra nó. Ông Fujimura tuyên bố: “Nếu hành vi phạm tội được xác nhận, cảnh sát sẽ xử lý nghiêm khắc vụ việc này”.
Máy tính đầu tiên bị nhiễm virus đã kết nối với máy chủ ở Trung Quốc nhưng không dễ để xác định ai là kẻ đứng sau vụ việc vì bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận máy chủ này. Ngoài ra, theo báo Asahi Shimbun, có khả năng máy chủ Trung Quốc nói trên đã bị kiểm soát bởi một nước thứ 3.
Trụ sở Công ty Mitsubishi Heavy Industries Ltd. ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: REUTERS
Vào cuối tháng rồi, công ty Mitsubishi Heavy cho biết 83 máy tính tại 11 cơ sở của họ đã bị tin tặc tấn công nhưng khẳng định không xảy ra bất kỳ sự rò rỉ nào về dữ liệu liên quan đến các sản phẩm và công nghệ của công ty.
Tăng cường an ninh mạng
Dù vậy, báo Asahi Shimbun hôm 24-10 cho biết kết quả các cuộc kiểm tra thêm được tiến hành sau đó đã phát hiện dấu vết của các hoạt động chuyển giao dữ liệu trên một số máy tính của công ty. Những dữ liệu này liên quan đến một số loại máy bay chiến đấu, trực thăng mà công ty đang sản xuất cho Bộ Quốc phòng Nhật Bản và những thông tin về nhà máy điện hạt nhân. Theo bài báo, nhiều khả năng có ai đó tấn công máy tính của Mitsubishi Heavy để lấy cắp dữ liệu quan trọng.
Hiện chưa rõ liệu những dữ liệu quốc phòng bị xâm hại tại Mitsubishi Heavy, trong đó có thông tin về máy bay chiến đấu, trực thăng và những thiết bị khác được Bộ Quốc phòng Nhật Bản đặt hàng sản xuất, có phải là những thông tin nhạy cảm hay không. Người phát ngôn bộ này nói cho đến giờ họ chưa rõ về việc có bí mật quốc phòng nằm trong số những thông tin bị rò rỉ tại Mitsubishi Heavy hay không. Trong khi đó, người phát ngôn của Công ty Mitsubishi Heavy từ chối bình luận về vụ việc vì cho rằng cuộc điều tra vẫn tiếp diễn.
Các đối thủ của Mitsubishi Heavy là IHI Corp và Kawasaki Heavy Industries cũng tiết lộ họ nhận được những e-mail đáng ngờ. Trong khi đó, một nhà thầu của Mitsubishi Heavy đang kiểm tra xem các dữ liệu nhạy cảm của công ty có bị xâm phạm hay không.
Chính phủ Nhật Bản đang có những động thái tăng cường an ninh mạng theo sau vụ tấn công tại Mitsubishi Heavy. Báo Nikkei cho biết Tokyo sẽ thiết lập một khuôn khổ cho việc chia sẻ thông tin bị đánh cắp giữa tổ chức chính phủ và tư nhân. Mitsubishi Heavy, IHI Corp, Kawasaki Heavy Industries, Toshiba Corp, Hitachi Ltd., Fujitsu Ltd., NEC và những công ty khác sẽ tham gia vào khuôn khổ này.
Theo Baomoi