Người dầu khí giữa tâm dịch nơi đất khách – Kỳ 1
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hàng nghìn người lao động dầu khí đã và đang bị kẹt lại ở nước ngoài. Vượt qua nỗi lo lắng, sợ hãi để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trở về với gia đình, với quê hương, đất nước, thật sự là cả một hành trình đầy cam go của nghị lực và bản lĩnh thép.
Kỳ 1: Không biết đến ngày về
Đầu tháng 3-2020, như thường lệ, nhóm các cán bộ, nhân viên của giàn PV DRILLING II Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) sang Malaysia để đổi ca làm việc. Anh Nguyễn Huy Tú – thuyền trưởng (Barge Captain) giàn PV DRILLING II – kể lại “Khi đó dịch Covid-19 đã xuất hiện nhưng không ai nghĩ dịch sẽ bùng phát một cách nhanh chóng nên mọi người không chuẩn bị tâm lý trước, cứ nghĩ đi hết ca rồi về”.
Người lao động PV Drilling và nhà thầu Malaysia trên giàn PV DRILLING II |
Từ ngày 18-3, để ngăn chặn dịch bệnh, Chính phủ Malaysia áp lệnh phong tỏa toàn quốc, phong tỏa biên giới, giới hạn đi lại, cấm người nước ngoài vào, cấm xuất cảnh. Đến lúc này, mọi người cảm thấy lo lắng, nhưng cũng chỉ nghĩ rằng chắc khoảng 2 tuần rồi mọi thứ sẽ nới lỏng. Gần hết 2 tuần, lệnh cấm lại tăng thêm 2 tuần nữa, rồi 2 tuần nữa, thậm chí có lúc tăng lên 4 tuần, đến tháng 5, tháng 6, bao nhiêu lần hy vọng được về nước rồi lần lượt tan biến…
Anh Tú nhớ lại, thời gian đó, anh em đều rất lo lắng, trông ngóng, dò hỏi thông tin, xem có cách gì để về nước không bởi chưa bao giờ đi làm lâu như thế, 5-6 tháng trời. Đồng thời, dịch bệnh rất căng thẳng, quá tải cơ sở điều trị, ai cũng lo cho bản thân mình nơi đất khách quê người lỡ không may mắc bệnh, không biết có được chữa trị giống như ở Việt Nam hay không? Rồi thời điểm dịch bệnh cao trào ở Việt Nam, còn thêm nỗi lo lắng cho gia đình ở nhà. Không những vậy, công việc lúc đấy lại đè nặng lên tâm lý. Chế độ làm việc trên giàn khoan thường 4 tuần làm, 4 tuần nghỉ, cứ lặp đi lặp lại. Nhưng giai đoạn đó, do Malaysia phong tỏa biên giới nên không có người thay ca, những người bị kẹt ở lại phải cáng đáng công việc nhiều tháng trời. Tính chất công việc trên giàn khoan lại khá căng thẳng, áp lực, thời gian làm việc 12 giờ mỗi ngày, cho nên việc kéo dài thêm thời gian làm việc gia tăng áp lực khá lớn cho người lao động. Do đó, bảo đảm an toàn, thông suốt công việc là thách thức không nhỏ với người quản lý cũng như anh em trên giàn.
Anh Nguyễn Huy Tú (trái) cùng đồng nghiệp Malaysia trên giàn PV DRILLING II |
Cũng bị kẹt lại Malaysia giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ và lan rộng, kỹ sư Mai Hải Đăng – quản lý tàu chứa FSO GOLDEN STAR thuộc Công ty CP Dịch vụ Khai thác Dầu khí PTSC (PPS) – kể lại: Ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, anh cùng 6 kỹ sư lên đường sang Malaysia để tham gia dự án hoán cải tàu dầu thành tàu chứa FSO. Trong nhóm của anh có kỹ sư sinh năm 1983 mới cưới vợ ngày 12-3-2020 thì ngày 15-3-2020 lên tàu nhận nhiệm vụ. Vợ Hải Đăng lúc đó cũng đang mang thai, dự sinh vào tháng 9-2020.
Nhiệm vụ của nhóm kỹ sư PPS trong chuyến công tác này là làm quen với hệ thống thiết bị vận hành, chạy thử tàu, tiếp nhận bàn giao và đưa tàu về lắp đặt tại mỏ. Theo kế hoạch, thời gian dự kiến hoàn thành và lai dắt tàu về nước là 21-6-2020. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 buộc nhiều nước phải triển khai các biện pháp phòng chống quyết liệt như: Cấm tụ tập nơi đông người, phong tỏa khu dân cư, cấm bay, cấm nhập cảnh… Lúc này, ngoài việc làm theo sự hướng dẫn của Chính phủ Malaysia để phòng tránh dịch, Mai Hải Đăng cùng cộng sự còn phải đối diện với một loạt khó khăn khác trong công việc. Tất cả các bộ phận của tàu đã và đang tháo rời để sửa chữa, bảo dưỡng và hoán cải thay đổi công năng. Do dịch bệnh, các chuyên gia nước ngoài được mời thầu tham gia dự án đã không thể sang Malaysia. Công việc chậm tiến độ, không tính toán được thời gian hoàn thành.
Mai Hải Đăng chia sẻ: “Khi dịch bệnh ập đến, chúng tôi được lãnh đạo từ Việt Nam điện đàm sang động viên và trấn an tinh thần. Thật sự, lúc ấy chúng tôi rất hoang mang vì mỗi ngày Malaysia có hàng trăm ca mắc Covid-19. Ngoài đường, xe cứu thương liên tục hú vang, chạy ngày đêm. Bảy anh em chúng tôi tuy ở cùng một khu nhưng không thể gặp nhau vì phải tự ý thức mức độ nguy hiểm nên đã cách ly lẫn nhau. Với dịch bệnh, dẫu luôn nâng cao sự phòng bị nhưng cảm giác hồi hộp, lo lắng vẫn bao trùm mọi người. Mỗi lần nghe thấy ai đó trong khu vực bến tàu bị sốt nóng, nghi nhiễm Covid-19 là anh em như ngồi trên đống lửa. Bởi chúng tôi là người nước ngoài, mỗi ngày tăng thêm mấy trăm ca nhiễm mới như thế thì việc chữa trị tại Malaysia sẽ như thế nào?”.
Mai Hải Đăng (thứ hai từ trái sang) cùng nhóm kỹ sư PPS/PTSC trong thời gian bị kẹt lại ở Malaysia do dịch Covid-19 |
Được biết, sau khi đóng cửa biên giới, ai muốn về Việt Nam thì mỗi tháng chỉ có duy nhất 1 chuyến bay nhân đạo. Đây là chuyến bay chở trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau, du học sinh không có nơi lưu trú do trường học và ký túc xá đóng cửa, người lao động hết hạn thị thực và hợp đồng lao động, cùng một số khách du lịch bị kẹt lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Số lượng người đăng ký rất đông, danh sách dài dằng dặc. Việc về nhà, về quê hương, về đất nước lúc này là một điều xa xỉ ngay cả khi có tiền trong tay. Đồng tiền khi ấy trở nên vô nghĩa, không có giá trị. Trước đây, cứ hết ca là được về, nhà có việc cũng được về, còn bây giờ không biết ngày về…
(Còn tiếp)
Thegioibantin.com | VinaAspire News