Vài kỷ niệm về căn cứ dịch vụ dầu khí Vũng Tàu

0
Sau năm 1975, công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam được triển khai, một số công ty tư bản tiến hành hoạt động ở các lô thềm lục địa thì công tác dịch vụ phục vụ cho các hoạt động này bắt đầu hình thành.

Ông Lê Quang Trung

Từ những năm 1978-1980 với sự tài trợ của Chính phủ Na Uy, Tổng cục Dầu khí đã xây dựng cơ sở dịch vụ tại Vũng Tàu để làm dịch vụ cho các công ty Bow Valley, Deminex, Agip thăm dò dầu khí ở một số lô trên thềm lục địa Việt Nam. Năm 1979, Quốc hội quyết định tách thị xã Vũng Tàu ra khỏi tỉnh Đồng Nai, thành lập đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo để tạo điều kiện xây dựng các ngành dịch vụ dầu khí. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nhấn mạnh, vì sự nghiệp dầu khí mới thành lập, đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, Đảng bộ và nhân dân đặc khu phải hoàn thành tốt nhiệm vụ dầu khí, phải chân thành hợp tác với Liên Xô, làm việc vì tương lai dầu khí của đất nước.

Những ngày đầu xây dựng căn cứ dịch vụ tổng hợp trên bờ, khó khăn và thiếu thốn trăm bề, đơn giản nhất như dịch vụ đời sống, ăn uống, phương tiện đi lại, trụ sở làm việc của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, chỗ ở cho chuyên gia Liên Xô, kể cả cho đội ngũ người làm dầu khí… đều thiếu. Thời điểm đó, đích thân các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng cục Dầu khí, các bộ, ngành đã thường xuyên về thăm hỏi và làm việc với Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, với lãnh đạo đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo để kịp thời giải quyết những khó khăn ách tắc trong công việc.

Đó là thời kỳ thiếu thốn trăm bề, nhưng nhận được sự hỗ trợ vô điều kiện. Thiếu thợ bậc cao chuyên ngành Dầu khí thì đề nghị Tổng cục Dầu khí điều động từ Công ty Dầu khí I Thái Bình sang, tất nhiên số lượng không có nhiều. Để có lực lượng xây dựng, Bộ Quốc phòng đã điều động Binh đoàn 318 về Vũng Tàu. Hình ảnh hàng nghìn sĩ quan, chiến sĩ Binh đoàn 318 ngâm mình dưới sình lầy, nhổ từng cây sú vẹt, san lấp mặt bằng khu vực cảng, sẽ còn đọng lại mãi trong tâm trí mọi người về tinh thần lao động quên mình vì tương lai ngành Dầu khí của đất nước. Sau những ngày tháng lao động gian khổ, vất vả, bãi sú vẹt sình lầy hoang hóa ven cửa sông Dinh đã được bàn tay của những người lính Binh đoàn 318 dọn dẹp, cải tạo để rồi sau này mọc lên những công trình dầu khí hiện đại.

Ở Vũng Tàu lúc đó đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, lao động cải tạo, xây dựng lại thành phố, chuẩn bị đón tiếp chuyên gia Liên Xô, đón tiếp lực lượng cán bộ, công nhân dầu khí từ miền Bắc vào Vũng Tàu xây dựng Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro.

Cả nước lúc này dồn sức cho dầu khí, cho việc xây dựng căn cứ dịch vụ tổng hợp trên bờ. Trong thời kỳ đầu, các thanh giằng, các khớp nối của hai giàn khoan cố định đầu tiên đều được nhập từ Bacu, nhưng với sự trưởng thành nhanh chóng của lực lượng xây lắp Việt Nam trong Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, của Bộ Xây dựng (Công ty Lắp máy 18-3) từ giàn MSP-3, những thành giằng được cắt nối tại Việt Nam và sau đó các khớp nối cũng được chế tạo tại Vũng Tàu và từ các giàn MSP-4, MSP-5 trở đi các phần của chân đế giàn khoan cố định được chế tạo và lắp ráp tại bãi lắp ráp giàn khoan của Xí nghiệp Liên doanh.

Chiều trên cảng Dầu khí Vũng Tàu (ảnh: Hữu Ngọt)

Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ và tham gia của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, trong đó có đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, sau này là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sự hợp tác tích cực của phía Liên Xô, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã xây dựng gần như hoàn chỉnh căn cứ dịch vụ tổng hợp trên bờ – một căn cứ dịch vụ sản xuất lớn, bảo đảm dịch vụ cho công tác khoan, lắp ráp các cấu kiện kim loại, cung cấp vật tư, hậu cần, bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường vùng mỏ.

Những công trình chính trong căn cứ tổng hợp gồm: Cảng chuyên dùng với chiều dài cầu cảng là 1.300m, bảo đảm cho tàu có trọng tải 1 vạn tấn cập bến an toàn, bãi lắp ráp cấu kiện kim loại (chân đế giàn khoan, block modul), bãi sửa chữa thiết bị khoan, khai thác, căn cứ đội tàu, hệ thống kho bãi cung ứng vật tư cho các công trình biển và các công trình sản xuất khác cần thiết (công suất 150.000 tấn/năm), trạm phát điện 4,2MW, trạm sửa chữa cơ điện, trung tâm phòng chống cháy và bảo vệ môi trường, căn cứ vận tải ôtô, y tế…

Phải khẳng định, công tác dịch vụ phát triển mạnh mẽ nhất là từ 1986, khi Liên doanh Dầu khí Việt – Xô bắt đầu khai thác dầu ở thềm lục địa Nam Việt Nam. Trừ Cục Dịch vụ thuộc Liên doanh Việt – Xô, các đơn vị dịch vụ kỹ thuật, đời sống nhập thành Công ty PSC, Công ty Địa vật lý và dịch vụ dầu khí sau này thành Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC).

Nhờ có căn cứ dịch vụ tổng hợp mà trong giai đoạn 1981-1990, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã khoan được trên 300.000m khoan các loại, kết thúc thi công 81 giếng khoan, trong đó có 22 giếng khoan thăm dò, gia công 75.000 tấn kết cấu kim loại, xây dựng 7 giàn cố định, lắp đặt 1 trạm rót dầu không bến và 56km đường ống ngầm nội bộ mỏ.

Căn cứ dịch vụ tổng hợp này là nền tảng quan trọng bảo đảm Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro hoàn thành các nhiệm vụ thăm dò, khai thác, không những cho giai đoạn 1986-1990, mà còn cho cả các giai đoạn tiếp theo. Nhờ có căn cứ dịch vụ tổng hợp này mà ngành Dầu khí có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đủ mạnh, chủ động đáp ứng được nhu cầu về dịch vụ nhiều mặt của hoạt động dầu khí trong điều kiện đất nước bị bao vây cấm vận.

Ngày nay dịch vụ dầu khí đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

—-

Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười sau khi vào Vũng Tàu thị sát đã ký quyết định cấp toàn bộ khu Khách sạn Lam Sơn cho Công ty Dịch vụ du lịch Dầu khí (OSC) thuộc Tổng cục Du lịch để phục vụ chuyên gia Liên Xô. Còn Bộ trưởng Đinh Đức Thiện đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thu hồi toàn bộ những khu nhà và đất mà quân đội đang quản lý như Khu Thông tin, Khu Chí Linh, Trường Thiếu sinh quân… để cấp cho dầu khí. Để có lực lượng xây dựng, Hội đồng Bộ trưởng đã điều động một số đơn vị xây dựng sang giúp dầu khí thiết kế, xây dựng như thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, các khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên, Biên Hòa, Đồng Nai và các nhà máy Cơ khí Hà Nội, Cơ khí Trần Hưng Đạo, Xí nghiệp Xây lắp điện Vinh… đã chuyển hàng trăm kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao sang dầu khí.

Thegioibantin.com | Vina Aspire News

Tác giả: Lê Quang Trung (Nguyên bí thư Đảng ủy Vietsovpetro)

Nguồn: petrotimes.vn/vai-ky-niem-ve-can-cu-dich-vu-dau-khi-vung-tau-500726.html

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ