Thành phố Hải Phòng: Thời gian không chờ đợi
Hải Phòng có một vị trí vô cùng quan trọng trong qui hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả vùng Bắc Bộ, có vai trò then chốt trong chiến lược bảo vệ an ninh quốc phòng của Tổ quốc. Và trên thực tế, Cảng Hải Phòng được hình thành hơn 130 năm nay, đầu mối ra biển của cả vùng phía bắc và cũng là thành phố lớn thứ ba đất nước từ lâu nay, sau Hà Nội và TP.HCM.
Người khổng lồ dần tỉnh giấc
Mặc dù có một vị trí địa lý hết sức thuận lợi và có một lịch sử phát triển cảng lâu đời như vậy, nhưng trong những năm qua Thành phố không phải là địa phương có tốc độ phát triển cao, chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn của thế giới cũng như trong nước. Cách đây vài năm, diện mạo thành phố hầu như không thay đổi gì so với hàng thập kỷ trước. Người dân chỉ loay hoay làm ăn nhỏ phục vụ cho khu vực cảng và được làm việc trong Cảng là cơ hội tốt. Có tiếng là thành phố lớn, nhưng rất nhiều người sinh ra nơi đây vẫn chuyển đi nơi khác làm ăn, thành đạt tại nơi đất khách quê người và thậm chí rất có tiếng tăm trong nước và cộng đồng kiều bào, nhưng lại ít quay về thành phố đầu tư.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn tại Liên doanh đóng tàu Damen Sông Cấm.
Câu hỏi đặt ra là vì sao vậy. Vì cơ chế, vì cơ sở hạ tầng hay vì con người chưa phù hợp với sự đổi mới mạnh mẽ của cơ chế thị trường. Tất cả đều đúng. Hạ tầng cứng của Hải Phòng chưa đủ tầm để vươn lên. Đường từ Cảng Hải Phòng ra đường 5 nối Hà Nội nhỏ, luôn tắc nghẹt, các cảng manh mún chỉ hơn chục cây số mà có gần 40 công ty kinh doanh cảng biển. Hạ tầng mềm cũng vây, nguồn nhân lực chủ yếu đào tạo tại địa phương còn những quy định thủ tục hành chính, hải quan luôn là sự phàn nàn của khách hàng. Trong khi đó, thành phố không có nguồn kinh phí để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Tất cả nguồn thu từ xuất nhập khẩu quanh cảng biển được chuyển về trung ương còn thu từ địa phương chỉ đủ để chi phí thường xuyên.
Thăm Nhà máy LG.
Con đường duy nhất là phải hội nhập, hội nhập quốc tế và hội nhập ngay cả trong nước. Làm thế nào để thay đổi được suy nghĩ của các nhà đầu tư là thay vì bỏ vốn vào nước này nước kia, tỉnh này tỉnh nọ mà là về với Hải Phòng. Gần cảng biển vẫn là ưu thế hơn hẳn mọi suy tính về chi phí vận chuyển nếu như nhà đầu tư muốn xuất nhập khẩu sản phẩm của mình. Cơ sở hạ tầng cảng biển phải được nâng cấp đồng bộ. Đó là đường sá, thủ tục thông quan và đội ngũ phục vụ phải chuyên nghiệp. Đó là công tác xúc tiến đầu tư, thương mại trực tiếp cũng như qua con đường ngoại giao, tức là ngoại giao kinh tế. Hải Phòng đã bắt đầu làm và gần đây đã đạt được một số kết quả quan trọng. General Electric (GE), nhà sản xuất động cơ, điện hàng đầu của Mỹ; Bridgestones, công ty sản xuất lốp tên tuổi của Nhật; LG, đối thủ thiện chiến trên thương trường hàng gia dụng, điện tử của Hàn Quốc; và Damen, đại gia Hà Lan trên thị trường đóng tàu thế giới đã có mặt tại Hải Phòng.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn tặng quà cho Cảnh sát biển 1.
Những nhà đầu tư khổng lồ này với số vốn đầu tư hàng tỷ đô la cùng với chiến lược xuất khẩu hầu hết các sản phẩm chắc chắn sẽ kéo theo nhiều nhà đầu tư, nhà cung cấp các sản phẩm phụ trợ trong tương lai. Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài, một số nhà đầu tư trong nước đang chờ đợi những cơ hội để tiến về Hải Phòng. Vingroup với ông chủ đứng số một trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang nhăm nhe mua phần lớn cổ phần của Cảng Hải Phòng một khi Nhà nước thoái vốn ở đây, và cùng với đó là bỏ tiền vào Đảo Phú Yên nhằm biến nơi đây như một VinPearl thứ hai trên đất Bắc. Triển vọng rất tươi sáng nhưng thách thức cũng không nhỏ, đặc biệt là tiến độ của các công trình hạ tầng và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Một đại công trường
Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, Hải Phòng hiện nay như một đại công trường, các dự án cơ sở hạ tầng được triển khai mạnh mẽ từ khắp các hướng cũng như các loại hình. Về phía tây, con đường cao tốc Hải Phòng – Hà Nội đang tăng tốc và sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2015, Về phía bắc, đường cao tốc Hải Phòng-Hạ Long đang khẩn trương thực hiện, rút ngắn tới di sản thiên nhiên thế giới hàng chục cây số, Về phía đông, Cảng quốc tế Lạch Huyện đang nỗ lực xây dựng để nhắm tới mục tiêu tiếp nhận các loại tàu có tổng công suất từ 70 đến 120 triệu tấn cùng với con đường thông từ Lạch Huyên tới Cảng Đình Vũ đã có. Rồi sân bay Cát Bi với đường bay dài hơn và Nhà ga mở rộng có thể đón các máy bay cỡ lớn và lượng khách thông qua lên đến 4 triệu lượt đang gấp rút hoàn thành.
Thăm Cảng Hải Phòng.
LG hiện đang sử dụng vài ngàn công công nhân nhưng sắp tới từ năm 2017 đến 2023 sẽ tuyển khoảng 8-10.000 công nhân, Damen, Cảng Lạch Huyện, Đình Vũ giai đoanh 2 sẽ thu hút hàng vạn nhân công chất lượng cao là bài toán không đơn giản với Thành phố. Sự liên kết với các tỉnh lân cận như Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh để hình thành các trường đại học, trung tâm đào tạo nghề đang được hình thành. Những kế hoạch đào tạo đội ngũ quản lý cao tại các cơ sở cảng biển có tiếng ở nước ngoài như Canada, Hà Lan, Nhật đã bắt đầu triển khai.
Ở bất cứ chiến lược phát triển trong vùng nào như Tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; Hai vành đai, một vòng cung, hay Hợp tác phát triển Vịnh Bắc bộ mở rộng, Hải Phòng luôn là một cửa ngõ trung chuyển vô cùng quan trọng. Hội nhập quốc tế đang ngày càng trở nên sâu rộng, nơi nào biết tận dụng các cơ hội do mở cửa đem lại, nơi đó sẽ thành công. Có thể Hải Phòng xuất phát chậm, nhưng hy vọng sẽ tiến chắc bởi Thành phố có điều kiện rút ra bài học từ nhiều địa phương khác trong quá trình phát triển.
Nguồn: Thegioi & Vietnam, Tùng Lâm