Tiền công tác phí, tiền điện thoại của người lao động không chịu thuế TNCN
Tiền công tác phí, tiền điện thoại của người lao động có chịu thuế TNCN không?
Tiền công tác phí, tiền điện thoại của người lao động có chịu thuế TNCN không? là câu hỏi lâu nay của kế toán và doanh nghiệp. Mới đây Tổng cục thuế đã có công văn hướng dẫn việc tính thuế TNCN của những khoản thu nhập này. Kế toán thuế Centax xin chia sẻ với các bạn vấn đề này qua bài viết : Tiền công tác phí, tiền điện thoại của người lao động không chịu thuế TNCN
1. Tiền công tác phí, tiền điện thoại theo quy định Luật Thuế TNCN
– Tại tiết đ.4 Điểm 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn về các Khoản thu nhập không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN bao gồm:
“đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,… cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:
đ.4.1) Đối với cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, Hội, Hiệp hội: mức khoán chi áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
đ.4.2) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
đ.4.3) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực hiện theo quy định của Tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài.”
Theo quy định trên, tiền công tác phí, điện thoại là thu nhập không chịu thuế, nếu được quy định trong các văn bản sau:
- Hợp đồng lao động;
- Thỏa ước lao động tập thể;
- Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn;
- Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty,
Theo quy định tại Công văn 1166/TCT-TNCN ngày 21 tháng 3 năm 2016, khoản thanh toán cho công tác phí bao gồm:
- Tiền vé
- Tiền lưu trú,
- Tiền taxi
- Tiền ăn của các cá nhân đi công tác
Lưu ý :
- Công tác phí hoặc điện thoại là mức khoán chi
- Trường hợp đơn vị chi tiền điện thoại, công tác phí cho người lao động cao hơn mức khoán chi quy định thì phần chi cao hơn mức khoán chi quy định phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
2. Tiền công tác phí, tiền điện thoại theo quy định Luật Thuế TNDN
– Tại tiết 2.9 Điểm 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về các Khoản chi không được tính vào chi phí của doanh nghiệp bao gồm:
“2.9. Chi phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ Khoản chi khoán tiền đi lại, tiền ở, tiền phụ cấp….”
Theo quy định trên, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ những khoản chi cho công tác phí, điện thoại theo đúng mức khoán chi quy định. Trường hợp doanh nghiệp chi cao hơn mức khoán chi đã được quy định trong các văn bản của doanh nghiệp, thì phần vượt mức khoán chi không được tính vào chi phí được trừ.
Cục thuế Long An, cũng có công văn số 2714/CT-TTHT ngày 29/12/2015 hướng dẫn về tiền điện thoại cho người lao động. Mời các bạn cùng tham khảo:
Nội dung công văn số 2714/CT-TTHT ngày 29/12/2015 của Cục thuế Long An
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: www.centax.edu.vn