Yêu nước – Góc nhìn của Nguyễn Lân Hiếu

0 327

Câu chuyện của chúng tôi đang rôm rả thì tình cờ một người nhắc đến bãi Tư Chính. Tự nhiên tất cả đều chùng xuống.

Đó là trưa thứ hai đầu tuần rồi, tôi được mời dự buổi chia tay ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ hoạt động tại Việt Nam. Một bữa trưa giữa những người bạn nên tràn đầy niềm vui và tiếng cười. Chúng tôi nói với nhau về công việc, ẩm thực, chuyện học hành của các con đến thể thao, âm nhạc. Rồi có người nói đến Biển Đông, các khuôn mặt trên bàn tiệc đượm nỗi âu lo. Món cà tím tay cầm khoái khẩu của tôi bỗng dưng tựa như rơm như rạ.

Không phải chỉ người Việt chúng ta quan ngại vì sự việc phi lý gần bãi Tư Chính xảy ra ngay ở trong nhà mình, mà cả những người bạn Pháp – ở một nơi rất xa không liên quan chút nào về mặt địa lý hay chủ quyền – cũng vô cùng lo lắng. Họ lo vì một thái độ hành xử chưa từng có thông lệ quốc tế được lặp đi lặp lại một cách rất bài bản mấy năm vừa qua trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam – một tiền lệ hết sức xấu cho khu vực.

Tôi không tin và cũng chẳng muốn tin rằng bất cứ người Việt Nam nào có thể bình thản khi biết chắc một việc mình đang làm sẽ làm mất dù một tấc đất của Tổ quốc. Và chẳng một ai không sục sôi khi nghe tin đất nước bị xâm phạm dù nghĩa đen hay nghĩa bóng.

Yêu nước bao giờ cũng khó định nghĩa vì “nước” và “yêu” đều là hai khái niệm có phạm trù rất rộng. Nước là mảnh đất chôn nhau cắt rốn, nơi họ hàng tổ tông của chúng ta sinh cơ lập nghiệp hay chỉ là cuốn hộ chiếu màu xanh lá cây với hai chữ Việt Nam? Yêu nước là yêu mảnh đất ấy hay là yêu những con người cùng nòi giống, cùng tiếng nói với mình, những người cùng nơi mình sinh sống? Mỗi người có một cách hiểu khác nhau. Tôi xin không định nghĩa thay cho tất cả tình yêu này mà chỉ chia sẻ tình cảm của mình với Tổ quốc.

Khi còn nhỏ, cũng như bao đứa trẻ cùng thế hệ, chúng tôi được học những bài học vỡ lòng về tình yêu đất nước qua những câu thơ “yêu tổ quốc, yêu đồng bào”, “đất nước ta rừng vàng, biển bạc”, rồi những răn đe nghiêm khắc, câu chuyện cảnh giác trừng phạt kẻ phản bội tổ quốc. Lúc đó yêu nước là khái niệm khá rõ ràng, đó là sự tự hào dân tộc, yêu mến tất cả những người nói cùng ngôn ngữ với mình cũng như mọi điều xung quanh mình. Lớn lên một chút, khi được tiếp xúc nhiều hơn với thế giới đồng thời với khó khăn, bất cập trong thời bao cấp diễn ra hàng ngày, suy nghĩ đất nước mình đang sống không phải là “thiên đường” đã đến với tôi một cách hết sức tự nhiên. Lúc ấy, yêu nước chỉ còn gói gọn xung quanh những người yêu quý và những con đường, ngõ phố hàng ngày.

Trải nghiệm lớn nhất của tôi về tình yêu nước là lần xuất ngoại đầu tiên sang Pháp học nghề Y. Một sự choáng ngợp mà người ta hay gọi là cú sốc văn hóa khi đặt chân đến Paris hoa lệ. Sự hào hứng với những kỳ quan do con người và thiên nhiên tạo ra cộng với sự đầy đủ về vật chất hàng ngày đã làm tôi nghĩ đến một tổ quốc thứ hai. Nhưng thật nhanh sau đó, tôi đã nhận ra mình không thuộc về nơi này.

Những người bạn luôn mở mồm là “cảm ơn, xin lỗi”,  những bệnh nhân mà dùng tất cả vốn tiếng Pháp cũng không thực sự hiểu họ đến tâm can, những ngôi nhà xa hoa lộng lẫy hay đơn giản là món gan ngỗng thơm lừng cũng chỉ là những phút giây ngắn ngủi để ta tận hưởng.

Tôi không thuộc về nơi ấy. Tôi vẫn luôn là khách trong tim cũng như trong ánh mắt của những người bản xứ. Đất nước Việt Nam lúc ấy như là cái đích của con thuyền mà tôi đang cầm chèo, cố vượt bao con sóng để thành công trở về.

Cuộc sống cứ tiếp tục trôi đi, tôi thêm nhiều tuổi, cuốn theo “cơm áo gạo tiền”, cũng quên dần cảm giác ấy từ khi về nước. Mải “oằn oại” với những bức xúc gặp phải mỗi ngày nên quên đi cả những “yêu” và “nước”. Cảm giác “nghẹn nghẹn” chỉ xuất hiện khi đội bóng Việt Nam vượt qua bao khó khăn để đạt được chiến thắng ngoạn mục hay khi có cô, cậu học trò Việt được vinh danh giải cao trong các cuộc thi thế giới.

Ở lứa U50 của tôi bây giờ, yêu nước là bảo vệ những gì được coi là tốt đẹp trong quá khứ cũng như thúc đẩy những điều tử tế đang ngày càng hiếm hoi trong cuộc sống hôm nay. Từ những hành động rất nhỏ như bản thân không dùng túi nhựa đến những việc lớn như tham gia các dự án cộng đồng chống lũ, vượt nghèo, tôi đều nghĩ đến hai từ Việt Nam. Nhưng lo lắng cho đất nước không dừng lại khi xuất hiện thông tin những vùng biển, mảnh đất bị đầu độc bởi các dự án gây hại bất chấp tương lai, bởi những đại gia kiếm tiền bằng mọi giá. Và mối lo lắng ấy còn nhân lên gấp bội khi những “đại gia” ấy có thể không đến từ trong nước, và không mang kết nối tinh thần nào với mảnh đất này để thương yêu nó.

Tôi nghĩ nếu đã trải qua những cảm giác ấy, bạn cũng muốn nâng niu gìn giữ để đất nước mình tốt đẹp hơn. Vậy nên, “yêu nước” với tôi chính là biết nhận ra và từ chối những gì làm tổn hại mảnh đất này. Cứ vậy đi, không cần định nghĩa cầu kỳ lòng yêu nước vì nó đã có sẵn trong ta qua bao năm tháng. Tình yêu của tất cả mọi người, dù có định nghĩa là gì, đều quý giá như nhau.

Tác giả: Nguyễn Lân Hiếu

Thegioibantin.com | Vina Aspire News

Nguồn: https://vnexpress.net/goc-nhin/yeu-nuoc-3961557.html

Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ