Tại sao thái độ quan trọng hơn IQ?
Khi nói đến khả năng thành công, những người có trí thông minh hoặc tài năng xuất chúng thường được xếp trên phần còn lại một bậc. Tuy vậy, nghiên cứu mới đây của trường đại học Stanford lại đưa ra một nhận định khác. Theo nghiên cứu được tiến hành bởi Nhà tâm lý học Carol Dweck, thái độ có khả năng dự đoán thành công hiệu quả hơn IQ. Bạn bất ngờ chứ? Hãy tìm hiểu chủ đề này qua bài phân tích từ tiến sỹ Travis Bradberry, tác giả cuốn sách Emotional Intelligence 2.0 nổi tiếng.
Cụ thể, Carol Dweck đã phân chia những thái độ cốt lõi của con người thành hai nhóm: tư duy bất biến (fixed mindset) và tư duy phát triển (growth mindset). Với tư duy bất biến, bạn tin rằng bản thân bạn không thể thay đổi. Điều này tạo ra những vấn đề khi bạn gặp phải thách thức bởi bất kỳ việc nào có vẻ quá tầm xử lý của bạn có thể khiến bạn trở nên vô vọng và choáng ngợp. Bên cạnh đó, việc bạn luôn muốn được coi là thông minh, tài năng sẽ khiến bạn có xu hướng né tránh thử thách và bỏ qua những lời góp ý mang tính xây dựng hoặc thậm chí cảm thấy bị đe dọa bởi thành công của những người khác. Và nếu bạn có thực tài, bạn rồi cũng sẽ sớm thỏa mãn và đạt được ít hơn tiềm năng thực sự của mình.
Trong khi đó, những người có tư duy phát triển tin rằng họ có thể nỗ lực cải thiện. Họ có hiệu suất làm việc tốt hơn những người có tư duy bất biến, ngay cả khi họ chỉ sở hữu chỉ số IQ hạn chế hơn. Lý do là vì họ trân trọng những thách thức, coi đó là cơ hội cho họ học hỏi được những điều mới mẻ. Với họ, bất kỳ góp ý nào cũng đều quý báu và sự kiên trì, nỗ lực của chính bản thân mới là yếu tố quyết định thành công. Nói “Cần cù bù thông minh” cũng vì lẽ thế.
Thông thường, nếu bạn có một năng lực vượt trội nhất định – IQ cao là một ví dụ điển hình – bạn sẽ có thêm sự tự tin vào bản thân. Nhưng không hẳn vậy. Bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức và trở ngại trên con đường riêng của mình và IQ cao chỉ giúp bạn đánh giá và phân tích vấn đề chứ không đảm bảo cho bạn được một tâm lý vững vàng để có thể nhìn nhận tình hình một cách khách quan nhất.
Do đó, yếu tố mang tính quyết định liệu bạn có khả năng thành công cao không nằm ở cách bạn đối mặt với những cản trở và thất bại. Theo Carol Dweck, cách nhìn nhận thất bại của người có tư duy phát triển như sau:
“Thất bại là thông tin – chúng ta gắn mác “thất bại” cho nó nhưng thực sự nên là
“Cách này không đúng và tôi sẽ thử cách khác”.”
Nhưng bất kể bạn ở nhóm nào: bất biến hay phát triển, bạn vẫn có thể tạo ra những thay đổi và tạo dựng cho mình tư duy phát triển. Hãy tìm hiểu trong bài viết kỳ tới để biết được 7 lời khuyên để xây dựng tư duy phát triển cho bản thân.
Thegioibantin.com | Vina Aspire
Nguồn: Trginternational