Tuổi 25-30: Đừng làm vì đam mê, hãy làm vì tiền, thân là đàn ông, một là làm việc, hai là làm cha, ba là làm người
Tuổi 25-30, đâu là các vấn đề lớn phải đối mặt? Trước 30, làm thế nào để tạo nền móng vững chắc? Sau 30, làm sao để thật sự đột phá? Tại sao sai lầm 1 ở độ tuổi này, tương lai bạn sẽ phải trả giá bằng 10?
1. Ba vấn đề lớn mà tuổi 25-30 cần phải đối mặt
Vấn đề thứ nhất: Gia đình và trách nhiệm
Cho dù bạn muốn đối mặt hay không nhưng giai đoạn trưởng thành của bạn đã quyết định bạn phải gánh vác những trách nhiệm bằng với tuổi tác của mình.
Đa số mọi người đến độ tuổi này đều phải suy nghĩ một chút vấn đề gia đình. Nếu như bạn đã thành gia lập nghiệp, bạn cần phải tỉnh táo nhận thức được rằng: Rốt cuộc sự nghiệp của bạn phải phát triển thế nào mới có thể đảm bảo cho trách nhiệm chèo chống cả một gia đình của bạn?
Đến độ tuổi này, áp lực của bạn gia tăng gấp đôi, nhất là khi sự nghiệp bạn không đi lên thậm chí còn thụt lùi, nhiều lúc sẽ khiến bạn không còn tâm trí tìm kiếm một sự phát triển tốt hơn.
Rất nhiều người trong lúc nhảy việc luôn mang một mối quan tâm rất lớn: “Nếu như tôi đổi công việc mà thu nhập không cao bằng công việc hiện tại, vậy thì tôi vẫn còn làm lại công việc cũ dễ dàng chứ?” Nói thẳng ra là: “Tôi vẫn dám, vẫn có can đảm và dũng khí làm lại chứ?”
Cho nên muốn hành động thì phải nhân lúc còn sớm, nhân lúc trên vai bạn vẫn chưa có gánh nặng gia đình, thoải mái mà xông pha, nỗ lực hết mình tiến về phía trước, đây là lựa chọn duy nhất của bạn.
Xin đừng hưởng thụ sự an nhàn vào lúc này, nếu không thì, nửa đời sau này của bạn đều sẽ mãi mãi ngập trong “bị an nhàn”.
Vấn đề thứ hai: Sự tương xứng giữa năng lực và tuổi tác
Tại sao rất nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng người tài đều quy định rõ ràng kinh nghiệm làm việc phải 5 năm, 10 năm? Bởi vì thời gian làm việc đồng nghĩa với cấp bậc năng lực.
Cùng một công việc nhưng kinh nghiệm tích lũy, trách nhiệm và năng lực gánh vác giữa 5 năm và 10 năm là khác nhau.
Nếu như đi ngược lại với điều này, bạn sẽ không nhận được sự chấp nhận từ nhà tuyển dụng, đánh mất đi cơ hội tốt để phát triển sự nghiệp.
Nhưng cũng có trường hợp năng lực không tương xứng với độ tuổi. Rất nhiều người làm việc từ 3 đến 5 năm nhưng năng lực thậm chí không khác biệt lắm so với những người đã làm việc được 1 năm, cho nên lúc họ muốn tiến lên đột phá sự nghiệp sẽ gặp phải rất nhiều trở ngại.
Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:
Một là không ngừng nhảy việc, không tích lũy kinh nghiệm nhất định về mặt nào, không giỏi về một kĩ năng nhất định nào.
Hai là tuy đã tích lũy thời gian dài về một mặt nhất định, nhưng chỉ tiến bộ trong vòng 1 năm, những năm còn lại đều chỉ làm đi làm lại, dậm chân tại chỗ.
Cho nên, đối với những bạn ở độ tuổi 30, bắt đầu từ bây giờ bạn cần phải thận trọng xem xét một vấn đề: Từ khi tốt nghiệp đến bây giờ tôi đã làm việc bao nhiêu năm rồi? Năng lực của tôi liệu có xứng với tuổi tác hay không?
Nếu như không tương xứng vậy thì bạn nhất định phải cảnh giác, đồng thời tiến về phía trước bù đắp khoảng cách với những người biết nắm bắt cơ hội, đảm bảo cho bản thân không bị đá khỏi đường đua trong quá trình cạnh tranh.
Vấn đề thứ ba: Khung kiến thức và vấn đề nâng cao
Xin đưa ra ví dụ: Trong quá trình phỏng vấn, những câu hỏi liên quan đến các thao tác cụ thể, người được hỏi đều có thể trả lời rất lưu loát, nhưng đến câu hỏi nâng cao về mặt hệ thống và mặt chiến lược, đầu óc của anh ta hoàn toàn trống rỗng.
Tôi tin là những bạn làm việc từ 5 đến 6 năm vẫn thường gặp tình trạng như vậy.
Cấp bậc chức vụ khác nhau thì công việc đảm nhận, cách nhìn và tư duy cũng sẽ khác nhau.
Việc nâng cao những mặt trên sẽ có lợi cho việc phát triển của bạn, xét về mặt quan hệ, chức vụ càng cao khoảng cách giữa bạn và sếp càng gần, bạn càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với lãnh đạo công ty hơn đồng thời năng lực cũng được thừa nhận hơn.
2. Trước tuổi 30: Làm thế nào để tạo nền tảng vững chắc?
Điều đầu tiên bạn cần làm chính là xác định một mục tiêu có thể phấn đấu trong 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn. Việc này trả lời cho câu hỏi: Tôi muốn trở thành người như thế nào?
Một mục tiêu rõ ràng giúp bạn tích lũy kinh nghiệm trong một lĩnh vực nhất định, và việc tích lũy theo năm tháng này sẽ quyết định sự phát triển trong tương lai của bạn, trở thành tấm thẻ tăng lương thăng chức của bạn. Tuy kinh nghiệm không nhất định liên quan đến năng lực, nhưng nếu không có sự tích lũy kinh nghiệm thì năng lực của bạn về cơ bản không thể nào nâng cao được.
Làm rõ phương hướng của mình rồi thì dù bạn đi chậm, bạn vẫn sẽ nhanh hơn những người đi đường vòng.
Có lẽ bạn đã nghe về quy luật 10.000 giờ: Muốn thành công trong bất kì lĩnh vực nào, bạn cũng phải bỏ ra ít nhất 10.000 giờ để rèn luyện.
Macolm Gladwell từng nói trong cuốn sách “Những kẻ xuất chúng” của mình: Cho dù là vận động viên, doanh nhân, nhạc sĩ hay nhà khoa học ưu tú nhất, thông qua tìm hiểu, bạn sẽ nhận ra rằng họ đã bỏ ra ít nhất 10 năm, nỗ lực tôi luyện không ít hơn 3 giờ mỗi ngày mới bộc lộ tài năng.
Cuốn sách có một ví dụ:
Nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng thế giới Maxim Vengerov được sinh ra tại Nga, vào lúc 4 tuổi ông đã được tiếp xúc với cây vĩ cầm đầu tiên, từ đó bộc lộ tài năng thiên bẩm. Tuy nhiên, tài năng và tính chuyên nghiệp mà ông có được là xứng đáng khi mỗi ngày ông đều dành ra 7 giờ tập luyện, 5 tuổi đã tổ chức một buổi độc tấu, 15 tuổi nhận được giải thưởng quốc tế.
Vengerov nói: “8 giờ mỗi tối mẹ tôi trở về nhà, ăn bữa tối xong thì dạy vĩ cầm cho tôi đến 4 giờ sáng. Đối với một đứa trẻ 4 tuổi, điều này quả thật là một cực hình, nhưng hai năm sau, tôi đã trở thành một nghệ sĩ vĩ cầm”.
Theo kinh nghiệm của tôi, chỉ khi bạn kiên trì theo một lĩnh vực ít nhất là 5 năm, bạn mới có thể nhận được thành quả, vả lại thành quả này sẽ ảnh hưởng tương đối lâu dài cho việc phát triển sự nghiệp của bạn. Đồng thời, cũng chính việc tích lũy trong thời gian dài này sẽ giúp nền tảng của bạn vững chắc và kiên cố, những bước chân của bạn cũng sẽ vững vàng hơn.
3. Thân là dân công sở, một là làm việc, hai là làm người
Nếu các kĩ năng nghề nghiệp của bạn không có nhiều tiến bộ và đột phá thì những đức tính tốt trong công việc cũng theo một mặt nào đó bổ sung và có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của bạn.
Yếu tố 1: Cách bạn xử lí các mối quan hệ
Quan hệ không tốt với sếp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con đường thăng tiến của bạn, không khác gì bạn phải kết thúc sự nghiệp của mình trong công ty này.
Còn quan hệ không tốt với đồng nghiệp, cho dù một ngày nào đó bạn thăng chức trở thành người lãnh đạo của họ, bạn cũng sẽ bởi vì thiếu “người ủng hộ” mà mất đi quyền lực, cấp dưới của bạn hoặc là bằng mặt không bằng lòng, hoặc sẽ cố tình khiêu khích bạn, bạn sẽ cảm thấy ngồi ở vị trí lãnh đạo thật sự không dễ dàng.
Yếu tố 2: Xây dựng tinh thần không ngừng học hỏi
Chúng ta nên chú ý đến tầm quan trọng của việc học. Tôi đã từng gặp một khách hàng vào năm ngoái, đã gần 40 tuổi và làm kế toán 14 năm, nhưng vẫn chỉ là một nhân viên bình thường.
Tôii hỏi ông một câu hỏi: “Trong 14 năm này, chú có học thêm khóa bồi dưỡng nào hay không?” Chú ấy nói: “Không có”. “Chưa từng học ạ?” “Chưa từng.”
Liên quan đến việc học tập và phát triển của mình, đừng ngại tự hỏi mình những câu sau:
So với một năm trước, năng lực nghề nghiệp của tôi đã được cải thiện đáng kể chưa?
Cho dù lý thuyết hay thực hành, tôi cũng có những hiểu biết độc đáo của riêng mình?
Giả sử xảy ra việc gì nằm trong phạm vi chức trách của mình, liệu tôi có thể tự mình giải quyết, liệu tôi có giỏi về mặt nào đó hay không?
Yếu tố 3: Thiết lập một tinh thần chuyên nghiệp
Cho dù bạn đã có mục tiêu rõ ràng hay chưa, cho dù đó có phải là công việc mà bạn muốn làm hay không, bạn cũng nên nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tinh thần chuyên nghiệp trong công việc là một trong những yếu tố thành công của rất nhiều người, cũng là đức tính cơ bản nhưng không thể thiếu ở bất kì chức vụ nào.
Nếu như gặp phải công việc bạn không thích, cũng không nên làm việc với thái độ tiêu cực, bởi vì không chỉ lãng phí thời gian của công ty mà còn lãng phí cả thời gian của bạn, như vậy bạn sẽ chẳng đạt được gì cả.
Yếu tố 4: Có trái tim mạnh mẽ
Một trái tim mạnh mẽ có thể giúp chúng ta nhìn thấy hi vọng trong sự tuyệt vọng, còn bi quan tiêu cực sẽ chỉ khiến ta không thấy được niềm tin ở ngay phía trước.
Rèn luyện tính cách kiên cường thì bạn mới có thể sinh tồn trong một xã hội có tính cạnh tranh cao như vậy.
4. “Hiện tượng tuổi 25-30” không thể lơ là tại nơi làm việc
Thông qua quá trình quan sát, tôi cảm nhận rõ ràng sự cấp bách mà nhóm người sau 30 tuổi cần đến cho kế hoạch cuộc đời công sở.
Trước tiên xin đưa ra hai ví dụ tương đối cực đoan như sau:
Một là đã làm đến một cấp bậc nhất định, ít nhất là từ trưởng phòng trở lên, đã có vị trí trong công ty và tiền lương tương đối cao. Còn lại là đã làm việc nhiều năm nhưng chức vụ khá thấp, vẫn mang tính chủ quan trong công việc và không tài nào nhận được đánh giá cao.
Tuy hai ví dụ này chỉ thiên về một phía nhưng lại là những tấm gương để chúng ta suy ngẫm.
Thông qua so sánh tôi nhận thấy hầu hết những người đạt được thành công nhất định trên con đường phát triển sự nghiệp đều có một đặc điểm chung. Đó chính là với những lĩnh vực mà bản thân quen thuộc và giỏi về nó, họ đã cày sâu cuốc bẫm ít nhất là trên 6-10 năm.
Còn những người không tìm được vị trí của mình tại nơi làm việc, họ luôn thay đổi mục tiêu mỗi 1 hoặc 2 năm và chưa từng đi sâu vào tích lũy bất kỳ một lĩnh vực nào.
Đương nhiên, ngoại trừ yếu tố nhảy việc liên tục ra vẫn còn một nguyên nhân khác chính là: họ đã đi sâu tích lũy một mặt nào đó nhưng việc tích lũy này chỉ lặp lại trong quá trình làm việc mà không học hỏi thêm, dẫn đến sự nghiệp vẫn dậm chân tại chỗ.
Cho dù có thừa nhận hay không bạn vẫn phải quan tâm đến “Hiện tượng tuổi 30”. Rất nhiều doanh nghiệp đang chiêu mộ nhân tài thường quy định độ tuổi dưới 30. Nếu như bạn đã đến tuổi 30 nhưng vẫn còn lên mạng tìm việc hoặc đổi việc không ngừng, thì bạn nên xem lại một chút rốt cuộc bản thân đã làm sai bước nào.
Lẽ dĩ nhiên, nếu như những người thật sự đến tuổi 30 thậm chí còn cao hơn mới xem xét đến, rất có khả năng vấn đề này họ đã không tài nào giải quyết được rồi, sẽ xuất hiện rất nhiều khó khăn của thực tại khiến họ muốn làm nhưng đành bất lực, sau đó hối hận không thôi bởi những lựa chọn ban đầu.
Cho nên, bất kể là để tránh phải đi quá nhiều đường vòng hoặc để đi về hướng thành công hơn, bạn cũng nên cân nhắc đến con đường mưu sinh sau này của mình. Thực tế đã chứng minh: có sự chuẩn bị chu đáo còn hơn là vắt cổ lên mà chạy.
Nếu như nói tuổi trẻ là vốn liếng mà ông trời ban tặng cho bạn và bạn vẫn còn thời gian để bù đắp thì gần hết tuổi 30, vốn liếng này sẽ không còn là độc quyền của bạn nữa. Từ tốt nghiệp đại học đến năm bạn 30 tuổi, khoảng thời gian này đã đủ dài để bạn có đủ cơ hội tìm hiểu và thích nghi với xã hội, đồng thời suy nghĩ lại quá trình trưởng thành của bản thân.
Từ 25 đến 30 tuổi, trong 5 năm thời gian này nếu như bạn có đủ thì giờ để phạm sai lầm, vậy thì, vì để cuộc đời sự nghiệp sau 30 tuổi của bạn không trở nên mông lung, chí ít bạn nên xác định mục tiêu rõ ràng vào năm 30 tuổi, đồng thời dùng 5 năm thời gian này để thực hiện.
Đây có thể là thời cơ tốt nhất và cuối cùng khi bạn trưởng thành.
Lỡ mất thời cơ này rồi, bạn đã không còn trẻ nữa, xã hội cũng sẽ không dùng thái độ bao dung mà tha thứ cho sự bốc đồng của bạn nữa. Nếu không thì bạn càng đi sai một bước, sau này phải trả giá gấp mười lần.
5. Sau 30 tuổi: Làm thế nào để thật sự đột phá?
Gợi ý 1: Xây dựng tốt thương hiệu cá nhân
Để hỗ trợ thương hiệu “chuyên nghiệp” của mình, bạn cần nỗ lực hai khía cạnh sau đây:
Khía cạnh đầu tiên là nâng cao kiến thức và tầm nhìn của bạn thay vì cách tư duy “ếch ngồi đáy giếng”.
Bạn nên lưu tâm đến một tấm gương ưu tú nào đó tại nơi làm việc đồng thời lấy họ làm mục tiêu rèn luyện sự tiến bộ, từng bước một thu hẹp khoảng cách với họ. Lúc này bạn cũng nên lên lịch cho việc học bồi dưỡng, học tại chức,… để kiến thức mới làm phong phú thêm hiểu biết của mình.
Khía cạnh thứ hai là tạo ảnh hưởng trong công việc.
Mỗi người ưu tú đều có một vòng tròn quan hệ của riêng mình. Tại sao một số người được trả lương để tham gia một buổi thuyết giảng? Tại sao một số người sử dụng năng lực của mình thúc đẩy một doanh nghiệp phát triển? Nguyên nhân là sức ảnh hưởng của họ quá lớn. Bạn phải lấy họ làm chuẩn để xây dựng sức ảnh hưởng tại nơi làm việc, dùng tư duy của bạn để tạo ảnh hưởng lên người khác.
Gợi ý 2: Tôi luyện bản thân thành một người quản lý giỏi
Vị trí quản lý là một bước tiến quan trọng trong sự nghiệp của bạn và cho cả sự thăng tiến sau này. Nhưng không phải ai cũng có thể ngồi vững trên chiếc ghế đó.
Một người quản lý có thể thay đổi số phận cấp dưới của mình, việc quản lý sai phương pháp sẽ vô tình làm hại đến cấp dưới của bạn, khiến họ buộc phải rời khỏi công ty.
Lúc các nhà quản lý tuyển dụng nhân viên rất ghét những người thường xuyên nhảy việc. Nhưng với tư cách là người ngoài cuộc, tôi không thể không nói là: Khi bạn đang than phiền về sự không trung thành, tố chất kém của người tìm việc hoặc vấn đề thiếu hụt nhân tài, liệu bạn đã từng nghiêm túc cân nhắc đến việc bồi dưỡng, đào tạo để họ tiến bộ?
Rất nhiều doanh nghiệp sẽ nói rằng tôi đã bồi dưỡng rồi, nhưng không giữ họ ở lại được, đến cuối cùng lại như phí công để họ hưởng, đây là việc được một mất mười, thế nên không còn nhiệt tình với việc bồi dưỡng tài năng nữa. Nhưng vấn đề chính là ở đây: Tại sao bạn không thể giữ họ?
Nếu mọi công ty đều không muốn bồi dưỡng nhân tài mà chỉ muốn dạng “mì ăn liền”. Vậy thì hậu quả sau cùng sẽ là: Tất cả các công ty sẽ phải đối mặt với việc thiếu hụt tài năng!
Công việc quản lý rất nhiều khó khăn, nhưng tôi hi vọng những người có lý tưởng có thể nỗ lực không ngừng, từ từ thay đổi tất cả những điều này.
Gợi ý 3: Làm việc cho một công ty đang phát triển, trong một khoảng thời gian tương đối dài
Đầu tiên, bạn có thể tận mắt chứng kiến quá trình phát triển của một công ty từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh, sẽ hiểu biết sâu sắc hơn việc vận hành một công ty, bạn cũng có thể ý thức được vị trí và vai trò của mình trong quá trình đi lên của công ty.
Thứ hai là ở trong một công ty đang trong quá trình phát triển, bạn sẽ dễ dàng có nhiều cơ hội. Vì so với các công ty lớn, nhu cầu về nhân tài của công ty này sẽ cấp bách hơn và việc thăng tiến của bạn cũng sẽ nhanh hơn.
Thứ ba, sự trung thành của bạn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của bạn. Nhất là trong tình hình số lượng người nhảy việc chỉ tăng mà không giảm, trung thành trở thành một đức tính nghề nghiệp vô cùng quý giá.
Cuối cùng, khi bạn đang từ từ già đi, hồi tưởng lại cuộc đời của mình, bạn hi vọng đó là một cuộc đời bình yên hạnh phúc hay là một cuộc đời hối tiếc và thất vọng?
Thegioibantin.com | Vina Aspire News
Nguồn: cafebiz.vn