TS. Nguyễn Duy Lân, đồng sáng lập Công ty Veramine Inc. (Mỹ): Người vá lỗ hổng cho các “đầu não” Mỹ
Đặt tên công ty là Veramine theo ý đi tìm kiếm sự thật khiến 5 chàng kỹ sư bảo mật đình đám một thời của Microsoft (Mỹ) có được sự “hả hê”, không phô trương, mà ẩn vào trong “bí hiểm” hơn sau mỗi thành công.
Chúng tôi hẹn tiến sĩ bảo mật Nguyễn Duy Lân lúc 10h30 ở quán cà phê AHA tại biệt thự cổ thời Pháp thuộc trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) để lấy vài kiểu chân dung sao cho “xứng tầm”. Anh xuất hiện với vài động tác thể dục để tỉnh táo hơn và lý giải bị “lệch múi giờ”, nhưng không quên khẳng định, mình không bị ảo tưởng hay phiêu lưu trong công việc.
Hợp đồng triệu USD
Bên cạnh những “ông lớn” IBM, Microsoft, HP…, 2 năm gần đây, Veramine Inc. – một doanh nghiệp mới tại Mỹ và còn nhỏ, chuyên làm sản phẩm an ninh mạng cao cấp – được chú ý nhiều hơn. Veramine đã có trong tay những hợp đồng đáng kể với các cơ quan an ninh mạng quan trọng nhất của Mỹ, như Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ An ninh nội địa Mỹ, Không quân Mỹ, hay những tổ chức tài chính lớn như Ngân hàng ANZ. Trong đó, đơn hàng của Bộ Quốc phòng Mỹ trị giá hơn 2,2 triệu USD.
“Họ đánh giá cao uy tín kỹ thuật và chất lượng sản phẩm tốt của công ty”, Nguyễn Duy Lân lý giải về việc được các cơ quan đầu não của Mỹ chọn.
Veramine được thành lập bởi 5 chuyên gia bảo mật đến từ Mỹ, Ba Lan và Việt Nam. Họ đều là những chuyên gia bảo mật chủ chốt của Microsoft (Mỹ) trong hơn 10 năm, đã lãnh đạo công việc ứng phó, vá lỗi và cập nhật về bảo mật cho tất cả các sản phẩm của Microsoft. Họ cũng chịu trách nhiệm việc kiểm tra an toàn những sản phẩm quan trọng nhất của Microsoft như Windows, Office, Azure, Xbox…; là khách mời diễn thuyết tại nhiều sự kiện bảo mật danh tiếng nhất như Black Hat, Chaos Computer Club, ReCon, NATO Cyber Defense, RSA… và là tác giả của những cuốn sách chuyên sâu về bảo mật được đánh giá rất cao, như cuốn sách đứng đầu trên Amazon.com về dịch ngược mã độc…
Nguyễn Duy Lân (một trong 5 thành viên sáng lập Veramine) sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, học chuyên Toán ở các trường Trưng Vương, Chu Văn An, THPT chuyên Đại học Sư phạm. Năm 2016, sau 8 năm làm việc tại Microsoft Research (Mỹ), anh cùng một số bạn bè nghỉ việc và chọn Mỹ là nơi khởi nghiệp, đúng với ý nghĩa “đất lành chim đậu”. Theo anh, Mỹ là nơi tập trung các nhà khoa học, kỹ sư làm công nghệ, kể cả trong lĩnh vực bảo mật.
Thay vì chọn Thung lũng Silicon – nơi trú ngụ của nhiều “ông lớn” hay các start-up chuyên sản xuất các loại chip silicon, điện thoại thông minh, anh và các cộng sự chọn Seattle – một trung tâm công nghệ nằm ở bờ Tây nước Mỹ – làm nơi “cày xới”.
“Seattle là thành phố mà các hoạt động kinh tế đều chủ yếu xoay quanh những cái tên trụ cột như Amazon và Microsoft”, Lân nói.
Dĩ nhiên, ở thị trường lớn như Mỹ, nhân tài khắp nơi trên thế giới đổ về, tạo nên sự cạnh tranh sòng phẳng đến khốc liệt.
Mặc dù đặt đại bản doanh ở Mỹ và chưa có văn phòng ở Việt Nam, nhưng mới đây, Veramine đã thông qua quyết định quan trọng, đó là tất cả các khoản thu nhập từ Việt Nam sẽ chỉ được đầu tư trở lại Việt Nam, đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam. Đây có thể coi là một hình thức tránh “chảy máu chất xám”. Những sản phẩm Veramine tạo ra bởi chất xám Mỹ và được đặt hàng bởi những cơ quan an ninh mạng quan trọng nhất của Mỹ, sẽ đóng góp cho an ninh quốc phòng (trên mạng) và cả kinh tế Việt Nam.
Miếng bánh béo bở từ lỗ hổng bảo mật
Gần 1 năm trước, khi vụ bê bối rò rỉ thông tin người sử dụng của mạng xã hội Facebook còn chưa hết “nóng”, thì dịch vụ thư điện tử miễn phí Gmail của Google cũng vướng phải những cáo buộc tương tự.
Những vụ việc này khiến dư luận tiếp tục đặt câu hỏi về khả năng bảo mật của những “ông trùm” Internet trên thế giới. Thậm chí, ngay cả hệ thống an ninh mạng của quân đội Mỹ cũng có hàng trăm lỗ hổng (theo báo cáo Tổng thanh tra Lầu Năm Góc năm 2018) cho thấy, hàng rào bảo mật của Bộ Quốc phòng Mỹ đang ở tình trạng báo động, dù tốt hơn nhiều quốc gia khác…
Những năm gần đây, an ninh và bảo mật là một trong những vấn đề đáng báo động nhất trên toàn cầu. Theo dữ liệu của Lloyd’s – tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm – thống kê, thiệt hại mỗi năm do tội phạm mạng gây ra là 445 tỷ USD. Nghiên cứu gần đây nhất của Hãng bảo mật Juniper (Mỹ) ước tính, con số thiệt hại do tội phạm mạng gây ra đối với các tổ chức, doanh nghiệp có thể lên tới 2.100 tỷ USD năm 2019.
Trong nhiều năm liền, Việt Nam nằm trong những nước bị tấn công mạng và nhiễm mã độc nhiều nhất thế giới (theo thống kê của CrowdStrike). Trong báo cáo của Microsoft, tỷ lệ của các máy tính ở Việt Nam gặp phải mã độc luôn cao gấp hơn 2 lần trung bình thế giới và bị nhiễm mã độc gấp khoảng 3 lần trung bình thế giới. Chưa kể, nguồn nhân sự làm về an ninh mạng còn mỏng và chất lượng, hiệu quả của các giải pháp an ninh mạng tại Việt Nam chưa cao.
Đây là cơ hội và cũng là thách thức trong lĩnh vực an ninh mạng nói riêng và xu hướng phát triển chung của thế giới ngày nay: số hóa, thu thập dữ liệu, kết nối, phân tán, đám mây, trí tuệ nhân tạo…
Nhìn vào bức tranh thị trường chung đó để thấy, những hợp đồng ban đầu giá trị vài triệu USD của Veramine có được là bình thường. Bởi những gì mà Veramine đang thể hiện còn rất ít, họ vẫn âm thầm làm sản phẩm, chưa đẩy mạnh kinh doanh và marketing.
Lân khẳng định, Veramine có những dòng sản phẩm
mà các “ông lớn” trong lĩnh vực này chưa làm được. “Kiến thức chuyên môn bảo mật sâu rộng và khả năng phát triển sản phẩm mạnh mẽ là thế mạnh của Veramine”, Lân nói.
Hệ thống dòng sản phẩm lõi của Veramine liên quan đến giải pháp cảnh báo và ứng phó trên điểm cuối thời gian qua phát triển rất tốt. Sắp tới, Công ty sẽ xây dựng các chức năng phụ trợ như giao diện người dùng (User Interface – UI), trải nghiệm người dùng User Experience (UX) và thúc đẩy kinh doanh mạnh hơn.
Hâm mộ vài “vị vua” và bay đi khi “đủ lông, đủ cánh”
Giống như hàng triệu kỹ sư giỏi về công nghệ cao trên thế giới, Lân cũng hâm mộ vài “vị vua”. Đầu tiên là Bill Gates, vì ông cực kỳ thông minh, quyết liệt và nhạy cảm với những cơ hội lớn. Kế tiếp là Steve Jobs, vì những gì ông theo đuổi là tạo ra những sản phẩm cực kỳ hoàn thiện. Hay Satya Nadella – CEO Microsoft, với ông, không phải là “biết tuốt”, mà nên “học tuốt”. Gần đây là Elon Musk, một kỹ sư, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.
Lân thừa nhận, mình chịu ảnh hưởng từ những “vị vua” nói trên, nên đang cố gắng “học tuốt”, bởi mỗi con đường sẽ đưa tới những cơ hội khác nhau và ngược lại, những cơ hội cũng sẽ mở ra những ngã rẽ khác nhau. Với anh, thời điểm quyết định rời Microsoft là lúc cảm thấy đã “đủ lông, đủ cánh” và cần có sự thay đổi, với kỳ vọng, sự thay đổi này sẽ giúp các cá nhân có những đóng góp lớn hơn nhiều cho thế giới và quan trọng hơn là được làm những công việc mình thực sự yêu thích, tạo nên những sản phẩm thực sự tâm huyết.
Trò chuyện với TS. Nguyễn Duy Lân
Được truyền thông để ý nhiều hơn, anh có thấy bối rối?
Mọi thứ vẫn đang ở chế độ riêng tư. Báo chí viết về tôi, nhưng ra đường chắc ít ai biết và như thế là tốt.
Tại sao Veramine có tới 5 nhà sáng lập?
Vấn đề không nằm ở vốn, mà chúng tôi có cùng đam mê.
8 năm làm cho Microsoft Research, anh có được điều gì?
Những kiến thức về công nghệ, kỹ thuật; kỹ năng làm việc nhóm và với các nhóm khác nhau.