Nhìn lại 20 năm lịch sử của Nokia: Từ ngai vàng tới quên lãng
Từng một thời là ông vua của thị trường di động, Nokia đã chính thức trở thành một phần của Microsoft vào ngày 25/4 vừa qua. Đâu là những quyết định đúng đắn và đâu là những sai lầm chết người của Nokia?
Trụ sở của Nokia (“NoHo” – Nokia House) là trung tâm của khu công nghiệp đặt tại Espoo, Phần Lan, cách 10 phút lái xe từ Helsinki.
Bạn sẽ không bao giờ quên chiếc điện thoại di động đầu tiên của mình.
Với các “tín đồ công nghệ” vào đầu thập niên 2000, đó có lẽ sẽ là chiếc Nokia 5190. Xét theo tiêu chuẩn của ngày hôm nay, 5190 là một chiếc điện thoại di động quá khổ và cũng quá ít tính năng. Nokia 5190 chỉ có 2 tính năng là gọi điện và chơi rắn săn mồi. Màn hình Retina là điều không tưởng: 5190 chỉ có màn hình đơn sắc với ánh sáng màu xanh. Và Nokia 5190 cũng không phải là một sản phẩm thời trang: chiếc điện thoại này được bán kèm một bao da miễn phí kẹp vào thắt lưng, và chắc chắn các tín đồ của Nokia đã đeo chiếc bao da này một cách tự hào.
Vào năm 2001, Nokia 5190 là một sản phẩm hoàn hảo.
Nokia đã trở thành vị đại sứ đưa rất nhiều người dùng vào thế giới không dây, cho họ lần đầu trải nghiệm “không bị bó buộc bởi các đường dây và bốt điện thoại“. Với những người trẻ tuổi, những chiếc Nokia như 5190 là cánh cửa mở ra một thời kỳ mới. Chính những “cục gạch” Nokia là những sản phẩm đưa rất nhiều tín đồ smartphone và tablet hiện tại đến với giấc mơ di động.
Nokia 5190
Bởi vậy, sẽ là không có gì khó hiểu khi ngày ra đi của Nokia khiến nhiều người phải ngậm ngùi tiếc nuối. Sau nhiều năm thua lỗ, bộ phận thiết bị và dịch vụ công ty Phần Lan đã chính thức trở thành một phần của Microsoft sau khi công ty của Bill Gates bỏ ra 7,5 tỷ USD để mua lại Nokia vào tháng 9 năm ngoái. Sắp tới, thương hiệu điện thoại di động Nokia cũng sẽ bị từ bỏ: bộ phận mua lại từ Nokia sẽ được chuyển tên thành Microsoft Mobile Oy và hoạt động trong Nhóm Thiết bị của Microsoft.
“Ngày hôm nay là một ngày đáng chú ý, khi chúng ta trở thành một phần của gia đình Microsoft, và đặt bước chân đầu tiên, nhưng quan trọng, trong cuộc hành trình dài này” – cựu CEO Stephen Elop của Nokia, người sắp tới sẽ lãnh đạo bộ phận Thiết bị của Microsoft khẳng định.
Thương vụ Microsoft mua lại Nokia với giá chỉ 7,5 tỷ USD là một lời nhắc đáng buồn với cả thế giới công nghệ rằng: ngay cả những thế lực hùng mạnh nhất cũng có thể gục ngã.
Có thể nói rằng cùng với Motorola – công ty đã sáng tạo ra thị trường điện thoại di động, Nokia là tên tuổi lớn nhất của ngành công nghiệp sản xuất điện thoại di động. Ở thời điểm hiện tại, Samsung được coi là gã khổng lồ đang uy hiếp toàn bộ các thế lực khác trên thị trường smartphone, song công ty Hàn Quốc cũng chỉ có thị phần vào khoảng 25%. Vào năm 2007, Nokia nắm giữ 41% của thị trường di động.
Nokia đã liên tục tuột dốc trong vòng 6 năm vừa qua. Người ta có thể dễ dàng quên mất sự hùng mạnh của ông vua không ngai này. “Khó có thể tưởng tượng ra được tình cảnh 1 công ty chiếm 41% thị phần trong thế giới của ngành hôm nay“, Ken Hyers, một nhà phân tích của Strategy Analytics khẳng định.
Cái bắt tay giữa Stephen Elop và Steve Ballmer đã báo hiệu trước số phận của Nokia ngày hôm nay
Đến cuối năm 2013, thị phần của Nokia trên toàn cầu vẫn ở mức 15% nhờ có một loạt các sản phẩm điện thoại “ngu” giá rẻ. Trái ngược lại, trên thị trường smartphone, thị phần của Nokia không thể vượt qua mức 5%.
Đã có thời Nokia là một thế lực không thể bị lung lay. Chính sức mạnh khủng khiếp này đã đẩy công ty Phần Lan vào thế tự kiêu, và những lỗ hổng của Nokia đã bị chiếc Razr của Motorola khai thác. Chiếc Apple iPhone tiếp tục chọc sâu vào vết thương này và đẩy Nokia vào dĩ vãng.
Khi thế giới đã chuyển sang thời đại smartphone và sẵn sàng tiến về phía trước mà không còn cần tới Nokia nữa, công ty Phần Lan đã chiêu mộ Stephen Elop của Microsoft vào năm 2010. Vị CEO này đưa ra một loạt các quyết định gây tranh cãi: từ bỏ phần mềm do Nokia tự phát triển (Meego, Symbian…) để chuyển lên nền tảng Windows Phone của Microsoft. Trong vòng 3 năm tiếp theo, cho đến tận ngày về tay Microsoft, Nokia vẫn phải vật lộn để thuyết phục người dùng đến với dòng Lumia sử dụng Windows Phone.
Đến giờ thì Nokia đã không còn là một tên tuổi độc lập. “Bạn sẽ quên những lúc nhìn thấy một người khổng lồ gục ngã. Khi bạn cao đến thế, to lớn đến thế, cú ngã sẽ xảy ra rất đột ngột và bi thảm“.
Nguồn gốc từ… cao su
Công ty Nokia sẽ tiếp tục tồn tại. Sau khi đã bán lại mảng sản xuất thiết bị di động, công ty Nokia sẽ tiếp tục hoạt động trong mảng thiết bị viễn thông, dịch vụ bản đồ và các công nghệ cao khác. Đây cũng không phải là một điều kỳ lạ với một công ty đã có 150 tuổi đời, đã chuyển lĩnh vực hoạt động vô số lần với nguồn gốc là… một xưởng giấy.
Jorma Ollila, người đã đưa Nokia lên đỉnh cao
Vào thời điểm 1992, Nokia vẫn chưa phải là một tên tuổi đáng chú ý của thị trường công nghệ cao. Khi CEO Jorma Ollila lên nắm quyền vào năm 1992, Nokia vẫn là một tập đoàn công nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Lúc đó, tập đoàn Nokia đang chồng chất khó khăn sau khi tung ra một loạt các quyết định đầu tư sai lầm nhằm thoát khỏi hình ảnh của một công ty sản xuất giấy. Tất cả các quyết định này đều mang lại thất bại cho Nokia, đặc biệt là khi kinh tế Phần Lan gặp khủng hoảng vào đầu thập niên 90. Thậm chí, vào cuối thập niên 1980, Nokia đã từng cân nhắc bán đi mảng kinh doanh điện thoại di động đang bắt đầu khởi sắc.
Là một nhà lãnh đạo tài năng, Jorma Ollila đã đưa Nokia theo một hướng đi khác hẳn: công ty Phần Lan không chỉ tiếp tục kinh doanh điện thoại di động mà còn sẵn sàng từ bỏ các gánh nặng khác. Nokia từ bỏ cả mảng sản xuất cao su, cáp, từ bỏ thị trường sản phẩm điện tử người tiêu dùng trong những năm tiếp theo, chỉ giữ lại mảng điện thoại di động và hạ tầng viễn thông.
Thời kỳ đầu tại Nokia, Ollila đã đặt cược nhiều ván bài nguy hiểm và cũng đã thành công. Nokia đã góp phần quan trọng trong việc định hình tiêu chuẩn công nghệ GSM, một tiêu chuẩn vẫn còn được sử dụng trên toàn cầu tới tận ngày hôm nay. Ollila cũng đã xây dựng ra một chuỗi cung ứng khá hoàn hảo cho Nokia, giúp công ty có thể sản xuất các sản phẩm của mình một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Lúc đó, thị trường điện thoại di động đang bị phân mảnh trầm trọng. Nhiều công ty coi mỗi quốc gia là một thị trường đơn lẻ. Nokia là một trong những tên tuổi đầu tiên nhìn nhận thị trường toàn cầu là một tổng thể không tách rời, từ đó ra mắt các mẫu điện thoại có thể được sử dụng tại nhiều nước.
Cảnh tượng khó quên của Nokia 8110 trong Ma Trận
Cùng lúc, Nokia nhận ra tầm quan trọng của chiến lược tấn công vào tất cả các tầm giá. Công ty Phần Lan có mặt tại cả các thị trường giàu có của phương Tây, xuất hiện trong các bộ phim bom tấn như Ma Trận (The Matrix, 1999). Đồng thời, các sản phẩm Nokia cũng đến tay người dùng hạn hẹp kinh phí tại Ấn Độ, nơi mức giá của một chiếc Nokia chỉ là khoảng 40 USD (850.000 đồng).
Đến năm 1998, Nokia lật đổ Motorola để trở thành nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới. Khoảng 1 năm sau, Nokia vươn lên đạt thị phần 25%: cứ 4 chiếc điện thoại di động bán ra thì có 1 chiếc thuộc về Nokia.
“Sự thống trị của Nokia trên thị trường điện thoại di động giống như là Kleenex trên thị trường giấy ăn. Họ đã thống trị đến mức đó“, Hyers khẳng định.
Chất lượng phần cứng không phải là điểm mạnh duy nhất của Nokia. Các sản phẩm Nokia đều có ngoại hình khá ổn, và công ty Phần Lan luôn cố gắng hết sức để thu nhỏ kích cỡ điện thoại mỗi khi đặt chân sang một thế hệ sản phẩm mới. Người tiêu dùng thực sự yêu quý vẻ đẹp của Nokia: “Lúc đó, điện thoại di động rất đơn giản. Nhưng chúng không có kiểu cách. Nokia đã nhanh chóng cải thiện điều đó“.
Nokia N93i biến hình thành robot trong Transformers 2
Vào đầu thiên niên kỷ mới, Nokia tăng tốc tối đa trên con đường bành trướng.
“Những năm đầu tiên thật là điên khùng“, Petra Soderling, một cựu nhân viên đã từng làm việc cho Nokia từ 2000 đến 2012 khẳng định. “Nhân sự mới liên tục xuất hiện… ngay cả việc bong bóng dotcom vỡ cũng dường như không gây ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của thị trường di động“.
Nokia theo đuổi “Nokia DNA” – ý tưởng rằng các dòng sản phẩm khác nhau sẽ có thiết kế khác nhau, nhưng vẫn đồng nhất về ngôn ngữ. Dù có nhiều thiết kế khác nhau nhưng điện thoại Nokia vẫn trung thành với hình dáng “thanh kẹo”. Chính lối mòn về thiết kế này đã tạo ra vết nứt đầu tiên trong đế chế Nokia.
Razr: Đòn phản công của Motorola
Khi cả thế giới vẫn đang chạy theo các dòng điện thoại hình viên kẹo của Nokia, người tiêu dùng tại Bắc Mỹ đã bắt đầu để ý tới các thiết kế thú vị hơn: điện thoại nắp gập, hay còn gọi là điện thoại vỏ sò.
Đang trên đà trở lại, Motorola mạnh mẽ đi đầu trào lưu điện thoại nắp gập. Đỉnh cao của trào lưu này là chiếc Razr siêu mỏng vào cuối năm 2004. Đây vẫn là một trong những mẫu điện thoại thành công nhất trong lịch sử di động, nắm giữ vị trí số 1 về doanh số trong suốt 3 năm liên tục.
Với Razr, Motorola đã đánh trúng vào điểm yếu đầu tiên của Nokia: thiết kế lối mòn
Thậm chí, ngay cả khi Razr đã bước sang tuổi thứ 3, rất nhiều người vẫn thèm muốn được sở hữu “lưỡi dao” này. Phần đông trong số này đã quá ngán ngẩm với thiết kế thanh kẹo lối mòn của Nokia.
Nhưng công ty Phần Lan tự kiêu tới mức sẵn sàng bỏ qua xu thế của cả một thị trường lớn. Đã có lúc, các lãnh đạo của Nokia gọi trào lưu điện thoại vỏ sò là một “trào lưu nhất thời” sẽ sớm chìm nghỉm. Thậm chí, Hyers còn khẳng định các lãnh đạo của Nokia đã than phiền… không thể mở điện thoại nắp gập bằng một tay. Lúc này, nhiều đồng sự của Hyers đã chuyển sang dùng điện thoại nắp gập, và dĩ nhiên là họ không hề gặp bất kì vấn đề nào khi dùng Razr bằng một tay cả.
Đây chính là thời điểm mà Nokia bắt đầu từ bỏ thị trường Mỹ. Các nhà mạng Mỹ lúc này đang tìm kiếm các nhà sản xuất có thể cung cấp các mẫu điện thoại tùy biến. Trong khi Nokia từ chối, các công ty mới nổi như Samsung và LG rất sẵn sàng đáp ứng nhu cầu này. Khi đã mất đi sự hậu thuẫn của các nhà mạng, Nokia trở thành một thương hiệu dành cho số ít. Tất cả những gì Nokia có tại Mỹ chỉ là một số ít các cửa hàng bán lẻ của riêng mình.
“Nokia không mang tới những gì các nhà mạng cần, hoặc là đáp ứng không đủ nhanh. Các công ty Hàn Quốc có thể hoàn thành sớm hơn, và họ đã tận dụng được điểm yếu của Nokia”, Tuong Nguyen, một nhà phân tích của Gartner cho biết.
Là một thiết bị mơ ước nhưng N95 không có mặt tại Mỹ. Sự sụp đổ của Nokia cũng bắt nguồn từ chính thị trường này.
Một trong những nạn nhân điển hình của xu hướng này là chiếc N95 danh tiếng. Chiếc điện thoại di động này được các fan Nokia coi là dòng sản phẩm “đỉnh” nhất có mặt trên thị trường vào thời điểm đó. Song, tại Mỹ, chẳng mấy ai biết đến N95, bởi chẳng có nhà mạng nào chịu hỗ trợ chiếc Nokia này cả.
Lúc này, Motorola đã chiếm vị trí dẫn đầu của Nokia tại Mỹ. CEO của Motorola lúc đó, Ed Zander, thậm chí đã sẵn sàng đưa Motorola vào cuộc chiến với Nokia trên thị trường toàn cầu. Nhưng, đến cuối cùng, ngay cả Motorola cũng mắc một sai lầm tương tự: ngủ quên trên chiến thắng Razr quá lâu và không tung ra được sản phẩm nào đáng giá cả.
Chính điều này lại làm cho Nokia tiếp tục chìm sâu hơn mà không hề hay biết. Quyết định từ bỏ thị trường Mỹ của công ty gần như không tạo ra một hậu quả nghiêm trọng nào trong khoảng thời gian ngay sau đó. Nokia tiếp tục gia tăng thị phần và thậm chí đạt mức đỉnh vào nửa sau của năm 2007. Lúc này, chiếc iPhone đột phá đã xuất hiện.
Cuộc cách mạng smartphone của Apple
Nokia tiếp tục thống trị 2007, song sự thật là với iPhone, Apple đã bỏ xa cả Nokia lẫn Motorola
Trái với suy nghĩ thông thường của công chúng, Apple không phải là công ty đầu tiên sáng tạo ra smartphone. Trước khi Steve Jobs làm chao đảo cả thế giới với màn hình cảm ứng kích cỡ lớn (vào thời điểm đó), Nokia cũng là tên tuổi đứng đầu trong ngành sản xuất điện thoại thông minh với các dòng sản phẩm chạy Symbian S60 như Nokia 7650 hoặc N95.
Song, khi ra mắt, iPhone làm thay đổi hoàn toàn ấn tượng của công chúng về khái niệm “smartphone”. Thay vì tạo ra các sản phẩm kì cục dành riêng cho một số ít người dùng chuyên nghiệp, iPhone là một chiếc smartphone dành cho tất cả mọi người. Thay vì tập trung vào thị trường doanh nghiệp, Apple dẫn đầu cuộc cách mạng mang smartphone đến với người tiêu dùng. Đây là ý đồ mà BlackBerry đã từng cố gắng hiện thực hóa trên chiếc BlackBerry Pearl.
Màn hình cảm ứng nhạy và iOS (lúc đó vẫn còn được gọi là iPhone OS) trực quan của iPhone đã hoàn toàn thay đổi cách người dùng tương tác với điện thoại của mình. Trái ngược lại, phần đông các sản phẩm smartphone trên thị trường lúc đó đều sử dụng các hệ điều hành cũ kỹ, kém trực quan như Symbian S60. Khi iOS và sau này là cả Android bắt đầu tăng tốc, Symbian đã trở nên quá lỗi thời.
Đến tận 2014, Nokia vẫn mỉa mai Apple. Nhưng, trong năm 2007, công ty Phần Lan đã để cho Steve Jobs qua mặt một cách quá dễ dàng.
Ấy vậy mà Nokia vẫn tiếp tục từ chối tham gia vào trào lưu smartphone màn hình cảm ứng. Phải đến 1 năm sau khi iPhone ra mắt, Nokia mới tung ra sản phẩm điện thoại di động màn hình cảm ứng (không có bàn phím vật lý) đầu tiên: chiếc Nokia N5800. Nhưng, N5800 không thực sự là một chiếc smartphone. Đây chỉ là một chiếc điện thoại di động được tối ưu để chơi nhạc mà thôi.
Nokia cũng là tên tuổi đầu tiên ra mắt khái niệm gian hàng ứng dụng, nhưng chính Apple mới là người xây dựng thành công ý tưởng này. Chợ ứng dụng của Nokia quá khó sử dụng và tập trung vào những người dùng có hiểu biết nhất định về kỹ thuật. Apple ra mắt một chợ ứng dụng đơn giản và sử dụng kho ứng dụng phong phú để “trói” người dùng ở lại với hệ sinh thái của Apple.
Trong một cuộc phỏng vấn do CNET thực hiện vào cuối năm 2012, các cựu nhân viên của Nokia đã có dịp ôn lại những gì xảy ra tại công ty Phần Lan vào thời điểm đó. Theo những người này, việc Nokia ở lại với Symbian không chỉ là do quá kiêu ngạo mà còn là do gã khổng lồ này lúc đó không hề có khả năng mạo hiểm đối đầu với rủi ro nữa.
Một nhà lãnh đạo từng làm việc tại Nokia cho biết vào lúc này, Nokia “không hề có một chút khẩn trương nào cả”. Khi làm việc với một cỗ máy sản xuất hàng triệu chiếc điện thoại, chỉ một lỗi duy nhất hoặc một quyết định sai lầm cũng khiến Nokia mất hàng tỷ đô la. Do đó, hệ thống quản lý đã được phân tầng thành quá nhiều bộ phận xem xét đánh giá, quá nhiều cuộc họp. “Cơ cấu này được xây dựng để tránh sai lầm“.
N5800 là câu trả lời của Nokia dành cho iPhone, nhưng câu trả lời này cũng quá kém ấn tượng
Ngay cả sự chậm chạp của Nokia cũng không phải là khó hiểu. Trong khi thị phần của Nokia trên cả mảng điện thoại phổ thông và điện thoại thông minh đều sụt giảm, mức sụt giảm của Nokia trong những năm đầu tiên của iPhone chưa lên đến mức đáng lo ngại. Rất nhiều các cuộc phỏng vấn với các lãnh đạo của Nokia tại thời điểm này cho thấy công ty Phần Lan vẫn tiếp tục vin vào thị phần đứng đầu của mình làm bằng chứng rằng Nokia vẫn rất, rất mạnh.
Lúc này, Nokia cố gắng mang tới cho Symbian những thiết bị phần cứng tinh xảo nhất, sử dụng các vật liệu sang trọng nhất và công nghệ camera cao cấp. Nhưng, công ty Phần Lan biết rất rõ rằng Symbian sẽ không thể là một giải pháp phần mềm lâu dài. Nokia quyết định kết hợp cùng Intel để phát triển MeeGo nhằm đối đầu với iOS và Android.
Đáng buồn cho Nokia, giấc mơ MeeGo đã không bao giờ trở thành hiện thực. Ngay sau khi ra mắt chiếc N9 – sản phẩm thương mại duy nhất cài đặt MeeGo trong lịch sử, Nokia đã từ bỏ nền tảng này. Các vấn đề về quản lý và mâu thuẫn quyền lợi/chiến lược giữa Intel và Nokia khiến cho dự án MeeGo trở nên quá chậm chạp. Từ trước khi định đoạt số phận của MeeGo, Nokia đã nhận ra rằng với tốc độ phát triển MeeGo như cũ, cho đến tận năm 2011 Nokia sẽ chỉ kịp ra mắt chỉ một chiếc smartphone MeeGo mà thôi.
Nokia N9, sản phẩm MeeGo duy nhất trong lịch sử
Symbian và MeeGo đã biến Nokia trở thành “một con thuyền bốc cháy”.
Thoát khỏi “con thuyền bốc cháy”
Sau 4 năm trồi sụt với CEO Olli-Pekka Kallasvuo ở vị trí lãnh đạo, Nokia đã quyết định mang tới một nguồn gió mới từ bên ngoài. Stephen Elop, người từng lãnh đạo bộ phận Doanh nghiệp (phát triển Office và các giải pháp doanh nghiệp) khác tại Microsoft, trở thành CEO đầu tiên của Nokia không đến từ Phần Lan. Khác với các lãnh đạo cũ, Elop không phải chịu “sức ép cơ cấu” của Nokia.
Bởi vậy mà chỉ vài tháng sau khi lên nắm quyền, vào tháng 9/2010, Elop gây sốc cho toàn bộ các thành viên của Nokia khi đưa ra tuyên bố rằng “Nokia, con thuyền của chúng ta đang bốc cháy“. Theo vị CEO này, Nokia đã thua cả iPhone, cả Android và cả các dòng điện thoại giá rẻ của Trung Quốc. Nokia buộc phải “thay đổi hay là chết”.
Stephen Elop
Để thực hiện thay đổi này, Nokia đã quyết định từ bỏ cả Symbian lẫn MeeGo và chuyển sang sử dụng Windows Phone – hệ điều hành di động của Microsoft.
Bước đi này khiến một vài nhân viên của Nokia điêu đứng. Những người khác ca ngợi quyết định của Elop.
Bất kể là bạn có căm ghét Elop, và cho dù vị CEO này đã không thể cứu được Nokia, sự thật là dưới quyền Elop, Nokia đã trở lại với tốc độ sáng tạo rất nhanh nhạy. Các cuộc phỏng vấn của CNET với các nhân viên của Nokia cho biết vào thời điểm này, Nokia đã sục sôi thay đổi không khác gì một công ty khởi nghiệp. Nokia sẵn sàng đối đầu với thử thách và rủi ro. Nhiều người hy vọng Nokia sẽ trở lại.
Lumia 900
Bắt đầu từ chiếc Lumia 800 và Lumia 710 (ra mắt trong tháng 10/2011), Nokia bắt đầu cuộc chiến để giành lại tình cảm từ các fan hâm mộ. Ai cũng hiểu rõ giờ Nokia đã trở thành chiến hạm lớn nhất của Microsoft và Windows Phone.
Lumia: Chương mới và cuối cùng trong lịch sử
Đến năm 2012, Windows Phone 8 ra mắt, hứa hẹn tạo ra một thế lực mới cho ngành công nghiệp smartphone. Stephen Elop mạnh dạn tuyên bố rằng chiếc Lumia 920, sản phẩm đầu bảng chạy Windows Phone 8 của Nokia, là sản phẩm sáng tạo nhất trên thị trường smartphone.
Đây không phải là một tuyên bố marketing sáo rỗng. Lumia 920 có màn hình cảm ứng siêu nhạy, cho phép người dùng có thể sử dụng máy khi đang đeo gang tay. Đây cũng là sản phẩm đầu bảng đầu tiên từ một công ty lớn có hỗ trợ sạc không dây.
Các sản phẩm đầu bảng của Nokia
Quan trọng nhất, Lumia 920 có hỗ trợ camera chất lượng cao và tính năng ổn định hình ảnh quang học. Nokia vốn có thế mạnh truyền thống về công nghệ camera, và Lumia 920 đã tiếp tục truyền thống đó bằng cách tăng cường khả năng chụp ảnh thiếu sáng. Đến năm 2013, Nokia tiếp tục mang công nghệ camera PureView lên tầm cao mới khi ra mắt chiếc Lumia 1020 với camera lên tới… 41MP.
Nhưng, các công nghệ đột phá này đã không thể thuyết phục được quá nhiều người dùng rời bỏ iPhone và Galaxy S để trở lại với Nokia. Phải tới khi Nokia ra mắt các dòng Lumia giá rẻ, thị phần của công ty điện thoại Phần Lan trên thị trường smartphone mới bắt đầu hồi phục. Cả Lumia 520, Lumia 620 và Lumia 525 đều là những sản phẩm có doanh số rất ấn tượng.
“Đây là một cơ hội quá tuyệt vời“, nhà phân tích Raynor Llamas của IDC tuyên bố khi nhận xét về cơ hội mới của Nokia. Nhờ có đòn bẩy của các model giá rẻ, Nokia dần dần tiến những bước chắc chắn trên con đường hồi phục. Vào quý III/2013, Nokia vượt qua Motorola để chiếm vị trí thứ 4 tại thị trường Mỹ.
Lumia 520 là một trong những điểm sáng đáng chú ý nhất của Nokia những ngày cuối cùng
Song, dù vẫn đang tiếp tục đạt được doanh số ấn tượng (8,8 triệu mẫu Lumia trong quý III/2013), Nokia vẫn tiếp tục thua lỗ. Lúc này, lựa chọn tốt nhất cho Nokia sẽ là về với Microsoft – một công ty có tiềm lực tài chính cực kỳ vững mạnh.
Vào tháng 9/2013, Microsoft tuyên bố mua lại bộ phận thiết bị của Nokia với giá chỉ 7,5 tỷ USD. Trị giá của ông vua di động một thời thậm chí còn không bằng một nửa mức giá 19 tỷ USD của dịch vụ nhắn tin WhatsApp được Facebook mua lại vào đầu năm 2014.
Không ai nghĩ rằng sẽ có ngày Nokia phải cúi đầu xuống thấp tới như vậy. Đây là một bài học quá đắt giá cho tất cả các công ty công nghệ. Apple và Samsung có thể đang đứng trên đỉnh cao danh vọng, nhưng Tim Cook không được quên rằng đã có thời Nokia thậm chí còn có thị phần gấp đôi Apple hiện tại.
Mẩu nhạc chuông lịch sử này sẽ trở thành dĩ vãng
Vẫn có thể, trong tương lai Microsoft sẽ tạo ra những mẫu Lumia tuyệt vời hơn nữa. Nhưng, với các tín đồ di động đầu tiên của lịch sử, sẽ không có gì sánh được với những ngày tên gọi “điện thoại di động” đồng nghĩa với “Nokia”, bản nhạc “Grande Valse” tràn ngập tất cả mọi ngóc ngách của công sở, gia đình và “Rắn săn mồi” là trò chơi duy nhất thu hút được hàng triệu “game thủ”.
Nguồn: vnreview.vn, Lê Hoàng, Theo CNET