Công nghệ đám mây và quản trị dữ liệu đem lại sự thành công của chuyển đổi số

Ở cấp độ doanh nghiệp, tổ chức hay đến cấp độ Quốc gia nếu nhận thức đúng về tầm quan trọng của công nghệ đám mây và quản trị dữ liệu sẽ là mấu chốt cho sự thành công của chuyển đổi số.

0
Công nghệ đám mây và quản trị dữ liệu đem lại sự thành công của chuyển đổi số

Chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ số đã trở thành xu thế với các doanh nghiệp và chính phủ trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam trong vòng năm năm trở lại đây. Xu thế này càng trở nên mạnh mẽ hơn khi thế giới phải chống chọi với đại dịch Covid, khi các hoạt động kinh doanh lẫn vận hành nội bộ của doanh nghiệp phải dịch chuyển lên môi trường trực tuyến nhiều hơn. Tại Việt Nam, khảo sát mới nhất của Ngân hàng Thế giới công bố tháng 11/2020 cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng hoặc tăng cường sử dụng công nghệ số để thích ứng với môi trường kinh doanh mới đã tăng từ 50% lên 60% trong nhóm doanh nghiệp được khảo sát; trong đó nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bắt kịp với doanh nghiệp lớn trong đầu tư vào các giải pháp công nghệ số. Trong tiến trình đó, một yếu tố cốt lõi khi chuyển đổi số, ‘số hoá’ các quy trình hoạt động và ứng dụng các giải pháp công nghệ số – đó là quản trị các giải pháp số và dữ liệu số trên nền tảng điện toán đám mây. Hiểu và lựa chọn đúng các dịch vụ điện toán đám mây khi đầu tư công nghệ sẽ giúp các chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp,  tối ưu hoá được chi phí và tăng hiệu quả dài hạn khi bắt tay ‘số hoá’ các hoạt động của tổ chức mình.

 Hiểu đúng về Điện toán đám mây và lợi ích của công nghệ mới

Một nhận thức thiếu sót thông thường ở Việt Nam là điện toán đám mây chỉ phục vụ cho lưu trữ dữ liệu. Thực tế lợi ích của công nghệ này vượt xa hơn thế bởi nó thay đổi hoàn toàn cách mà các tổ chức có thể xây dựng doanh nghiệp. Điện toán đám mây không chỉ là về công nghệ hoặc về cách các tổ chức tiếp cận công nghệ mà quan trọng hơn, công nghệ đó tạo ra tác động toàn diện về việc chuyển đổi doanh nghiệp. Điện toán đám mây phân phối các tài nguyên CNTT theo nhu cầu qua Internet với chính sách thanh toán theo mức sử dụng. Thay vì mua, sở hữu và bảo trì các trung tâm dữ liệu và máy chủ vật lý, doanh nghiệp có thể tiếp cận các dịch vụ công nghệ, như năng lượng điện toán, lưu trữ và cơ sở dữ liệu, khi cần thiết. Nó tương tự như cách người tiêu dùng bật công tắc điện trong nhà và công ty điện lực truyền tải điện. Với điện toán đám mây, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây siêu quy mô (HCSP) quản lý và duy trì cơ sở hạ tầng công nghệ trong một môi trường an toàn và các doanh nghiệp truy cập các tài nguyên này qua Internet để phát triển và chạy các ứng dụng của họ. Điện toán đám mây có thể phát triển hoặc thu hẹp ngay lập tức và doanh nghiệp chỉ trả tiền cho những gì họ sử dụng. Như thế lợi ích kinh tế của dịch vụ này là rất đáng kể.

4 ưu điểm của việc di chuyển lên đám mây siêu quy mô

Các dịch vụ đám mây quy mô lớn, vận hành toàn cầu ( như dịch vụ của Amazon Webservice, Google, Microsoft …) còn được gọi là Đám mây siêu quy mô (hyperscale cloud) cho thấy 4 ưu điểm chính:

Thứ nhất, tăng tốc độ và sự linh hoạt: Trong môi trường điện toán đám mây, khách hàng cung cấp cho nhà phát triển các tài nguyên CNTT chỉ bằng một cú nhấp chuột, do đó giảm thời gian cung cấp từ vài tuần xuống còn vài phút. Điều này gia tăng đáng kể sự linh hoạt của tổ chức vì chi phí và thời gian để thử nghiệm và phát triển thấp hơn rõ rệt.

Thứ hai, chi phí thấp nhờ ngừng chi tiền để vận hành và duy trì trung tâm dữ liệu: Với Điện toán đám mây, các doanh nghiệp không còn cần phải sở hữu trung tâm dữ liệu hoặc lập kế hoạch và mua sắm máy chủ hay cơ sở hạ tầng CNTT đắt đỏ như trước đây. Một ví dụ nhỏ, nếu không dùng ‘đám mây’, một doanh nghiệp nhỏ với chỉ 10 máy tính cũng cần có một máy chủ (serve) và riêng máy chủ này có chi phí gấp vài lần máy tính bình thường. Nay thì thay vì mua, sở hữu và duy trì cơ sở hạ tầng công nghệ tốn kém, các tổ chức có thể sử dụng nhà cung cấp dịch vụ đám mây để xây dựng ứng dụng bằng cách sử dụng các khối tài nguyên “building block” (tức là tài nguyên CNTT) được cung cấp trên cơ sở cần thiết. Ví dụ, các phần mềm dù là phục vụ văn phòng như Word, Excel, hay phần mềm quản trị nhân sự, kế toán – đều có thể mua theo gói người sử dụng ( account) thay vì mua toàn bộ bản quyền phần mềm và cài đặt riêng lên từng máy tính như trước đây.

Thứ ba, mở rộng ra toàn cầu trong vài phút: Công nghệ này cho phép doanh nghiệp Dễ dàng triển khai ứng dụng ở nhiều khu vực trên thế giới chỉ với vài cú nhấp chuột. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp có thể cung cấp độ trễ thấp hơn và trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng của họ với chi phí tối thiểu. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây (CSP) sở hữu và duy trì phần cứng được kết nối mạng cần thiết để các khối này hoạt động theo cách chúng được yêu cầu, trong khi doanh nghiệp cung cấp các loại tài nguyên CNTT khác nhau và xây dựng những gì họ cần bằng nền tảng dịch vụ đám mây. CSP cung cấp một loạt các dịch vụ cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như công suất, các tùy chọn lưu trữ, mạng và cơ sở dữ liệu. Điều này cho phép các doanh nghiệp, công ty start-up, doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng trong khu vực công tiếp cận các khối tài nguyên mà họ cần để đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu kinh doanh.

Thứ tư, an ninh mạng quản trị dữ liệu tốt hơn: Khi nỗi sợ bị tấn công mạng và mất dữ liệu, mất bí mật kinh doanh là nỗi lo hàng đầu của mọi doanh nghiệp khi chuyển đổi số, ‘dịch vụ điện toán đám mây’ đang là câu trả lời tối ưu nhất hiện nay. Khả năng sao lưu dữ liệu và phục hồi dữ liệu là ưu điểm đáng kể khi so sánh với lưu trữ dữ liệu theo phương cách truyền thống. Điều này có được nhờ công nghệ bảo mật đối với trung tâm dữ liệu vật lý, tách mạng, khả năng phục hồi phần cứng máy chủ và kho lưu trữ.

 

Dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây siêu quy mô rất đáng tin cậy và là một trong những lý do chính khiến doanh nghiệp của họ phát triển nhanh như hiện tại. Các doanh nghiệp này xây dựng trung tâm dữ liệu của họ ở nhiều nơi khác nhau cũng như trên nhiều Vùng khả dụng để cung cấp khả năng phục hồi tối đa chống lại sự gián đoạn hệ thống. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây siêu quy mô thiết kế các trung tâm dữ liệu của mình với các kết nối băng thông dư thừa đáng kể để nếu xảy ra gián đoạn lớn thì vẫn có đủ dung lượng để cho phép cân bằng lưu lượng đến các trang còn lại, giảm thiểu tác động đến khách hàng.

Ưu điểm thứ hai là giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng quản trị và bảo vệ dữ liệu của mình. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây siêu quy mô áp dụng Mô hình trách nhiệm chung, theo đó khách hàng duy trì quyền sở hữu và kiểm soát dữ liệu của họ trên các yếu tố chính như: dữ liệu nào họ chọn để lưu trữ hoặc xử lý bằng các dịch vụ đám mây siêu quy mô, bao gồm nội dung đó có bao gồm dữ liệu cá nhân hoặc thông tin nhận dạng cá nhân hay không; Dịch vụ đám mây nào họ sử dụng với nội dung của họ;  Khu vực địa lý nơi lưu trữ nội dung của họ; Định dạng, cấu trúc và bảo mật của nội dung của họ, bao gồm việc nội dung đó được che giấu, ẩn danh hoặc mã hóa; Ai có quyền truy cập vào tài khoản và nội dung của họ và cách các quyền truy cập đó được cấp, quản lý và thu hồi

Bởi vì khách hàng giữ quyền sở hữu và kiểm soát nội dung của họ trong môi trường đám mây siêu quy mô, họ cũng có trách nhiệm liên quan đến bảo mật của nội dung đó như một phần của mô hình “trách nhiệm chung”. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây siêu quy mô áp dụng mô hình trách nhiệm chung này không có quyền kiểm soát các quyết định này và không có quyền đưa ra các quyết định đó thay mặt Khách hàng.

Chuyển đổi số và ứng dụng đám mây trong chương trình chuyển đổi số Quốc gia:

Với những lợi ích toàn diện như vậy, Công nghệ ‘ đám mây’ được đánh giá là lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp khi tiến hành chuyển đổi số. Theo một nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây siêu quy mô giúp các doanh nghiệp trẻ và các công ty khởi nghiệp cắt giảm 15-27% chi phí khi mới bắt đầu kinh doanh, khuyến khích đổi mới và thu hút nhiều tài trợ hơn từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Nghiên cứu khẳng định “sự ra đời của các dịch vụ điện toán đám mây được coi là một thời điểm quyết định giúp cắt giảm đáng kể chi phí ban đầu để bắt đầu các công ty khởi nghiệp dựa trên internet và web.”

Ở bình diện quốc gia, sự đóng góp của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây siêu quy mô vào sự tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ là đặc biệt quan trọng vì các doanh nghiệp quy mô nhỏ nhất chiếm khoảng 50% tổng số việc làm mới, chẳng hạn như các công ty khởi nghiệp.

Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây siêu quy mô cũng giúp các công ty lớn cắt giảm chi phí. Phần lớn các công ty trong danh sách Fortune 500 và hơn 90% trong số 100 công ty trong danh sách Fortune 100 sử dụng các giải pháp và dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ đám mây siêu quy mô.

Với tầm quan trọng như vậy, công nghệ đám mây và quản trị dữ liệu được coi là một trong những trụ cột ưu tiên trong chương trình chuyển đổi số Quốc gia của Việt Nam. Ở cấp độ mỗi doanh nghiệp hay mỗi tổ chức; đến cấp độ Quốc gia, nhận thức đúng về tầm quan trọng, từ đó có chiến lược sử dụng tối ưu công nghệ này là mấu chốt cho sự thành công của chuyển đổi số ở Việt Nam.

Thegioibantin.com | Vina-Aspire News

Nguồn bài viết ictnews.vietnamnet.vn
Để lại một câu trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

may lam kem nguyen lieu lam kem - nguyen lieu lam yogurt bột lm kem may ao thun may ba lo theo yeu cau san xuat moc khoa gia re may o thun quảng co dịch vụ bốc xếp Sản xuất đồ bộ