Có nên ‘quá’ thân thiện nơi công sở?
Cư xử quá nhã nhặn với mọi người mang lại những bất lợi gì cho bản thân nơi công sở?
Khi còn nhỏ, chúng ta được dạy phải luôn cư xử lễ phép với mọi người. Nói cách khác, hãy đối xử với người khác như những gì chúng ta mong muốn nhận được từ họ. Khi lớn lên, suy nghĩ này tác động lên cách chúng ta cư xử ở nơi làm việc. Tuy nhiên, cư xử quá nhã nhặn nơi công sở liệu có giúp bạn thăng tiến trong sự nghiệp?
Thắc mắc này được đặt ra “Cư xử quá nhã nhặn với mọi người mang lại những bất lợi gì cho bản thân?” trên Quora.com (trang web hỏi & đáp hàng đầu thế giới). Nhiều câu trả lời cho rằng cư xử quá thân thiện đôi khi trở thành điều bất lợi cho sự nghiệp của bạn. Dưới đây là một số câu trả lời hay nhất giải thích vì sao. Điều này không có nghĩa khuyên bạn ngừng cư xử tốt với đồng nghiệp mà hãy mạnh dạn đứng lên vì quyền lợi của mình.
1. Bạn trông có vẻ nhàm chán
Bạn luôn nói “Yes” trong mọi tình huống. Bạn luôn chiều theo ý của người khác đến mức mọi người ít khi phải thông qua ý kiến bạn. Do đó, mọi người đôi khi cho rằng bạn là người thụ động và mờ nhạt. Lịch sự là điều rất tốt, nhưng bạn cần phải thể hiện được cá tính riêng của bản thân.
2. Mọi người có thể lợi dụng sự tử tế của bạn
Nếu bạn không học cách từ chối, đồng nghiệp sẽ dần mặc định rằng bạn không-bao-giờ-nói-không. Điều này dẫn đến việc bạn sẽ phải nhận làm những thứ bạn chẳng muốn làm hoặc phải làm việc ngoài giờ cho những việc không thuộc trách nhiệm của mình. Thậm chí, một số người sẽ đánh đồng sự tử tế của bạn với sự nhu nhược. Họ nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ bạn dám đứng lên đấu tranh cho bản thân và dễ bị người khác điều khiển.
Còn nữa, khi thấy bạn sẵn sàng làm tất cả mọi việc người khác nhờ vả, điều này sẽ hình thành thói quen khiến họ nghĩ rằng việc sai bảo bạn là đương nhiên.
3. Mọi người sẽ hiểu sai về bạn
Hậu quả sau một thời gian bạn tự gắn mác “không-bao-giờ-nói-không” cho mình, bạn sẽ khó thay đổi hơn. Vì khi bạn thức tỉnh và đứng lên đấu tranh cho bản thân, hành động này trở nên sai trái đối với những người đã quen sai khiến bạn. Mặc dù sự từ chối của bạn rất có lý nhưng trong mắt họ bạn trở nên ích kỉ, bạn đã thay đổi theo hướng tiêu cực.
4. Bạn trở nên đáng nghi
Chẳng có ai luôn luôn đóng vai người tốt và cũng chẳng có ai tốt với người khác một cách vô điều kiện. Suy nghĩ thực tế này khiến nhiều người cho rằng sự tử tế của bạn là vì một lý do nào đó. Mặc dù bạn thật lòng hay không, đồng nghiệp của bạn vẫn sẽ luôn thắc mắc “Liệu bạn thật sự tử tế như những gì bạn thể hiện hay không?”.
Đôi khi chính điều này trở này rảo cản khiến mọi người nghi ngờ về bạn và hạn chế cơ hội kết thân với mọi người.
5. Bạn sẽ không được tôn trọng
Nếu bạn luôn luôn hiền hòa với mọi người, nó trở thành điều duy nhất mọi người nhìn nhận ở bạn. Có nghĩa là mọi người mặc định bạn tất nhiên phải luôn tốt với mọi người nhưng bạn không có quyền đòi hỏi sự tử tế ngược lại. Vì vậy, nếu bạn thân thiện với ngay cả những người không thân thiện với bạn, bạn sẽ không bao giờ nhận được sự tôn trọng mà bạn mong muốn.
6. Bạn đang lãng phí thời gian của mình
Nếu bạn dành tất cả thời gian làm việc của mình để giúp những người khác xử lý công việc của họ, bạn sẽ chẳng còn thời gian để tập trung vào những công việc của chính mình.