7 thói quen giúp Jeff Bezos xây dựng thành công đế chế Amazon
Từ một ý tưởng được nuôi dưỡng trong nhà để xe, Amazon đã trở thành một trong những công ty thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Đâu là bí quyết giúp Jeff Bezos xây dựng thành công đế chế tỷ đô này?
Jeff Bezos-CEO Amazon.
Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu tại một nhà để xe. Bên trong đó, có một người đàn ông được bao quanh bởi những chiếc hộp. Có hàng trăm cuốn sách được xếp gọn gàng, ngăn nắp trong những chiếc hộp này. Nhiều người sẽ thắc mắc là ông ta làm gì ở trong đó? Có 2 gợi ý giúp bạn trả lời câu hỏi: thứ nhất đây là năm 1994 và thứ hai người đàn ông trong nhà để xe chính là Jeff Bezos.
Tại đó, Bezos đang đặt nền móng cho việc thay đổi cách mọi người mua sắm mãi mãi. Ông gọi phát minh của mình là “Everything Store” (Cửa hàng vạn món)- một nơi mà với sức mạnh của Internet, mọi người có thể mua sắm bất cứ thứ gì mình cần.
Hai mươi năm sau, ‘Cửa hàng vạn món’ đã thành hiện thực. Hiện nay nó có giá trị 150 tỷ USD và lần lượt phá vỡ hết ngành công nghiệp này đến ngành công nghiệp khác. Tên của nó là Amazon.com
Điều gì đã khiến một ý tưởng được nuôi dưỡng trong một nhà để xe phát triển thành một trong những doanh nghiệp thành công nhất hiện nay?. Đó chính là sự tận tâm, đổi mới và 7 thói quen thành công.
Thói quen 1: Tập trung vào khách hàng
Lợi thế rõ ràng nhất của một công ty kinh doanh trực tuyến là nó có thể đo lường được hành vi của khách hàng. Và chính sự đo lường là điều Bezos và Amazon luôn chú trọng: trong những năm qua, công ty đã thêm vào những tính năng mới với mục đích duy nhất là khiến khách hàng hạnh phúc, và từ đó giúp tăng doanh số bán hàng.
Lấy ví dụ về tính năng đánh giá sách của Amazon.com. Mặc dù lúc đầu các nhà xuất bản không hài lòng với việc Amazon cho phép mọi người phê bình sách. Amazon vẫn khuyến khích khách hàng đăng tải suy nghĩ của mình, cho dù suy nghĩ đó tích cực hay tiêu cực. Khách hàng muốn chia sẻ quan điểm của mình và cũng thích đọc ý kiến của người khác. Đánh giá hiện nay là một trong những khía cạnh đáng tin cậy nhất của thương mại điện tử hiện đại.
Sự hài lòng của khách hàng chính là cốt lõi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Không ngừng tìm kiếm những điều khiến khách hàng của bạn mỉm cười và luôn luôn đổi mới dựa trên nhu cầu của họ.
Thói quen 2: Hãy tiết kiệm
Amazon bắt đầu hoạt động trong một không gian đơn giản tại bang Washington và hoạt động trên thị trường với biên độ tối thiểu. Amazon gắn liền với văn hóa tiết kiệm và có vẻ như nó đã giúp công ty tập trung vào điều quan trọng nhất: khách hàng và sự đổi mới.
Sự tiết kiệm ở Amazon thể hiện ra sao? Một số ví dụ như các nhân viên tự trả tiền cho các món ăn nhẹ và chỗ đậu xe. Khi đi du lịch, họ ở phòng đôi, với phong cách trại hè. Đội ngũ nhân viên làm việc dài, chăm chỉ và thông minh-và không có sự thỏa hiệp nào cho bất kỳ một trong 3 điều này.
Đôi khi thành công không đòi hỏi điều gì đặc biệt. Một nghiên cứu chỉ ra rằng từ chối những điều xa xỉ lại có thể cải thiện sự sáng tạo và tăng cường sự tập trung.
Thói quen 3: Thực hiện quy tắc của riêng bạn
Nếu bạn luôn ghét những bài luận ở trường học, Amazon có thể không phải là nơi dành cho bạn.
Ban đầu, Amazon đưa ra một quy định là bất cứ ai muốn đề xuất một ý tưởng mới phải trình bày những suy nghĩ của mình vào một tài liệu dài sáu trang giấy. Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, những người tham gia, bao gồm cả Bezos phải mất thời gian đọc và phân tích 6 trang báo cáo.
Một quy tắc khác của Bezos là ‘Hai chiếc bánh pizza’. Tức là nhân sự của một nhóm chỉ vừa đủ để ăn hết 2 cái bánh pizza. Theo Bezos, các nhóm quá lớn sẽ hoạt động không hiệu quả. Vì vậy, công ty chia thành các nhóm độc lập với 10 thành viên hoặc ít hơn để thực hiện nhiệm vụ khiến cho khách hàng của mình hạnh phúc.
Việc sử dụng các phương pháp lạ lùng nhưng đem lại hiệu quả cao là điều bình thường trong việc kinh doanh hàng ngày. Do đó, bạn không phải lo lắng nếu làm điều gì đó đáng ngạc nhiên.
Thói quen 4: Tập trung vào tương lai – và hai năm kể từ bây giờ
Bezos khởi động Amazon với trò chơi lâu dài trong tâm trí-một trò chơi chấp nhận thua lỗ ngắn hạn không phải ai cũng thích. Các e-book là một ví dụ điển hình: khi sách điện tử đầu tiên xuất hiện trên thị trường, hầu hết các nhà xuất bản bán với mức giá tương ứng với các ấn bản in của họ.
Tuy nhiên, Bezos dự đoán rằng trong dài hạn giá của chúng sẽ là 10 USD, vì vậy ông bắt đầu bán e-book với giá 9.99 USD. Lúc đó, công ty đã lỗ khoảng 5 USD cho mỗi cuốn e-book. Nhưng sau này, khi giá sách điện tử giảm Amazon lại trở thành điểm dừng chân đầu tiên cho những người đọc e-book. Với chiến lược đáng kinh ngạc này, Bezos cũng đặt nền móng cho thành công lớn nhất của công ty- máy đọc sách Kindle.
Mặc dù có những thứ không phổ biến ở thời điểm hiện tại, nhưng một quyết định khó khăn bây giờ lại có thể giúp bạn gặt hái những phần thưởng đáng kể trong tương lai. Vì vậy, hãy luôn luôn hành động vì lợi ích của sự thành công lâu dài.
Thói quen 5: Chấp nhận rủi ro
Trước khi ý tưởng lớn trong nhà để xe của mình cất cánh, Jeff Bezos đã có một công việc an toàn tại một quỹ đầu tư. Nhưng ông từ bỏ nó, thành lập một cửa hàng và bỏ hết số tiền tiết kiệm của mình để biến ‘Everything Store’ thành hiện thực.
Trong trường hợp này, chấp nhận rủi ro đã đem lại phần thưởng xứng đáng, một bài học đã chỉ ra cách Amazon hoạt động cho đến ngày nay. Sẵn sàng mạo hiểm cũng có thể dẫn đến thất bại như Amazon Actions khi nó không thể cạnh tranh nổi với eBay. Nhưng dù sao nó cũng đã tạo ra được thành công vang dội với tính năng mua chỉ bằng 1 click chuột và nhiều cải tiến khác.
Để xây dựng một nền văn hóa sáng tạo và chấp nhận rủi ro, Bezos đã tạo ra giải thưởng ‘Just do it’ ( Hãy làm thế)-cho những nhân viên đã cố gắng thử và thành công và cho cả những người cố gắng nhưng thất bại. Thông điệp cốt lõi là việc chấp nhận rủi ro thì luôn tốt hơn việc quá sợ hãi để thay đổi.
Chấp nhận rủi ro là điều cần làm. Hơn một nửa số lần bạn sẽ thất bại nhưng nếu thành công, bạn sẽ thành công lớn.
Thói quen 6: Quyết định với dữ liệu
Nếu bạn được sinh ra sau năm 1985, bạn có thể không nhận ra rằng Amazon đã bắt đầu là một cửa hàng sách. Việc lựa chọn sản phẩm ban đầu không phải là tình cờ ngẫu nhiên mà là kết quả của sự logic và thực tế. Sách có thể được vận chuyển mà không bị vỡ, hiếm khi bị trả lại và không bao giờ hết hạn. Trong ngắn hạn, sách là sản phẩm lý tưởng cho thương mại điện tử.
Gần như mọi khía cạnh của thương mại và khách hàng là hành vi định lượng. Vì vậy, đòi hỏi Bezos phải đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu. Các cuộc họp diễn ra với dữ liệu, chứ không phải những chuyện vặt về khách hàng.
Khi đưa ra quyết định, đầu tiên hãy xem xét dữ liệu. Con người có thể làm sai nó nhưng các con số không bao giờ biết nói dối.
Thói quen 7: Hãy cứ khát khao
Amazon bắt đầu với sách, rồi chinh phục âm nhạc, phim ảnh, thiết bị điện tử và đồ chơi. Tiếp đến là Kindle và cùng với nó, họ đã khẳng định được vị thế. Bạn có biết rằng các dịch vụ Amazon Web cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho các doanh nghiệp lớn, chính phủ Mỹ và thậm chí NASA?
Điều gì đã xảy ra? Nó chắc chắn không đến từ sự thỏa mãn của Bezos. Ngược lại, ông tin rằng không có các sản phẩm và dịch vụ nào của Amazon là không thể bán được. Trong thời gian sớm, công ty sẽ có đội giao hàng riêng của mình, trở thành một công ty xuất bản và truyền thông phương tiện, thậm chí là cung cấp dịch vụ in ấn 3D. Đối với Bezos, tương lai có rất nhiều khả năng, cơ hội và sáng tạo-và ông luôn khao khát tất cả những gì nó mang lại
Con đường dẫn đến sự thành công được lát bằng sự không thỏa mãn. Không bao giờ chấp nhận tình trạng hiện tại hay nói “Tôi đã làm đủ”. Thay vào đó, hãy tìm kiếm sự tăng trưởng tiềm năng và phát triển.
Theo NDH/Business Insider